Saturday, May 7, 2016

Tham tốc độ, Việt Nam tụt hậu đến bao giờ?

Vietnamnet
Cập nhật : 01:00 | 23/03/2016
- Trước đây, Singapore cũng phát triển lẹt đẹt như VN thôi, nhưng họ vượt lên được không phải vì họ cứ chạy theo tăng trưởng mãi mà vì họ thay đổi được đẳng cấp. Nếu ông cứ ham tốc độ tăng trưởng mà không thay đổi đẳng cấp thì con kiến vẫn cứ mãi là con kiến thôi - TS Trần Đình Thiên cảnh báo. 

Phần 1: Cơ hội có một không hai cho Việt Nam

VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo bàn tròn "Cơ hội vượt thoát từ hội nhập" với doanh nhân Nguyễn Liên Phương, GSTS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế VN và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN.



Đẳng cấp đi làm thuê cho thiên hạ

Việt Lâm: Các khách mời đều nhấn mạnh đã đến lúc giới lãnh đạo và tinh hoa của VN phải bàn thảo kỹ lưỡng về mô hình phát triển mới của quốc gia, thay vì cứ loay hoay với các biện pháp chỉnh sửa, cải tiến như hiện nay. Thời gian thì cấp bách rồi, nhưng các ông có cảm nhận được câu chuyện này đã nhận được sự quan tâm đúng mức hay chưa?

Ông Nguyễn Liên Phương: Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều người vẫn nuôi giữ hi vọng chỉ cần chỉnh sửa những cái bất bình thường hiện nay thành bình thường là VN đã phát triển. Đó là nhận thức chưa đầy đủ. Bởi vì những điều bình thường ấy thiên hạ đều làm cả rồi và làm tốt hơn mình nhiều. Chẳng hạn, tất cả những rào cản về thủ tục hải quan, thuế má, đăng ký kinh doanh…nếu tháo gỡ được cũng chỉ ở mức tương đương khu vực. Nhưng không phải cứ giảm số giờ nộp thuế từ 700 giờ xuống 100 giờ, bằng ASEAN4 là nền kinh tế sẽ có hiệu quả.

Việc chúng ta đang cố gắng đưa nền kinh tế và vận hành xã hội vận hành trở lại quỹ đạo bình thường chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho phát triển. Nhưng chúng ta rất hay nhầm lẫn. Tôi lấy ví dụ nhiều ý kiến hô hào phải đầu tư mạnh vào giáo dục. Đương nhiên, đầu tư vào giáo dục rất cần thiết. Nhưng xin nói thẳng là đầu tư đó vô cùng tốn kém, mất thời gian trong khi đầu ra cũng chỉ là cung cấp nguồn nhân lực tốt hơn cho các tập đoàn đa quốc gia.

Tôi nhớ có lần ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, nếu như tất cả các đại học của chúng ta đạt đẳng cấp quốc tế thì nền kinh tế và các doanh nghiệp VN cũng không tiêu hoá được nguồn nhân lực này. Bởi vì trình độ doanh nghiệp của anh thấp như thế, làm sao tiêu hoá được cái ông đẳng cấp kia. Thành ra ông nhân lực đẳng cấp lại tìm tới làm thuê cho thiên hạ thôi.

Văn hóa tự sướng của người Việt

Việt Lâm: Nói như vậy thì một mô hình phát triển cho VN cần phải có những nét định hình như thế nào? Dường như chúng ta vẫn đang rất mơ hồ, đúng không ạ?

Ông Nguyễn Liên Phương: Tôi nghĩ để bàn và chọn ra được một mô hình phát triển cho VN đòi hỏi giới tinh hoa và giới làm chính sách phải nghiên cứu, bàn thảo cho thật thấu đáo. Trong khuôn khổ bàn tròn hôm nay chắc chúng ta cũng chưa thể tìm ra được.

Nhưng tôi muốn đề xuất một nguyên tắc như thế này: Chỉ có một công thức duy nhất để có thể chơi được với thế giới một cách sòng phẳng, đó là tinh tuý VN đẳng cấp quốc tế. Tức là chúng ta cần tìm ra những gì là tinh tuý của VN và đưa nó lên trình độ quốc tế.

Những lựa chọn trước đây của chúng ta nhiều khi không tinh tuý và cũng chẳng phải là thế mạnh của mình. Nói như Einstein là mình đang bắt cá leo cây. Tôi lấy ví dụ là chúng ta mơ VN có thể phát triển khoa học công nghệ. Nhưng nói thật, người Việt đâu có thế mạnh về nghiên cứu. Châu Âu và Mỹ phát triển khoa học công nghệ bởi nền văn hoá của họ là văn hoá duy trí, tức là mọi việc phải xuất phát từ logic. Tại sao Đông Bắc Á phát triển được khoa học công nghệ? Vì văn hoá của họ là duy chí, nghĩa là ý chí không chấp nhận thua kém, biết vượt qua tinh thần kiếm sĩ đạo để học hỏi phương Tây mà vươn lên.

Trong khi đó, nền văn hoá của chúng ta là duy cảm. Mọi thứ của chúng ta để trong bụng, trong lòng, nào là lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, bằng mặt chứ không bằng lòng… Cảm tính đi liền với tuỳ tiện. Cảm tính đi liền với dễ dãi. Cảm tính đi liền với dễ thoả mãn. Nên chúng ta cứ làm được một tí là tự sướng với nhau rồi. Một nền văn hoá như thế không làm khoa học công nghệ được. Thử hỏi thành tựu khoa học công nghệ suốt 30 năm qua của người VN có những gì?

Hay như chúng ta đặt ra mục tiêu đầu tư vào công nghệ thông tin để trở thành cường quốc về phần mềm, với lý lẽ rằng người VN học giỏi toán. Đây là chỗ ngộ nhận nguy hiểm. Đừng tưởng vài bạn trẻ có thể viết được trò chơi, thế là VN thành cường quốc phần mềm. Những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin hiện nay của chúng ta cũng đang gia công thôi.

Với cái nền tảng khoa học công nghệ yếu như vậy, chúng ta lại muốn trở thành nước công nghiệp hoá. Vấn đề là những lựa chọn không tỉnh táo như thế không chỉ khiến chúng ta lãng phí nguồn lực đầu tư hiếm hoi mà còn lãng phí thời gian và cơ hội. 

 Nhà báo Việt Lâm, TS Trần Đình Thiên, GS Nguyễn Quang Thái và doanh nhân Nguyễn Liên Phương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Gs Nguyễn Quang Thái: Từ 5 năm nay, các chuyên gia khi tư vấn cho giới lãnh đạo đều nhấn mạnh phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Thậm chí điều này còn được đưa vào nghị quyết, tức là ai cũng tán thành cách làm như lâu nay là không được. Phải đổi mới để làm cho khả năng cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp VN lên đẳng cấp quốc tế, có thể tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước.

Năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tầm mức. Nhưng mình hiện vẫn dừng ở tầm thứ nhất, tức là tăng cường đầu vào theo kiểu thêm một ít vốn, một ít lao động, một ít công nghệ...Thực chất vẫn là kiểu năng nhặt chặt bị, thêm tí ruộng, dành vài triệu ha trồng lúa mà không quan tâm giống lúa nào, có thương hiệu hay không. Nói cách khác, logic phát triển của ta là kiểu cơi nới.

Ngay như lao động VN, ai cũng bảo VN có dân số vàng. Nhưng khổ quá, 50% lao động VN hiện nay chưa qua trường lớp đào tạo nào. Thế thì làm sao thích ứng được với nền công nghiệp hiện đại?

Khi nhóm chúng tôi tham gia xây dựng báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ do WB tài trợ, tính toán theo mọi mô hình thì thấy rằng 20 năm tới VN cũng chưa bằng Malaysia hiện nay. Kịch bản lạc quan nhất thì cũng chỉ bằng Hàn Quốc đầu thế kỷ XXI. Thậm chí, báo cáo mới nhất của ADB cho rằng đến giữa thế kỷ này VN mới gần bằng trung bình thế giới. Thế mà báo chí còn cho rằng hình như dự báo 20 năm tới VN bằng Malaysia hiện nay vẫn còn lạc quan tếu.

Ông Nguyễn Liên Phương: Tôi xin ngắt lời GS một chút. Nếu cứ theo những báo cáo như thế thì có vẻ chúng ta nỗ lực đến mấy vẫn tụt hậu thôi. Bởi vì 20 năm nữa, khi mình bằng Malaysia hiện nay thì họ đã đi đến đâu rồi?

Nói thực, chúng tôi không đánh giá cao những báo cáo này. Đó vẫn là cái nhìn của người bên ngoài. Thực ra, cuộc chơi có những cách vận hành khác. Quan trọng nhất là mình có lựa chọn cách tốt nhất hay không. Nếu cứ theo logic trình tự tăng trưởng - tích lũy tài sản thì không bao giờ chúng ta có được những tỷ phú tuổi 30. Mark Zukerberg mới 31 tuổi mà đã là người giàu thứ tư thế giới từ hai bàn tay trắng.

GS Nguyễn Quang Thái: Đấy là thể chế của Mỹ sản sinh ra được những hiện tượng như thế chứ ta thì làm sao được.

Ông Nguyễn Liên Phương: Tại sao chúng ta lại không có quyền giả thiết rằng thể chế có thể đổi mới? Chính các nhà lãnh đạo vẫn luôn nhấn mạnh phải đổi mới thể chế kinh tế đấy thôi. Mỗi một chủ thể tham gia trò chơi phát triển đều phải mặc định rằng chúng ta có năng lực thay đổi. Chứ nếu chấp nhận số phận mình an bài theo lộ trình tuyến tính như mấy báo cáo của Tây kia thì chúng ta có hội thảo liên miên mãi cũng không giải quyết được vấn đề. 


Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực

Tốc độ của con kiến hay đẳng cấp của con thỏ?

Việt Lâm: Thực tế cho thấy những hiện tượng như anh Phương vừa nói. Nếu nhìn theo logic bình thường, trình tự tuyến tính thì làm sao có được sự thần kỳ Nhật Bản hay sự thần kỳ Hàn Quốc? Nhưng những dân tộc này đã tận dụng được đúng cơ may mà thời khắc lịch sử trao cho họ để vượt lên. Tôi nghĩ là trong vài chục năm tới, rất có thể có những thời khắc như thế đến với VN. Vấn đề là chúng ta có nắm bắt được nó hay không?

TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ khái niệm thời khắc nên gọi đúng hơn là bước chuyển thời đại. Ba mươi năm đổi mới, cấu hình phát triển của VN là tăng về lượng, về tốc độ cao nhưng cấu trúc kinh tế vẫn ở đẳng cấp thấp. Chúng ta khát vọng đua tranh về tốc độ, nhưng về mặt kinh tế ai nấy đều biết, cứ tăng trưởng kiểu đó mà không thay đổi được đẳng cấp thì nó tới hạn ngay.

Những khó khăn mà kinh tế VN gặp phải mấy năm qua là biểu hiện cho sự tới hạn đó về mô hình tăng trưởng. Ông xơi hết tài nguyên rồi, năng lực đun tiền cho nền kinh tế tăng trưởng mà không gây rối loạn cũng cạn kiệt rồi. Bây giờ đun tiền ra nữa là có chuyện. Lao động giá rẻ cũng tới hạn rồi bởi vì có những nước còn rẻ hơn, thậm chí công nghệ còn rẻ hơn người.

Quay trở lại câu chuyện tốc độ. VN hay được ca ngợi là tốc độ tăng trưởng cao nhưng xin thưa 7% một năm của VN nó khác một trời một vực với 2% năm của Singapore. Ví dụ thu nhập đầu người của Sing là 60.000 USD/năm, 2% là mỗi năm tăng 1200 USD. Còn anh VN, GDP đầu người 2000 USD, tăng 7%/năm thì mỗi năm cũng chỉ tăng thêm 140 USD. Vì sao lại như vậy? Vì đẳng cấp của hai bên khác nhau quá xa.

Trước đây, Singapore cũng phát triển lẹt đẹt như VN thôi, nhưng họ vượt lên được không phải vì họ cứ chạy theo tăng trưởng mãi mà vì họ thay đổi được đẳng cấp. Nếu ông chỉ tăng trưởng mà không thay đổi đẳng cấp thì con kiến vẫn cứ mãi là con kiến, chứ không thành con thỏ được. Ông cứ lo đủn con kiến chạy cho đến khi nào nó kiệt sức mà 1000 bước của con kiến chưa bằng một bước nhảy 2 gang của con thỏ.

Chúng ta không bác bỏ vai trò của tốc độ, nhưng đi liền với tốc độ và bước chuyển thời đại phải là thay đổi cơ cấu, thay đổi đẳng cấp. Chúng ta cứ khư khư ôm giữ tốc độ thì con kiến chỉ mãi là con kiến, cho dù có thành kiến càng đi nữa.

Ông Nguyễn Liên Phương: Tôi ủng hộ khái niệm đẳng cấp mà anh Thiên đưa ra. Thử áp dụng vào một vấn đề rất cụ thể là đẳng cấp của sản phẩm, của cạnh tranh. Nhiều địa phương trong chiến lược đầu tư của mình hay ngộ nhận rằng đưa được vào một vài dây chuyền sản xuất máy móc là đang đầu tư công nghệ cao.

Nếu cái dây chuyền tự động mà ta nhập về và nghĩ đấy là công nghệ cao ấy sản xuất ra một sản phẩm rẻ tiền, hay thậm chí gia công cho người khác thì cái đẳng cấp ấy dù có tự động cũng vẫn thấp. Thế nào là cao khi xe Roll Royce có rất nhiều chi tiết được làm bằng tay? Thế nào là cao khi những bộ quần áo hay đôi giày hàng hiệu của Ý toàn làm bằng tay. Cái dây chuyền tự động đang gia công sản phẩm bán ra được vài chục đô kia cao hay việc làm bằng tay những sản phẩm bán giá trên trời kia là cao? Hay cùng làm cà phê nhưng 1kg cà phê của anh bán được 2,5USD còn 100g của tôi bán được 10 USD.

Bởi vậy, cuối cùng vẫn là làm sao chuyển được nền kinh tế từ giá trị thấp lên giá trị cao mới là tư duy phát triển đúng. Còn phương tiện công nghệ cao sau một thời gian cũng trở thành lạc hậu, thành sắt vụn mà không chuyển hóa được thành năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cho quốc gia.

(còn nữa)
VietNamNet

No comments:

Post a Comment