06:32 ngày 03 tháng 07 năm 2016
Nguyễn Hoài
Hệ sinh thái biển miền Trung: Nửa thế kỷ mới hồi phục hoàn toàn
TP - Khảo sát đáy biển nhiều nơi thuộc bốn tỉnh Bắc
Trung bộ sau sự cố môi trường nghiêm trọng, các nhà khoa học phát hiện
hơn nửa rặng san hô ở những nơi đó đã bị chết, các loài tôm cá điển hình
của vùng này cũng không còn. Họ đánh giá, phải mất khoảng 50 năm, hệ
sinh thái biển ở đây mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Từ ngày 4 đến 15/5, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học
và Công nghệ Việt Nam (được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân cá chết) khảo
sát quần thể sinh vật cũng như rặng san hô ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng
Trị và Thừa Thiên Huế.
San hô chết, tôm cá vắng bóng
Tại Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn
Dương, nơi cách họng xả thải của Công ty Formosa 7,5 km. Ở Mũi Ròn Mạ,
hình ảnh chụp được cho thấy, nhiều tập đoàn san hô mới chết trong khoảng
một tháng, san hô thưa thớt không tạo thành rạn.
Ở Hòn Sơn Dương, san hô chết khoảng 35-40%, tỷ lệ san hô còn sống
dưới 10%. Cả hai điểm này vắng mặt các loại cá kinh tế có kích thước lớn
hoặc nhóm cá thuộc họ cá san hô điển hình, chỉ có một vài con xuất hiện
với mật độ rất thấp, kích thước cơ thể nhỏ và không có giá trị kinh tế.
Đặc biệt ở Hòn Sơn Dương, không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ cá
Bống trắng - loài cá sống ở môi trường sạch.
Ở Quảng Bình, các nhà khoa học khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm
(đảo Yến) ngày 7/5. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước các
tập đoàn nhỏ. Có hiện tượng san hô chết rải rác. Vắng bóng các loài cá
điển hình cho vùng rạn sạn hô. Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô
chết.
Trong khi đó, tại Cửa Tùng, Quảng Trị, các nhà khoa học phát hiện
loài hàu chết còn lại xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài
ra, khá nhiều vỏ hàu nằm rải rác trên nền đáy. Không phát hiện thấy ấu
trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc dù theo ngư dân, đây là thời điểm
khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm. Nền đáy khu vực này còn bị
bao phủ bởi lớp bùn mỏng màu vàng cho tới nâu vàng, nước biển vẩn đục
nhiều.
Tại Thừa Thiên Huế, nơi cuối cùng của dòng chảy độc tố, các nhà khoa
học khảo sát ở hai địa điểm, đều ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các
loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn. Đáng chú ý, trước đây,
một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy,
điểm rạn Bãi Chuối, Bắc Hải Vân của Huế từng có mật độ cá con và ấu
trùng cá rất cao, là bãi đẻ chủ đạo của khu vực. Đặc biệt là họ cá Khế
Carangidae (dân địa phương gọi là cá Vẩu) nhưng giờ, kết quả quan trắc
không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ này nữa.
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công
nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết, 50% diện
tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quàng Trị, Thừa
Thiên Huế đã bị phá hủy (trên tổng số 800 ha).
Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia về thủy sản, vùng rạn đá, san hô
là nơi có chức năng tái tạo hệ sinh thái biển. Các loài cá, cua, ốc…
khi sinh sản tìm về đây vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Nếu
rặng san hô bị chết, tôm, cá, cua, ốc không còn nơi sinh sản đồng nghĩa
với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây, hệ sinh thái bị
mất đi.
Mất nửa thế kỷ mới hồi phục hoàn toàn
Theo TS Vũ Đức Lợi, khoảng 50 năm, các rặng san hô mới có thể phục
hồi, vì đây là loài phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1-2 cm. Các
nhà khoa học tính toán, trong điều kiện phát triển bình thường, phải
mất khoảng 50 năm, các rặng san hô, bãi san hô mới có thể phát triển
được bằng thời điểm trước khi sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra.
Theo TS Lợi, giải pháp làm sạch môi trường đáy biển miền Trung đã
được các nhà khoa học nghiên cứu thời gian qua. Trong trường hợp xyanua,
phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân
nhắc là hút trầm tích đáy biển. Với phương pháp này, sẽ phải huy động
các tàu hút xuống biển.
Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút
lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. TS
Lợi cho biết, phương pháp này từng được sử dụng trong quá trình làm sạch
vịnh Minamata ở Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata.
Vietnamnet
Vào Việt Nam 15 năm, Formosa để lại những gì?
01/07/2016 07:39 GMT+7
Trong 15 năm hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Formosa của Đài Loan được xem là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với các dự án tỉ đô, song bên cạnh đó là không ít vụ bê bối và tai tiếng.
Những dự án tỉ đô
Tập
đoàn Formosa được thành lập năm 1954, là một tổ hợp công nghiệp đa
ngành của Đài Loan. Tập đoàn này được thành lập bởi hai anh em Vương
Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại.
Bắt đầu là một công ty chuyên sản
xuất và kinh doanh nhựa, Tập đoàn Formosa đã phát triển ra một mạng lưới
hàng trăm công ty con với 4 đơn vị lớn nhất bao gồm: Formosa Plastics
Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu),
và Formosa Chemicals &Fibre (sợi nhựa, vải). Ngoài ra, doanh nghiệp
này còn đầu tư vào lĩnh vực thép, chất bán dẫn, điện...
Một góc công trường đang xây dựng của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh minh họa.
Năm 2008, Formosa đã quyết định rót vốn đầu tư dự án tại Khu kinh tế
Vũng Áng thông qua việc thành lập Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp
Formosa (Formosa Hà Tĩnh). Dự án này khởi công từ tháng 7.2008 với tổng
diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương),
với thời gian thuê đất là 70 năm.
Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Formosa, nắm gần 95% cổ phần.
Với
mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp, dự án này được Formosa đầu tư
với số tiền lên tới 28,5 tỉ USD với quy mô tạo việc làm cho 35.000 người
lao động. Dự án này hoạt động dựa trên nhà máy luyện gang thép, cảng
nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn, nhà máy nhiệt điện công suất
2.100 MW…
Trong đó, riêng quy mô nhà máy thép giai đoạn I đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm với mức đầu tư khoảng 10 tỉ USD/năm.
Formosa
nhận định Khu kinh tế Vũng Áng là 1 điểm phù hợp đầu tư của tập đoàn
này do cảng nước sâu Sơn Dương cho mô hình tổ hợp công nghiệp và tỷ suất
đầu tư tại đây cũng rẻ hơn nhiều so với các địa điểm khác.
Trước
năm 2008, vào năm 2001, Tập đoàn Formosa cũng đã rót vốn đầu tư vào Đồng
Nai thông qua Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa. Tại đây, công ty này đã
thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp dệt sợi nhuộm đặt tại khu công
nghiệp Nhơn Trạch III với diện tích 300 ha, trong đó sản phẩm chính của
công ty này là các sản phẩm sợi, dệt, nhựa.
Ở Đồng Nai, Formosa
cũng có một danh sách các thành viên ở nhiều lĩnh vực như Formosa
Taffeta Đồng Nai, Formosa Taffeta Việt Nam (chuyên về dệt – nhuộm)
Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)…
Năm 2014, doanh thu của
công ty này đạt hơn 17.100 tỉ đồng; tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt
lần lượt là 17.400 tỉ đồng và 13.300 tỉ đồng. Con số này đã đưa Formosa
trở thành doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam.
Những... ưu đãi "quá đáng"
Đáng
chú ý, những dự án đầu tư của Tập đoàn Formosa đã nhận được nhiều ưu
đãi từ Chính phủ Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, những ưu đãi
của Formosa đã tới mức "quá đáng", gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp
trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, dự án Khu liên hợp
gang thép của Formosa đã nhận được những ưu đãi lớn từ chính phủ Việt
Nam như: được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm có chịu thuế
là 10%, trong khi doanh nghiệp trong nước từ ngày 1.1.2016 là 20%; 4
năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và được giảm 50% số thuế phải
nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có
thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận
tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên môi trường và giảm 40% phí bảo vệ
môi trường với hoạt động hút cát, san nền...
Đó là còn chưa kể tới
những ưu đãi khi giải phóng mặt bằng, có cơ sở hạ tầng điện nước đầy
đủ, ít chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Từ
những ưu đãi này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách của
Việt Nam còn nhiều bất cấp đã tạo ra một môi trường kinh doanh không
bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài. Mặt khác, sự bất cập này còn là rào cản lớn nhất của môi
trường kinh doanh, là nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh của Việt
Nam tụt hạng trong những năm gần đây.
...gây nên nhiều vụ bê bối, tai tiếng
Bên
cạnh việc mang đến thị trường Việt Nam nhiều dự án lớn, Formosa cũng để
lại không ít sự vụ tai tiếng. Thứ nhất là việc công ty này đã sử dụng
hơn 3.000 lao động chui người Trung Quốc tại Vũng Áng. Năm 2014, cơ quan
chức năng điều tra 6.121 lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng nhưng chỉ có
3.261 người lao động có giấy phép.
Thứ hai là vụ sập giàn giáo
cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng ngày
25.3.2015 đã khiến 13 người chết, 29 người bị thương.
Thứ ba là sự
việc xảy ra ngày 5.3 vừa qua khi Formosa tiếp tục bị phát hiện làm ô
nhiễm môi trường vì đổ chất thải gồm chai lọ, xốp, cao su, ván gỗ, bông,
vải, thạch cao, sắt thép, nhiều thùng chứa đầy hóa chất… xuống khu đất
rộng nằm sát đường thuộc phường Kỳ Liên.
Và gần đây nhất là việc
gây nên thảm họa cá chết hàng loạt bất thường tại khu vực vùng biển miền
Trung gồm 4 tình: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cụ
thể, chiều 30.6, cơ quan chức năng Việt Nam đã chính thức xác nhận việc
xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại
Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi
trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại
khu vực vùng biển 4 tình miền Trung.
Những vụ bê bối trên của Formosa thời gian qua đã gây nên không ít bức xúc và bất bình trong dư luận.
No comments:
Post a Comment