|
Hàng loạt máy nông nghiệp như máy canh tác, máy chế biến, thiết bị
bảo quản... sản phẩm trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu thị trường, còn
lại là máy nhập khẩu. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
(TBKTSG) - Số phận của Vinaxuki có vẻ đang trở thành định mệnh chung của ngành công nghiệp ô tô 20 năm tuổi của Việt Nam.
Số phận Vinaxuki
Ông Bùi Ngọc Huyên chậm rãi bước những bước nhỏ nặng nề. Trước mặt
người đàn ông 73 tuổi, tóc bạc trắng là cả khu nhà xưởng ô tô rộng lớn,
im lìm. Cả nhà máy ô tô Xuân Kiên, ngụ tại địa phận tỉnh Vĩnh Phúc từng
náo nhiệt một thời, nay lặng như tờ. Bên ngoài, những khóm hoa, cỏ dại
đang mọc lên um tùm; bên trong, những khung xe ô tô chất đống và bắt đầu
gỉ sét. Từ xa, thi thoảng mới vang lại tiếng động của những phụ tùng ô
tô va vào nhau khi được vài người công nhân ít ỏi cuối cùng xếp lại. Khẽ
thở dài, ông nói: “Tất cả còn nguyên đây, mà chúng tôi đang khó khăn
quá”.
Năm 2004, Vinaxuki Xuân Kiên của ông Kiên được cấp phép. Nhiều người,
trong đó có ông, từng hy vọng rằng, những doanh nghiệp tư nhân này sẽ
đặt lại những viên đá tảng đầu tiên cho ngành công nghiệp ô tô trong
nước, khi thị trường vẫn do các nhà lắp ráp Nhật Bản thống trị. Mọi
chuyện tương đối thuận lợi đối với doanh nhân từng là tài xế xe tải
nhiều năm trong chiến trường khu B.
Đến giai đoạn 2009-2012 ông Kiên đã hiện đại hóa nhà máy và xây dựng
thêm nhà máy xe tải ở Thanh Hóa. Xưởng rập làm khuôn, hệ thống cắt
laser, bể sơn, và nhiều thiết bị khác của Vinaxuki được ông mô tả là
“hiện đại nhất Việt Nam”. Lúc đó, ông đang hướng đến tỷ lệ nội địa hóa
55%, một mức kỷ lục mà không một nhà lắp ráp ô tô nào ở Việt Nam có
được. Nhiều xe tải của Vinaxuki đã được thị trường chấp nhận.
Nhưng, cuộc đời không đẹp như mơ. Cách quản trị theo kiểu gia đình,
chính sách công nghiệp và thuế má ít thân thiện, đặc biệt là cuộc “khủng
hoảng” lãi suất ngân hàng vừa qua đã đè bẹp giấc mơ của ông Kiên. Dù có
tới 12 văn bản của Chính phủ yêu cầu các bên “hỗ trợ”, nhưng không ai
giúp được ông. Nhà máy từng một thời đầy ắp người, nhộn nhịp xe vào ra,
nay trống trơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói một cách xót xa:
“Thời bao cấp chúng ta còn có rất nhiều nhà máy cơ khí, làm
nhiều việc lớn. Bây giờ tất cả các nơi đó biến thành khu đô
thị. Sản xuất nền tảng của đất nước ngày càng mất đi”. |
Số phận của Vinaxuki có vẻ đang trở thành định mệnh chung của ngành
công nghiệp ô tô 20 năm tuổi của Việt Nam. Người ta lo ngại rằng, các
nhà lắp ráp tên tuổi nước ngoài sẽ nhập khẩu xe về thị trường này khi
mức thuế nhập khẩu xe từ ASEAN giảm về 0% vào năm 2018. Tỷ lệ nội địa
hóa xe con mới chỉ dưới 10% đến nay, trong khi mục tiêu đặt ra là 60%
vào năm 2010. Rốt cuộc, cái gọi là ngành sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ
biến mất. Tiên đoán này nghe có vẻ có cơ sở khi lượng tiêu thụ xe nhập
khẩu ngày càng tăng, và chính sách thuế má tiếp tục hạn chế thị trường.
Số phận giấc mơ công nghiệp hóa
Vinaxuki, hay ngành công nghiệp ô tô thực ra chỉ là một phần nhỏ trong
câu chuyện chính sách công nghiệp hóa mà Việt Nam theo đuổi, theo các
nhà kinh tế. Hàng loạt nhà máy quốc doanh từng là biểu tượng công nghiệp
ở miền Bắc đã hoàn toàn biến mất như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt
8-3, hay Nhà máy Ô tô 3-2, các doanh nghiệp bất động sản. Bộ trưởng Kế
hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói một cách xót xa: “Thời bao cấp
chúng ta còn có rất nhiều nhà máy cơ khí, làm nhiều việc
lớn. Bây giờ tất cả các nơi đó biến thành khu đô thị. Sản
xuất nền tảng của đất nước ngày càng mất đi”.
Ngành công nghiệp cơ bản là cơ khí, chế tạo từng xuất hiện và phát
triển ở miền Bắc trong thời kỳ bao cấp và chiến tranh, thật đáng tiếc,
lại ngày càng thui chột đi ngày nay.
Theo ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
Trung ương, dù có chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia từ năm 2002,
nhưng giá trị của toàn ngành cơ khí trong nước mới đạt hơn 263.000 tỉ
đồng, đáp ứng được hơn 31% nhu cầu, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu
là phải đáp ứng được 40-50% nhu cầu trong nước. Giá trị nhập khẩu của
ngành cơ khí đã tăng từ mức 8,7 tỉ đô la Mỹ năm 2006 lên 26,5 tỉ đô la
Mỹ năm 2014.
Theo một báo cáo của Bộ Công Thương mà ông Bá trích dẫn trong một tài
liệu nghiên cứu gần đây với hàng loạt máy nông nghiệp như máy canh tác,
máy chế biến, thiết bị bảo quản... sản phẩm trong nước mới đáp ứng 30%
nhu cầu thị trường, còn lại là máy nhập khẩu. Người Việt Nam cũng chưa
thiết kế, chế tạo được hoàn chỉnh các loại máy có độ phức tạp cao, như
máy xúc, máy ủi, máy đào, máy san, xe lu, máy rải thảm bê tông nhựa, toa
xe lửa...
Hệ lụy của tình trạng này là cực lớn. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc làm tổng
thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án
xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện, và rất nhiều dự án giao thông. Một cách
bất lực, ông nói: “Người Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án
công nghiệp ở Việt Nam”. Hiệp hội này từng gửi nhiều báo cáo lên các cấp
có thẩm quyền về tình trạng này, nhưng khó mà đảo ngược tình thế khi
ngành cơ khí nội địa đã teo tóp đến vậy.
Một đại diện của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama nói trên một tờ
báo gần đây: “Ở ta, vật liệu cơ bản không sản xuất được. Chúng tôi làm
tổng thầu EPC nhiều công trình thì hầu hết đều phải nhập khẩu gần như
100% vật liệu”. Ông nói: “Kể cả những máy móc nói là của Việt Nam như
thiết bị nâng, cẩu trục Quang Trung, bơm Hải Dương, máy biến áp điện...
thì vật liệu cũng đều là nhập khẩu cả. Chính vì phụ thuộc nhập khẩu, giá
thành cao quá, nhiều doanh nghiệp trong nước không chen chân nổi trong
đấu thầu”.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt
hậu 2-3 thế hệ so với trung bình thế giới, theo một nghiên cứu của ông
Bá được dựa trên báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo báo cáo này,
76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thế hệ 1950-1960; 75% số thiết
bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang; tính chung, thiết bị hiện đại
10%, trung bình là 38%, lạc hậu và rất lạc hậu là 52%; tỷ lệ sử dụng
công nghệ cao chỉ 2% so với 31% của Thái Lan; 51% của Malaysia và 73%
của Singapore.
Nhìn thẳng vào sự thật
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái, giấc mơ công nghiệp hóa đất
nước của người Việt Nam được khởi nguồn trong các văn kiện Đảng từ những
năm 1960, và được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội X (4-2006): “Tạo nền
tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo
hướng hiện đại”. Đến nay, mong ước phát triển công nghiệp lại được nhắc
lại trong dự thảo văn kiện Đại hội XII. Tại trang 23 của dự thảo Báo cáo
chính trị đã nêu phương hướng và nhiệm vụ về phát triển công nghiệp:
“...phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo,
công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ
khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc
phòng, an ninh. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh;
công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng
lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát
triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hóa.
Tiếp tục phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao
động...”.
Là người từng góp ý cho nhiều văn kiện trước đây, ông Thái cho rằng
“mục tiêu như vậy là quá tràn lan, quá rộng, chẳng còn gì là ngành ưu
tiên nữa”. “Nhưng trên tất cả, chúng ta đã ưa dùng những mỹ từ mà không
nhìn thẳng vào sự thật”, ông Thái nói.
Dù sao, ông Bùi Ngọc Huyên vẫn nuôi hy vọng của riêng mình. “Tôi sẽ làm
đến hơi thở cuối cùng”, ông nói, nhấp một ngụm trà trong khu văn phòng
vắng lặng. Lời nói của ông vẫn còn đầy nhiệt huyết, nhưng ánh mắt của
ông, một người đã 73 tuổi, thì không. Thật đáng buồn.
|
No comments:
Post a Comment