Monday, November 17, 2014

Buồn vui chuyện anh ‘hai lúa’ bán chất xám

Hành Thiện  17/11/2014 

Từ khi đọc những bài viết trên báo về câu chuyện cha con “hai lúa" Trần Quốc Hải ở Tây Ninh đã chế tạo, cải tiến cả xe bọc thép, được Thủ tướng Hunsen và Quốc vương Norodom Sihamoni (Campuchia) ghi nhận, trọng thưởng, tôi thấy lòng buồn, vui lẫn lộn.

Ban đầu, ông Hải được Quốc vương Campuchia tặng bằng khen và gọi ông là "nhà khoa học". Còn Trần Quốc Thanh, con trai ông thì được gọi là "kỹ sư, nhà kỹ thuật". Trong lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Lữ đoàn 70 (ngày 13.10 vừa qua) của quân đội Hoàng gia Campuchia, cha con ông Hải lại được Thủ tướng Hunsen trao tặng Huân chương Đại tướng quân do Quốc vương ký ban tặng.

 may-bay-tu-che
Hai chiếc trực thăng tự chế của anh Trần Quốc Hải (Tây Ninh) - Ảnh: Minh Thuận

Hơn thế, bạn còn mời cha con ông Hải sang hẳn Campuchia làm việc với chế độ bổng lộc như một vị tướng: từ biệt thự sang trọng, xe riêng đi lại, 18 hecta đất đã trồng xoài như để ngỏ cửa chờ ông nhận lời… cho đến nhập quốc tịch cho cả gia đình ông Hải để sang hẳn đó nghiên cứu các sáng chế khoa học mà ông ấp ủ. 

Nếu chỉ đọc ở một bài báo, có lẽ sẽ không tin nổi câu chuyện trên, nhưng có rất nhiều bài báo cùng viết, khiến cho bản thân ông Hải cũng tưởng mình đang ngủ mơ. Nghe nói, mỗi chiếc xe bọc thép sửa chữa cho quân đội nước bạn, ông Hải được khoán trắng 25.000 USD, cả phụ tùng lẫn công sức. Chế tạo chiến sa bọc thép mới, ông được cấp ngay kinh phí trọn gói 200.000 USD/chiếc. Kết quả là ông đã sửa được cả thảy 11 chiếc, hoán đổi chạy từ xăng sang dầu, phù hợp với địa hình của bạn hơn loại xe vốn có, trong khi biết bao chuyên gia nước ngoài, kể cả Việt Nam, sang đất bạn đều bất lực. Hơn thế, ông còn chế thử nguyên chiếc xe bọc thép mới bằng giá thành đúng như bạn "ra đề”, với niềm vui khó tả. 

Được bạn trân trọng và quyết mời sang hẳn để làm việc, song ông bảo: “Tôi chưa nghĩ đến việc sang bên đó. Nói thật, tôi cũng đi nhiều nước rồi. Mong muốn lớn nhất của tôi là phục vụ dân mình, nước mình”. 

Cái đáng quý ở những con người như ông là thế. Nhưng nghĩ đi, ngẫm lại, nếu cha con ông có ở trong nước thì ước mơ sáng chế, ước mong làm khoa học của một anh "hai lúa" như ông cũng chẳng có cơ sở nào để hy vọng đổi đời..., nếu chính sách trọng dụng và đãi ngộ của chúng ta không mới, không hấp dẫn. 

Được biết, ông Hải cũng từng nổi tiếng gần chục năm trước bởi đã từng mày mò tự chế tạo máy bay trực thăng, sau được Mỹ mua phục vụ triển lãm trong Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại bên đó. Song, có lẽ cũng có nhiều người hiểu lầm từ thông tin này. Thực ra, chế tạo lần đó chưa thành công. Đó mới chỉ là chiếc trực thăng mô hình vì nó không thể bay được, hoặc dù có bay được thì cũng rất không an toàn bởi kỹ thuật chưa đúng, còn nhiều hạn chế, xét ở góc độ khoa học hàng không. 

Nhưng có lẽ, với nhà khoa học “hai lúa” này, điều đáng ghi nhận hơn cả là hàng loạt các loại máy nông cụ, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng từ sáng kiến của ông mà ra đời, đã tỏ ra hữu ích. 

Ông đã nhận được biết bao lời ngợi khen của đơn vị nọ, ngành kia, thậm chí đi báo cáo thành tích trước nhiều hội nghị. Nhưng cuối cùng, ông chỉ nhận được những lời khuyên nên từ bỏ đam mê cháy bỏng sản xuất máy bay, bởi người khuyên ông biết rõ, với cơ chế này, rất khó có "cửa" cho ông. Chưa kể, còn nhiều hạn chế về kiến thức khoa học tối thiểu trong lĩnh vực hàng không, nên nếu có mày mò chế tạo cũng chẳng đi tới đâu, khi ở một đất nước đã có tới 9.000 giáo sư, phó giáo sư, trên 24.000 tiến sĩ các loại, còn chưa dám nghĩ tới.

Nhân tiện, nói đến những nhân vật sản xuất tàu ngầm của Việt Nam, có lẽ cũng cần nhắc tới ông Phan Bội Trân, một" hai lúa" khác. Ông cũng từng chẳng mấy ai ngó ngàng gì cho đến khi mày mò đóng tàu ngầm với mục đích phục vụ dân sinh. Khi doanh nghiệp nước ngoài đặt mua tàu ngầm để làm du lịch bên Malaysia, ông Trân đã phải buộc lòng để "5 đứa con" tinh thần của mình (ý là 5 con tàu xuất mẻ đầu tiên bán cho nước ngoài) ngậm ngùi xuất ngoại. 

Điều đáng nói là phía đối tác cũng mời ông sang sản xuất tại chỗ, coi như là một đề án khoa học công nghệ của Chính phủ nước họ để được hưởng ưu đãi thuế tại chỗ. Nếu chuyện này xảy ra, chúng ta lại sẽ thiệt đơn thiệt kép: vừa không thu được thuế xuất khẩu, vừa lãng phí chất xám, tài năng của công dân ở nước mình. 

Qua những câu chuyện đề cập trên, tôi cho rằng, về một góc độ nào đó, cơ chế và chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện nay của nước nhà đang có cái gì đó không ổn, cần xem lại và cần có một sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực hơn trong tư duy của cơ quan quản lý khoa học. 
 tau-ngam-truong-sa-tu-che
Tàu ngầm tự chế mang tên Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) vận hành thử trên sông - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có lẽ, chúng ta cũng không thể đầu tư ngân sách cho những dự án kiểu như "hai lúa" Trần Quốc Hải khi ông có ý tưởng sản xuất máy bay trực thăng, như ông Nguyễn Quốc Hoà sản xuất tàu ngầm... Song, có lẽ cũng nên thoáng hơn khi chúng ta tạo điều kiện, cấp phép cho ông Phan Bội Trân sản xuất tàu ngầm, nếu xã hội có nhu cầu; cho ông Nguyễn Quốc Hoà, doanh nghiệp cơ khí ở Thái Bình - người sản xuất tàu ngầm được phép chạy thử nghiệm ngoài sông lớn hay biển khơi, chứ không nên đùn đẩy, để ông chủ tàu ngầm Trường Sa này buộc phải thử trên hồ nước nông choèn như vừa qua, vì không ai cấp phép cho chạy.

Tất nhiên, vì sinh mạng của con người, các cơ quan có trách nhiệm cũng nên có biện pháp trợ giúp, động viên ban đầu, để những sáng kiến của người dân được cổ vũ, phát huy, thay vì để họ thí nghiệm một cách đơn độc và tính chuyện rời xa quê hương để “xuất khẩu” chất xám.

Vấn đề nữa, nên hết sức tránh, không thể xem thường những anh "hai lúa" một khi họ có ý tưởng hữu ích và khả thi, có thể ứng dụng trên thực tế sau khi được các cơ quan khoa học thẩm định.  

Trường hợp cha con "hai lúa" Trần Quốc Hải đại tu và đóng mới xe bọc thép cho quân đội bạn Campuchia mới đây là việc rất đáng suy nghĩ. Hãy để ông Trần Quốc Hải thử thách khả năng của mình trên chính những phương tiện, trang thiết bị quân sự của chúng ta vốn đã quá cũ từ trong chiến tranh, hoặc đã hỏng hóc lâu nay, giờ đang phải xếp kho. 

Nếu làm được việc này, tôi tin rằng sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách chi cho quốc phòng mỗi năm. Tôi tin, ông Hải sẽ không bao giờ tính chuyện ra đi, cho dù được đãi ngộ đặc biệt thế nào đi nữa, nếu như những gì ông vừa bày tỏ, là thật lòng. 
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.

> VN đủ năng lực thiết kế, chế tạo khí tài quan sát, ngắm bắn ban đêm
>> Học sinh lớp 11 chế tạo rô bốt máy cẩu
>> Giống lúa của 'Hai Lúa' xứ Nghệ xuất ngoại
>> Ý kiến về máy bay của "Hai Lúa
>> Ông "Hai lúa" đi quảng bá trí tuệ Việt


 

No comments:

Post a Comment