Saturday, November 8, 2014

Điểm mặt những nghi án hối lộ triệu đô ở Việt Nam do nước ngoài phát hiện

Báo XÂY DỰNG


23:22 | 07/11/2014
 

Nghi án công ty Nhật "lại quả" cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yen chưa kịp lắng dịu thì dư luận trong nước lại dậy sóng với nghi án quan chức ngành y tế nhận hối lộ 2,2 triệu USD...

PV điểm lại những nghi án hối lộ triệu đô tại Việt Nam do nước ngoài phanh phui.

Nghi án Công ty Bio Rad (Mỹ) hối lộ ngành y tế Việt Nam 2,2 triệu USD

Theo Bộ Tư pháp Mỹ và SEC, từ năm 2005 đến 2010, các công ty con của Bio-Rad ở châu Âu và châu Á đã hối lộ các quan chức nước sở tại. Cách đưa tiền là tạo những khoản thanh toán cho các công ty trung gian, có khi là công ty giả.

Theo tài liệu mà SEC công bố, từ năm 2005 đến 2009, đại diện ở Việt Nam của hãng cho phép thực hiện việc hối lộ để được thuận lợi kinh doanh.

Việc bán hàng vào Việt Nam được hãng này thực hiện thông qua một nhà phân phối với giá chiết khấu mạnh. Sau đó nhà phân phối này bán các sản phẩm của Bio-Rad với giá đầy đủ cho Việt Nam. Hoa hồng được trích ra từ khoảng lợi nhuận này.


Bio-Rad được thành lập năm 1952 ở Berkeley, bang California, có nhân lực hơn 7.800 người. Doanh thu của công ty này vào năm 2013 đạt mức 2,1 tỉ USD.

Ngày 5/11, một số cơ quan báo chí đưa tin công ty Bio Rad của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che dấu các khoản thanh toán lên đến 7,5 triệu USD để hối lộ cho các quan chức tại 3 quốc gia là Nga, Thái Lan và Việt Nam trong nhiều năm để giành các hợp đồng. Trong đó, công ty này đã thừa nhận văn phòng Bio Rad tại Việt Nam đã thanh toán sai 2,2 triệu USD tiền hoa hồng cho nhiều người Việt Nam để giành các hợp đồng.

Cụ thể, “trong khoảng từ 2005 tới cuối 2009, Văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2,2 triệu USD cho các đại l‎ý và các nhà phân phối và họ đã chuyển tiếp tiền hoa hồng này cho quan chức Chính phủ Việt Nam ”

Ngay sau đó, Bộ Y tế Việt Nam đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Đại sứ quán Hoa Kỳ yêu cầu xác minh làm rõ sự việc. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trực thuộc bộ, các sở y tế chỉ đạo rà soát các đơn vị thực hiện suốt những năm 2005 - 2009, tất cả các trang thiết bị như hóa chất, sinh phẩm đã mua trong thời gian qua.

Công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ Bio-Rad phải nộp phạt 55 triệu USD, trong đó, 40,7 triệu USD từ doanh thu bán hàng cho SEC và hơn 14,3 triệu USD cho Bộ Tư pháp.

Bio-Rad được thành lập năm 1952 ở Berkeley, bang California, có nhân lực hơn 7.800 người. Doanh thu của công ty này vào năm 2013 đạt mức 2,1 tỷ USD.

Quan chức đường sắt Việt Nam nhận "lại quả" 80 triệu yen của công ty Nhật

Đầu năm 2014, nhiều tờ báo Nhật Bản đồng loạt đưa tin về chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.

Theo đó, công ty này đã lót tay cho các quan chức cao cấp ngành đường sắt Việt Nam số tiền lên tới 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng tiền Việt Nam) để nhận về các dự án ODA.

Nghi án "lại quả" 80 triệu yen khiến nhiều quan chức cao cấp của ngành đường sắt phải "ra đi"

Ngay sau khi nhận được thông tin này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tích cực chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc.

Đầu tháng 5/2014, sau hơn một tháng điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét với 6 người gồm: ông Trần Quốc Đông (50 tuổi, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam) và 5 cán bộ của Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty, gồm Phạm Hải Bằng (45 tuổi, Phó giám đốc), Phạm Quang Duy (39 tuổi, Phó giám đốc), Nguyễn Nam Thái (37 tuổi, Trưởng phòng Dự án 3), Trần Văn Lục (56 tuổi, nguyên Giám đốc), Nguyễn Văn Hiếu (52 tuổi, Giám đốc). Các bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 1-10-2014, Nhật thông báo đã đưa ra xét xử cựu Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - Tamio Kakinuma, 65 tuổi; Cựu Giám đốc điều hành JTC Tatsuro Wada, 67 tuổi; Cố vấn Koji Ikeda, 58 tuổi với cáo buộc vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh tại Tòa án Tokyo.

Công ty Securency (Australia) đưa hối lộ lấy hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam

Ngày 20-11-2009, Cảnh sát Australia đã tiến hành khám xét trụ sở và nhà riêng của các lãnh đạo Công ty Securency (là công ty sản xuất vật liệu polymer dùng để in tiền polymer) để phục vụ điều tra nghi án công ty này hối lộ để thắng các hợp đồng in tiền polymer tại nhiều quốc gia, trong đó có VN

Sau khi có những thông tin cáo buộc liên quan đến hợp đồng in tiền polymer, ngày 25-11-2009, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã phối hợp với cơ quan tư pháp Thụy Sĩ để làm rõ thông tin Công ty Securency đưa hối lộ trong hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer của VN.

Đến năm 2012, Tòa án của Australia và của Vương quốc Anh cũng đã có phán quyết cho rằng những cáo buộc liên quan đến việc một số công dân Australia và Vương quốc Anh hối lộ quan chức trong đó có quan chức VN là vô căn cứ. Tuy nhiên, về vụ này, vẫn có 5 viên chức của Securency bị truy tố hình sự về tội hối lộ quan chức nước ngoài.

Tiếp đó, ngày 19-6-2014, Tòa án tối cao bang Victoria (Australia) lại ban hành một lệnh kiểm duyệt liên quan đến vụ in tiền polymer có nêu tên một số quan chức cấp cao nước ngoài, trong đó có VN.

Đến ngày 8-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN lúc đó là ông Lê Hải Bình đã nhấn mạnh: “Đây là việc làm có dụng ý xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự cá nhân lãnh đạo, đất nước VN cũng như quan hệ giữa VN và Australia”.

No comments:

Post a Comment