Lo ngại thép rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam liên tục được đặt ra gần đây. Tại sao Việt Nam lại nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc? Nghiên cứu “Tương lai nào cho ngành thép Việt Nam?” của một nhóm tác giả đã đưa ra câu trả lời quan trọng cho vấn đề này.
Thép luôn được coi là ngành chiến lược của Việt Nam kể từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Các chính sách chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) với mong muốn doanh nghiệp này sẽ trở thành một “POSCO” của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam nói chung, VNSTEEL nói riêng là một bức tranh tương phản so với câu chuyện của Hàn Quốc và POSCO. Đây là một bài học rất đắt giá đối với chúng ta.
Vào thập niên 1960, trong mắt của rất nhiều người, Hàn Quốc chỉ là một nước nghèo đang phải khắc phục hậu quả chiến tranh và gần như không có quặng sắt, nên việc xây dựng nhà máy thép tích hợp là điều không tưởng. Ở thời điểm Công ty thép Pohang (POSCO) được thành lập (năm 1968), sản lượng thép được sản xuất trong nước của Hàn Quốc chỉ là 372.000 tấn, trong khi lượng tiêu thụ lên đến 907.000 tấn. Do vậy, nhập khẩu chiếm đến 59% nhu cầu thép của nước này.
Sau bảy năm thành lập, sản lượng sản xuất của POSCO đã đạt mức 1,23 triệu tấn (tương đương sản lượng của VNSTEEL hiện nay nếu không tính các đối tác liên doanh). Đến năm 1990, POSCO xếp thứ ba thế giới với sản lượng 16,2 triệu tấn/năm, chiếm 70% lượng sản xuất và 77,5% lượng tiêu thụ thép của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã trở thành nước sản xuất thép thứ năm trên thế giới và xuất khẩu thép ròng. Đến năm 2013, sản lượng của nhà sản xuất thép này đã ở mức 38,4 triệu tấn, xếp thứ sáu thế giới, bằng 58% lượng thép được sản xuất (66,1 triệu tấn) và 74,4% lượng tiêu thụ thép của Hàn Quốc. Trong khoảng hai thập kỷ qua, POSCO luôn là một trong những nhà sản xuất thép cạnh tranh nhất thế giới.
Hàn Quốc xếp thứ sáu thế giới về sản lượng sản xuất, nhưng xếp thứ ba thế giới về xuất khẩu thép với tỉ trọng xuất khẩu lên đến 43% tổng sản lượng sản xuất trong nước. Cũng như Nhật Bản, dù hoàn toàn không có quặng sắt nhưng ngành thép của Hàn Quốc được xếp vào những nước có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới trong mấy thập niên qua.
Có ít nhất năm yếu tố then chốt làm nên sự thành công của POSCO nói riêng và ngành thép Hàn Quốc nói chung. Thứ nhất, sự hỗ trợ và quyết tâm của chính phủ. Tổng thống Park Chung Hee đã dám chấp nhận rủi ro chính trị của bản thân quyết định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Đây là một bước đi hết sức chiến lược.
Trong gói thỏa thuận của quá trình bình thường hóa, 100 triệu đôla Mỹ từ khoản bồi thường của Nhật Bản đã được Hàn Quốc sử dụng đầu tư cho ngành thép. Hơn thế, công nghệ được nhập khẩu từ Nhật Bản cùng sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia nước này cũng đóng vai trò then chốt. Điều đáng chú ý là do không cảm thấy hay lường đoán được áp lực từ khả năng Hàn Quốc sẽ cạnh tranh với Nhật Bản, nên nước này đã tận tình giúp đỡ để Hàn Quốc xây dựng ngành thép cũng như nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác.
Thứ hai, việc để POSCO thành lập theo Luật thương mại với cơ chế quản trị và điều hành như một công ty tư nhân thay vì là một DNNN cũng góp phần dẫn đến thành công. Cho dù nhận được rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ của chính phủ, nhưng POSCO vẫn được vận hành theo cơ chế thị trường và không phải chịu những vấn đề cố hữu của khu vực công.
Thứ ba, môi trường cạnh tranh đã làm POSCO nói riêng, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung, buộc phải hiệu quả nếu muốn tồn tại và phát triển. Thị trường trong nước nhỏ bé nên các doanh nghiệp của Hàn Quốc phải cạnh tranh với những người khổng lồ bên ngoài, vì vậy họ buộc phải trở nên hiệu quả. Hơn thế, cơ chế phần thưởng cho người làm tốt hay nói cách khác là nguồn lực hỗ trợ những doanh nghiệp hiệu quả đã buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc phải cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn hỗ trợ này.
Ngay đối với ngành thép, thay vì tạo điều kiện chỉ cho POSCO, cạnh tranh đã được Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích ngay từ thập niên 1980 và cạnh tranh quyết liệt hơn vào thập niên 1990 giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Kết quả là phần thắng thuộc về các doanh nghiệp hiệu quả và nền kinh tế cũng như phần lớn người dân Hàn Quốc đã hưởng lợi.
Thứ tư, tinh thần doanh nhân công (public entrepreneurship) và sự quyết tâm của những người lãnh đạo trong ngành thép và lãnh đạo Hàn Quốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Được xem là kiến trúc sư trưởng tạo ra sự thần kỳ Hàn Quốc, vai trò của Tổng thống Park Chung Hee là rất lớn. Đối với ngành thép, vai trò của tướng về hưu Park Tae Jun, người đứng đầu POSCO trong giai đoạn 19681992, là quyết định. Phong cách của một người lính cộng với lòng nhiệt thành, dám nghĩ dám làm của ông đã tạo ra sự kỳ diệu không chỉ cho POSCO mà cho cả ngành thép Hàn Quốc.
Thứ năm, nhà nước đã hạn chế tối đa vai trò của mình đối với quá trình vận hành của POSCO. Ngay từ khi thành lập, phần sở hữu của nhà nước chỉ có 56,2%, đến năm 1982 còn 32,7%, đến năm 1992 còn 20% và đến năm 1998 đã tư nhân hóa hoàn toàn. Lợi nhuận tích lũy của POSCO kể từ khi tư nhân hóa hoàn toàn đến nay vào khoảng 40 tỉ đôla Mỹ. Nếu tư duy theo quan điểm của một số người ở Việt Nam hiện nay cho rằng Nhà nước không nên bán các doanh nghiệp hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã mất hàng chục tỉ đôla từ việc thoái vốn hoàn toàn từ POSCO.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã hiểu rằng khu vực tư nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn nhà nước. Thứ tự ưu tiên hàng đầu có tính nhất quán ở Hàn Quốc là các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả; các DNNN chỉ tham gia một số hoạt động trong một số giai đoạn nhất định; không ưu ái đầu tư nước ngoài trong một thời gian dài. Đây là một trong những yếu tố tạo nên “Kỳ tích Sông Hàn”. Sự thành công của ngành thép Hàn Quốc là một ví dụ về sự thành công của việc nhà nước đóng vai trò kích hoạt kết hợp với tự do hóa và tuân thủ các quy luật hay cơ chế thị trường trong hoạt động kinh doanh.
VÀ THÉP VIỆT NAM
Kể từ khi VNSTEEL được thành lập vào ngày 30-5-1990, đã 25 năm trôi qua - đúng bằng khoảng thời gian tạo nên sự thần kỳ POSCO ở Hàn Quốc (1968-1992). Nếu tính từ thời điểm được thành lập lại vào ngày 29-4-1995 khi chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam được đặt ra (thông báo số 112TB/TW ngày 12-4-1995 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển sản xuất thép tới năm 2010), VNSTEEL đã trải qua đúng hai thập kỷ phát triển.
Xét về logic, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc nên khả năng Trung Quốc thật sự muốn giúp Việt Nam phát triển một ngành thép cũng như những ngành khác có khả năng cạnh tranh để chống lại chính họ cũng là không thể. |
Để thực hiện chiến lược này, 170 triệu USD vốn ODA từ Trung Quốc đã được dành đầu tư ngành thép. Nếu loại trừ trượt giá thì con số này cũng trên 50 triệu USD quy về năm 1968 hay tương đương một nửa số vốn ban đầu Hàn Quốc dành đầu tư ngành thép của họ. VNSTEEL đã được kỳ vọng trở thành “POSCO” của Việt Nam, trong đó Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ra đời từ năm 1959 được xem là “quả đấm thép” của VNSTEEL. Vào năm 1995, tổng lượng thép sản xuất (cán) của VNSTEEL là 362.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng thép sản xuất và 22% lượng thép tiêu thụ trong nước (1,6 triệu tấn).
Sau gần hai thập kỷ, sản lượng của VNSTEEL đã tăng khoảng 6 lần để đạt sản lượng hơn 2,1 triệu tấn (với gần một nửa là sản lượng của các liên doanh) vào năm 2013. Nếu loại trừ các liên doanh (hầu hết hoạt động gần như độc lập với VNSTEEL) thì VNSTEEL chỉ chiếm khoảng 20% lượng thép sản xuất trong nước và 10% lượng tiêu thụ, bằng phân nửa Hòa Phát và thấp hơn POMINA. Được kỳ vọng là quả đấm thép cho ngành thép Việt Nam nhưng sau 20 năm, VNSTEEL đã không thực hiện được vai trò của mình dù nhận rất nhiều ưu đãi của Nhà nước.
Với bề dày hơn nửa thế kỷ, được xem là trụ cột của VNSTEEL, nhưng TISCO hiện tại là gánh nặng chứ không phải điểm sáng của ngành thép Việt Nam. Khoản đầu tư 170 triệu USD nêu trên để thực hiện dự án mở rộng TISCO giai đoạn 1 đã không tạo ra sự thần kỳ cho ngành thép Việt Nam. Dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO đang gặp nhiều khó khăn và gần đây Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rót vốn, thực chất giải cứu TISCO.
Hàn Quốc đã dựa vào Nhật Bản và việc này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Do mức độ phát triển đã ở mức rất cao so với Hàn Quốc nên Nhật Bản không thấy áp lực cạnh tranh tiềm tàng, vì vậy họ đã giúp Hàn Quốc xây dựng thành công ngành thép cũng như một số ngành công nghiệp khác. Công nghệ được Nhật Bản đưa vào Hàn Quốc là công nghệ hiện đại ở thời điểm lúc bấy giờ.
Ngược lại, Việt Nam đã dựa vào tín dụng và hỗ trợ của Trung Quốc trong một thời gian rất lâu để phát triển ngành thép, cụ thể là Khu liên hiệp gang thép Thái Nguyên. Ở đây có một số vấn đề được đặt ra, đó là trình độ phát triển của Trung Quốc, nhất là ở cuối thập niên 1990 có lẽ không khác nhiều so với Việt Nam. Do vậy, khả năng Việt Nam tìm kiếm các công nghệ và cách thức quản lý tiên tiến như Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ Nhật Bản là không có.
Quan trọng hơn, xét về logic, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc nên khả năng Trung Quốc thật sự muốn giúp Việt Nam phát triển một ngành thép cũng như những ngành khác có khả năng cạnh tranh để chống lại chính họ cũng là không thể. Trái lại, rất có thể tận dụng việc Việt Nam dùng tín dụng cũng như những sự hỗ trợ khác từ Trung Quốc nên họ đã tranh thủ chuyển những công nghệ hay máy móc thiết bị lạc hậu với giá đắt đỏ cho Việt Nam. Điều này giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thép Trung Quốc vì họ có điều kiện đổi mới công nghệ sau khi bán được các thiết bị lạc hậu.
Nhìn chung, các chính sách đối với ngành thép trong hai thập kỷ qua ở Việt Nam theo thứ tự ưu tiên và ưu đãi cao nhất là các DNNN, kế đến là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cuối cùng là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Tuy nhiên, kết quả đã hoàn toàn trái ngược. Các doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò chính trong ngành thép Việt Nam. Trong điều kiện bị bất lợi nhất hay nói cách khác là bị phân biệt đối xử và có lúc đã bị gán cho tội danh đầu tư tràn lan, các doanh nghiệp tư nhân lại mang nhiều triển vọng nhất cho ngành thép Việt Nam. Đối với những khoản đầu tư của các doanh nghiệp FDI thì các câu hỏi đang được đặt ra và câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ.
HUỲNH THẾ DU, ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, ĐINH CÔNG KHẢI thực hiện
Đọc thêm:
Tuổi trẻ
VN bắt đầu phải nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn
21/06/2015 17:52 GMT+7TTO - Ngày 21-6, Công ty cổ phần thép Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) chính thức nhập lô hàng quặng sắt lớn đầu tiên để phục vụ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Kinh Môn, Hải Dương), công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Lô hàng quặng sắt đầu tiên nhập từ Nam Phi đã bắt đầu được bốc dỡ vào VN phục vụ sản xuất nội địa từ ngày 21-6 - Ảnh: Cẩm Tú
Theo công ty này, lô hàng tinh quặng nhập khẩu có khối lượng 55.000 tấn, được nhập về từ tận Nam Phi. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát nhập tinh quặng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép, công suất của các lò cao đang xây dựng theo quy hoạch của Bộ Công thương lên đến gần 10 triệu tấn/năm.
Hiệp hội Thép dự đoán lượng quặng cần sử dụng cho công nghiệp thép giai đoạn sau năm 2016 lên tới hơn 20 triệu tấn/năm và nhu cầu quặng sắt sẽ tăng gấp nhiều lần trong 5 năm tới. Tuy nhiên, VN có mỏ thép Thạch Khê được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á nhưng hiện vẫn... ngủ say.
Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Công thương, mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Đây là nguồn tài nguyên lớn, tuy nhiên đến nay vẫn gặp những vướng mắc, chưa thể đi vào khai thác.
Theo một chuyên gia Hiệp hội Thép, nếu mỏ Thạch Khê đi vào hoạt động sẽ không chỉ là nguồn cung quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp luyện kim theo công nghệ lò cao hiện đại trong nước, mà còn giúp hạn chế nhập siêu, giảm nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu quặng sắt.
Tại thông báo về việc nhập khẩu quặng sắt từ Nam Phi, Công ty cổ phần thép Hòa Phát chính thức đề xuất Chính phủ chỉ đạo để mỏ quặng sắt Thạch Khê sớm đi vào hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép có nguồn nguyên liệu lâu dài và ổn định.
C.V.KÌNH
No comments:
Post a Comment