Thursday, July 7, 2016

KHÔNG CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ LỜI XIN LỖI VÀ 500 TRIỆU ĐÔ LA CỦA FORMOSA LÀ XONG!

BS HỒ HẢI
Sunday, July 3, 2016


Bài đọc liên quan:
+ Thủy triều đỏ và Formosa Hà Tĩnh - lời nói láo khiếm nhã
+ Hãy kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa án quốc tế
+ Phải đóng cửa không chỉ Formosa Hà Tĩnh
+ Formosa Hà Tĩnh muốn ưu đãi trọn đời, lập đặc khu riêng

Khi đưa vấn đề này ra để bàn, tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, vì số tiền đền bù và 5 cam kết của chính phủ Việt Nam với Formosa quá mơ hồ và đơn giản, hơn nữa, khi thủ tướng phát biểu rằng: Kiên quyết đóng cửa, nếu Formosa tái diễn sự cố môi trường. 5 cam kết như sau:

1. Formosa công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

2. Formosa thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỷ đồng tương đương 500 triệu USD.

3. Formosa khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

4. Formosa phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế.

5. Formosa thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.

Tôi ngồi nghĩ mãi không ra về việc này. Biển Đông rộng và sâu đến thế. Biển đông càng không phải là hồ, ao, sông suối, nhưng Formosa chỉ làm một động tác xúc miệng thử trước khi hoạt động chính thức mà làm chết cả biển Đông. Điều này chứng tỏ đây là một âm mưu có tính toán lâu dài, là một thảm họa diệt chủng không thua Đức Quốc Xã đã từng diệt chủng Do Thái, chứ không chỉ đơn thuần là sự cố.

Nếu gọi là sự cố thì tại sao Formosa lại làm hệ thống ống xả thải chìm sâu dưới mặt nước biển?

Công bố kết quả thủ phạm và nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh miền Trung ngày 30/6/2016

Nếu là sự cố thì tại sao Formosa xả thải ra biển một lượng lớn không thể tưởng tượng gồm những chất cực độc: Cyanua, Phenol làm chết động vật vì tranh giành oxy với hemoglobine chuyên chở oxy tưới máu cho mô?

Nguy hiểm hơn nữa là, nếu là sự cố thì tại sao Formosa còn xả thải ra những hydroxyt kim loại nặng như sắt, thủy ngân, mangan, v.v... để chúng kết tủa và trầm tích xuống đáy biển và đi theo dòng hải lưu hủy diệt và gây ngộ độc cả biển Việt Nam - dòng hải lưu này mùa hè chảy theo hướng Bắc Nam, mùa đông chảy theo hướng Nam Bắc - vì nó còn lắng đọng ít nhất phải 30 năm, nếu không tích cực, tốn kém giải quyết bằng công nghệ hiện đại.

Nếu là sự cố thì tại làm sao phải hành động cố ý như thế đối với nền kinh tế biển Việt Nam mà theo mục tiêu đến 2020 chiếm tỷ trọng 50% GDP cả nước? Nhưng, chỉ với chưa bằng 5% của nền kinh tế biển mang lại - Formosa bồi thường 500 triệu đô la - thì chính phủ lại đã tính chuyện lấy tiền đó cho ngư dân vay để đánh bắt xa bờ!

Biển là biển của đảng cộng sản hay biển của người Việt Nam, mà thủ tướng lại quyết định lấy tiền bồi thường cho dân chỉ 4 tỉnh đi cho vay lại cho dân để ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ là đúng hay sai?

Chỉ để cải thiện môi trường nước sinh hoạt xả ra con kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè ở Sài Gòn, năm 2014, chính quyền thành phố đã phải tiêu tốn đúng 450 triệu đô la, nhưng tại sao để bồi thường cả biển Đông vì tội hủy diệt môi trường biển chỉ có 500 triệu đô la?

Ngay từ đầu, mọi nguyên nhân đổ dồn về thủ phạm chính là do Formosa xả thải làm ra thảm họa môi trường biển, nhưng phải mất gần 3 tháng mới công bố nguyên nhân và thủ phạm. Việc công bố lại chờ đến ngay sau khi ông Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ viện phụ trách ngoại giao sang Việt Nam, và quốc hội Đài Loan, quốc gia chủ quản Formosa đòi đem ra tòa án về thảm họa môi trường biển Việt Nam. Các sự kiện liên quan nhau về tính chất tội phạm và thời điểm ngoại giao này không thể không làm dân thắc mắc việc Alibaba của Trung Quốc làm môi giới cho Formosa Đài Loan bán lúa non Formosa Hà Tĩnh ở một thiên đường thuế bí mật mọi thông tin.

Một câu hỏi rất lớn đặt ra là, từ sau 30/4/1975 đến nay ai đứng ra gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển Đông, ngư dân hay hải quân? Câu trả lời ai cũng rõ, chỉ có ngư dân! Nhưng ngư dân được gì với 5 cam kết của Formosa và chính phủ?

Tất cả những điều trên cho người dân thấy những điều sau, khi mà ngày 01/7/2016 là ngày luật trưng cầu dân ý có hiệu lực:

Thứ nhất, trong 5 cam kết của Formosa mà chính phủ đã đưa ra, không có điểm nào buộc Formosa phải xử lý và phục hồi lại môi trường và hệ sinh thái biển, mà biển sẽ chết đến nửa thế kỷ sau:

Qua sự việc, khách quan nhìn nhận, chính phủ Việt Nam có những khó khăn nhất định, và có những lúng túng trong giải quyết thảm họa môi trường, mà có thể không thể đứng ra kiện Formosa về tội hình sự, hay tội hủy diệt môi trường biển. Cho nên người dân Việt cần đứng ra kiện Formosa trên cơ sở luật mội trường Việt Nam và thế giới.

Như vậy, theo điều 6 của Luật trưng cầu dân ý thì, quốc hội phải tổ chức trưng cầu dân ý ngay lập tức cho thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, chứ không thể để chính phủ chỉ có biết đòi hỏi Formosa xin lỗi và 500 triệu đô la bồi thường không đủ để lo chén cơm manh áo của ngư dân thất nghiệp, đói nghèo, chứ đừng nói đến phục hồi sinh thái biển phải tốn đến ngàn tỷ đô la trong nhiều năm tới.

Người dân Việt vẫn đủ tư cách pháp nhân đứng ra kiện Formosa với chính phủ Việt Nam chiểu theo luật bảo vệ môi trường Việt Nam. Khi việc trong nhà không giải quyết được vì lý do khách quan hay chủ quan, thì lúc đó phải đi đến việc thứ hai sau đây.

Thứ hai, nếu quốc hội và chính phủ không tổ chức trưng cầu dân ý về việc để dân quyết định Formosa có được phép hoạt động ở Việt Nam, hoặc việc tổ chức này không có dân chủ - có nghĩa là tổ chức xã hội dân sự độc lập ngoài đảng cầm quyền cùng với chính quyền kiểm phiếu - thì các tổ chức dân sự của người Việt trong và ngoài nước phải đứng ra kiện Formosa tội hủy diệt môi trường biển với Tổ chức môi trường Liên Hiệp Quốc theo những gì chính phủ Việt Nam đã ký kết với Hiệp định biến đổi khí Hậu Paris tháng 12/2015 vừa qua. Vì không thể để những kẻ không xứng đáng đại diện đi đêm trên lưng của cả dân tộc!

Đây là một tiến trình đòi hỏi rất nhiều công khó và đòi hỏi một đội ngũ có tầm nhìn xa và có năng lực thực sự, chứ không đơn giản là chỉ để chém gió trên facebook hay trên blog cá nhân.

Bắt đầu làm cho việc dân Việt kiện Formosa là phải có nhóm luật sư làm việc chuẩn quốc tế. Sau khi ê kíp luật sư đã hoàn thiện, dân phải thành lập ít nhất 5 nhóm:

1. Tài chính để vận động đóng góp tài chính phục vụ cho án kiện. Vì có thể thuê cả các luật sư của Trung tâm luật môi trường thế giới.
2. Ngoại giao để phục vụ cho hồ sơ khiếu kiện với các bên chính phủ Việt Nam, Formosa, Liên hiệp quốc.
3. Các nhà khoa học và văn thư cho việc thu thập chứng cứ và lấy chữ ký toàn dân và hồ sơ khiếu kiện.
4. Tổ chức đại diện dân sự cho toàn dân Việt Nam đứng ra khiếu kiện.
5. Nhóm vận động tuyên truyền khiếu kiện.

Tất cả 5 nhóm trên được làm việc trong một kế hoạch gồm có nhiều bước theo một lộ trình bài bản theo luật pháp quốc tế và Việt Nam.

Tôi cho rằng, nếu ngày xưa ông Hồ Chí Minh mà không có một ê kíp làm việc có năng lực và có tầm nhìn xa thực sự thì ông không thể tham gia được các Hội nghị như Fontainebleau, Geneve, Paris...

Nếu người Việt trong và ngoài nước không đủ khả năng để kiện Formosa ra tòa án quốc tế, và buộc Formosa đóng cửa, bồi thường thích đáng, phục hồi môi trường biển, thì sẽ không hy vọng các tổ chức xã hội dân sự hiện nay của người Việt trong và ngoài nước có đủ năng lực tham gia vào tiến trình dân chủ và nhân quyền để xây dựng nước Việt tốt đẹp hơn cộng sản đã và đang phá.

Chúng ta phải làm không chỉ vì cái chung của đất nước và dân tộc Việt, mà còn là vì cái riêng của chính gia đình của mỗi người Việt.

Không biết việc này có khả thi không thì chưa rõ, nhưng tôi thiết tha mong mỏi tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay thực hiện nó. Ai có trí thì dùng trí, ai có vật lực thì dùng vật lực, hãy cùng nhau mỗi người một tay thực hiện việc này như là một việc tập sự cho một vận hành tổ chức xã hội tầm quốc tế và quốc gia.

Hãy đồng lòng đoàn kết lại, đừng ngủ mãi!

Sài Gòn, 12h12' Chúa Nhựt, 03/7/2016

No comments:

Post a Comment