Thursday, February 6, 2014

Làm điều đúng khó vậy sao ?

THANH NIÊN

'Người hùng Đồi Ngô' chật vật tìm kế mưu sinh

Chẳng còn cơ hội tìm "chốn dung thân" sau nhiều lần đứng ra tố cáo sai phạm trong ngành giáo dục ở H.Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), đặc biệt là vụ thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012, thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc đang phải học tiếng Nhật để qua đất nước mặt trời mọc kiếm kế mưu sinh.


Ông Nguyễn Danh Ngọc 

Khi chúng tôi về thăm, ông Nguyễn Danh Ngọc (ngụ xã Tiến Hưng, H.Lục Nam) - người hơn 2 năm trước dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT Đồi Ngô và được cả nước biết đến - vẫn đang miệt mài ôn lại cả mớ lý thuyết, bài tập thực hành tiếng Nhật. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Ngọc nói: “Không còn đâu nhận mình vào làm nữa, hết đất sống rồi nên quyết định học tiếng Nhật rồi qua đó vài năm xem sao”.

Bị đuổi việc giữa giờ lên lớp

Giọng buồn buồn, ông Ngọc kể tháng 8.2006, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, ông ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Đồi Ngô (xã Tiến Hưng). Đầu năm 2009, nhóm học sinh nghèo người dân tộc thiểu số có hỏi ông vì sao họ không được hưởng khoản tiền hỗ trợ từ Chương trình 135 của nhà nước, trong khi các trường bạn gần đó đều được. Trước những ánh mắt hồn nhiên của các em, ông Ngọc thông tin cặn kẽ về từng khoản tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số. Ít ngày sau đó, nhiều học sinh cùng cha mẹ kéo lên phòng của thầy Nguyễn Ngọc Lưu (khi đó là quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đồi Ngô) để hỏi cho ra nhẽ... Cũng từ đây, ông Ngọc bị một số đồng nghiệp trong trường nhìn bằng ánh mắt lạ.

"Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng" - ông Nguyễn Danh Ngọc nói.


Cùng năm học 2009, lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ để ông Ngọc huấn luyện đội tuyển thể thao của trường tham gia thi đấu giải do Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức. “Cho tới gần sát ngày thi đấu, đột nhiên thầy Lưu nói không để các em tham dự giải nữa. Phần vì tiếc công tập luyện của học sinh, phần vì muốn mang vinh quang lại cho trường, nên tôi cùng học trò quyết định viết đơn tự nguyện tham gia giải... Năm đó, đội tuyển Trường Đồi Ngô đoạt hơn chục giải, từ điền kinh, võ thuật, cho tới bơi lội. Nhưng không hiểu sao khi tiền giải thưởng về trường thì lại không tới được tay các trò”, ông Ngọc nhớ lại.

Lại càng bất ngờ hơn khi trong cuộc họp cuối năm của trường, ông Lưu cho rằng ông đã có định hướng từ đầu để đội tuyển thể thao tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. “Lúc đó vì quá bất bình trước những lời thầy Lưu nói nên mình đứng dậy xin phát biểu. Mình nói thầy không xin lỗi, em sẽ tố cáo thầy với cấp trên. Chưa hết, mình còn yêu cầu thầy Lưu trả lại những gì mà đáng nhẽ ra các em được hưởng”, ông Ngọc cho hay.

Sự việc đội thể thao đi thi đấu đạt thành tích cao còn chưa được làm sáng tỏ thì giữa giờ thể dục ngày 14.1.2010 do ông Ngọc đứng lớp, ông Lưu đột nhiên xuất hiện và ra lệnh thu sổ đầu bài, thu sổ điểm, rồi lớn tiếng quát tháo, đuổi ông Ngọc ra khỏi trường. Sáng 15.1, khi đang chuẩn bị lên lớp, ông Ngọc nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc.

Bị buộc thôi việc, người thầy dũng cảm dám đứng lên tố cáo tiêu cực của quyền hiệu trưởng vẫn ấp ủ mơ ước đứng lớp. Với xấp hồ sơ trên tay, ông Ngọc lui tới nhiều trường trong H.Lục Nam tìm việc, nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những cái lắc đầu, kèm những lời bàn tán, dị nghị... Chán nản, ông bắt xe vào Nam để làm công nhân cho một xưởng cơ khí. Nhưng chỉ được vài tháng, công việc nặng nhọc, vất vả không hợp với sức khỏe của người thầy giáo, ông đành quay trở lại Lục Nam trong sự hả hê của không ít người.

Trở về quê ngày hôm trước, hôm sau ông Ngọc xin vào làm việc tại xưởng xay gạo gần nhà. Năm 2012, phát hiện dấu hiệu gian lận trong thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô, ông chủ động liên hệ, trao đổi với thầy Đỗ Việt Khoa - người từng đứng ra tố cáo tiêu cực tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Sau đó, 6 clip về gian lận thi cử tốt nghiệp tại Đồi Ngô được công bố. Tới ngày 11.8.2012, Sở GD-ĐT Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm đó. 

Chống tiêu cực đến cùng 

Được biết, để lo được suất đi Nhật kéo dài 3 năm, gia đình ông Ngọc phải tất tả chạy ngược xuôi kiếm đủ 200 triệu đồng. “Đầu tiên là đi để tính hướng mưu sinh, vì ở nhà chẳng còn nơi nào muốn nhận mình nữa rồi. Kế đến là đi để thay đổi môi trường cho bớt căng thẳng áp lực, chứ như hiện tại thì quả là khó sống”, ông Ngọc bộc bạch.

Vẫn theo lời kể của ông Ngọc, không như lần bị mất việc, sau khi clip về gian lận thi cử tại Đồi Ngô được tung hết lên mạng, ngay cả bố mẹ và người thân của ông vẫn không tin do ông làm. Khi vỡ lẽ thì cả gia đình, người thân, bạn bè… đều có lời oán trách. Đáng buồn hơn, nhiều đồng nghiệp của ông còn lớn tiếng đe dọa, chửi bới ông vì cái tội quay clip. Nhưng dần về sau, nhiều người đã hiểu và thông cảm với việc làm của ông.

“Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì tôi sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng”, ông Ngọc nói vậy khi chúng tôi chào tạm biệt.

Hà An



Làm điều đúng khó vậy sao ?


Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc xung quanh bài viết 'Người hùng Đồi Ngô' chật vật tìm kế mưu sinh đăng trên Thanh Niên ngày 5.2.

Không thể bỏ rơi người tốt 

Việc thầy Nguyễn Danh Ngọc và thầy Đỗ Việt Khoa dũng cảm tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục đã khiến nhiều người dân tin rằng còn có những người tốt. Thế nhưng tôi không hiểu tại sao các cơ quan thẩm quyền không những không biểu dương, bảo vệ người tốt như vậy mà lại thờ ơ, bỏ mặc số phận của họ. Họ đấu tranh cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà chứ có phải cho cá nhân họ đâu? Nếu người tốt mà bị đối xử như thế thì còn ai đứng lên chống tiêu cực nữa, đất nước sẽ ra sao khi không có những người tốt như vậy? 

Lê Thị Mỹ Hương (banglangtim@gmail.com) 

Tôi khâm phục thầy Ngọc 

Chúng ta hãy suy nghĩ tại sao thầy Ngọc buộc phải rời quê hương để mưu sinh nơi đất khách quê người khi trong lòng ngập tràn tình yêu nghề và sống có trách nhiệm với xã hội. Và cho dù thầy Ngọc có sang Nhật sinh sống như dự tính, thì trước sau gì tôi cũng hết lòng khâm phục bởi thầy quá dũng cảm, biết hy sinh mình cho điều đúng đắn. 

Phạm Bá Hoàng (hoangpham69@yahoo.com) 

Người tốt phải được vinh danh 

Chắc chắn khi đứng lên chống tiêu cực, những người như thầy Ngọc, thầy Khoa đã dự liệu những khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy sẽ chờ đón mình ở phía trước. Thế nhưng các thầy đã quyết không lùi bước trước những điều xấu xa, quyết không thỏa hiệp. Bởi ở các thầy có một niềm tin mang tính quy luật rằng, cuối cùng thì thiện cũng thắng ác, chính cũng thắng tà, cái xấu phải bị loại bỏ, người tốt phải được vinh danh. Tôi tin rằng qua sự việc này, các cấp thẩm quyền cũng thấy được những bất công đang bủa vây các thầy để rồi từ đó sẽ có những động thái tích cực nhằm bảo vệ những người tốt, mang lại niềm tin cho nhiều người trong xã hội. 

Đào Công Thành
(thanhgiaolang@gmail.com)


Hà Nuôi  Câu chuyện này khiến tôi chợt nhớ về nhiều trường hợp khác đấu tranh chống cái xấu, cái ác rồi bị trù dập. Chẳng lẽ trong thời hiện đại này mà còn có những cảnh đời như vậy sao?
Hà Nuôi
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Bùi Chiến
(thực hiện)


BAN CTBĐ
(tổng hợp)


No comments:

Post a Comment