Tuesday, July 5, 2016

Huyện Kỳ Anh đuổi 156 học sinh cắp sách đến trường

Sao chính quyền lại nỡ đối xử với các em học sinh - các mầm non, tương lai của đất nước - như vậy??

GNsP

Huyện Kỳ Anh đuổi 156 học sinh cắp sách đến trường

Đăng ngày 04.07.2016 - 1:00pm

GNsP (04.07.2016) – Nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh đuổi 156 em thiếu nhi Công Giáo không được đến trường học suốt 2 năm nay trong niên khóa 2014 – 2015, 2015-2016. Các em có độ tuổi từ 4 – 15 thuộc cấp Mần non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Các em học sinh thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình với ước mong được cắp sách đến trường, vào ngày 04.07.2016.

Hiện nay, các em đã nghỉ học và ở nhà. Các em thiếu nhi này thuộc Giáo xứ Đông Yên, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thầy Hiệu Trưởng trường THCS Kỳ Lợi – huyện Kỳ Anh cho các bậc phụ huynh biết lý do con em của họ không được đến trường, bởi vì “danh sách của các em đã chuyển đến chỗ tái định cư mới của người dân Đông Yên – xã Kỳ Lợi cách chỗ ở hiện tại khoảng 30 km.”

Các bậc phụ huynh cũng cho hay, Thầy Hiệu trưởng nói, đây là lệnh của cấp trên nên bắt buộc nhà trường phải thi hành.

Được biết, hiện tại có 6 phòng học tại trường THCS Kỳ Lợi để trống do thiếu học sinh ghi danh đến trường, trong khi đó 155 học sinh bị nhà cầm quyền cấm cắp sách đến trường.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này bắt đầu từ năm 2012 khi nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh cho triển khai dự án di dời dân tái định cư đối với 1000 hộ dân thuộc Giáo xứ Đông Yên. Nhưng, cho đến nay, có hơn 840 hộ di dời, còn lại 158 hộ vẫn chưa di dời bởi họ phản đối các lý do sau: Thứ nhất, mục đích di dời, giải tỏa chưa được sáng tỏ. Thứ hai, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh đã định mức tài sản vật chất của người dân không đúng giá bồi thường theo quy định của pháp luật. Thứ ba, khu tái định cư không đáp ứng được các điều kiện tối thiểu về đời sống như y tế, giáo dục, công ăn việc làm, thực hành các lễ nghi tôn giáo. Thứ tư, vùng đất thôn Đông Yên đã được ông cha xây dựng hơn 100 năm nay…

Ông Trần Việt Hòa, một trong 158 hộ dân, chia sẻ: “Chúng tôi không thể từ bỏ mảnh đất mà ông cha để lại cho con cháu để đi đến một nơi không bảo đảm các quyền lợi chính đáng. Trong khi ở đây chúng tôi có cuộc sống ổn định, có công ăn việc làm, cơ sở vật chất đầy đủ. Ngược lại, cuộc sống nơi TĐC không có việc làm, không có thu nhập.”

Bà Mai Thị Hòa, gia đình đã dời đến khu tái định cư nhưng lại quay về lại đất cũ, nói: “Lúc đầu nhà nước hứa hẹn nhiều điều, thế nhưng sau khi nhận tiền đền bù thì số tiền đó không đủ để dựng nhà dựng cửa, cuộc sống trở nên túng thiếu khi không có việc làm, không có thu nhập. Vì thế, chúng tôi phải quay về để tiếp tục nghề cũ để kiếm sống. Nếu ở trên đó (khu tái định cư) thì chỉ có chết đói cả nhà mà thôi.”

Một gia đình giấu tên chia sẻ cuộc sống của những gia đình chuyển đến khu tái định cư: “Hầu hết mọi người không có công ăn việc làm nên sinh ra nhậu nhẹt, bài bạc, trộm cắp… Vì thế mà cuộc sống của những người trong khu tái định cư vô cùng khó khăn. Ai cũng muốn quay về quê hương nhưng về đâu khi nhà cầm quyền đã cho xe cẩu đến phá nát nhà tan hoang đổ nát.”

Xét về khía cạnh pháp lý, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đuổi 156 em học sinh không được đi học là vi phạm pháp luật, bởi vì “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” quy định tại Điều 39 Hiến pháp. Cũng vậy, Luật Giáo dục qui định : “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Điều 11 Luật Giáo dục cũng qui định: “Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập”. Như vậy, việc nhà cầm quyền ngăn cản bằng thủ thuật “chuyển danh sách” và Ban giám hiệu nhà trường “tuân theo” là vi phạm quyền và nghĩa vụ học tập của các em.

Đặc biệt trong lứa tuổi giáo dục phổ cập, gia đình có nghĩa vụ đấu tranh “cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập” như Luật định. Điều 20 Luật Giáo dục cũng đưa ra qui định: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội. Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Rõ ràng nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh và Ban giám hiệu trường đã có hành vi “lợi dụng hoạt động giáo dục” để đạt mục tiêu buộc cha mẹ học sinh phải di dời.

Cần nhấn mạnh Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qui định rõ không được phân biệt đối xử với trẻ em tại Điều 4: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Điều này xác định, hành vi tự ý “chuyển trường” các em học sinh do chính kiến của cha mẹ các em chống lại chính sách di dân, giải tỏa không phù hợp của nhà cầm quyền Hà Tĩnh và nhà trường là “phân biệt đối xử” với các em. Điều 5 Luật này cũng qui định: “Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: 1. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. 2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ở trong nước và nước ngoài góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Về quyền của trẻ em, Luật này quy định tại Điều 6: “1. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện. 2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.”

Luật này cũng nghiêm cấm các hành vi “cản trở việc học tập của trẻ em” tại Điều 7. Và khẳng định “trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập” tại khoản 1, Điều 28: “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn”.

Trong thời gian vừa qua, bà con ngư dân ở các tỉnh Miền Trung, đặc biệt là bà con giáo dân giáo xứ Đông Yên – nằm sát bên cạnh Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh – chịu thảm họa ô nhiễm môi trường biển một cách nặng nề do Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc tố ra biển, khiến cá biển chết hàng loạt, bà con mất ngư nghiệp và cuộc sống gặp nhiều bế tắc khi không chuyển đổi được nghề nghiệp. Một tương lai mịt mù đang đợi phía trước đối với bà con giáo dân giáo xứ Đông Yên.

Huyền Trang, GNsP


Hơn 150 em học sinh Đông Yên biểu tình đòi quyền đi học

Đăng ngày 04.07.2016 - 11:15am

GNsP (04.07.2016) – Hai xe cảnh sát cơ động và rất nhiều công an, an ninh mặc thường phục đã được huy động để ngăn cản và khống chế cuộc biểu tình của các em học sinh ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

156 em học sinh cùng phụ huynh của các em đã tập trung biểu tình trước cổng trường trung học cơ sở Kỳ Lợi nhằm yêu cầu Bộ Giáo Dục cho các em được quyền đi học vào sáng ngày 04.07.2016.

Ngay từ sáng sớm các em học sinh đã đứng trước cổng trường trung học cơ sở Kỳ Lợi và hô to các khẩu hiệu đòi quyền được học hành như “yêu cầu chính quyền trả lại quyền được học cho chúng con”, “chúng con cần được học”. Các em cầm các tờ giấy với biểu ngữ: “Chúng con rất muốn đến trường”, “đã hai năm nay tại sao chúng con không được đến trường”…

Một người dân Đông Yên cho biết rất đông lực lượng công an đã được điều động đến để đàn áp và kiểm soát tình hình. Ông cho biết: “khi các em mới biểu tình được một lúc thì một phụ huynh đã bị cảnh sát cơ động đánh đập. Người dân đã xông vào can thiệp nên công an buông ra. Có sự xuất hiện của xe cảnh sát cơ động và mọi hoạt động của người dân bị giám sát gắt gao.”

Các em học sinh thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình với ước mong được cắp sách đến trường, vào ngày 04.07.2016.

Tại sao lại tước đoạt quyền đi học của trẻ em?

Một nguồn tin cho biết, hôm nay nhà chức trách huyện Kỳ Anh đang tổ chức kỳ họp hội đồng nhân dân, do đó hơn 150 em học sinh đã biểu tình nhằm gây áp lực để dành lại quyền được đến trường học tập.

Tham gia cuộc biểu tình này là các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 9, những người đã bị nhà cầm quyền buộc phải nghỉ học nhằm tạo áp lực bắt các gia đình nơi đây phải chuyển đi nơi khác.

Đã hai năm qua, các em học sinh nơi đây đã phải nghỉ học vì Sở Giáo Dục đã không cho các em được đến trường. Đây là một một phần chiến thuật mà nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh áp dụng để hòng cưỡng chế và đuổi người dân Đông Yên đi nơi khác.

Người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in những tấn thảm kịch mà nhà cầm quyền đã đối xử với họ. Trước đây giáo xứ Đông Yên là nơi trù phú và phồn thịnh hơn so với trong vùng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng từ khi nhà cầm quyền ra lệnh giải tỏa mặt bằng để phục vụ các dự án kinh tế, thì tình trạng cưỡng chế giải tỏa với giá rẻ mạt cũng như đàn áp giáo dân nơi đây đã tăng cao. Nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an cảnh sát để cưỡng chiếm nơi đây buộc khoảng 200 hộ dân nơi đây phải chuyển tới vùng khác.

Giáo dân nơi đây đã phản đối vì số tiền đền bù thấp trong khi đó nếu đến nơi ở mới thì đời sống của họ sẽ không bảo đảm, thất nghiệp và các tệ nạn xã hội cũng sẽ gia tăng.

Trong làn sóng bức hại đó, hơn 150 em học sinh Đông Yên đã buộc phải nghỉ học để phục vụ ý định chính trị của giới chức Hà Tĩnh.

Các em hôm nay biểu tình để đòi lại sự công bằng và quyền hiến định của mình. Các học sinh mong rằng Bộ Giáo Dục sẽ lắng nghe và đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các em.

Paul Minh Nhật, GNsP

No comments:

Post a Comment