Thursday, March 17, 2016

Tổng thống đắc cử Myanmar: Từ buồng giam đến ghế nguyên thủ

07:56 AM - 17/03/2016 - Thanh Niên

Ông Htin Kyaw (trái) cạnh bà Suu Kyi ngày 13.11.2010 - Ảnh: Frontier Myanmar 
 
Tổng thống đắc cử Myanmar Kyaw được người dân và chính giới trong nước đánh giá cao bởi đức tính trung trực, trung thành và tử tế với mọi người.

Ngày 13.11.2010, nữ chính trị gia Aung San Suu Kyi được trả tự do sau gần 2 thập niên bị quản thúc tại gia. Bên ngoài ngôi biệt thự bên bờ hồ Inya tại Yangon, đám đông phóng viên và người ủng hộ đứng chật cứng chào đón bà và không ai để ý đến người đàn ông nét mặt hiền từ, mặc sơ mi trắng đứng phía tay phải của nữ chính trị gia. Hơn 5 năm sau, người đàn ông ấy đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông khu vực và thế giới.

Ngày 15.3.2016, ông Htin Kyaw từ một nhân vật gần như vô danh với dư luận bên ngoài Myanmar đã được quốc hội bầu làm tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo dân sự đầu tiên của nước này kể từ thập niên 1960. 

Nhà trí thức thầm lặng

Có một sự việc mà mấy ngày qua báo chí Myanmar thường xuyên nhắc lại. Đó là khi đưa tin ông Htin Kyaw được đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) chọn làm ứng viên tổng thống vào ngày 10.3, CNN đã đăng ảnh một nhân vật “lạ hoắc”. Hóa ra đó là một người tù chính trị vừa được thả ở Myanmar và cũng tên là Htin Kyaw. Bức ảnh nhanh chóng được thay đổi nhưng đó không phải là nhầm lẫn duy nhất của truyền thông quốc tế về ông Htin Kyaw. 

Theo tạp chí Time, dư luận trong nước cũng rất bực mình khi báo đài thế giới đều viết ông từng là tài xế riêng của bà Suu Kyi. Thành viên kỳ cựu của NLD Myint Soe khẳng định: “U Htin Kyaw từng vài lần lái xe chở Daw Suu Kyi nhưng ông không phải là tài xế riêng của bà”. (U và Daw là từ gọi dùng thể hiện sự kính trọng tại Myanmar - NV). 

Đối với người dân Myanmar, gọi Htin Kyaw là “tài xế của bà Suu Kyi” sẽ làm giảm đi vai trò và con người ông, một nhà trí thức dòng dõi luôn hoạt động thầm lặng vì lý tưởng của NLD. 

Ông Htin Kyaw sinh ngày 20.7.1946 và là con trai của nhà thơ, học giả Min Thu Wun (1909 - 2004). Theo tờ The Irrawady, ông Min Thu Wun là một trong những người sáng lập trường phái văn học Khit-San, mở ra thời kỳ văn học Myanmar hiện đại, cũng như tạo ra bộ chữ nổi bằng tiếng Myanmar cho người mù. Ông tham gia NLD từ những ngày đầu và giành được ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử năm 1990. Khi đó, giới quân sự không công nhận chiến thắng của NLD nên Min Thu Wun sớm rời chính trường. 

Thừa hưởng từ người cha nổi tiếng, ông Htin Kyaw sớm chứng tỏ tài năng học thuật. Theo AFP, tổng thống đắc cử lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Yangon năm 1968 rồi trở thành giảng viên. 

Đến năm 1971, ông là người đầu tiên được Đại học Yangon cử ra nước ngoài tu nghiệp và 4 năm sau đã hoàn tất bằng thạc sĩ thứ hai về khoa học máy tính tại Đại học London (Anh). Sau khi về nước, ông làm việc một thời gian cho các bộ Công nghiệp và Ngoại giao trước khi đảm trách vai trò Giám đốc Quỹ từ thiện Daw Khin Kyi của gia đình bà Suu Kyi. 

The Irrawady dẫn lời sử gia Thant Myint-U cháu ngoại cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant (1909 - 1974), nhận định quốc hội Myanmar đã lựa chọn sáng suốt khi bầu ông Htin Kyaw làm tổng thống: “Ông ấy luôn được kính trọng và là một con người rất tử tế”, ông Thant Myint-U nhận xét.

Người bạn trung thành

Suốt mấy chục năm qua, ông Htin Kyaw luôn sát cánh cùng “bà chị” hơn 1 tuổi. Trong thời gian bà Suu Kyi bị quản thúc, ông cùng vợ mình là hạ nghị sĩ Su Su Lwin đóng vai trò cầu nối giữa bà và bên ngoài. 

Theo Time, bà Suu Kyi từng được thả một thời gian ngắn vào năm 2000 và ông Htin Kyaw tìm cách đưa bà đến thăm thành phố Mandalay. Tuy nhiên, phái đoàn NLD bị lực lượng an ninh ngăn cản tại nhà ga Yangon, dẫn đến một cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Htin Kyaw với một sĩ quan cấp cao. Hậu quả là ông bị giam 4 tháng trong nhà tù Insein khét tiếng khắc nghiệt. 

Ông Htin Kyaw sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30.3 với rất nhiều việc phải làm. Trong đó, điều được tất cả quan tâm là quan hệ giữa chính phủ mới với giới quân sự và vai trò của bà Suu Kyi. 

Theo hiến pháp Myanmar, bà không thể làm tổng thống do có chồng con mang quốc tịch nước ngoài. Trước đó, bà từng tuyên bố sẽ “buông rèm nhiếp chính” thông qua một “tổng thống ủy nhiệm”. Tuy nhiên, tình trạng nhập nhằng này sẽ rất nhạy cảm về chính trị và dư luận cũng như có thể gây khó xử giữa 2 người bạn, 2 đồng sự thân thiết. Điều này phần nào thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của bà Suu Kyi vào ông Htin Kyaw khi quyết định đề cử ông.

Quân đội Myanmar ủng hộ tổng thống đắc cử

Ngày 16.3, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, một trong những nhân vật quyền lực nhất nước, lên tiếng chúc mừng tổng thống đắc cử Htin Kyaw và cam kết hợp tác với chính phủ mới. “Quân đội tự hào với việc U Htin Kyaw được bầu làm tổng thống và sẽ tiếp tục hợp tác trong mọi lĩnh vực vì hòa bình, đoàn kết và phát triển”, Reuters dẫn thông cáo của quân đội viết.

Danh Toại
-----------------------------------

Việt Nam có rất nhiều hiền tài, học thức uyên bác, có tâm, có tầm, lại rất tử tế, yêu nước thiết tha: TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN. Vậy mà vì có tiếng nói thẳng thắn, xây dựng, đa chiều lại bị qui là phản động, (yêu nước, yêu dân, không yêu Đảng Cộng sản là phản động?). Nhiều người còn phải ngồi tù, bị sách nhiễu, bị đuổi việc... hoặc phải sống tha hương...thật đau xót. Lãnh đạo có nhớ " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" ?

Thời đại mới, hội nhập, cần có những con người mới, tư duy mới, cách làm mới, trình độ cao, yêu nước, trung thực và thật tử tế mới có thể đưa nước nhà đi lên. Phải mất nhiều thời gian, công sức mới có những người hiền tài như thế. Họ là của quí, hiếm, lãnh đạo cần phải trân trọng họ, biết sử dụng họ mới xứng đáng là lãnh đạo...

Myanmar đi sau, về trước, họ rồi sẽ tiến rất xa, và ...họ sẽ vượt qua Việt Nam, như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines...

No comments:

Post a Comment