Đừng chờ xếp ghế xong mới hành động!
Cập nhật : 01:00 | 24/03/2016- Áp lực từ các cam kết hội nhập đẳng cấp cao khiến chúng ta không thể lẩn tránh được nữa. Cả bộ máy phải hành động với tinh thần chuẩn bị năng lực để đáp ứng thách thức ngay từ bây giờ. Nếu cứ chờ đợi ngồi vào ghế xong xuôi mới làm thì đất nước phải trả giá đắt cho sự chậm trễ này.
Phần 1: Cơ hội có một không hai cho Việt Nam
Phần 2: Tham tốc độ, Việt Nam tụt hậu đến bao giờ?
VietNamNet giới thiệu phần cuối bàn tròn: Cơ hội vượt thoát từ hội nhập với những kiến nghị chính sách cụ thể của doanh nhân Nguyễn Liên Phương, GSTS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế VN và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN.
Đóng gói nền nông nghiệp đưa ra thế giới
Nhà báo Việt Lâm: Chúng ta đã bàn khá nhiều về cơ hội và nhu cầu đòi hỏi phải tìm ra một con đường, một mô hình phát triển mới cho Việt Nam khi hội nhập đẳng cấp cao. Để làm được điều đó đòi hỏi giới lãnh đạo và giới tinh hoa phải thực sự có những cuộc thảo luận nghiêm túc. Trong khuôn khổ bàn tròn hôm nay, các vị khách mời có đề xuất gì không?
Ông Nguyễn Liên Phương: Để xây dựng mô hình phát triển thương hiệu hàng hóa và dịch vụ cho VN hội nhập được với thế giới thì tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của hai chủ thể tham gia. Một là giới doanh nhân. Doanh nhân chứ không phải doanh nghiệp vì thương hiệu nó gắn liền với cá nhân. Phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân có năng lực hội nhập thực sự, những người có hoài bão, quyết tâm và năng lực để xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ mang tên Việt Nam. Thứ hai là hệ sinh thái về chính sách để các doanh nhân thực hiện được khát vọng ấy.
Nói về lợi thế, VN chỉ có hai thứ thôi. Ai cũng biết thiên nhiên của mình đẹp như thế nào nhưng việc đóng gói cái thiên nhiên này để trình diễn với thế giới lại rất khó khăn vì chúng ta vướng vào những lề thói, ứng xử tùy tiện. Cho nên đất nước thì đẹp thế mà năm 2015 chỉ đón được 8,5 triệu lượt khách. Còn Thái Lan, thiên nhiên chưa chắc đẹp hơn VN mà đón gần 30 triệu khách mỗi năm. Xóa được khoảng cách này kỳ công lắm, nó đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt những vấn đề lớn về hạ tầng.
Lợi thế thứ hai mà ít ai chú ý đến chính là ngành nông nghiệp của VN. Chúng ta hoàn toàn có thể đóng gói những sản phẩm đặc sản của Việt Nam và bán ra khắp thế giới được chứ. Xin thưa, những gì chúng ta đang bán hiện nay chỉ là hàng thô hay sơ chế thôi.
Mà thân phận người đóng bao sơ chế và người đóng gói thành phẩm cuối cùng khác nhau một trời một vực. Đơn cử một ví dụ. Mỗi năm, VN xuất khẩu 300.000 tấn cà phê sang Đức với giá 2,5USD/1kg. Rồi người Đức đóng gói cà phê đó dưới các nhãn hàng như Davidoff và bán trong các siêu thị của VN với giá 10USD/100g, tức là 100 USD/1kg. Nói ra để thấy sự chênh lệch khủng khiếp đến mức nào.
Việt Lâm: Tôi nghĩ các doanh nghiệp VN cũng nghĩ đến điều này rồi chứ vì không ai muốn mãi ở vị trí gia công giá rẻ cả. Nhưng làm thế nào để có được đội ngũ có năng lực đóng gói như ông nói?
Ông Nguyễn Liên Phương: Chúng ta chưa tìm được một thương hiệu VN nào có thể được bầy trên các kệ hàng quốc tế bởi vì chúng ta chưa hiểu và chưa có chính sách gì đầu tư cho lựa chọn ấy. Lâu nay, chúng ta vẫn cổ xúy cho cái gọi là năng suất, tức là cứ đóng bao xuất được càng nhiều càng tốt. Chưa ai chú ý đến việc phải chuyển từ đóng bao sang đóng gói và xây dựng một hệ thống toàn cầu cho những đặc sản VN.
Đây là một lựa chọn đầu tư một lần cho cả nhiều đời. Bởi nông sản thực phẩm có cái hay là một khi đã hợp khẩu vị của một thị trường thì rất bền, chẳng lo thay đổi công nghệ, giống như phở, nem hay bánh mỳ kẹp của VN đã thành thương hiệu toàn cầu vậy.
Mà thực ra đầu tư cho một dây chuyền đóng gói đẳng cấp về nông sản, thực phẩm chỉ mất khoảng 30-50 triệu USD là rất hiện đại rồi, trong khi một dây chuyền gia công phụ tùng, linh kiện nào đó phải đầu tư đến hàng trăm triệu USD. Đó là chưa kể công nghệ thay đổi chóng mặt nên có khi vài năm sau dây chuyền đó đã thành lạc hậu.
Suốt 3 năm qua, tôi có điều kiện nghiên cứu sâu về ngành công nghiệp đóng gói của thế giới. Tôi mới thấy là chúng ta hoàn toàn có thể khai thác lại nền sản xuất của Trung Quốc hiện nay đang suy giảm mạnh, để họ phụ trợ cho chúng ta việc đóng gói. Ngay những hãng hàng đầu thế giới như đồng hồ Thụy Sĩ cũng đang đặt làm bao bì tại Trung Quốc. Nói tóm lại, việc đóng gói ngành nông nghiệp để trình diễn nó với thế giới không phải là việc gì quá phức tạp, không đòi hỏi vốn đầu tư lớn hay nghiên cứu gì về công nghệ cả bởi công nghệ chế biến của thế giới đã đạt được những thành tựu lớn rồi.
Vấn đề nằm ở chỗ bản thân doanh nhân có mang khát vọng đó không? Hiện nay, đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng họ đang vô cùng cô đơn, nếu không muốn nói là cô độc. Nhà nước nên tập hợp và khuyến khích họ, coi đó như là một sứ mạng với nền kinh tế, với đất nước. Và Nhà nước phải tạo ra một hành lang pháp lý để tạo thuận lợi tối đa cho những sản phẩm này đi ra thế giới.
Tại sao chúng ta bàn rất nhiều về việc xây dựng các đặc khu kinh tế mà lại không thể xây dựng một hành lang pháp lý riêng cho những doanh nghiệp có năng lực đóng gói và làm thương hiệu đưa ra thế giới? Chúng ta đang có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, làm chủ cuộc chơi như hồ tiêu chẳng hạn. Hồ tiêu của VN chiếm 40% thị phần toàn cầu, với chất lượng hàng đầu thế giới. Nếu đóng gói được cái 40% thị phần đó thì giá trị không thể chỉ 1,3 tỉ như hiện nay đang bán thô mà có thể lên vài chục tỷ USD.
Với những chính sách và sự động viên đúng đắn thì có thể chỉ mất một năm hàng hóa của VN đã có thể lên được kệ hàng quốc tế. Đây chẳng qua là một sự chuyển dịch về giá trị thôi.
Các vị khách mời tại bàn tròn. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhà nước không cần nghĩ hộ doanh nghiệp
Gs Nguyễn Quang Thái: Từ đề xuất của anh Phương tôi thấy gợi mở thêm nhiều ý có thể nghiên cứu thêm. Nhưng phải chọn được doanh nghiệp nào thực sự đã trải qua thử thách và thành công để đi tiên phong chứ phải nói thực là nhiều anh doanh nghiệp chỉ giỏi chém gió và tiêu tiền nhà nước.
Ông Nguyễn Liên Phương: Anh ạ, hội nhập có một thước đó sòng phẳng là: nhà nước chỉ hỗ trợ khi anh có hàng hóa chứng minh là lên được kệ hàng quốc tế. Ví dụ như nhiều sản phẩm của Vinamilk đã lên được kệ hàng quốc tế, hay Viettel đã đứng chân được ở nhiều thị trường nước ngoài.
Tôi không ủng hộ lắm việc chúng ta phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Chúng ta nên ủng hộ cách tiếp cận như của ông Đặng Tiểu Bình là mèo trắng hay mèo đen miễn là bắt được chuột. Doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều được đối xử bình đẳng như nhau. Thậm chí cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia, miễn là ông giúp chúng tôi đóng gói ở đây, liên kết với các doanh nghiệp của chúng tôi để tạo ra thương hiệu Việt có thể cạnh tranh quốc tế.
Một khi các doanh nghiệp lớn đã vào cuộc thì tự họ sẽ quyết định theo tín hiệu thị trường, từ giống má, kỹ thuật nuôi trồng, chiến đấu với El Nino như thế nào, khi bị ngập mặn thì trồng cái gì. Doanh nghiệp không cần nhà nước nghĩ hộ. Mà cái họ cần là hành lang chính sách ủng hộ, như ông Park Chung-hee trước đây đã kiến tạo một hành lang đặc biệt cho các chaebol Hàn Quốc.
Tôi muốn đề xuất nhà nước thành lập hội đồng tư vấn chính sách cho những doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực làm thương hiệu hội nhập. Vai trò nhà nước ở đây rất quan trọng. Trước đây có chuyện ông Tổng thống Pháp Jacques Chirac bị hỏi một cách cắc cớ là sao ông công du nước ngoài nhiều thế, ý là tiêu tốn khá nhiều ngân sách. Lúc ấy, ông Chirac đã trả lời rằng: Tôi đi nước ngoài là để bán hàng cho nước Pháp. Ông ấy đi Trung Quốc và bán được hàng cho hãng Peugeot. Tôi mơ ước tới đây, các nhà lãnh đạo và quan chức các ngành, địa phương của chúng ta khi đi nước ngoài sẽ là những nhà quảng bá để bán hàng thương hiệu VN.
TS Trần Đình Thiên: Hội đồng tư vấn mà anh Phương đề nghị phải có đại diện của cả nhà nước và doanh nhân, chứ không phải chỉ mấy ông doanh nhân xúm xít lại với nhau. Đây là vấn đề quốc gia chứ không phải lợi ích của mấy ông doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, chúng ta phải đi đến chỗ hình thành một lực lượng để thực thi mô hình ấy. Nếu không, doanh nghiệp VN cứ mãi bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn át. Lực lượng ấy phải được tổ chức như thế nào, phát triển ra sao. Nó phải thoát ra được tư duy cũ là bám mãi lấy cái ao để bơi qua bơi lại hay là bám lấy bầu sữa dự án nhà nước.
Muốn như thế, đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp VN. Cốt lõi của nó là chương trình khởi nghiệp mới. Mới như thế nào cần phải bàn thêm nhưng mục tiêu của nó là gây dựng ý thức làm ăn bài bản, dám cạnh tranh quốc tế, có sự phân vai đàng hoàng. Khi có hành lang phát triển cho doanh nghiệp lớn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ bám theo cái trụ đó để phát triển.
Đừng chờ vào vị trí mới làm!
Việt Lâm: Nhân nói về hệ sinh thái chính sách để hỗ trợ cho mô hình mới ấy, liệu chúng ta có thể hi vọng rằng những áp lực hiện tại đã đủ mạnh để bộ máy thực sự chuyển mình hay chưa? Chúng ta đang có một bộ máy lãnh đạo mới, với nhiều gương mặt trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Liệu trong 5 năm tới sẽ hình thành được hệ sinh thái chính sách làm bệ đỡ cho phát triển hay không?
TS Trần Đình Thiên: Ở đây có hai ý. Thứ nhất, áp lực này anh không thể trốn tránh được nữa bởi vì về mặt nguyên tắc, quốc gia anh đã đứng vào cuộc chơi hội nhập ở trình độ rất cao. Những điều kiện cam kết trong TPP. hay FTA với EU, Hàn Quốc vượt xa khả năng đáp ứng ngay lập tức của VN. Nó đòi hỏi chúng ta phải vươn lên, bởi vì không thể làm trái cam kết được.
Cho dù bộ máy có như thế nào đi nữa thì ông cũng buộc phải làm vì đây là trách nhiệm quốc gia đặt lên vai ông rồi. Nên dù các vị trí có chưa xếp đặt xong thì ông cũng phải làm rồi, Chứ cứ chờ được ngồi vào ghế xong mới làm thì chậm quá. Hậu quả là đất nước phải trả giá đắt cho sự chậm trễ ấy.
Cả bộ máy mới phải hành động theo tinh thần chuẩn bị những năng lực để đáp ứng thách thức hội nhập, chứ không phải đủng đỉnh họp bàn tháo gỡ khó khăn, rồi lấy ý kiến đủ thứ gọi là đồng thuận và chỉnh sửa này nọ. Không, đây là trách nhiệm cá nhân và mỗi người phải chịu trách nhiệm cá nhân đấy.
Vế thứ hai cũng rất quan trọng, đó là có chọn đúng phương thức hay không? Nếu bộ máy mà tinh thần vô trách nhiệm cao hơn tinh thần trách nhiệm, rồi người tài bị gạt ra rìa thì những người dám đi tiên phong, như anh Phương nói, họ cô độc quá. Nghe cái từ này thật chua chát.
Thế thì trong bối cảnh năng lực bộ máy còn hạn chế, để lựa chọn cho đúng một con đường, phải có một hệ tập hợp ý kiến, trên tinh thần cạnh tranh để mọi người đua nhau đóng góp ý kiến, chứ không phải ông chỉ lăm lăm hưởng lợi cho cá nhân ông. Đã đến lúc phải dấy lên tinh thần dân tộc cởi mở và công khai, thay vì nửa kín nửa hở như hiện nay. Có như vậy, mọi người mới có cơ hội phản biện mà không sợ bị quy chụp.
Nhìn nhận một cách sòng phẳng thì khởi động của bộ máy mới, ở đây tôi quan sát hai đầu tàu TP.HCM và Hà Nội rõ ràng là tích cực. Đặc biệt là TP.HCM. Tôi rất thích cách làm của ông Đinh La Thăng, có vấn đề gì đều đưa ra mời bà con góp ý công khai. Ban đầu nhiều người hoài nghi ông Thăng, nhưng rõ ràng làm như vậy ông ấy có được cơ sở dữ liệu để mà nghiên cứu. Chỉ có cách làm công khai minh bạch mới hội tụ được trí tuệ của dân tộc. Tinh thần ấy mới manh nha và tôi cho rằng làm sao phải cổ động nó mạnh mẽ hơn nữa.
- Xin cảm ơn các vị khách mời!
VietNamNet
No comments:
Post a Comment