PHÁP LUẬT
Câu chuyện thi cử ở Hà Giang đang gây tổn thương sâu sắc cho xã hội, mà trước hết là cho chính các thầy, cô giáo và những ai tâm huyết với giáo dục khi nó chà đạp lên tất cả những gì người thầy cố gắng mang lại: Kiến thức, lẽ công bằng, sự tôn vinh tri thức.
Buổi họp báo chiều 17-7 công bố vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Bằng sự móc ngoặc giữa phụ huynh với những người làm quản lý giáo dục, nó đốn gục sự tôn trọng của những đứa trẻ mới ra đời về người lớn nếu chứng kiến phụ huynh là các quan chức can thiệp điểm cho con. Dù chưa có kết luận điều tra cuối cùng nhưng bằng việc sửa điểm để những thí sinh được tăng thêm tới mấy chục điểm, gấp nhiều lần số điểm các em được hưởng, nó bỡn cợt một cách thô lậu những cha mẹ thiện lương tần tảo nuôi con ăn học.
Bằng kết quả điểm thi trên trời của những học sinh yếu kém, nó nhục mạ những học sinh chăm chỉ và tôn vinh những đứa được can thiệp nâng điểm. Nó cười khẩy và vứt bỏ những gì chúng ta muốn, cũng là mục tiêu giáo dục con người về việc xây dựng cho người trẻ ý thức đi lên bằng đôi chân và sự cố gắng của mình.
Bằng sự bẽ bàng, đau xót, phẫn uất trước kỳ thi quan trọng nhất, nó nói rằng việc quan chức và những nhà làm quản lý giáo dục để tất cả điều đó xảy ra và mới đây tuyên bố kỳ thi thành công là nói không thật!
Với những gì mà sự kiện Hà Giang mang đến, nó chà đạp niềm tin và nhiều giá trị của xã hội chứ không chỉ là sự bất công của một kỳ thi.
Rất tiếc, tất cả điều mất kể trên, lẽ ra phải là những điều mà với thiên chức của mình, ngành giáo dục phải góp phần quan trọng để mang lại cho xã hội.
Bẽ bàng thay!
ĐỨC HIỂN
No comments:
Post a Comment