Friday, July 19, 2013

Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”

 
Ngày đăng 16/01/2013

Ngày 15/1/2013, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo nhằm góp phần quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả nội dung Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đến năm 2020; những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. 

Tham dự và điều hành Hội thảo có PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM.


Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí: Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Đảm, Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hơn 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng tham nhũng đang trở thành quốc nạn, là nỗi đau đối với lòng tự hào dân tộc, tham nhũng không chỉ là một biểu hiện của “diễn biến hòa bình”, mà hệ lụy của nó làm suy yếu hệ thống chính trị, dẫn đến sự bất ổn trong môi trường văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học... cùng nhau suy ngẫm, trao đổi và đưa ra những giải pháp, hiến kế cho Đảng, Nhà nước vận dụng để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hướng đến mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. PGS.TS Phan Thanh Bình tin rằng hội thảo khoa học này sẽ mang thông điệp của tâm huyết và trách nhiệm từ các nhà khoa học, các nhà lý luận, thể hiện ước nguyện của nhân dân, góp phần tạo nên sự khích lệ tinh thần và sự mở hướng cho toàn Đảng và toàn dân trong phòng, chống tham nhũng, bảo vệ những thành quả cách mạng của nhân dân ta. 

Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam, TS. Hoàng Văn Lễ, Nguyên TBT Sổ tay Xây dựng Đảng đã xác định đối tượng tham nhũng và từ đó đề ra giải pháp đột phá cho “Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020”; GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học đề cập đến vấn đề “Quốc nạn tham nhũng và nguy cơ khó lường”; trong khi đó, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nêu vấn đề và đề ra giải pháp để phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, việc đổi mới tư duy và cách tiếp cận vấn đề phòng, chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu trao đổi, đề cập. Cụ thể là tham luận “Vài suy nghĩ về công tác phòng chống tham nhũng” của Th.S Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM  và tham luận “Tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện các mục tiêu phòng chống tham nhũng phù hợp với thực tế Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Tấn Phát .

Có hơn 90 bài tham luận đã được gởi đến hội thảo, trong đó có 65 bài được chọn lọc và được đăng vào kỷ yếu. Các tham luận tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính: thứ nhất, tham nhũng như vấn nạn toàn cầu, thực trạng và hệ lụy của tham nhũng xét trên bình diện quốc tế; thứ hai, tham nhũng ở Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn; thứ ba, phòng chống tham nhũng – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam; thứ tư, đổi mới quan điểm và cách tiếp cận về tham nhũng. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Phúc khẳng định: Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tinh thần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nạn tham nhũng; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp có tính khả thi cao để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả chống nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay. Hội thảo đã làm rõ: nội hàm của phạm trù tham nhũng và nhận dạng đúng biểu hiện, thực trạng tham nhũng hiện nay; những nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng; các tác hại do tham nhũng gây ra; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; một số kết quả và hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua. Trong đó có nhiều giải pháp đa dạng, quyết liệt có tính khả thi cao, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, vận dụng để triển khai thực hiện để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, đó là: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong phòng, chống tham nhũng; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi xảy ra tham nhũng và giải pháp xử lý. Hai , thực sự coi trọng biện pháp giáo dục đạo đức cách mạng. Đồng thời, đổi mới công tác kê khai, kiểm soát, giám sát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức; cải cách chế độ tiền lương, minh bạch hóa các khoản thu nhập, chăm lo đời sống cán bộ, công chức. Ba , xét xử, xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi tham nhũng. Không chỉ cần thiết phải có một bộ luật hoàn chỉnh và một hệ thống các văn bản pháp luật đầy đủ về phòng, chống tham nhũng, mà còn cần phải thành lập một tòa án đặc biệt chống tham nhũng. Bốn , cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng để họ thực sự là những chiến sĩ xung kích của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năm , phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sáu , bố trí lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời làm tốt việc tổng kết bài học kinh nghiệm từ kết quả phát hiện, đấu tranh, giải quyết các vụ tham nhũng lớn trong thời gian qua, từ đó có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu các vụ tham nhũng tương tự trong tương lai.


PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc Hội thảo.
       
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo.
 
TS. Hoàng Văn Lễ, Nguyên TBT Sổ tay Xây dựng Đảng trình bày tham luận: "Xác định đối tượng tham nhũng để đề ra giải pháp đột phá cho “Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020”.
 
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học nói về vấn đề “Quốc nạn tham nhũng và nguy cơ khó lường”.
 
GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương trình bày "Vấn đề và giải pháp để phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay".
   
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”
 
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận Hội thảo


http://vnuhcm.edu.vn/?ArticleId=7691c592-b085-450d-9f64-730bfbceb426

No comments:

Post a Comment