Tháng 8.1978, nửa năm trước khi diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) đã được đón Tổng bí thư Lê Duẩn xuống thăm và làm việc. Bài nói chuyện của Tổng bí thư giàu cảm xúc, với nhiều nội dung đã làm sáng tỏ một điều: Cuộc “gặp gỡ” của súng đạn trên biên giới phía bắc sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Bộ đội hành quân chi viện cho tiền phương - Ảnh: Trần Mạnh Thường |
Trên thực tế, những hoạt động xâm nhập, bắt cóc, nổ súng… từ phía
“bên kia” đã ngày càng dày thêm. Và cũng trên thực tế, “bên này” đã có
sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng rồi, Mười bảy tháng hai vẫn nổ ra như một bất ngờ.
Hoàng Thị Thu Hiền (sinh năm 1976) được chiến sĩ Sư đoàn 346 cứu khỏi vùng chiến sự Hòa An, Cao Bằng, vào ngày 23.2.1979 - Ảnh: Trần Mạnh Thường |
Khó ngờ rằng Trung Quốc lại mở cuộc tiến công quy mô, tàn khốc trên
diện rộng hàng trăm ki lô mét toàn tuyến biên giới như vậy, với lực
lượng hùng hậu 60 vạn quân thay cho dự báo có thể là các cuộc xung đột
cấp chiến thuật trong một không gian hạn chế. Lý thuyết chưa được kiểm
chứng cho đến lúc ấy là: không thể có chiến tranh xâm lược từ phía người
anh em cùng giai cấp, cùng lý tưởng! Huống hồ đây lại là giữa hai quốc
gia là phên dậu của nhau, từng sát cánh trong cuộc chiến tranh trường kỳ
và khốc liệt vì độc lập, tự do của dân tộc Việt. Tất cả đã đổ vỡ một
sớm một chiều.
*
**
**
Nguyên nhân thật của việc gây ra cuộc chiến Mười bảy tháng hai
chưa từng được công khai. Hãy để cho lịch sử phán xét, dù phải thêm
năm, mười hay vài mươi năm nữa. Điều này đâu quan trọng, thực tế ai cũng
rõ cả rồi. Vì sự tôn trọng Trung Quốc, và vì quan hệ lâu dài giữa hai
nước, người viết bài này từng không chỉ một lần kiến nghị về việc nên
chăng có các cuộc luận đàm chính thức và thiện chí về vấn đề này nhằm
tạo nên đồng thuận chính trị, coi sự kiện Mười bảy tháng hai như một tai biến lịch sử chấp nhận được cho cả đôi bên như để khép dần quá khứ.
|
Nhưng hình như có những người, có những luận điểm truyền thông ở nước bạn không muốn thế. Năm 2009, 30 năm sau Mười bảy tháng hai,
đầy ắp trên các trang mạng - và cả báo viết - của Trung Quốc là những
bài phấn khích cực đoan về cuộc “phản kích tự vệ”. Người ta đánh thức
cuộc chiến ấy với đầu rơi máu chảy được mô tả, hả hê chuyện tống bom,
tống bộc phá giật sập một chiếc hang giết chết hàng trăm người dân Việt
Nam vô tội vào đấy lánh nạn. Rồi sau đó, trên các phương tiện truyền
thông, lúc ngấm ngầm khi bột phát, người ta nhắc về Mười bảy tháng hai
bằng giọng điệu kích động, gây hấn và thậm chí có tờ báo còn “thiết kế”
ra cả kịch bản chiến tranh trên bộ và trên biển Đông trong tương lai
gần. Ngay cả mối quan hệ một thời “môi hở răng lạnh” (chữ của phía Trung
Quốc) với nước láng giềng Việt Nam cũng bị các luận điệu ấy kích bác
một cách giễu cợt, ác ý…
May thay, những điều đó, dù có thể được “bật đèn xanh" lúc này hay
lúc khác, cũng không phải là đại diện của dư luận và lương tri Trung
Quốc.
Một nhà ngoại giao kể rằng ông ở Bắc Kinh thời kỳ Mười bảy tháng hai.
Có lần đi sửa kính, người thợ già khi biết ông là người Việt liền bảo:
“Tôi không hiểu những gì đang xảy ra ở biên giới, nhưng đem con em Trung
Quốc đi đánh Việt Nam là không thể được…”, rồi dứt khoát không lấy tiền
công. Còn câu chuyện dưới đây được kể từ Quý Châu, tỉnh vùng cao Trung
Quốc. Một đoàn khảo sát thủy điện đến đấy, ghé vào quán ăn hẻo lánh. Khi
biết trong đoàn có một số chuyên gia Việt Nam, chủ quán liền bốc điện
thoại gọi đi đâu đó. Rồi giải thích: Ở vùng này hầu như không thấy người
Việt, ông trưởng thôn của chúng tôi vẫn mong có dịp gặp họ. Trưởng thôn
đến ngay tắp lự (dù ông đi lại không dễ dàng), trong quân phục Giải
phóng quân chỉ có chiếc mũ với quân hiệu là mới (chắc lâu không có dịp
đặt lên đầu), tay trái chống nạng, tay phải cầm một chai rượu, hỏi: “Xin
lỗi, ở đây có ai từng là quân nhân không?”. Bạn tôi, người kể lại câu
chuyện này đứng lên. Anh chưa kịp cất lời thì trưởng thôn đã lập tức
quăng nạng qua một bên, dằn chai rượu lên bàn, hai chân - một giả, một
thật - dập mạnh vào nhau, tay phải hắt một đường thẳng lên vành mũ: “Tôi
đã từng tham gia chiến tranh “phản kích tự vệ”, xin nhận ở đây lời xin
lỗi của tôi”. Ông kể mình mất một chân vì vấp phải mìn, và thôn nhỏ này
cũng có sáu, bảy quân nhân tử trận trong cuộc “phản kích tự vệ” ấy. Ở
Quảng Tây, tôi có một nhóm bạn là những chiến sĩ công binh Trung Quốc
từng sang giúp chúng ta trong kháng chiến. Từ lần đầu tiếp xúc, họ vẫn
gọi là “bạn chiến đấu”, đón tiếp chân tình. Ám chỉ đến cuộc chiến Mười bảy tháng hai, có người trong số họ bảo: “Cái gì xấu vứt ở ngoài kia, không cho ngồi vào đây”.
Những quan điểm tương tự cũng có ở các học giả, chuyên gia và ngay cả
giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Có vị từng đánh giá cuộc chiến tranh Mười bảy tháng hai
là một sai lầm. Có vị gần đây còn nhìn nhận “công lao xây dựng quan hệ
hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng mấy chục năm qua của chúng ta
chừng đã đổ hết xuống sông xuống biển”.
*
**
**
Quy chiếu từ tuyên bố “Dạy cho Việt Nam một bài học”, có thể khẳng định rằng: Nhìn từ 35 năm sau, cuộc chiến Mười bảy tháng hai
thật sự là một sai lầm nghiêm trọng của những người gây ra nó. Còn lý
do để có nó - cái gọi là cuộc “phản kích tự vệ” - chắc chắn là một ngụy
lý. Người ta lu loa rằng, phải “phản kích tự vệ” vì đã có hàng ngàn cuộc
nổ súng, xâm lấn từ phía Việt Nam, điều không hề có thật. Khi ấy, vừa
giành được độc lập tự do, đang nỗ lực xây dựng đất nước trước muôn vàn
khó khăn thì làm sao mà Việt Nam có thể dư lực mà khiêu khích, gây chiến
với một nước mạnh là Trung Quốc. Hơn nữa, đấy là quốc gia từng ủng hộ
Việt Nam trong hai cuộc chiến chống ngoại xâm thế kỷ 20. Nếu vin vào
việc “vì yếu tố Campuchia” thì lịch sử đã cho thấy rõ rồi. Sau khi hỗ
trợ lực lượng giải phóng Campuchia xóa tan nạn diệt chủng (cũng chính là
mối nguy ở biên giới Tây Nam), Việt Nam đã tôn trọng quyền quản lý đất
nước của người Campuchia để đất nước này nay cũng là “người bạn đáng tin
cậy của nhân dân Trung Quốc”, như người ta hoan hỉ. Có thể không bắt bẻ
những chuyện này làm gì, nhưng đáng quan tâm là: đến nay, bên kia biên
giới, đây đó vẫn tồn tại luận điệu “gắp lửa bỏ tay người”, dựng nên những câu chuyện sai sự thật để vừa kích động, vừa gây áp lực.
Xe tăng Trung Quốc bị Tiểu đoàn
50 (Trung đoàn 567 - Bộ Chỉ huy quân sự Cao Bằng) tiêu diệt tại Nà Tòng,
thị xã Cao Bằng - Ảnh: Trần Mạnh Thường
|
Chính sách gây áp lực tuyệt đối không thể giúp được gì vào việc xây
dựng một quan hệ tốt đẹp theo mong muốn của cả hai bên. Người Á Đông vốn
chủ trương thuyết “tiểu nhân - quân tử”; thái độ quân tử ở góc nhìn của
thời đại nên là một trong các tiêu chí để xử sự, truyền thông về sự
thật lịch sử và cả với những bất đồng.
Kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước, của dân tộc, các thế hệ Việt
Nam có lúc thể hiện sự thận trọng nhún nhường vì đại cục; nhưng điều ấy
không đồng nghĩa với việc để người nghĩ mình ươn sợ. Có câu: “Đành để người ghét, chớ để người khinh”. Huống hồ chúng ta có chính nghĩa ngàn năm lịch sử sau lưng và trăm triệu Lạc Hồng trước mặt chứ, đồng bào.
TS Vũ Cao Phan
(Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đại học Bình Dương)
>> Tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ biên giới phía bắc(Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đại học Bình Dương)
>> Cầu siêu liệt sĩ bảo vệ biên giới phía bắc
No comments:
Post a Comment