Thursday, April 16, 2015

SƠ BỘ TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ CỦA VIỆT NAM THÁNG 12 VÀ 12 THÁNG NĂM 2014

HẢI QUAN VIỆT NAM
Thống kê Hải quan 26/01/2015 9:00 AM

​Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 12/2014 là hơn 26,9 tỷ USD, tăng 3,4%, tương ứng tăng hơn 892 triệu USD so với tháng 11/2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,88 tỷ USD, giảm 2,7%, tương ứng giảm 354 triệu USD so với tháng 11/2014 và nhập khẩu đạt 14,04 tỷ USD, tăng 9,7% tương ứng tăng 1,25 tỷ USD. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 12/2014 thâm hụt hơn 1,16 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 12/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 298,24 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 34,17 tỷ USD so với năm 2013; trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch 150,19 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng hơn 18,15 tỷ USD; và nhập khẩu đạt hơn 148,05 tỷ USD, tăng 12,1%, tương ứng tăng hơn 16,02 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2014 đạt mức thặng dư 2,14 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.


Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 12/2014 đạt hơn 16,18 tỷ USD, giảm 2,2%, tương ứng giảm 366 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt 8,19 tỷ USD, giảm 8,2%, tương ứng giảm 736 triệu USD so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 8 tỷ USD, tăng 4,9%, tương ứng tăng 370 triệu USD so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 12/2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 178,18 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2013; trong đó xuất khẩu là gần 94 tỷ USD, tăng 16,1%, tương ứng tăng 13,06 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 84,19 tỷ USD, tăng 13,1%, tương ứng tăng 9,76 tỷ USD.

Khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12/2014 đạt hơn 10,60 tỷ USD, tăng 1,4%, tương ứng tăng 155 triệu USD so với tháng 11/2014; tính đến hết năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này đạt 118,26 tỷ USD, tăng 10,4% , tương ứng tăng 11,14 tỷ USD so với năm 2013.

II. Diễn biến một số nhóm hàng xuất khẩu chính


Hàng thủy sản: trong năm 2014, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 7,84 tỷ USD, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,14 tỷ USD so với năm trước. Xuất khẩu hàng thuỷ sản trong năm nay có mức tăng kim ngạch kỷ lục và cũng có tốc độ tăng cao nhất so với năm trước trong vòng 3 năm trở lại đây.

Xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính trong năm 2014 đã đạt được tốc độ và mức tăng khá cao. Trong đó, sang Hoa Kỳ đạt 1,71 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 252 triệu USD); sang EU đạt 1,4 tỷ USD, tăng 21,7% (tương ứng tăng 249 triệu USD); sang Hàn Quốc đạt 652 triệu USD, tăng 27,8%. Riêng thị trường Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, có mức tăng thấp hơn là 7,5%, tương ứng tăng 84 triệu USD. 

Hàng rau quả: hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 12 đạt 139 triệu USD, tăng 28,5% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2014 lên 1,49 tỷ USD, tăng 38,9% (tương ứng tăng 418 triệu USD).

Hàng rau quả của Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc với 436 triệu USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Cà phê: lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 12/2014 là 115 nghìn tấn, trị giá đạt 255 triệu USD, tăng 37,3% về lượng và tăng 32,9% về trị giá so với tháng trước. Trong năm 2014, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt 1,7 triệu tấnvà trị giá đạt 3,56 tỷ USD, tăng 30,1% về lượng và tăng 30,9% về trị giá so với năm 2013 (tương ứng tăng 840 triệu USD)

Gạo: trong tháng 12/2014 kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 319 nghìn tấn, trị giá 150 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và 36,3% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2014, lượng xuất khẩu nhóm hàng này là 6,38 triệu tấn, giảm 3,2% và trị giá đạt 2,96 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.



Trong năm qua, Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 2,02 triệu tấn, giảm 6,2% (tương ứng giảm 131 nghìn tấn) so với năm 2013. Xuất khẩu sang Singapore là 186 nghìn tấn, giảm 47,9% (tương ứng giảm 171 nghìn tấn). Bên cạnh đó, trong năm qua gạo của Việt Nam xuất sang Philippin đạt tốc độ tăng cao kỷ lục với 1,35 triệu tấn, gấp gần 3 lần năm 2013. Tính chung, lượng gạo xuất sang 3 thị trường này đạt 3,55 triệu tấn, chiếm 56% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Cao su: tháng 12/2014, lượng cao su xuất khẩu đạt 117 nghìn tấn, trị giá đạt 172 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12 năm 2014, lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 1,06 triệu tấn, giảm 0,7% về lượng và trị giá đạt 1,78 tỷ USD, giảm 28,4% so với năm 2013 (tương ứng giảm 706 triệu USD).

Trung Quốc và Malaixia vẫn là hai đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong năm qua; lần lượt là 470nghìn tấn và 202 nghìn tấn; giảm 6,7% và giảm 9,6% so với năm trước. Tính chung lượng cao su xuất sang 2 thị trường này chiếm tới 64% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Than đá: xuất khẩu than đá của Việt Nam trong tháng là 616 nghìn tấn, tăng mạnh 60,5% so với tháng trước.Trong năm 2014, lượng xuất khẩu than đá của cả nước là 7,28 triệu tấn, giảm 43,1% với trị giá là 556 triệu USD, giảm39,1% so với năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam, chiếm 57% tổng lượng than đá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên trong năm qua, xuất khẩu than đá sang thị trường này chỉ đạt 4,14 triệu tấn, giảm gần 60% so với năm 2013.

Dầu thô: trong tháng lượng xuất khẩu là 867 nghìn tấn, tăng 23,5%, trị giá là 414 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2014, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 9,3 triệu tấn, tăng 10,5% và kim ngạch đạt 7,23 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đơn giá bình quân xuất khẩu dầu thô trong tháng 12 đã giảm sâu ở mức 478 USD/tấn (tương ứng 62 USD/thùng), là mức giá thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

Dầu thô của Việt Nam trong năm qua chủ yếu được xuất khẩu sang Ôxtrâylia: 2,18 triệu tấn, tăng 27,2%; sang Nhật Bản: 1,85 triệu tấn, giảm 23,9%; sang Trung Quốc: 1,59 triệu tấn, tăng 117%; sang Malaixia: 1,08 triệu tấn, tăng 3,3%; sang Singapore: 632 nghìn tấn, tăng 81,1% so với năm 2013…



Hàng dệt may: xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2014 đạt 20,95 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 3,02 tỷ USD) so với năm 2013. Trong đó, xuất sang Hoa Kỳ đạt 9,82 tỷ USD, tăng 14,2%; sang EU đạt 3,34 tỷ USD, tăng 22,8%; sang Nhật Bản đạt 2,62 tỷ USD, tăng 10,3%; sang Hàn Quốc đạt 2,09 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2013.

Giày dép các loại: kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 1,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2014, xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt 10,34 tỷ USD, tăng 23,1% (tương ứng tăng 1,947 tỷ USD) so với năm 2013. Hai thị trường chính nhập khẩu giày dép của Việt Nam trong năm qua vẫn là EU và Hoa Kỳ với kim ngạch lần lượt là 3,64 tỷ USD và 3,33 tỷ USD, tăng 23% và 26,9% so với năm trước. Tính chung kim ngạch xuất sang 2 thị trường này chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.

Điện thoại các loại & linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 11 đạt 1,63 tỷ USD, giảm 34,8% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 23,60 tỷ USD, tăng 11,1% (tương ứng tăng 2,36 tỷ USD) so với năm 2013.

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện của Việt Nam trong năm qua là EU với 8,45 tỷ USD, tăng 3,6% và chiếm 36% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là: Tiểu Vương Quốc Ảrập thống nhất: 3,63 tỷ USD, tăng 6,1%; Hoa Kỳ: 1,54 tỷ USD, gấp hơn 2 lần; Ấn Độ: 890 triệu USD, giảm 3,9% so với năm 2013.

III. Một số nhóm hàng nhập khẩu chính



Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này năm 2014 là 22,5 tỷ USD, tăng 20,4% về số tương đối và tăng 3,82 tỷ USD về số tuyệt đối so với năm trước. Trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 13,56 tỷ USD, tăng 29,9% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 8,94 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.

Tính đến hết năm 2014, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc là 7,93 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2013. Tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: 3,79 tỷ USD, tăng 28%; Hàn Quốc: 3,13 tỷ USD; tăng 10,9%; Đài Loan: 1,42 tỷ USD, tăng mạnh 54,1%; Đức: 1,18 tỷ USD, tăng 36,8%…

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá nhập khẩu trong năm 2014 là 27,2 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước. Khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 24,2 tỷ USD, tăng 3,8% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gần 3 tỷ USD, tăng 22,9%.

Trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc với 10,89 tỷ USD, tăng 6,8%; Hàn Quốc: 6,76 tỷ USD, giảm 7,5%; Singapore: 2,4 tỷ USD, tăng 23,9%; Nhật Bản: 1,95 tỷ USD, tăng 6,7%; Đài Loan: 1,51 tỷ USD, tăng mạnh 62,7%… so với năm 2013.

Xăng dầu các loại: trong tháng 12/2014, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại là 752 nghìn tấn, tăng 51,1% so với tháng trước. Tính đến hết năm 2014, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 8,62 triệu tấn, tăng 17,1% với trị giá 7,67 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2013.

Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: gần 2,6 triệu tấn, tăng 28,4%; Trung Quốc: 1,73 triệu tấn, tăng 34%; Đài Loan: 1,26 triệu tấn, giảm nhẹ 1,7%; Thái Lan: 888 nghìn tấn, tăng mạnh 83,8%; Cô oét: 560 nghìn tấn, giảm 20,2%… so với năm trước.



Khí đốt hóa lỏng: lượng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu trong tháng là gần 81 nghìn tấn, giảm 14,1%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm sâu 20,3% nên trị giá là gần 45 triệu USD, giảm 31,5%. Tính đến hết năm 2014, cả nước nhập khẩu 933 nghìn tấn với trị giá là 782 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với năm trước.

Việt Nam nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc với 363 nghìn tấn, tăng 7,2%; Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất: 158 nghìn tấn, tăng mạnh 253%; Qatar: 127 nghìn tấn, giảm 26%... so với năm trước.

Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 11/2014 là 1,02 triệu tấn, giảm 22,9% với trị giá là 660 triệu USD, giảm 20,8% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 11/2014, lượng sắt thép cả nước nhập về là 10,43 triệu tấn, trị giá là 6,91 tỷ USD, tăng 20% về lượng và tăng 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng qua từ Trung Quốc là 5,37 triệu tấn, tăng mạnh 65,2%và chiếm 51,4% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về; Nhật Bản: 2,06 triệu tấn, giảm 11,4%; Hàn Quốc: 1,31 triệu tấn,tăng nhẹ 1,7%; Đài Loan: 1,03 triệu tấn, tăng 21,2%... so với 11 tháng/2013.

Ô tô nguyên chiếc: Sau nhiều năm lượng ô tô nhập khẩu ở mức thấp thì sang năm 2014, lượng ô tô nhập khẩu đạt mức hơn 71 nghìn chiếc, tăng mạnh 102,3% so với năm 2013. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng 8,4% nên trị giá nhập khẩu là 1,58 tỷ USD, tăng mạnh 119,2%.


Mức tăng trên diễn ra ở toàn bộ các loại xe, trong đó, lượng nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 31,6 nghìn chiếc, tăng mạnh 104%; ô tô tải đạt 27,3 nghìn chiếc, tăng mạnh 64,3% và ô tô loại khác là gần 12,2 nghìn chiếc, tăng mạnh 305% so với năm 2013.

Trong năm 2014, dẫn đầu thị trường cung cấp ô tô cho Việt Nam là Hàn Quốc với 16,8 nghìn chiếc, tăng 15,6%. Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ cũng tăng cao với lượng nhập khẩu và tốc độ tăng lần lượt là 13,8 nghìn chiếc, tăng mạnh 224% và 13,3 nghìn chiếc, gấp 11,5 lần so với năm 2013.

Phân bón các loại: lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là hơn 256 nghìn tấn, trị giá là 78 triệu USD, tăng 8,8% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng trước.

Lượng phân bón nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 là gần 3,8 triệu tấn, giảm 18,8% với trị giá nhập khẩu là 1,24 tỷ USD, giảm 27,3%. Đơn giá giảm mạnh nên các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã giảm được 145 triệu USD so với năm 2013.

Việt Nam nhập khẩu phân bón trong năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 2,03 triệu tấn, giảm 19,6% và chiếm 53,3% tổng lượng phân bón nhập về của cả nước; Nga: 373 nghìn tấn, tăng 34,3%; Nhật Bản: 259 nghìn tấn, giảm 10,4%…

Vải các loại: kim ngạch nhập khẩu trong tháng 12/2014 đạt kim ngạch 825 triệu USD. Tính đến hết năm 2014 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 9,42 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước.

Các thị trường cung cấp vải chủ yếu cho Việt Nam trong năm 2014 chủ yếu gồm: Trung Quốc đạt kim ngạch 4,66 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch gần 1,84 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước; đứng thứ 3 là thị trường Nhật đạt kim ngạch gần 553 triệu USD, giảm 0,7% so với năm trước.

No comments:

Post a Comment