Tuesday, March 22, 2016

Vươn lên như… ông Đoàn Văn Vươn!

Diễn đàn DOANH NGHIỆP
20/03/2016 6:45 Sáng

(DĐDN) – Chỉ hơn 6 tháng kể từ khi anh em ông Đoàn Văn Vươn – người đã vướng vào vòng lao lý trong vụ cưỡng chế, thu hồi hơn 40 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng được ân xá trước thời hạn, thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” đã được tiếp thị lên Thủ đô Hà Nội.

Ông Đoàn Văn Vươn và sản phẩm vịt mang thương hiệu “vịt biển Đoàn Văn Vươn”

Nó như một minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm hồi sinh khu đầm rộng gần 40 ha. Rộng hơn là cả là ý chí, nghị lực vượt khó làm giầu.

Theo như thông tin mà ông Vươn đưa ra, 400 con trong tổng số 1.000 con vịt nuôi thử nghiệm lứa đầu đã được bán hết, 600 con còn lại là vịt đẻ trứng. Đó chưa phải là quy mô hàng hoá lớn và cũng chưa thể tạo ra được thương hiệu theo đúng nghĩa. Nhưng nó cho thấy có một sự thay đổi lớn trong tư duy, cách triển khai sản xuất và tiếp cận thị trường.

“Bản thân tôi đã được theo học nghề nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, tôi đã tìm hiểu những loại vịt phù hợp với vùng nước mặn lợ nơi gia đình tôi đang sinh sống. Thật may lúc đó bạn bè tôi giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu. Khi bắt tay vào nuôi thử 100 con, tôi thấy giống vịt này phát triển rất tốt, tôi đã nhờ bạn liên hệ với trung tâm giống vịt để mua 1.000 con giống, sau 2 tháng trời, con vịt lớn đạt 2kg, nhưng vì vịt còn non, lượng mỡ còn nhiều nên tôi đã nuôi tiếp để điều chỉnh lượng mỡ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tôi chọn vịt biển vì nó thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động bởi mặn. Qua thời gian thực tế, con vịt biển thích nghi rất tốt, sức chịu đựng bệnh tật, tăng trưởng nhanh, cho phép đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm.”– ông Vươn chia sẻ

Ông Vươn tỏ ra là người nhanh nhạy khi nói rằng: “Tôi chọn cái tên “Vịt biển Đoàn Văn Vươn”. Trước hết là để bà con biết đến một sản phẩm mới tôi đưa ra thị trường sau khi trở về cuộc sống đời thường của người nông dân. Thứ hai là, tôi muốn khẳng định sự khác biệt giữa “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” với các loại vịt khác. Đây cũng là khát vọng tôi muốn xây dựng một thương hiệu để sau này sản phẩm của mình thực sự sạch, có trách nhiệm với cộng đồng và có thể cạnh tranh với bất cứ sản phẩm nông sản nhập khẩu nào khác khi chúng ta gia nhập TPP”.

Thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” có lẽ chỉ là sự khởi đầu cho những nỗ lực vươn lên bởi theo tiết lộ của ông Vươn: “Tôi vẫn tiếp tục nuôi tôm, cá dưới nước, nhưng chỉ nuôi quảng canh. Vì nuôi công nghiệp thì cần lượng vốn lớn mà rủi ro cao. Ngoài ra, tôi đang bắt đầu triển khai trồng cây dược liệu trên diện tích bờ đầm, cụ thể là cây sả. Tôi đã tìm hiểu và được biết tinh dầu sả rất quý, có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực như làm thuốc, làm bánh, mỹ phẩm… Cây sả dễ trồng, không bị sâu bệnh. Vì vậy tôi nghĩ đây cũng sẽ là một hướng làm ăn có triển vọng. Về việc tiêu thụ sản phẩm, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Trước mắt tôi vẫn tuân thủ quy trình sản xuất để làm sao quản lý được chất lượng sản phẩm, sau đó là thị trường. Tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp để làm thương mại cho các sản phẩm của mình, gồm cả vịt biển và dược liệu”.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với ông Vươn đó chính là bài toán về vốn. “Tôi đang rất cần vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển. Tiền ném vào đầm cứ như muối đổ bể. Chỉ tính công phát quang, đào đắp bờ đầm, dọn sạch cỏ… cũng toàn tiền trăm triệu. Tới đây tôi sắp phải làm nhà cho vịt đẻ, cũng tốn tiền trăm triệu đồng. Tôi rất muốn được vay ngân hàng, nhưng tôi biết, ngân hàng sẽ khó giải ngân vì họ đòi hỏi tài sản thế chấp, bất động sản thế chấp, mà những cái đó thì tôi không có. Tôi có diện tích đầm rộng lớn đấy nhưng chưa có bìa đỏ thì chẳng thể thế chấp được. Hiện tại tôi chỉ có cách vay mượn người thân, anh em bạn bè nhưng cũng không được nhiều.” – ông Vươn cho biết.

Đây cũng chính là thực trạng, khó khăn vướng mắc của hầu hết các hộ nông dân muốn mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên ông Vươn lại có được một lợi thế đáng kể là đã tích tụ được một diện tích đất canh tác, nuôi trồng khá lớn. Một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hoá.

Ông Vươn nói rằng: “Là người nông dân, tôi chỉ có một ham muốn tột cùng là giữ đất, làm giầu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Một câu chuyện buồn trong những nỗ lực tích tụ đất đai của người nông dân và một ý chí nghị lực vươn lên đã sang trang mới cùng nhiều tín hiệu đáng mừng. Qua những chia sẻ đầy tâm huyết của Đoàn Văn Vươn, có thể tin và kỳ vọng rằng ông Vươn sẽ sớm vươn mình vượt qua khó khăn. Và trong tương lai, nếu có xuất hiện thêm nhiều thương hiệu gắn với nhân hiệu “Đoàn Văn Vươn” âu cũng là một kết thúc có hậu về câu chuyện của người nông dân bám đất, giữ bờ!

Phan Nam

No comments:

Post a Comment