Trần Phan
23.07.2015
Trong các phát biểu của mình trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng những từ “thú vị,” “sâu sắc,” “ngỡ ngàng,” “kỳ diệu,” “hết sức tâm đắc”…
Ông Nguyễn Phú Trọng vốn được cảm nhận như một nhà lãnh đạo có những phát biểu bộc trực và thành thực. Nghe ông thốt lên những từ biểu cảm như thế, tôi vừa đồng cảm với ông, vừa vui mừng và hi vọng.
Tại sao đồng cảm?
Tôi là một người được đào tạo bởi Miền Nam, đã quen với không khí của một xã hội tự do dân chủ, rồi sau đó trãi qua một số năm dưới thể chế độc tài, toàn trị. Vậy mà khi đặt chân tới phương Tây cách nay trên 30 năm, tôi vẫn có cảm giác “thú vị”, “ngỡ ngàng”…
Thí dụ ở nước Mỹ. Ngoài khi phải xin visa hay qua cửa xuất nhập cảnh… tôi chưa bao giờ phải làm việc với cảnh sát. Muốn đi đâu thì đi trên khắp đất nước mênh mông trên 50 tiểu bang này, muốn ở đâu thì ở mà không chịu bất kì kiểm soát hộ khẩu hay đăng kí tạm trú tạm vắng. Tôi từng làm việc trong viện nghiên cứu, trong công ty, muốn làm ở đâu thì làm, chỉ cần cơ quan mình muốn vào làm đồng ý tuyển dụng là được. Muốn có ý kiến gì về bất kì chính sách, qui định nào của nhà nước là có bao nhiêu hình thức thể hiện ý kiến, kể cả nô nức tham gia biểu tình… Trên đất nước này, không có “thế lực thù địch”, không có “kẻ xấu”, mỗi công dân đều có giá trị bình đẳng với nhau, có quyền ứng cử, bầu cử ngang nhau… Chính quyền do họ chọn ra, lắng nghe họ, tiến hành các quốc sách theo ý đa số trong khi vẫn tôn trọng thiểu số.
Một đất nước như thế sao không khiến người ta “thú vị”, và khiến người đã quen với xã hội được phân ra thành phần “tiên tiến” và thành phần “lạc hậu” phải “ngỡ ngàng”?
Càng ở lâu về sau tôi càng hiểu “sâu sắc” rằng chính các giá trị sống của xã hội Mỹ (và phương Tây nói chung) là nền móng tạo nên tính “thú vị” của các nước này.
Giá trị mà tôi “hết sức tâm đắc” thứ nhất chính là Tự Do (Liberty). Giá trị này tuyên bố rằng con người có tự do suy nghĩ, nói ra, và làm những điều mình chọn, miễn là những điều đó không cản ngại tự do người khác.
Một thí dụ về Tự Do trong cuộc sống thật hàng ngày là bất kì công dân nào cũng có quyền công bố trên phương tiện thông tin đại chúng rằng một nhà lãnh đạo đất nước, một chính đảng có hành vi vi phạm pháp luật (như tham nhũng, chẳng hạn). Khi có công bố như vậy, cơ quan điều tra phải vào cuộc xem sự việc công bố có thực không. Nếu có, nhà lãnh đạo đó bị mất chức. Nếu công bố không đúng sự thật, người công bố chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không ai có quyền cấm sự công bố đó, và việc cấm cản, nếu quan trọng, bị coi là vi phạm pháp luật và người cấm cản bị truy tố.
Giá trị mà tôi “hết sức tâm đắc” thứ hai chính là Bình Đẳng (Equality). Giá trị này khẳng định tất cả mọi người phải được nhà nước đối xử giống nhau, ngang nhau, có cùng cơ hội hưởng các điều kiện giáo dục, phát triển kinh tế, tham gia chính trị…
Giá trị mà tôi “hết sức tâm đắc” thứ ba chính là Tính Đa Dạng (Diversity). Giá trị này bảo vệ tính độc đáo, tính khác biệt của từng cá nhân không phân biệt chủng tộc, văn hóa, giới tính, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tuổi tác… Giá trị này bao hàm trong chính trị chỉ có các khuynh hướng khác nhau mà nhà cầm quyền phải tôn trọng, chứ không có khuynh hướng “tiến bộ” được hưởng các đặc quyền chính trị và khuynh hướng “suy thoái” bị cấm đoán.
Tại sao vui mừng và hi vọng?
Trước đây tôi không đồng ý với ông Nguyễn Phú Trọng về các tuyên bố thể hiện quan điểm của ông rằng đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lãnh đạo toàn diện nước Việt Nam. Cụ thể hơn, rằng Hiến pháp phải đứng dưới cương lĩnh của đảng CSVN.
Tôi cũng không đồng ý về việc xã hội nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo độc tài của đảng của ông, không có các giá trị nói trên. Đảng và Nhà cầm quyền cũng nhắc tới các từ Tự Do, Bình Đẳng, Đa Dạng… nhưng khái niệm và cách triển khai thì khác rất xa. Tự Do, Bình Đẳng và Đa Dạng đều phải nằm dưới dưới, nằm trong phạm vi và mức độ mà chính thể Nhất Nguyên, Độc Tài và Toàn Trị cho phép. Vậy thì làm gì có thể gọi là Tự Do, Bình Đẳng, Đa Dạng?
Mỹ và Việt Nam có hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau, những con người trong hai xã hội đó ít hiểu nhau, nghi ngờ nhau, thậm chí thù địch nhau cũng có lí do. Bây giờ, tận mắt nhìn nước Mỹ, dù chỉ mấy ngày và ở trong vòng những bức tường thượng đỉnh quyền lực, chắc ông Nguyễn Phú Trọng cũng cảm nhận một số điều về giá trị sống của xã hội Mỹ.
Cần phải sống trong lòng xã hội phương Tây đủ lâu để cảm nhận, thấu hiểu và trân quí các giá trị sống đó. Chính các giá trị đó là nguồn gốc của sức mạnh Mỹ, tính năng động Mỹ, óc sáng tạo Mỹ, hạnh phúc Mỹ, tinh thần hào hiệp Mỹ… cùng những giấc mơ Mỹ. Nhân loại hiện nay chen chúc sống và chia nhau một quả địa cầu ngày càng nhỏ. Mỹ cũng không chỉ là Mỹ, mà là một phần nhân loại. Phần đó chọn các giá trị sống Dân Chủ. Thật lòng, người viết ước mơ và mong đợi nước Việt Nam ngày càng nghiêng về chọn lựa các giá trị đó, để mà dân Việt cũng có được sức mạnh, tính năng động, óc sáng tạo, hạnh phúc… của nền Dân Chủ.
[Cũng xin mở ngoặc nhỏ để nói rằng người viết không hề sùng bái Mỹ. Các giá trị nói trên là tài sản vô giá của nhân loại, có nguồn gốc từ rất xa xưa, trãi qua tiến hóa dần được nâng thành lí luận sắc bén từ thế kỉ Ánh Sáng. Từ đó, các nước bắt đầu áp dụng nhiều hơn, cho tới nay được đại đa số các nước áp dụng và những nước áp dụng thành công nhất trở nên giàu mạnh nhất. Ta có thể có cái nhìn rõ rệt hơn khi xem thống kê của 20 nước có GDP/đầu người cao nhất thế giới về thể chế chính trị].
Với tuổi tác hiện nay, không biết ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền bao lâu nữa. Tôi vẫn nghĩ dù thế nào ông cũng còn ảnh hưởng đối với nền chính trị của đất nước. Chắc ông sẽ có những dịp gần gũi với Mỹ nhiều hơn; các đồng chí của ông, con cháu của ông, dân chúng trong nước Việt Nam cũng có những dịp như vậy.
Khi hai dân tộc gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, hai nền chính trị xích lại với nhau, các giá trị sống quí giá của nhau sẽ được chấp nhận và xiển dương… mỗi dân tộc sẽ thích nghi với nhau và chọn lấy cái hay của nhau mà áp dụng. Ngày ấy sẽ đến một cách tự nhiên và không còn xa nữa, cũng là lúc “diễn biến hòa bình” đạt được một vài cột mốc quan trọng.
Lúc này, nói tới từ “diễn biến hòa bình” chắc ông Nguyễn Phú Trọng không thích. Tôi mong rằng trong tương lai gần, ông Tổng Bí thư sẽ chấp nhận nó như là một sự tiến hóa bình thường và ôn hòa trong lòng xã hội, do dân chúng tự giác chọn lựa thể thức sống cho chính mình.
Tôi còn một hi vọng nữa ở ông Nguyễn Phú Trọng. Cách nay 30 năm, ông Trường Chinh, vốn nổi tiếng về lập trường bảo thủ, thấy được thế cuộc và vạch ra chương trình đổi mới làm nền tảng cho đất nước phát triển trong 15 năm tiếp theo. Các nhà trí thức, một khi phản tỉnh thì vừa phản tỉnh sâu sắc, vừa vạch ra chương trình đổi mới rất bài bản và căn cơ.
No comments:
Post a Comment