Saturday, July 2, 2016

Chính phủ minh bạch và niềm tin của dân

MỘT THẾ GIỚI.VN

Chính phủ minh bạch và niềm tin của dân

Ban lãnh đạo Formosa Vũng Áng cúi đầu xin lỗi dân

 Việc gọi đích danh Formosa là thủ phạm xả thải gây cá chết hàng loạt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, việc lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận trách nhiệm và chịu bồi thường 500 triệu USD cùng những cam kết làm sạch biển hay chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân chỉ mới là bước đầu, bước 1. Còn cần những bước tiếp sau để có thể khắc phục vụ đầu độc môi trường biển khủng khiếp này. 
 
Việc làm cho Formosa phải lộ mặt và cúi đầu nhận tội không hề dễ dàng, nhưng đã làm được. Và làm được điều đó không chỉ nhờ các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà còn nhờ sự minh bạch của chính phủ. Nói “chính phủ” ở đây cụ thể là Thủ tướng và các Phó thủ tướng chính phủ.

Còn các bộ, ngành hay địa phương thì còn phải phân biệt. Vì chẳng phải, ngay từ đầu đã có một thứ trưởng Bộ TN-MT khi họp báo đã công bố cá chết có thể do…thủy triều đỏ và không liên quan đến Formosa đó sao? Còn lãnh đạo Hà Tĩnh, không phải ngay từ đầu họ đã chăm chú vào “đối tượng tình nghi”, mà họ còn nói rất chung chung. Kể cả hành động ra tắm biển hay ăn cá biển cũng chỉ là những “liệu pháp tinh thần” nhằm trấn an người dân, chứ không hề là giải pháp. Người dân đã không tin, và không tin là đúng.

Tôi được biết, cho đến hiện nay, đời sống người nghèo ở Quảng Trị vẫn vô cùng khốn khổ, vì tới…nước mắm cũng không dám ăn, còn cá thì chỉ dám ăn cá đồng. Nhưng hạn hán thế này, cá đồng đâu có đủ mà ăn. Nhìn bữa cơm của họ, có một nhà thơ nổi tiếng đã than với tôi: “Không thể chỉ ăn rau chấm… xì dầu, vì như thế nuốt không nổi. Mà ăn vậy, lấy sức đâu lao động?”. Ngay ở Huế, thì nhiều gia đình đã phải mua…muối cũ dự trữ, vì sợ muối mới nhiễm độc. Ăn cá cũng chỉ dám ăn cá đồng, hay cùng lắm là cá nước lợ đoạn cuối sông.

Phải nhìn thảm họa môi trường này trên diện rộng, mới thấy tác động quá kinh hoàng mà nó gây ra cho nhân dân. Formosa cố chối tội là phải, vì tội này quá nặng. Trong hoàn cảnh ấy, sự minh bạch của chính phủ là điều đầu tiên mà người dân yêu cầu, trước khi yêu cầu những giải pháp khắc phục.

Sau ba tháng điều tra chặt chẽ, “bắt tận tay day tận trán” Formosa, chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miển Trung. Tôi cho đây là một thắng lợi lớn, nó như một trận đánh mở màn của chiến dịch làm sạch môi trường, vì sự sống của nhân dân. Người dân tin vào chính phủ từ sự minh bạch này. Nhưng người dân cũng đòi hỏi sự không khoan nhượng trong bảo vệ môi trường, đi kèm với những thiết chế hợp lý và hữu hiệu.

Phải truy tìm cho ra nguyên nhân từ đâu Formosa dám làm liều như vậy? Cá nhân hay cơ quan nào đã buông lỏng quản lý, đã “tư túi” những gì khi cho Formosa thay vì xả thải ra sông Quyền, lại xả thải thẳng ra biển. Và với đường ống ngầm “bí mật” dưới đáy biển?

Cũng đừng nói chuyện “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” khi nói về khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự của Formosa. Việc bồi thường tiền là chuyện đương nhiên, còn việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật là chuyện đương nhiên nữa. Sự minh bạch của chính phủ ở đây thể hiện qua tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không đánh đổi phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Và: sai phạm tới đâu xử lý nghiêm tới đó, không bao che cho bất cứ ai.

Người dân đang trông chờ chính phủ thể hiện sự minh bạch này trong những bước tiếp sau. Vì xử vụ đầu độc biển này không thể kết thúc trong thời gian ngắn, và nếu không theo quyết liệt tới cùng, thủ phạm Formosa sẽ tìm nhiều cách để làm giảm thiểu tội lỗi của mình, và những cam kết của họ sẽ được thực hiện nửa vời. Cái này thì không phải “bức cung” Formosa hay chủ đầu tư nào, mà là thực trạng đã và đang xảy ra tại Việt Nam.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhắc nhở về sự chậm trễ khi vào cuộc điều tra vụ cá chết, cũng nhắc nhở cần minh bạch và làm rõ tới cùng quyết tâm bảo vệ môi trường của chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Điều đó thể hiện sự minh bạch của chính phủ, yêu cầu cấp dưới phải tuyệt đối tuân thủ. Người dân chỉ tin khi nhìn vào kết quả những công việc, những nỗ lực khắc phục thảm họa này. Tất cả là vì cuộc sống của mọi người dân Việt Nam, không trừ bất cứ ai.
      
Thanh Thảo 



Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

"Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ của Formosa là ai để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào nữa, cũng như những cá nhân, tổ chức nào buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" cho Formosa để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay" chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định
 
Sau hơn 2 tháng người dân cả nước mong mỏi chờ đợi, chiều 30.6, kết luận về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung đã được cơ quan chức năng công bố chính thức. Theo đó, việc xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xác định là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt.

Dù nguyên nhân đã được giải đáp nhưng xoay quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra hiện nay. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

- Chiều ngày qua 30.6, Chính phủ Việt Nam đã công bố chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung, bà đánh giá sao về kết quả này?

Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bắt Formosa phải cúi đầu chịu tội trước người dân Việt Nam, vì ban đầu thái độ của tập đoàn này rất ngông nghênh khi bắt người dân Việt Nam chọn giữa "cá và thép". Đây là một thái độ rất hỗn xược.

Do đó, trong vòng hơn 2 tháng, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội từ thái độ ngông ngênh này, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, ở đó vẫn có 2 thông tin chưa được giải đáp. Thứ nhất là, trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm. 

Ví dụ ở Việt Nam, khi các nhà thầu phụ vi phạm lỗi về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ra thẳng quyết định là trong vòng bao nhiêu năm các nhà thầu này không được thực thi các dự án nữa. Vậy đối với trường hợp này, Formosa không những vi phạm mà còn làm ô nhiễm môi trường nặng thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tuyên bố cấm hẳn từ nay những nhà thầu phụ này không được bước chân vào Việt Nam nữa. 

Thứ hai là về phía Việt Nam, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được. 

Tôi cũng rất tán thành khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không thể đánh đổi kinh tế-xã hội với môi trường. 

- Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Theo bà, mức đền bù này có hợp lý? Và hậu quả đối với môi trường liệu có khắc phục được?

Con số 500 triệu USD được cơ quan chức năng căn cứ là dựa trên những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên vẫn cần phải minh bạch hơn việc trong đó có bao nhiêu chi cho thiệt hại của người dân ở 4 tỉnh khác nhau, ở đó họ thiệt hại ra sao và sẽ đền bù cho họ như thế nào?... Điều này rất cần được minh bạch để người dân cả nước được biết.

Nếu mức bồi thường là thỏa đáng, giúp cho người dân khắc phục được những hậu quả về lâu về dài thì điều này cũng làm cho chúng ta yên tâm một phần nhưng nếu chưa tính toán về những hệ lụy về lâu về dài thì cũng là điều rất quan ngại.

Thêm vào đó, bao lâu nữa hệ quả này được khắc phục đầy đủ, bao lâu nữa thì người dân có thể ra biển đánh cá được bình thường và liệu khi đánh cá được bình thường thì những sản phẩm cá của họ có được thị trường tin dùng không hay là có những nghi ngại. Sau đó cuộc sống của họ vẫn khó khăn, vì cú sốc của thị trường là vô cùng nặng nề.

Do đó, theo tôi, con số này khó mà tính toán được. Đối với Việt Nam, tôi không biết Chính phủ dùng bao nhiêu trong 500 triệu USD để khắc phục về môi trường. Con số này liệu có phải căn cứ dựa trên đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế hay không hay tiếng nói và bài toán của họ không được ghi nhận...

Mặt khác, thời gian khắc phục môi trường biển là bao nhiêu lâu: 1 năm, 2 năm hay...70 năm. Vậy khoản còn lại sau khi đền bù cho người dân có đủ để khắc phục môi trường hay không? Con số 500 triệu USD nhìn thì rất lớn nhưng khi đưa vào giải quyết hệ quả của thảm họa này liệu có hợp lý hay không?

Hơn nữa, không thể để tình trạng Formosa đền tiền xong rồi phủi tay, các cơ quan chức năng phải lập ra tổ chức giám sát việc thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố tại cuộc họp chiều qua như: bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự...

Tất cả phải được lập kế hoạch rõ ràng để đảm bảo giám sát được những hoạt động của Formosa về sau này.

- Qua vụ việc này, phải chăng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nên khắt khe hơn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, thưa bà?

Phải thay đổi chính sách để không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin lời hứa của các nhà đầu tư vì chúng ta không thể đánh giá chính xác được các nhà đầu tư nước ngoài, cái tâm tham muốn có được về kinh tế của họ sẽ rất lớn, chứ tôi chưa nói đến việc đút lót để bất chấp môi trường. 

- Vậy, theo bà, Nhà nước cần có cơ chế nào để đảm bảo không còn tái diễn sự cố tương tự như thế này?

Những cơ chế của Việt Nam vẫn còn mang tính tập thể. Theo đó, dứt khoát phải nói không với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ngoài ra, lãnh đạo Việt Nam cũng phải dứt khoát với trách nhiệm của mình, phải có trách nhiệm với chủ quyền dân tộc để bảo vệ thế hệ sau này. Và đặc biệt, phải dứt khoát trừng phạt nghiêm những người nào vi phạm điều này.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cũng phải xem xét lại chế độ phân cấp quyền cho các tỉnh đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, những dự án lớn là phải dành về thẩm quyển của chính phủ Trung ương quyết định, chứ không phải là chính quyền địa phương quyết định nữa. Vì phải cân đối chung việc phát triển ở nhà nước, tránh tình trạng nhiều địa phương đua nhau đi lên bằng nhiều dự án, hay trình độ cán bộ yếu kém để đưa ra những quyết định không đúng đắn.

- Cám ơn bà!

Tuyết Nhung (Thực hiện)

Formosa, bài học về đầu tư và phát triển bền vững



Chiều 30.6, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã được công bố tại cuộc họp báo của Chính phủ. Không ai khác, thủ phạm chính trong vụ cá chết đầy biển hồi đầu tháng 4 vừa qua đích thị là từ chất thải nguy hại của nhà máy luyện cán thép Formosa gây ra.
 
Tôi đã từng nghe nói, dự án luyện cán thép Formosa (Đài Loan) khi vào tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam ta năm nào thật ra cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau. Thế rồi, sau nhiều năm xây dựng và bảo vệ luận chứng kinh tế kỹ thuật, Hà Tĩnh cũng trở thành bến đậu của công trình luyện cán thép khá hoành tráng nói trên. Công trình này có tổng mức đầu tư gần chục tỉ USD nếu xong cả 2 giai đoạn và nằm trong Khu Công nghiệp Vũng Áng với diện tích thuê đất và mặt nước biển đến trên 3 ngàn ha, thời hạn thuê lại rất khác người (đến 70 năm ?!)...

Trong các luồng ý kiến trái chiều nhau của dự án này ngày ấy (khoảng năm 2008), tôi được biết:
Phía không tán thành thì đưa ra dẫn chứng cho rằng tập đoàn này, ngay như ở Đài Loan thì vốn dĩ đã lình xình nhiều chuyện xung quanh các dự án của họ hay mắc ở khâu sản xuất không đảm bảo an toàn cho môi trường vì thiết bị thường lạc hậu. Nó lại không chỉ xảy ra ở nước khác mà ngay tại vùng lãnh thổ của họ, cũng đã có chuyện.

Phía đi vận động để dự án được phê duyệt thì về cơ bản là từ địa phương. Họ biết là bị các cơ quan thẩm định nghi ngại nên thường "tỉ tê" theo lối "đánh" vào sự thương tình của những người có tiếng nói trọng lượng, đại để là tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi nghèo lắm, nghèo nhất nước. Thu không đủ chi, bão lụt thì quanh năm... Lâu nay, có dự án đầu tư nào lớn mà họ thèm màng tới mảnh đất hẹp nhất của hình chữ S này đâu. Vì thế, rất mong được các anh trên Trung ương chiếu cố cho họ vào... 

Nói cho công tâm, đó cũng là điều chúng ta có thể chia sẻ và nên ủng hộ địa phương nếu dự án lớn này được thực thi tốt và đảm bảo môi trường bền vững.

Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, mảnh đất Hà Tĩnh và vài tỉnh lân cận đã chứng kiến một trong những tai họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Khoảng 70 tấn cá chết được thu gom dọc 200 km đường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến cuộc sống của ngư dân và cư dân sống bằng nghề du lịch tại đây.

Rồi khi bị nghi vấn trước hiện tượng cá chết quanh biển Vũng Áng ầm ĩ trên công luận, chiều 26.4, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo về việc công ty này xả nước thải ra biển và nhiều khả năng bởi phát ngôn "gây sốc" của ông Chu Xuân Phàm làm họ bẽ bàng. 

Số là trước đó, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, khi được hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng Văn phòng Formosa tại Hà Nội đã có những phát ngôn “gây sốc”. Ông Phàm nói: Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Vậy là về mặt nào đó, tấm màn bí mật đã hé lộ. Tuy rằng khi đó, họ vẫn chưa thừa nhận.

Hôm 16.6, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, Formosa Plastics Group đã gặp phải sức ép từ người của chính lãnh thổ họ, do các nhóm môi trường địa phương, các nhóm nghị sĩ và một hội của người di dân Việt Nam yêu cầu tập đoàn trả lời về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam. Nhiều người trong các nhóm trên đã nghi ngờ nước thải từ nhà máy thép Đài Loan, một cơ sở của Formosa Plastics Group liệu có phải là thủ phạm?

Việt Nam chúng ta, sau những nỗ lực điều tra và rất cẩn trọng khi mời cả các chuyên gia quốc tế sang trợ giúp tìm ra nguyên nhân cá chết ở khu vực ven biển miền Trung suốt gần 90 ngày. Đến 17 giờ chiều nay (30.6), mọi việc đã được đưa ra ánh sáng tại cuộc họp báo của Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các bộ trưởng có liên quan. Không ai khác, thủ phạm chính trong vụ cá chết đầy biển hồi đầu tháng 4 vừa qua đích thị là từ chất thải nguy hại của nhà máy luyện cán thép Formosa gây ra.

Trước đó, sáng 30.6, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư cho toàn thể cán bộ, nhân viên Formosa Hà Tĩnh, thừa nhận sai sót dẫn đến hiện tượng cá chết là do quy trình vận hành thử đã để các nhà thầu phụ thực hiện không chuẩn gây ra và trấn an toàn thể cán bộ công nhân toàn nhà máy...

Lời xin lỗi muộn kèm theo lời hứa sẽ đền bù tối đa những thiệt hại của người dân nói chung trong suốt thời gian qua mà họ đưa ra sau một hồi quanh co chưa chịu nhận lỗi ngay như hôm nay (tại buổi họp báo cũng đã phát lại clip ban lãnh đạo Công ty cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam và hứa sẽ hoạt động sản xuất nghiêm túc). Còn chúng ta sở dĩ rất cẩn trọng là bởi chính tập đoàn này đã từng dọa kiện ngược một nước cũng có hoàn cảnh tương tự, khiến cho những người trong cuộc được giao nhiệm vụ cũng phải thận trọng hơn. Song, đến giờ thì cũng đã rõ.

Nhìn lại quy trình phê duyệt của phía chúng ta, nhiều người hết sức băn khoăn và không thể lý giải nổi tại sao các cơ quan có trách nhiệm thẩm định về khoa học công nghệ và môi trường lại cho phép Formosa xả thải ngầm ra biển mà không phải là một giải pháp nào đó giúp chúng ta sau này giám sát công nghệ xả thải thuận lợi hơn thế? Về trách nhiệm phê duyệt trong khâu này phải chăng là có chuyện không ổn cần được đưa ra mổ xẻ nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho các dự án khác sau này, thậm chí nếu thấy có sai phạm thì cũng phải xử lý nghiêm khắc thì mới tránh được sai phạm. Nếu không được giám sát chặt chẽ sau này, tôi nghĩ rồi cũng có thể có lúc họ lại tái phạm vì lợi nhuận sẽ làm họ mờ mắt.

Từ sự cố xảy ra nói trên, tôi đã có những suy nghĩ: không lẽ Formosa lại có thể xem thường đồng tiền khổng lồ họ bỏ vào dự án trên đến vậy hay sao? Nếu bị phát giác thì họ tính sao đây? Phải chăng công nghệ của họ kém chất lượng nên tất yếu sẽ ra kết quả trên hay do họ cố lách khe hở, "đi tắt công đoạn", không tuân thủ đúng như những gì lẽ ra họ buộc phải làm để tiết giảm chi phí. Nay khi đã lộ ra, tất nhiên sẽ buộc họ phải làm cho đúng và xem đó như một bài học do chính họ gây ra.

Formosa Plastics Group là một tập đoàn thuộc loại lớn nhất của Đài Loan. Đài Loan lại cũng là 1 trong 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất đổ vào Việt Nam trong những năm qua. Ấy là chưa nói, có lúc Đài Loan đã từng đứng thứ 2 trong số các nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam. Sự cố xảy ra ở Hà Tĩnh, người Đài Loan ngay tại chính quốc cũng đã vào cuộc rất trách nhiệm, khách quan. Sự truy nguyên gốc gác tai hoạ cá chết tại Việt Nam đã cho thấy ngay người Đài Loan cũng không bao che cho việc làm nói trên của người dân họ tại đất nước khác. Chúng ta nên nhìn nhận sự công tâm đó và đánh giá cao chuyện này từ phía bạn và hy vọng các đối tác phía Đài Loan cũng nên xem đây như một bài học về đầu tư ra nước ngoài. Có đảm bảo về môi trường mới có phát triển bền vững và lợi ích mang lại cho cả hai.

Quốc Phong

No comments:

Post a Comment