Thứ 2, 09:05, 18/07/2016
VOV.VN - Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho rằng, tham nhũng là sự tha hóa, lợi dụng quyền lực, muốn chống được điều đó phải kiểm soát được quyền lực.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng,Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhận định: tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Có nhiều nguyên nhân để tham nhũng, nhưng nguyên nhân do cơ chế “xin – cho” được coi là cơ hội của tham nhũng. Nhiều người quan tâm băn khoăn: tại sao biết rõ nhưng lại chậm sửa chữa. Với những quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính thì tới đây, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới pháp luật, chính sách có triệt tiêu hoặc hạn chế được cơ chế “xin – cho” để nó không còn là nguy cơ của tham nhũng.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Văn Minh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh
PV: Thưa ông, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, nhiều con số được đưa ra: thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng, thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng; thiệt hại trên 400 ha đất, thu hồi hơn 200 ha đất; hơn 900 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, số bị xử lý hình sự là 118 trường hợp. Ông bình luận gì về những con số này?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Như chúng ta đã biết, tại hội nghị này, ngoài sự đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của toàn Đảng, toàn dân thì kết quả, hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế như những con số vừa nêu. Tham nhũng là hành vi chiếm đoạt tiền mặt và tài sản, số thiệt hại rất lớn, nhưng số thu hồi lại rất nhỏ.
Đảng ta đã nhận định có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có những chuyện nọ, chuyện kia… nhưng trong chừng ấy năm chỉ xử lý hình sự hơn 100 người, không tương xứng với tất cả những gì xảy ra cũng như nhận định của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây hại rất lớn về tiền bạc, tài sản, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân. Đó là một sự thật chúng ta cần nhìn thẳng để có các giải pháp kiểm soát.
PV: Hội nghị này cũng đã nhận định cơ chế “xin - cho” là một trong những cơ hội của tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Nhận định này có là “phát hiện” mới trong việc tìm ra nguyên nhân không, thưa ông?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Chúng ta nói nhiều đến cơ chế “xin-cho” bởi nó có nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ tham nhũng. Không chỉ cơ chế “xin-cho” mà một trong những nguyên nhân quan trọng để tình trạng tham nhũng nhiều hay ít đó chính là cơ chế. Như chiến lược của Singapore làm cho công chức không có cơ hội tham nhũng và không thể tham nhũng. Không thể hay không chính là do cơ chế này. Cơ chế rất quan trọng, chiếm phần trăm rất lớn trong các hành vi vi phạm. Cơ chế “xin-cho” vẫn hay nói, thực ra nó thể hiện một sự tùy tiện, không căn cứ vào các quy định pháp luật, hoặc hành xử, hoặc quyết định vấn đề không vì lợi ích chung mà vì lợi ích cá nhân.
Đây không phải là vấn đề mới, đã có “xin”, có “cho”, và bây giờ thậm chí không cẩn thận thành cơ chế mua-bán, phần trăm. Đây cũng là điều đã phát hiện ra, và chính chúng ta đã chuyển đổi cơ chế từ mệnh lệnh bao cấp sang cơ chế thị trường hoặc cơ chế khác để giảm bớt tình trạng “xin-cho”. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để loại trừ cơ chế “xin-cho” lại không hề đơn giản.
PV: Không mới, nhưng sao lại chậm sửa, bởi vì cơ chế là do con người đề ra, do con người thực hiện và cũng lại do con người coi đó là nguyên nhân của tham nhũng, thưa ông?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Hình dung bộ máy nhà nước khi hoạt động, có một điều quan trọng là tất cả hoạt động bộ máy nhà nước được ủy quyền về mặt quyền lực, tiền bạc, tài sản. Nói bỏ cơ chế “xin-cho” không có nghĩa là bỏ đi những người có quyền quyết định. Trong mọi hoạt động nhà nước vẫn phải có người đề nghị, có người thẩm định, có người phê duyệt, có người quyết định. Vấn đề quan trọng là bản thân những người đó phải ý thức được đây không phải là quyền của họ, mà là nhân dân ủy quyền, và khi đó anh phải quyết định theo lợi ích của người dân, lợi ích của cộng đồng. Thứ hai, cơ chế làm sao để những người này họ phải quyết định vì lợi ích cộng đồng.
Chúng ta vẫn nói nguyên lý các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước chỉ làm điều pháp luật cho phép, tôi muốn bổ sung ý không phải “chỉ làm” mà là “phải làm”. Không phải thích là làm mà đó là trách nhiệm. Bất cứ quyền hạn nào của cơ quan nhà nước đều là trách nhiệm.
Ví dụ, với một dự án cụ thể, khi xét duyệt thì anh phải căn cứ xem dự án này có phù hợp với quy hoạch không, có phục vụ lợi ích của đa số người dân hay không, có bảo đảm môi trường không… tức là phải có tiêu chí của nó. Muốn loại trừ cơ chế “xin-cho” thì phải có tiêu chí, tiêu chí đó là pháp luật, các chế độ định mức tiêu chuẩn. Khi có tiêu chí thì toàn bộ quyết định phải được minh bạch.
PV: Theo ông, điều gì khiến cơ chế “xin – cho” trở thành căn bệnh trong bộ máy công quyền và là cơ hội của tham nhũng?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Bệnh trạng hoặc sự tệ hại của bộ máy và con người thì xét cho cùng đều do con người. Cái này có cả hai, một mặt phải xem xét để đưa ra cơ chế, mặt khác xét cho cùng là con người. Một con người tử tế, vì lợi ích người dân thì trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp cơ chế không tốt lắm thì người ta vẫn làm những điều tốt. Ngược lại, nếu cơ chế hay, nhưng con người hỏng, mà hỏng không chỉ một chỗ mà hỏng một chuỗi như chúng ta vẫn thường nói là nhóm lợi ích. Xét cho cùng con người vẫn là điều quan trọng, đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế thì yếu tố con người vẫn là yếu tố then chốt.
PV: Có chuyên gia nhận định: cơ chế dùng người, đặt người vào công việc của chúng ta bộc lộ nhiều bất ổn. Thiếu động lực cho tài năng bộc lộ, phát triển. Nhân tài, hiền tài, tinh hoa khó, thậm chí không vào được bộ máy. Cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” là nơi dung dưỡng cho tham nhũng phát triển. Chính sách và cơ chế hiện hành vô hình chung chỉ khuyến khích con người ta chạy theo quan chức, địa vị, bổng lộc, không khuyến khích mọi người theo con đường chuyên gia. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Không chỉ người dân mà Đảng, Nhà nước cũng hết sức lo lắng về các vấn đề, hiện trạng như lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin-cho”. Ở một góc độ nào đó, những vấn đề đó thực chất là tham nhũng, tham nhũng có tổ chức. Ngay cả khái niệm lợi ích nhóm ở Việt Nam cũng khác. Cho nên những cái đó cần phải nghiên cứu, làm rành rẽ từng việc một để có giải pháp.
PV: Thưa ông, tham nhũng ở nước ta nặng nề, mang tính nan giải, khó trị. Từ tham nhũng nhỏ, vặt vãnh đến tham nhũng lớn và cả tham nhũng cực lớn cũng có. Sắp tới, Luật sẽ sửa đổi như thế nào để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Hiện nay chúng ta đang sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, với tất cả những gì đang diễn ra cần tiếp tục suy nghĩ để đưa các giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là vấn đề công khai minh bạch. Thực ra tham nhũng là sự tha hóa, lợi dụng quyền lực, muốn chống được điều đó phải kiểm soát được quyền lực. Muốn kiểm soát quyền lực thì phải công khai minh bạch để mọi người được biết, để các cơ quan có cơ sở đánh giá, nhận xét, cũng như có cơ sở xử lý. Vì vậy, công khai minh bạch là phương thức đặc trị bệnh tham nhũng.
Thứ hai phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu được giao quyền hạn, trách nhiệm đồng thời phải sẵn sàng chịu trách nhiệm, sẵn sàng rời bỏ chức vụ.
Thứ ba là các thiết chế phải mạnh mẽ hơn nữa. Cuối cùng chúng ta cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
PV: Khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng vào năm 2012, đã có đề nghị nên thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập về phòng chống tham nhũng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng vấn đề này lại được nêu ra. Quan điểm của ông như thế nào?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Việc thành lập cơ quan chuyên trách độc lập phòng chống tham nhũng đã nói nhiều, tuy nhiên khi nhìn lại toàn bộ hệ thống thì cũng phải suy nghĩ một cách toàn diện. Bởi vì với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta xây dựng hệ thống các cơ quan cũng rất độc lập và quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng là của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, rõ ràng sáng kiến này đáng suy nghĩ. Nhưng có lẽ nên có phương án nào đó có tính chất nhất thời đối với cách hiện nay là Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Ở thiết chế nhà nước cũng có những việc như vậy, ví dụ như Quốc hội có thể thành lập Ủy ban đặc biệt lâm thời đối với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài, để có cách nào đó bảo đảm tính độc lập, bảo đảm tính khách quan. Và thực sự Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân và được người dân tin cậy thì có thể thành lập cơ quan như vậy.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Ngọc Chi-K.Anh/VOVÔng Đinh La Thăng: Phải bỏ cơ chế xin cho, quan liêu nhũng nhiễu
VOV.VN - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị phải xây dựng một cơ chế đột phá để thành phố phát
triển
------------------------------
Suy tư: Làm sao bỏ được cơ chế xin - cho, quan liêu nhũng nhiễu mà vẫn giữ sự độc đảng, độc tài, độc quyền? Đây là quan hệ nguyên nhân - hệ quả. Bài toán này thật ra không khó giải quyết, học sinh cấp hai cũng làm được: sửa vế bên phải (nguyên nhân) sẽ sửa được vế bên trái (hệ quả), ai cũng hiểu chỉ ...lãnh đạo là không (muốn) hiểu !
No comments:
Post a Comment