Tuesday, August 13, 2013

“Nghĩa địa” bất động sản phía tây Hà Nội

Xã Hội

Lạnh ngắt những “nghĩa địa” bất động sản phía tây Hà Nội

Nếu như Trung Quốc – nơi bập bùng ước mơ đô thị hóa - có những “thành phố ma” nhà cửa san sát nhưng vắng người qua lại, thì không đâu xa, ngay tại Hà Nội lại có sự hiện diện của những “nghĩa địa bất động sản” lạnh ngắt với các khu nhà biệt thự được dựng lên, nhưng để cho cỏ mọc, rêu phủ, hoang hóa đến rợn người. 

 
Cách đây vài năm khi thông tin đại lộ Thăng Long sắp được đưa vào sử dụng trong dự án quy hoạch thủ đô Hà Nội lộ ra ngoài, tuyến đường đã trở thành trục phát triển nóng của bất động sản, nơi quy tụ của các dự án lớn nhỏ. Các nhà đầu tư cũng lấy cớ để đẩy giá nhà - đất lên cao. Thậm chí, có dự án khu phía Tây, giá đất tăng tới 30% chỉ trong thời gian vài tuần, bất chấp đồn đoán cho rằng có thể Hà Nội sẽ rà soát và cân nhắc lại các dự án.
 
Tại các huyện nằm bên đại lộ như Thạch Thất, Quốc Oai, hay Đan Phượng... mỗi địa phương đều có cả trăm dự án với tổng diện tích lên tới hàng nghìn ha. Thế nhưng, kết quả không như kỳ vọng khi những dự án đón đầu quy hoạch đều trong trạng thái “đắp chiếu” nằm im lìm, và hầu như không có giao dịch mua bán nào được thực hiện. Dọc hai bên đại lộ, hàng loạt dự án khác đang được triển khai cũng phải dừng lại, bị bỏ trong tình trạng hoang vu, cỏ mọc um tùm. Dân kinh doanh đã ví nơi đây như một nghĩa địa bất động sản khổng lồ.
 
Cụ thể, nằm ven đại lộ Thăng Long, khu đô thị Bắc An Khánh – Splendora từng được đánh giá là một trong những dự án “đình đám” phía tây Hà Nội mà không ít nhà đầu tư đã ra sức săn đón với lý do vị thế đẹp. Vào thời điểm năm 2010, giá giao dịch trung bình mỗi căn biệt thự tại đây vào khoảng trên 10 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, chung số phận với sự sụt giảm của thị trường, giá nhà đất ngày càng giảm, không ít nhà đầu tư đã phải khóc dở mếu dở khi trót ôm biệt thự tại đây. Trong khi đó, khách hàng cũng liên tục phản đối vì những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng hay hình thức thanh toán. Họ còn kéo nhau đến trụ sở công ty để biểu tình.
 
Bên cạnh Bắc An Khánh, dự án Nam An Khánh cũng được cho là có nhiều triển vọng khi đem lại cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà một khoản lợi nhuận khá lớn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu. Trong năm 2012, thanh tra chính phủ đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, yêu cầu cho ngừng việc triển khai dự án do có nhiều sai phạm trong hoạt động chuyển nhượng. Nhiều nhà đầu tư do hoang mang đã sẵn sàng hạ giá bán nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người mua.
 
Cùng chung số phận là dự án khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức do Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà và đô thị đứng ra làm chủ đầu tư. Được xây dựng từ năm 2008 nhưng tính đến nay, tức đã hơn 4 năm kể từ khi được khởi công, khu đô thị có diện tích gần 70 ha với hàng trăm căn biệt thự vẫn gần như ở tình trạng trống trơn không người đến sinh sống. Người dân sống gần khu đô thị cho biết phần lớn người ta không hứng thú với việc chuyển đến đây ở vì dự án không có sự kết nối với các hạng mục  khác về cơ sở hạ tầng, điều này sẽ khiến cuộc sống của người dân gặp  nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyện học hành của trẻ nhỏ, mua sắm và chữa bệnh. Không những vậy, có nhiều khu đất sau khi được chuyển cho các chủ đầu tư khác còn bị bỏ hoang, không được triển khai xây dựng. Đây cũng là dự án khu đô thị với hàng loạt các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng mà cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra.
 
Cũng được khởi công vào năm 2008, dự án khu đô thị mới Dương Nội (thuộc quận Hà Đông của tập đoàn Nam Cường) với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013 trên diện tích hàng trăm ha. Thế nhưng, hiện các công trường vẫn khá im ắng, phần lớn các khu đất đều đã bị bỏ hoang trong suốt 2-3 năm trở lại đây. Một số người dân địa phương cho biết, thấy đất bị bỏ không, ai cũng tiếc nên nhiều người đã tận dụng để trồng bầu bí, có người còn mua trâu bò về thả vì cỏ ở đây rất tốt!.
 
Bên cạnh đó, không ít dự án khu đô thị khác trên địa bàn Hà Nội cũng chung cảnh ngộ, điển hình là dự án khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng), dự án khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất), hay dự án khu đô thị Đông Xuân (Quốc Oai)... đều được cho phép triển khai từ vài năm trước nhưng cho đến nay vẫn chưa có người đến ở, hoặc đang trong thời gian tạm ngừng xây dựng.
 
Kết quả của một sự đầu tư tràn lan xuất phát từ việc các chủ đầu tư bằng cách này hay cách khác xin được đất dự án khá dễ dàng, và cũng chẳng khó khăn gì để huy động vốn ngân hàng  mà tất cả các bên cùng bất chấp bài toán quy hoạch cũng như khả năng hấp thụ của thị trường. Những thảm cảnh về bất động sản đang bày ra ở phía Tây thành phố là cái giá tất yếu mà các nhà đầu tư bất động sản, ngân hàng phải trả. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tận cùng của cơn ác mộng mang tên bất động sản, mọi hệ quả vẫn đang chờ đón ở phía trước.
 
An Nhiên
Tổng hợp

Những biệt thự bạc tỷ chỏng chơ giữa lòng Hà Nội

Hết báo cáo này đến quy định nọ, hết yêu cầu ban xuống rồi lại đến áp chế nộp thuế tung ra, những căn nhà tiền tỷ vẫn tiếp tục bị bỏ hoang, rêu xanh và tàn tạ như muốn trêu ngươi cả cái khu đất được mệnh danh “nhà giàu” này.
Từ nhiều năm trở lại đây, UBND thành phố Hà Nội đã phân vùng, xác định và có yêu cầu xử lý đối với nhiều trường hợp các khu nhà biệt thự bỏ hoang rải rác khắp các tuyến phố lớn nằm trong những khu đô thị có vốn đầu tư bạc tỷ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, những khu nhà bỏ hoang này vẫn cứ tồn tại theo hướng hài kịch hóa hiện thực với những “thiên chức” mới mà chẳng mấy ai ngờ được.
 
Sống Mới đã ghi lại những hình ảnh vừa xót xa, nhưng cũng không kém phần nực cười như vậy.
 
 
Tại khu đô thị Văn Quán, hàng loạt căn biệt thự bị bỏ hoang đã lâu ngày.
 
Nếu không được "tận dụng" để trồng rau...
 
Thì là nơi trú ngụ của... ve chai, đồng nát.
 
Những ngôi nhà bạc tỷ nếu không thành... rừng rậm vì rêu phong phủ kín,…
 
Thì cũng sớm thành chỗ lý tưởng cho các bà nội trợ ngày ngày phơi áo, hong quần.
 
Nhà thì to và đồ sộ, nhưng chưa xây xong đã phải vội vàng rao bán.
 
 
Khu đô thị Mỹ Đình cũng có rất nhiều biệt thự rơi vào tình cảnh tương tự.
 
 
Để đầu tư xây dựng những tòa nhà đồ sộ như thế này, chủ nhân của nó
hẳn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ.
 
Nhưng rồi lại để chúng hoang sơ, không thành vườn dây leo thiên nhiên,
thì cũng nhanh chóng được tận dụng để trồng… rau sạch.
 
 
Nếu không được biến thành đất canh tác, thì những căn biệt thự này lại
trở thành “trung tâm môi giới”, nơi đăng tải muôn vàn các loại quảng
cáo một cách vô tội vạ.
 
 
Liệu đến bao giờ thì những hình ảnh như thế này sẽ không còn làm
“xấu mặt” thủ đô nữa?
 

No comments:

Post a Comment