Sunday, August 3, 2014

Đã khi nào thực sự dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra việc nước?

 Bauxite Việt Nam

31/07/2014 

Vĩnh Nguyên,

Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

Cái đề trên, nguyên văn có trong các văn kiện, nghị quyết của nhà nước, chính phủ cùng các ban, ngành để phổ biến đến người dân là: “Nhà nước là của dân, do dân, vì dân; dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Nội dung thể hiện một nhà nước dân chủ, minh bạch, nhưng thực hiện được nó là khó lắm. Để khỏi dài dòng, người viết bài này chỉ lấy khúc sau. Cái tít bài là ở vế sau.

- Xin trả lời là chưa. Điều “Dân làm” là thâm căn muôn thuở. Đã là dân thì chỉ biết làm thôi. Còn việc “Dân biết”, nếu người dân biết được đôi điều về thế sự của đất nước thì, đâu dễ được bàn và dễ kiểm tra ai?

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sau khi rời vũ đài chính trị có khởi trên công luận: Việt Nam lỗi tại Hệ thống. Bây giờ thì dùng cụm từ Ý thức hệ. Âu cũng từ Hệ thống mà ra.

Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu nói: ”Lãnh đạo Việt Nam bị ý thức hệ kìm hãm”. Bị ý thức hệ kìm hãm như thế nào? Thì “Vừng ơi hãy mở cửa ra!” Nó đã mở ra và sáng tỏ từ Hiệp định đình chiến Genève Thụy sĩ (1954). Đã lâu rồi, nhiều người nhớ, người khác quên, thì vừa rồi, ngày 18.7.2014 Việt Nam kỷ niệm trọng thể 60 năm Hiệp định ấy (21.7.1954 – 18.7.2014), người dân Việt Nam có dịp ôn lại.

Nội dung Hiệp định là gì? Là Bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận quyền độc lập của ba quốc gia Việt, Miên, Lào. Một Hiệp định lịch sử. Các nước trịnh trọng ký bản tuyên bố chung khẳng định các bên tham gia Hội nghị cam kết và thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm pu chia. Các bên tham gia ký Hiệp định là Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Căm pu chia. Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thủ tướng Chu Ân Lai. Dù trong văn bản đã nói đến độc lập - thống nhất - chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trước khi ký, các nước lớn đã khôn khéo “sắp xếp” trong đó có Pháp và Trung Quốc. Triều Tiên đã bị chia cắt hai miền Nam – Bắc Triều nên Chu Ân Lai lấy mẫu mực Triều Tiên” áp đặt vào Việt Nam, cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đủ sức để theo đuổi chiến thắng hoàn toàn.

Trung Quốc một bên đã ký Hiệp định, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng lật lọng.

Ngày 4.9.1958 Trung Quốc đưa ra một bản tuyên bố: Hải phận Trung Quốc rộng 12 hải lý. Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của Trung Quốc thì không được xâm phạm vào không và hải phận của Trung Quốc.

Ngày 10.9.1958 trong thư phúc đáp gửi Chu Ân Lai (nay còn gọi công hàm Phạm Văn Đồng), Phạm Văn Đồng đã làm một việc vi hiến là ký tán thành bản tuyên bố 4.9.1958 ấy. Thư phúc đáp từ chữ “Thưa đồng chí Tổng lý…” đến chữ ký Phạm Văn Đồng là 127 chữ. Nguyên văn như sau: “Thưa đồng chí Tổng lý. Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng. Phạm Văn Đồng”.

Vin vào cớ ấy, năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Mao Trạch Đông là người quyết định đánh (theo tài liệu của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy).

Năm 1978 Trung Quốc đã đi con đường Tư bản chủ nghĩa qua tuyên bố của Đặng Tiểu Bình“Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Với tuyên bố ấy, để, “Dạy cho Việt Nam một bài học”, bước sang năm 1979, chính Đặng Tiểu Bình thúc 60 vạn quân tinh nhuệ đánh năm tỉnh biên giới Bắc Việt Nam.

Năm 1988 Trung Quốc tiếp dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma và 6 đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 (11.2012), khánh tiết trên lễ đài là 10 lá cờ Trung Quốc (mỗi bên 5 lá châu lại), không có ảnh Mác – Lênin – Mao Trạch Đông. Rõ ràng Trung Quốc đã đi con đường Tư bản chủ nghĩa; “Trung Quốc xây dựng CNXH theo màu sắc của Trung Quốc” là tuyên ngôn ẩm ờ, ngụy trang để lừa mỵ nhân dân Việt Nam và cả thế giới.

Công hàm Phạm Văn Đồng (1958) là cái cớ thứ nhất, sơ đồ nghiên cứu Biển Đông của Quốc dân đảng, thời Tưởng Giới Thạch (1947) là cái cớ thứ hai để Trung Quốc giờ tự vẽ lại Đường lưỡi bò 9 đoạn rồi 10 đoạn đến công bố bản đồ khổ dọc để độc chiếm trọn cả Biển Đông theo Luật rừng của Trung Quốc, không cần tuân theo luật pháp Quốc tế và trắng trợn, liều lĩnh hạ đặt giàn khoan HD 981 vào thềm nhà của Việt Nam 75 ngày (2.5 đến 16.7.2014), Trung Quốc dùng tàu lớn đã đâm hỏng 19 tàu kiểm ngư của Việt Nam, húc chìm tàu đánh cá ngư dân Đà Nẵng, bắt 13 ngư dân Quảng Bình và Đà Nẵng về Trung Quốc (đến ngày 17.7 mới thả cho về). Trung Quốc đã bộc lộ là kẻ xâm lược, tàn bạo! Tập đoàn bành trướng Đại Hán Trung Quốc đâu còn là “Bốn phương vô sản” nữa, họ đang trên đường chủ nghĩa Tư bản tài chính để thành chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa phát xít là mộng cai trị thế giới mà chính họ đã tự đề cao “Giấc mộng Trung Hoa” thì sao ta còn theo họ để xây dựng chủ nghĩa… cái gì? Có phải đây là lỗi Ý thức hệ?

Hiệp định Paris 1954 đến nay nhân dân Việt Nam đã rõ. Công hàm Phạm Văn Đồng 127 chữ nay dân đã biết. Thế còn Hội nghị Thành Đô (1990) nói về những gì giữa Việt Nam và Trung Quốc? Hiệp ước Việt-Trung về vịnh Bắc Bộ (30.12.năm 2000) nói về những vấn đề gì mà sau đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã thú nhận rằng: so với Hiệp ước Pháp-Hoa (1897), phía Việt Nam mất hơn 10.000 km2.

Tại Bắc Kinh, ngày 21.6.2013 Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố chung những điều khoản gì người dân đâu được biết mà chỉ nghe tuyên truyền 4 tốt và 16 chữ vàng, đến nỗi, người dân vì quá ngứa tai mà đặt đồng dao rất thông minh để nhại lại “thập lục kim tự” kia: Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai!

Ngày 21.6.2013 hai bên tuyên bố chung những gì ở Bắc Kinh mà ngày 21.6. 2014 Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì sang Việt Nam khi về nước đã đọc thông điệp cứng rắn “Bốn không được” áp đặt cho Việt Nam, đến nỗi vị tướng 95 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh phải viết thư tay (ngày 15.7 bốn trang) gửi đến Bộ Chính trị. Ông phân tích nội dung về “4 không được” và tức giận bởi lời lẽ ngạo mạn của vị khách họ Dương này. Thư của vị Tướng già chắc nịch như đinh đóng cột ở cuối rằng: “Trong cuộc đấu tranh, chúng ta chỉ còn có một thứ vũ khí khả dĩ chặn hành động xâm lược của Trung Quốc là Kiện.”

Bởi kiện là giải pháp văn minh, tiến bộ nhất của thời đại. Ta chủ trương hòa bình, thì bởi vì hòa bình mà buộc ta phải kiện là giải pháp tốt nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dân tộc!

Hết Trung ương đến địa phương, người dân chẳng biết nhà nước, chính phủ ký kết những gì với Trung Quốc mà ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh Quảng Đông sang Hà Nội (4.2014) khi về Quảng Đông đã gửi (chỉ thị) cho Bộ Ngoại giao Việt Nam “16 việc phải làm”. Ai cũng hiểu “đây là việc làm vượt thẩm quyền của một tỉnh”, thì tại sao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn lại chấp hành ông tỉnh Quảng Đông ký công văn gửi đến các ban, ngành thực hiện 16 điều không mấy tốt đẹp lại rất tai hại cho phía Việt Nam!? (Công văn số 1832/BNG-ĐBA ngày 3.6.2014).

Đã đến lúc người dân Việt Nam khẩn cầu nhà nước, chính phủ công bố nội dung Hội nghị Thành Đô (1990), Hiệp ước về Vịnh Bắc Bộ (2000), Tuyên bố chung ở Bắc Kinh (2013) cho nhân dân cả nước được biết nội dung của nó. Một dân tộc kiên cường, trước họa ngoại xâm thì nhân dân phải biết “địch-ta”. Trước hết là phải biết từng chữ, từng lời, từng mưu mô xảo quyệt của đối phương. Từng phút từng giây, mọi lúc mọi nơi không ngừng nâng cao cảnh giác với chúng. Nhưng phải cho dân biết thì dân mới bàn (dẫu trong phạm vi nào đó của họ) những kế sách hay để giúp nước. Và nhà nước phải biết nghe dân. Chính dân mới làm nên lịch sử. Nhưng trước hết phải tháo bỏ Ý thức hệ. Bởi sai lầm là từ nó. Nhân dân thế giới sẽ giúp Việt Nam bởi ta chính nghĩa. Nhưng khi ta chưa xóa bỏ Ý thức hệ thì cớ gì người ta giúp mình? Bàn cờ đã đi ngửa rồi kia mà!

Dân ta giờ đã hiểu nhiều và thông minh lắm. Nhiều người chưa có vi tính, chưa cài intenet thì đã có con, cháu của họ cập nhật hàng ngày. Cứ mở Google rồi đánh: Danh sách cán bộ nhà nước tham nhũng… thì sẽ có danh sách ấy. Chẳng biết các vị có chức có quyền bằng cách nào mà có được hàng chục, hàng trăm triệu đôla?

Nước ta có trên 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau. Nhiều nhất là Phật giáo. Kinh điển pháp độ chúng sinh rất hay: Tất thảy hãy vì chúng sinh. Các vị Bồ Tát phải biết quên mình đi mà rốt ráo không hề biết mệt nhọc độ giúp chúng sinh khi gặp cơn hoạn nạn… Chúng ta đang làm cuộc cách mạng “Dân giàu Nước mạnh” cũng vậy. Đã một thời gian dài Trung ương hô hào chung chung “cho đảng viên làm giàu” là sai rồi! Đảng viên là số ít. Đảng viên có chức có quyền lại càng ít hơn. Mà số làm giàu bất chính thường là những đảng viên có chức quyền. Lý ra là nên hô: Cho nhân dân làm giàu! Bởi trong dân đã có đảng rồi. Ai sinh ra đều phải làm dân trước. Vào đảng (cộng sản chẳng hạn) là phải có thời gian? Hô hào cho đảng viên làm giàu là cố ý giành lợi quyền cho cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Trải qua hai cuộc chiến để được thống nhất nước nhà là phải xương chất thành núi, máu đổ thành sông của biết bao đồng bào, chiến sĩ. Các vị lên nắm quyền cứ tưởng tài nguyên thiên nhiên, đất đai, biển đảo… như là một chiến lợi phẩm khổng lồ rồi hô hào chung chung để ai được chức to thì hưởng lợi nhiều hơn. Các vị sai rồi! Chính vì cái lợi riêng ấy đẫn đến đất nước lụn bại. Dân không còn tin các vị đủ tư cách và trình độ để lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nữa. Và, người dân đã nói thẳng thừng: bởi chiếc ghế, bởi quá tham ăn, các vị đã mắc mưu Trung Quốc.

Tài năng và đức độ như Đức Phật mà còn phải biết học chúng sinh, mới hình thành nhiều ngôi chùa Phật Học. Hơn 700 năm trước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng di chúc cho dân tộc Việt Nam: “… Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo… Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn… Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau”.

Mới 40 năm mà ta đã mất Hoàng Sa, Gạc Ma, mất 2/3 thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất bãi Tục Lãm, mất các cao điểm chiến lược Hà Giang, Lão Sơn… Các vị ký tá những gì với họ mà đến giờ vẫn còn ém nhẹm chưa cho dân được rõ? Nếu chiếu theo di chúc của Nhà Vua Trần Nhân Tông thì tội để mất đất vào tay kẻ khác lớn biết chừng nào. Giá như trước đây các vị nghe công dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ba bức thư góp ý là dừng ngay dự án bauxite cao nguyên, nghe Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên góp ý không nên nhượng bán (có thời hạn) rừng đầu nguồn thì đỡ đi biết mấy. Nay vị Tướng già rất có trình độ và mưu lược trong chiến tranh vệ quốc viết thư tay đến Bộ Chính trị với vũ khí Kiện là hợp thời đại, thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam, và nhân dân Việt Nam sẽ theo chiều hướng đổi mới, khoa học, văn minh của nhân dân thế giới. “Ai sống ở đâu 50 năm thì nơi ấy thuộc sở hữu chủ quyền của họ”. Đó là luật pháp Quốc tế. Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của ta đã hơn 40 năm. Cái giàn khoan HD 981 là cái cớ tuyệt vời! GS Tương Lai “Cám ơn cái giàn khoan” là bởi chính Trung Quốc đã phơi bày dã tâm tàn ác của kẻ xâm lược! Thì ta đi kiện là ta vừa có thế lại vừa đúng lúc thế giới đang ủng hộ chúng ta. Nếu ta không kiện mà tiếp tục nhân nhượng và càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với thực dân Pháp trước đây. Một ví dụ khẩn thiết: ông Phan Công Chánh, giảng dạy ở San Jose State University, Hoa Kỳ góp ý cho Việt Nam 8 chữ vàng là: “Tây Tiến – Đông Kết – Bắc Hẹn – Nam Hòa” (bbc ngày 29.7.2014) là rất có lý. Các vị lãnh đạo nên tham khảo sự góp ý này. Còn người dân chúng tôi sẽ nghiêng về vị Tướng già Nguyễn Trọng Vĩnh hơn là sự bảo thủ, trì trệ, lừng khừng mất cơ hội tạo đà cho lũ xâm lăng lấn át, giày xéo đất nước này! Đảng, nhà nước cần dứt khoát và mau chóng lựa chọn!

Huế, 30.7.2014
V. N.
Tác giả gửi BVN.

Đọc thơ:


Nhân dân
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở
Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình !
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình ?
Không !
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.
Nguyễn Khoa Điềm,Tháng 11. 2011

No comments:

Post a Comment