Wednesday, June 14, 2017

Vụ tàu vỏ thép: "Máy hỏng, phải thay máy mới cho dân"!

Công an đã vào cuộc vụ tàu vỏ thép (Thứ Năm, ngày 15/6/2017 - 02:40)


Thứ Tư, ngày 14/6/2017 - 02:45


(PL)- Nhiều ngư dân Bình Định ôm nợ hàng chục tỉ đồng, không biết lấy gì sinh sống khi tàu vỏ thép bị hư hỏng, không thể ra khơi nhiều tháng qua.


“Tui cắn răng vay gần 20 tỉ đồng cùng toàn bộ gia sản, đóng con tàu lớn này với mong muốn gia đình làm ăn đỡ cực hơn! Không ngờ bây giờ con tàu hư, nằm bờ mấy tháng nay, cả gia đình tui ôm cục nợ mà không biết lấy gì làm ăn, sinh sống! Sao khổ quá vậy chú?”. Ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245, giọng nghẹn ngào nói với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-6.

Lỗ cả trăm triệu đồng, may còn giữ được mạng

Con tàu vỏ thép của ông Sơn do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là Công ty Nam Triệu, thuộc Bộ Công an) đóng với giá gần 20 tỉ đồng. Trong đó, ông Sơn vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 19 tỉ đồng, ông bán tàu cũ và gom góp thêm gần 1 tỉ đồng.

Ông Sơn kể: Chuyến đi biển đánh bắt đầu tiên của con tàu này xuất bến ngày 25-3. Chỉ sáu ngày sau thì tàu bị hỏng máy, phải quay về, làm gia đình ông Sơn bị lỗ gần 200 triệu đồng. Chuyến thứ hai, sau khi đi được 10 ngày, đến ngày 8-5 thì tàu bị gãy trục chính của máy, phải thả trôi tự do trên biển. Gia đình ông Sơn phải thuê hai tàu ở Bình Định, Thanh Hóa kéo vào bờ với chi phí 120 triệu đồng và bị lỗ hơn 200 triệu đồng.

Từ đó đến nay tàu phải nằm ở TP Quy Nhơn để chờ sửa chữa. “Trong hợp đồng đóng tàu, riêng phần máy tàu là máy mới, chính hiệu Doosan của Hàn Quốc, có giá 2,7 tỉ đồng. Vậy mà mới đi vài ngày đã hỏng mấy lần. May mà còn giữ được tính mạng 12 ngư dân tụi tui trên tàu” - ông Sơn uất ức.

Mấy tháng nay, ngày nào ông Sơn cũng chạy đôn chạy đáo khắp các cơ quan để kiến nghị, yêu cầu sửa chữa tàu cho ông đi đánh bắt. Thế nhưng con tàu vẫn nằm đó, hằng ngày ông Sơn phải thuê người trông giữ, trong khi nhiều thiết bị bắt đầu xuống cấp. Mệt mỏi đứng trên con tàu đang nằm ì, ông Sơn nói giọng chán nản: “Từ ngày bán tàu cũ đến nay, gia đình không còn phương tiện gì để làm ăn, không kiếm được đồng nào. Tui phải chạy tìm chỗ gửi cho 12 bạn thuyền đi biển kiếm tiền sinh sống. Gần hai tháng nữa là tui bắt đầu phải trả lãi, không biết lấy gì để đóng cho ngân hàng!”.

Cùng số phận với tàu ông Sơn, con tàu BĐ 99004 có công suất 811 CV của ông Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cũng đang nằm bất động tại cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát trong sự bất lực của ngư dân. Con tàu này chỉ mới bàn giao cho ông Lý chưa được 10 tháng nhưng đã bị rỉ sét trầm trọng khắp thân tàu, vỏ tàu; nhiều thiết bị cũng hư hỏng nặng.

“Ngay trong chuyến đi biển đầu tiên, tàu đã bị trục trặc. Đến khi tàu bị hỏng nặng, tui liên tục gọi điện thoại để yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương vô sửa chữa nhưng họ không nghe máy. Mãi gần một tháng sau họ mới xuất hiện. Vừa rồi thì các cơ quan chức năng đã xác định Công ty Đại Nguyên Dương đã tự ý đóng tàu của tui bằng thép Trung Quốc, thay vì thép Hàn Quốc như hợp đồng” - ông Lý bức xúc.

Nhìn ra biển với ánh mắt vô vọng, ông Lý đầy lo âu: “Mùa này đang là cao điểm đánh bắt nhưng cả gia đình, anh em bà con của tui phải bó gối ngồi nhà, không kiếm được một đồng. Đóng xong chiếc tàu này, gia đình tui nợ ngân hàng 13,6 tỉ đồng. Sau bốn chuyến biển, gia đình tui nợ thêm gần 500 triệu đồng. Giờ gia đình tui nợ ngập đầu”.


Ngư dân Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định) lo lắng, bức xúc bên con tàu vỏ thép gần 20 tỉ đồng của mình phải nằm bờ nhiều tháng nay. Ảnh: TẤN LỘC 


Thành viên tổ thẩm định độc lập kiểm tra một máy tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng bị hỏng nặng. Ảnh: TL

Bên chịu thay máy mới, bên không

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho biết dự kiến ngày 14-6, đại lý phân phối máy Doosan tại Việt Nam cùng nhân viên kỹ thuật người Hàn Quốc của hãng máy này sẽ đến Bình Định để thay thế linh kiện cho máy tàu bị hỏng của ông Trần Đình Sơn (chứ không thay máy mới, vì theo đại diện của nhà cung cấp máy Doosan cho Công ty Nam Triệu - Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là chỉ thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng - PV). Trong khi đó ông Sơn không chấp nhận thay linh kiện mà yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay máy mới.

Riêng với các tàu sử dụng máy Mitsubishi, ông Oanh cho biết Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát - đơn vị cung cấp máy Mitsubishi cho Công ty Nam Triệu đã ký hợp đồng mua chín máy mới chính hãng. Số máy mới này sẽ được lắp cho chín tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. “Hiện nay họ còn trong kho một máy nên trong tuần tới sẽ mang ra lắp trước cho tàu cá của ngư dân Bình Định, sau đó sẽ thay máy của tám tàu còn lại trong vòng ba tháng” - ông Oanh nói. Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay tiến độ lắp máy còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của Công ty Hoàng Gia Phát để mua máy mới.

Ngày 13-6, chúng tôi đã tìm nhiều cách liên hệ với ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát (gọi điện thoại, nhắn tin vào số máy riêng của ông Phong, thậm chí đến trực tiếp địa chỉ của công ty ở quận 2, TP.HCM) để trao đổi quá trình khắc phục hậu quả của công ty cho ngư dân tới đây nhưng đều không được.

“Tàu hỏng máy, bộ yêu cầu phải thay máy mới”

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh như thế khi trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội ngày 13-6 liên quan đến việc tàu vỏ thép vừa đóng mới đã hư hỏng tại Bình Định, Phú Yên. Tại phiên chất vấn này, ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định) đã đặt vấn đề về việc nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy một năm, ra khơi mới 1-2 chuyến biển mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí tàu mới đưa từ xưởng về đã bị hư hỏng máy móc, không ra khơi được mặc dù tàu này được đóng ở những cơ sở đóng tàu mà Bộ NN&PTNT cho là đủ năng lực thi công và được Trung tâm Đăng kiểm, Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng.

“Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá trong thời gian tới” - ĐB Tân hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay tổng số tàu đóng theo kế hoạch là gần 2.300 tàu, phân bổ cho 28 địa phương. Hiện đã đóng được 666 tàu, trong đó có 297 chiếc là tàu sắt. “Nhìn chung, các chuyến ra khơi của các tỉnh báo cáo về là đều phát huy tác dụng, kể cả về mặt hiệu quả và mặt an toàn” - Bộ trưởng Cường nói.

Liên quan đến việc phát hiện một số tàu bị hư hỏng trên, Bộ trưởng Cường cho hay tỉnh Bình Định có 19 chiếc hỏng. Số tàu này do hai công ty Đại Nguyên Dương (bốn chiếc) và Nam Triệu (15 chiếc) đóng. Bộ đã thống nhất với tỉnh các biện pháp, trước hết là đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của hai công ty để xảy ra tình trạng này, yêu cầu không được đóng mới để tập trung khắc phục ngay hậu quả.

“Hỏng về máy thì Bộ yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa gì. Một phương tiện đi biển như thế thì không thể nào sửa chữa được mà phải thay mới. Các tàu hỏng về sắt, thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển. Bình Định còn một tàu bị quấn chân vịt. Với tàu còn nằm ở bờ, khi chưa sửa chữa được thì công ty phải có trách nhiệm với người dân khi người dân không có thu nhập những ngày đó” - Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Cường thông tin thêm, tỉnh Bình Định đã thành lập một đơn vị thẩm định độc lập, bao gồm các cơ quan quản lý, kể cả cơ quan tư pháp, mời các chuyên gia thẩm định rõ 19 tàu này hỏng hóc gì, nguyên nhân từ đâu. Tổ thẩm định đẩy nhanh kết quả thẩm định để tới đây có số liệu cuối cùng. Tỉnh Bình Định cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc để làm rõ chỗ này. Bộ đang tiến hành phối hợp với tỉnh rất chặt chẽ để cố gắng sớm nhất trong tháng này hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chung.

“Tôi cũng yêu cầu các tỉnh rà soát lại hết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ có các biện pháp tiếp theo. Nhưng biện pháp đầu tiên là tập trung yêu cầu tất cả đơn vị liên quan khắc phục ngay. Còn trách nhiệm cụ thể, tổ tư vấn sẽ làm rất kỹ để phát hiện nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này để báo cáo Thủ tướng tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới” - ông Cường nói.

ĐỨC MINH

Tỉnh Bình Định yêu cầu hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương, ngoài khẩn trương khắc phục tất cả tàu bị hư hỏng, phải đền bù thiệt hại đối với các chủ tàu do tàu bị hư hỏng, không đi sản xuất được. Đồng thời có trách nhiệm trả lãi ngân hàng cho ngư dân trong thời gian không đi biển được. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng kiến nghị xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu được hưởng hỗ trợ lãi suất trong thời gian tàu bị hư hỏng, nằm bờ.

Ông PHAN TRỌNG HỔ, Giám đốc 
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định 

TẤN LỘC - NGUYỄN TRÀ

Xem thêm: Từ VOV

Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng: Đẩy khó xuống ngư dân?

No comments:

Post a Comment