(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tuổi Trẻ
27/05/2015 09:06 GMT+7
TT - Tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều 26-5, nhiều ĐBQH không đồng tình quan điểm bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội phạm tham nhũng, vận chuyển ma túy.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ - Ảnh: Việt Dũng
" Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa "
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (phó giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Bến Tre)
“Liên quan đến các tội ma túy, tôi thấy tình hình vận chuyển ma túy hiện nay rất phức tạp, chúng thường tổ chức đường dây chặt chẽ, đối phó quyết liệt với lực lượng chức năng. Tôi đề nghị giữ nguyên quy định mức án cao nhất là tử hình. Chúng ta đấu tranh cỡ đó mà tội phạm ma túy vẫn chưa giảm, nếu giảm nhẹ hình phạt sẽ như thế nào?” - thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, phó giám đốc Học viện Quốc phòng (đại biểu Bến Tre), phân tích.
Đồng tình, thiếu tướng công an Bùi Mậu Quân (Hải Dương) bày tỏ: “Không nên bỏ tử hình đối với tội vận chuyển ma túy bởi đây là loại tội phạm rất nguy hiểm”.
Kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa
Liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng, cũng như nhiều đại biểu không đồng tình bỏ mức án tử hình, thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ rất gay gắt: “Tội tham ô, tham nhũng mà không tử hình thì không hợp lòng dân, bởi tham nhũng không phải là những người nhỏ mà đều là người làm to có chức có quyền, đục khoét công quỹ, bóc lột nhân dân”.
Dẫn ví dụ từ cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc đã phát hiện nhiều con “hổ lớn” phải dùng xe vận chuyển cả tấn tiền, vàng, ngọc... ông Tỷ cho rằng: “Ở ta cũng có thể có những cỡ đó nhưng vì chưa tìm ra mà thôi. Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng.
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa. Chúng ta quyết tâm chống tham nhũng nhưng chưa có chuyển biến gì nhiều. Tôi đề nghị giữ nguyên mức tử hình, nếu bỏ mức án này thì về không biết trả lời với cử tri thế nào”.
Không thể bỏ tù pháp nhân
Phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có một cuộc tranh luận thẳng thắn giữa đại biểu, thiếu tướng Lê Đông Phong (phó giám đốc Công an TP.HCM) và một số đại biểu khác về vấn đề nên hay không nên buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Phong, không nên buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Lý do là không thể nào bắt bỏ tù công ty, một cơ quan được. Còn các hình phạt khác như tước quyền kinh doanh, phạt tiền thì luật khác đã quy định.
“Buộc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự sẽ làm khó quá trình tố tụng” - ông Phong nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, lại cho rằng pháp nhân không phải con người nhưng pháp nhân có ý chí, có tài sản, hành vi... do đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ông Đương cho biết hiện đã có 119 nước trên thế giới và sáu nước ASEAN buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Ông cũng cho rằng quy định các hình phạt trong Luật hình sự sẽ nặng hơn nhiều so với các luật khác, có tính răn đe hơn.
Đồng ý với ông Đương, đại biểu Trần Du Lịch cũng nói không có pháp nhân nào không có người đại diện pháp luật, và pháp nhân làm sai thì trách nhiệm trước hết là của người đại diện đó.
Ông Lịch phân tích chính vì không buộc tội hình sự được với pháp nhân mà những vụ việc như Vedan xả thải không thể khởi tố hình sự được, không ai phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hơn nữa theo ông Lịch, hình phạt tiền trong Luật hình sự sẽ cao và có tính răn đe rất lớn. Còn phạt tiền đối với vi phạm hành chính chỉ là phạt vi cảnh, không thể phạt nhiều và có ngưỡng nhất định.
Không có tiền thì bắt đi tù?
Góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý quy định mới bổ sung về việc chuyển hình thức phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án.
Theo bà Nga, ở đây đặt ra vấn đề trong trường hợp đối tượng bị phạt tiền là hình phạt chính mà không chấp hành án thì xử lý bằng cách nào?
Thông thường nếu hình phạt tiền là hình phạt chính thì khi xử lý phải cân nhắc về hoàn cảnh kinh tế xem có chấp hành được không, hơn nữa trước khi thi hành hình phạt tiền phải có những biện pháp kê biên tài sản và khi không chấp hành là cưỡng chế.
“Bây giờ dự thảo bộ luật lựa chọn theo hướng anh không chấp hành thì tôi chuyển anh thành tù, theo tôi chỗ này phải hết sức cân nhắc. Người ta không chấp hành vì lý do gì? Nếu bỗng dưng người ta có tài sản thì tòa phạt tiền, nhưng sau đó người ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chuyển từ phạt tiền, không có tiền bắt đi tù thì cái đó về quan điểm tôi thấy lấn cấn, chuyển đổi không phù hợp” - bà Nga nói.
Từ thực tiễn, bà Lê Thị Nga cũng cho biết trong Bộ luật hình sự hiện hành có một quy định thường bị lạm dụng, đó là khoản 1 điều 25 với nội dung: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Theo bà Nga, sự lạm dụng diễn ra theo hai hướng. Một là, do điều luật quy định chung chung nên rõ ràng đối tượng có tội nhưng cơ quan pháp luật bỏ lọt, không truy tố và áp dụng quy định này với lý do “do chuyển biến của tình hình” dù không nêu rõ sự chuyển biến đó là gì.
Hai là, cơ quan pháp luật làm oan, lẽ ra đối tượng không có tội và khi không có tội thì phải đình chỉ, bồi thường nhưng cơ quan pháp luật lại chuyển qua áp dụng điều khoản này để thể hiện “mặc dù anh có tội nhưng do chuyển biến của tình hình nên tôi miễn cho anh”.
Từ phân tích trên, bà Nga cho biết Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi điều luật này, tuy nhiên việc sửa đổi như trong dự thảo bộ luật từ “do chuyển biến của tình hình” thành “có sự thay đổi về hoàn cảnh” là không hợp lý, tù mù hơn so với quy định hiện hành.
Báo cáo kiểm toán có bắt buộc phải thi hành?
Thảo luận về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) sáng 26-5, các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau về quy định giá trị pháp lý của các báo cáo, kết luận kiểm toán.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) băn khoăn việc quy định các báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. “Báo cáo kiểm toán có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Không. Vậy tại sao lại bắt buộc phải thi hành một văn bản của một cơ quan chuyên môn? Nếu vì chuyên môn, nghiệp vụ kém hoặc thiếu công tâm mà đưa ra kết luận bất lợi cho đối tượng bị kiểm toán thì sao?” - đại biểu Vẻ đặt câu hỏi và đề nghị quy định trong trường hợp bị khiếu nại thì báo cáo kiểm toán phải được một cơ quan có thẩm quyền phán quyết mới có hiệu lực bắt buộc phải thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích: “Tôi đề nghị trách nhiệm của kiểm toán phải rõ ràng. Ví dụ ở Lâm Đồng chúng tôi có công ty xổ số, năm nào cũng thấy kiểm toán, đến khi công an vào kết luận là làm sai. Tôi nghĩ nếu có tham nhũng thì phát hiện khó, nhưng làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn kiểm toán phải biết rõ điều này. Vậy khi người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm không?”.
Theo ông Thuyền, “kiểm toán có quyền lực thì rất mạnh, đi đâu người ta cũng rất sợ. Chúng ta nên nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm, vì quyền hạn nhiệm vụ lớn như vậy phải gắn với trách nhiệm”.
Không nghĩ như vậy, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đức Thụ lập luận: “Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nếu không quy định giá trị kiểm toán nhà nước thì báo cáo kiểm toán phải chờ các cơ quan nhà nước cho ý kiến mới có giá trị thi hành. Điều này cũng làm chậm việc xử lý những khuyết điểm, sai phạm và như vậy lại khó đảm bảo việc kỷ luật tài chính nghiêm minh, kịp thời. Tôi đề nghị quy định giá trị kiểm toán như dự thảo là phù hợp”.
No comments:
Post a Comment