Nhận diện nơi “ăn” khủng hơn cảnh sát giao thông
Đăng bởi Ban Biên Tập ngày 26/11/2012
Cảnh sát giao thông
tham nhũng nhưng nhỏ, chỉ như chuột ăn củ khoai, còn nơi như cọp bắt
trâu, lợn sẽ ăn nhiều hơn gấp hàng trăm lần.
Đây là nhận định
của nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương, nguyên trưởng Ban bảo vệ chính
trị nội bộ Trung ương Nguyễn Đình Hương khi nói về tham nhũng.
Sau khi
nghe thông tin báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc
nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới thực hiện vừa công bố, ông
Nguyễn Đình Hương cho rằng, đó là điều đáng mừng bởi xưa nay ai cũng
biết tham nhũng nhưng chẳng bao giờ công khai nói ra. Không những thế,
dư luận đôi khi tỏ ra nghi ngờ các kết quả khảo sát do chính các cơ quan
chức năng thực hiện.
Theo ông Hương, tham nhũng đã trở
thành vấn nạn, ngành nào, cấp nào cũng có và đặc biệt tập trung ở những
cán bộ có chức quyền. Bởi trên lý thuyết, chức – quyền – bổng lộc là những yếu tố luôn đi liền với nhau.
Danh sách 4 “ông lớn” là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải
quan và xây dựng bị đưa vào vị trí “tốp ten” chưa thể phản ánh hết bức
tranh tham nhũng hiện nay.
- Phải chăng, 4 ngành tham nhũng
nhiều nhất như báo cáo nói là chưa hoàn toàn chính xác, thưa ông?
- Báo cáo nói rằng,
cảnh sát giao thông là ngành tham nhũng nhiều nhất nhưng tôi lại có
quan niệm hơi khác một chút. Tôi so sánh, cũng như con chuột tha củ
khoai, tha đi tha lại nhiều lần cũng chỉ ăn được củ khoai, nhưng con
cọp bắt được con lợn, con trâu nó sẽ ăn nhiều hơn gấp hàng trăm lần.
Cảnh sát giao thông
đúng là có tham nhũng nhiều và là hiện thực người dân có thể tận mắt
nhìn thấy, tận tai nghe được nhưng đó chỉ là cái nhỏ. Đối với quốc gia,
tổn thất đó không lớn. Những vụ
ảnh hưởng đến cả quốc gia, dân tộc phải là những vụ tham nhũng khổng
lồ, bòn rút ngân sách Nhà nước hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng
nghìn tỷ đồng như Vinashin, Vinashin lines…
- Theo quan
điểm của ông, ngành nào sẽ giữ vị trí “quán quân” về tham nhũng hiện
nay?
- Theo tôi, ngân hàng vẫn là ngành “ăn” khủng khiếp nhất. Nhà
băng là mạch máu, “nguyên soái” của nền kinh tế, không có tiền thì kinh
tế không thể đứng vững được. Tôi thử lấy ví dụ, anh muốn làm doanh
nghiệp, muốn vay vốn không phải cứ vác hồ sơ đi vay là xong. Ngân hàng
tuyên bố lãi suất cho vay là 12-13% nhưng thực tế doanh nghiệp phải vay
với mức 17-18%. Số tiền phát sinh đó do họ phải “đi đêm” với ngân hàng
để được giải ngân. Hay ngành đất đai, để trúng thầu một dự án, dường
như có quy tắc ngầm giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Để được trúng thầu,
anh phải “lót tay” hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài phần trăm của
gói thầu để được giành phần thắng. Với
những dự án béo bở, các nhà thầu sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để “thỏa
thuận” với chủ đầu tư… Bây giờ, người ta dùng tiền để “bôi trơn”, để
“chạy” đủ thứ.
Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, hiện
tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền… có lẽ cũng đang nhức nhối,
thưa ông?
Đúng vậy. Không chỉ lĩnh
vực kinh tế, quản lý Nhà nước cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng.
Cán bộ có chức có quyền đều gọi là “công bộc của nhân dân” nhưng cần
phải nhìn nhận và đánh giá cho đúng. Bây giờ trong cán bộ lãnh đạo
những ai thực sự còn là công bộc của nhân dân?
Người dân thường có câu,
để có được chức quyền cần 4 yếu tố. Thứ nhất phải kể đến hậu duệ, thứ
hai là tiền tệ, thứ ba là quan hệ và cuối cùng mới đến trí tuệ. Ngẫm ra
thật đau đớn khi tài năng, trí tuệ chỉ xếp cuối cùng. Đối tượng
tham nhũng bây giờ nhiều tiền, nhiều mánh khóe lắm. Không phải chỉ
“cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” đâu,
bởi chúng còn mua bằng nhiều thứ khác, ngoài tiền.
- Vậy theo đánh
giá của ông, nguyên nhân của căn bệnh này do đâu?
- Thứ nhất, tham nhũng còn có đất để phát
triển nếu chúng ta vẫn để tồn tại cơ chế “xin-cho”, cơ chế “độc quyền”
như hiện nay. “Xin-cho” ở đây như xin đề án, xin đất đai, xin chỉ định
thầu, xin đặc quyền đặc lợi… Thứ hai là trong công tác cán bộ còn có
kiểu độc quyền, không qua thi tuyển khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo
của các bộ, ngành… Nếu không thay đổi những tư duy này thì có tổ chức
bộ máy chống tham nhũng theo cách nào cũng khó mà chống được tham
nhũng.
Để chặt đứt “mạng lưới” tham nhũng, cần tăng cường công tác
kiểm tra giám sát, vừa phòng vừa chống. Nhưng trước hết phải bắt đúng
bệnh và kịp thời. Phải xử đúng người đúng tội, phải xử nghiêm từ trên
xuống, từ trong ra ngoài. Xử nghiêm là thuốc đặc trị. Vấn đề là có
quyết tâm chống không? Nếu thoát khỏi nạn nể nang, né tránh, sợ liên
lụy, ngại ngùng và không vụ lợi thì cuộc đấu tranh tham nhũng chắc sẽ
có bước tiến.
(NDT)
Từ: http://nguyenphutrong.net/nhan-dien-noi-an-khung-hon-canh-sat-giao-thong.html
No comments:
Post a Comment