Thursday, June 4, 2015

Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI - 2014

SHTP


Công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014

Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia / vùng lãnh thổ.

Năm nay, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba (03) năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.

Một điểm đáng quan tâm khác là: Trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số, các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma. Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Mi-an-ma là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào (giảm 1 điểm) và Xinh-ga-po (giảm 2 điểm).

Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, ghi nhận các quyết tâm và nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trước thực tế cảm nhận về tham nhũng không thay đổi – cũng được phản ánh qua thực trạng người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia – TT quan ngại rằng điều này thể hiện công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết. Để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân, cũng như để xây dựng uy tín cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Việt Nam cần cho thấy những kết quả cụ thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi một phương pháp đấu tranh tập trung và hướng tới các kết quả cụ thể hơn.


Bấm vào các link bên dưới để biết thêm thông tin:


Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) là gì?

Được công bố hàng năm bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia / vùng lãnh thổ trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia / vùng lãnh thổ đó. Đây là một chỉ số tổng hợp, một sự kết hợp giữa các cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá tham nhũng do các tổ chức có uy tín thu thập. CPI là chỉ số về tham nhũng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Tại sao CPI dựa trên cảm nhận

Tham nhũng nói chung bao gồm các hoạt động bất hợp pháp, được cố tình che giấu và chỉ được đưa ra ánh sáng khi có các vụ bê bối, điều tra hay truy tố. Vì vậy, rất khó có thể đánh giá mức độ tuyệt đối của tham nhũng tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ trên cơ sở các dữ liệu “cứng” mang tính thực chứng. Những nỗ lực nhằm đánh giá tham nhũng như: so sánh các vụ hối lộ được báo cáo, số lượng các vụ truy tố hay nghiên cứu các vụ xét xử ở tòa án liên quan trực tiếp đến tham nhũng đều không thể coi là những chỉ số chính xác thể hiện mức độ tham nhũng. Những số liệu này, đúng hơn, chỉ thể hiện hiệu quả hoạt động của các công tố viên, của toà án hay giới truyền thông trong việc điều tra và phát hiện tham nhũng. Vì vậy, xem xét cảm nhận về tham nhũng của những người ở vị trí có thể đưa ra đánh giá về tham nhũng trong khu vực công là phương pháp đáng tin cậy nhất để so sánh mức độ tham nhũng một cách tương đối giữa các quốc gia.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2013

Ngày 3 tháng 12 năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2013 (CPI 2013). Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng xếp hạng 177 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận về mức độ tham nhũng trong khu vực công. Chỉ số dựa trên 13 khảo sát độc lập lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia và quan điểm của doanh nghiệp.

Năm 2103, Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). Việt Nam cũng là một trong 2/3 số nước đạt điểm số dưới 50 trong Chỉ số.

Bấm vào các link bên dưới để biết thêm thông tin (tiếng Việt):

Câu hỏi thường gặp
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2013
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương

No comments:

Post a Comment