Thursday, November 20, 2014

​Chính sách “hụt hơi” với cuộc sống

logo


18/11/2014 09:02 GMT+7
 
TT - “Cứ một con tàu chìm thì rà soát tàu, mỏ đá sập thì rà soát mỏ đá, cầu treo sập thì rà soát cầu treo... Tại sao cứ nhiều sự việc để xảy ra rồi mới chỉ đạo rà soát?”.

Tổng Thanh tra Chính phủ  Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: Hoàng Nam
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: Hoàng Nam

Đại biểu Nguyễn Đức Châu (Quảng Trị) đã đặt câu hỏi này ngay từ đầu phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn sáng 17-11.

Ai nói cũng hay nhưng không thấy giải pháp

Đại biểu Nguyễn Đức Châu nói nếu không tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thì kiểu phải rà soát khi việc đã rồi như vậy sẽ còn tiếp diễn.

Ông cũng lo ngại: “Vì thiếu rà soát nên nhiều công trình, dự án ban đầu được đánh giá rất nhân văn, hiệu quả rất cao nhưng rồi khi đi vào thực tế hoạt động không được như mong muốn tốt đẹp ban đầu”.

Sự trái ngược giữa mục tiêu và kết quả này được đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) tiếp nối bằng câu chuyện rất cũ: “Trồng cây gì, nuôi con gì chúng ta nói rất hay. Nhưng sản xuất bằng cách nào để giá thành rẻ nhất, sản xuất cho ai, bán cho ai thì không ai nói được. Thành ra cứ ca bài ca muôn thuở được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Ông Lịch cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề cơ chế, không đưa ra được giải pháp hạ giá thành thì cho dù một số cây nông nghiệp của VN có “sản lượng cao nhất thế giới” nhưng vẫn sẽ còn những người nông dân làm mà không đủ ăn.

“Không cách nào đuổi được viên chức ngồi ì”

Câu chuyện về sự “hụt hơi” của chính sách với thực tiễn tiếp tục được nối dài khi đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng nhiều việc không giải quyết được tận gốc vì chưa có sự nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng.

Vụ đồng chí Trần Văn Truyền, tôi đã có báo cáo với Quốc hội là đồng chí Truyền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Sau đó, Ban Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ quy trình kiểm tra, dấu hiệu vi phạm của đồng chí Trần Văn Truyền. Đến nay chưa có kết luận nên chúng tôi chưa có thông tin kết quả với Quốc hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Ông nhắc lại vụ việc của nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã được Tổng bí thư nói với cử tri là liên quan đến cán bộ cao cấp phải kịp thời thanh tra, nhưng đến nay vẫn chưa nghe cơ quan chức năng báo cáo.

“Chỉ một vụ này đã làm mất lòng tin, nếu chống tham nhũng chỉ làm từ vai trở xuống mà không xử lý từ đầu, từ não thì dân sẽ không tin”.

Đại biểu Lê Nam cũng đặt vấn đề vì sao buôn lậu qua biên giới khủng khiếp như vậy mà không thấy nói đến trách nhiệm của chủ tịch huyện, trưởng công an huyện, chỉ huy trưởng biên phòng? Phải cách chức cả cấp cao hơn nữa mới giải quyết được.

“Đừng làm việc kiểu ném đá ao bèo” - ông Nam bức xúc.

Cũng rất quyết liệt, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) góp ý kiến để giải thích vì sao chính sách của Nhà nước có khi đã ban hành nhưng vẫn cứ “hụt hơi” với cuộc sống. Đó là vì: “Công chức nhà nước bây giờ nhiều ông toàn chơi không, cứ tuyển vào rồi ngồi ì ra” - đại biểu Thuyền nói.

Theo ông, phải kiểm tra lại một cơ quan cần bao nhiêu người, phải có những điều kiện sa thải viên chức mạnh mẽ hơn. Chứ bây giờ không cách nào đuổi ra được những viên chức ngồi ì.

Đại biểu Thuyền đặt vấn đề chúng ta đang bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ mà để bộ máy quá cồng kềnh như vậy? Nếu bảo vệ lợi ích người dân thì chúng ta phải kiên quyết sa thải bớt cán bộ yếu kém năng lực.

“Cho nên vấn đề này phải kiên quyết trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế làm sao có hiệu quả hơn”.

Giải quyết khó khăn cho ngư dân

Cũng trong chiều 17-11, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Theo ông Hiền, cùng với triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về bố trí 16.000 tỉ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.

Cụ thể như hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo nghề cho ngư dân, hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ngư dân làm nghề khai thác hải sản, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển tàu cá với thủ tục cho vay thuận tiện...

Tuy nhiên, ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn cần được tiếp tục hỗ trợ, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

V.V.T.
VIỄN SỰ

No comments:

Post a Comment