THANH NIÊN
23/02/2014 09:00
|
Mới đây, anh Hiệp (trú Q.6, TP.HCM) đã lắp đặt dàn điện mặt trời
(ĐMT) có công suất 1 KW, chi phí khoảng hơn 80 triệu đồng, trên mái nhà
của mình. Nhờ đó, khi bị cúp điện, nhà anh không cần phải dùng máy phát
điện vừa tốn tiền nhiên liệu, vừa ồn lại thải ra khói ô nhiễm. Dàn ĐMT
của anh Hiệp mỗi ngày cung cấp khoảng 4 - 5 KW, được dùng để thắp sáng 4
bóng đèn huỳnh quang loại 40 W và sử dụng cho 4 quạt máy và 1 ti vi.
Những ngày nắng tốt, nhà anh có ĐMT đủ xài cả ngày, còn nắng yếu thì
dùng thêm hệ thống điện lưới quốc gia.
Tương tự, ông Trịnh Quang Dũng (trú tại đường Nhất Chi Mai, Q.Tân
Bình, TP.HCM) cho biết đã trang bị trên mái nhà một hệ thống ĐMT từ 42
tấm solar panel công suất 2 KW. Hệ thống này đủ cung cấp điện cho hầu
hết thiết bị điện trong nhà như ti vi, đèn, quạt... Chỉ còn có máy lạnh,
bình điện đun nước nóng là dùng nguồn điện lưới quốc gia. Tại huyện
Trảng Bàng (Tây Ninh), ông Đặng Công Hạo cũng đã đầu tư dàn điện mặt
trời công suất 4 KW cho ngôi nhà lầu làm bằng tre rộng đến 2.000m2.
Không chỉ thắp sáng cho toàn bộ đèn trong nhà, hệ thống ĐMT của ông còn
dư điện để chạy máy lạnh và bơm nước.
Ở vùng sâu như huyện Cần Giờ (TP.HCM), ĐMT còn là giải pháp tốt nhất
cho các hộ dân sống ở khu vực chưa có điện lưới. Từ năm 2012, nhờ giải
pháp này, văn phòng của 6 phân khu thuộc rừng ngập mặn Cần Giờ và 165 hộ
giữ rừng được đáp ứng nhu cầu sử dụng đèn, quạt, ti vi, sạc điện thoại
di động.
Như một nhà máy
Chính nhờ những ưu điểm vừa nêu, nóc của tòa nhà Viện Môi trường và
Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đang có một "nhà máy điện mặt trời”
sắp hoàn thành với 264 tấm solar panel. Hệ thống sử dụng công nghệ SIPV
hòa lưới thông minh phù hợp với điều kiện mạng lưới điện quốc gia Việt
Nam. Ban ngày hệ thống solar panel hấp thu bức xạ năng lượng mặt trời và
chuyển thành điện năng (điện 1 chiều DC). Toàn bộ điện năng này được
biến đổi thành điện xoay chiều 3 pha và trực tiếp hòa vào mạng lưới điện
quốc gia thông qua các máy Sunny Mini Center 7.000HV cung cấp nguồn
điện cho hệ thống tải sử dụng, đồng thời nạp điện cho hệ ắc quy thông
qua các máy Sunny Island 5048. Khi nguồn điện lưới bị mất, điện năng tạo
ra từ hệ solar panel sẽ hòa vào nguồn điện xoay chiều tạo ra từ các máy
sunny Island 5048 và tự động cách ly với nguồn điện lưới quốc gia đảm
bảo an toàn lưới điện. Ban đêm, các máy Sunny Island 5048 sẽ chuyền đổi
điện 48VDC từ hệ ắc quy thành nguồn điện xoay chiều 3 pha hòa cùng nguồn
điện lưới cung cấp cho tải sử dụng. Khi nguồn điện lưới bị mất và đồng
thời nguồn từ hệ ắc quy cạn thì máy phát điện sẽ tự khởi động để cung
cấp nguồn điện cho tải sử dụng. Hằng năm, hệ thống này sẽ sản xuất trung
bình hơn 70 MWh điện hòa vào hệ thống điện tòa nhà của Viện, đồng thời
có khả năng dự phòng cho hệ thống tải ưu tiên công suất 30 KW hoạt động
liên tục hơn 8 giờ.
Một công trình lớn khác là hệ thống ĐMT được lắp đặt trên tổng diện tích 3.270 m2 tại nhà máy Intel ở Khu công nghệ cao TP.HCM, với 1.092 tấm pin năng lượng mặt trời cùng 21 bộ biến điện, hằng năm sản xuất ra điện năng
khoảng 321 MW. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 1,1 triệu USD. Tương
tự, trụ sở Bộ Công thương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có một "nhà máy
ĐMT” với công suất gần 16 MW mỗi năm.
Tất cả đang giúp định hình nên xu hướng sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Cần có chính sách
Theo thông tin từ Công ty Red Sun, đầu tư hệ thống ĐMT có
ắc quy dự phòng (backup) chi phí khoảng 3.500 - 4.000 USD/KW. Nhưng nếu
đầu tư hệ thống ĐMT hòa lưới thì không cần ắc quy dự phòng nên chi phí
chỉ khoảng 2.000 USD/KW. Với chi phí này, khoảng 7 năm là hoàn vốn, tính
theo đơn giá điện tăng lũy tuyến bình quân 10%/năm. Tuổi thọ hệ thống
đối với pin năng lượng mặt trời là 30 năm, như vậy bình quân chúng ta có
thể dùng năng lượng mặt trời miễn phí từ 20 - 23 năm sau khi đầu tư hệ
thống ĐMT hòa lưới.TGĐ Công ty Red Sun Diệp Bảo Cánh đánh giá: “Giá ĐMT sẽ giảm nữa, còn khoảng 900 USD/KW. Giá giảm do công nghệ ĐMT càng ngày càng có hiệu suất cao hơn, đồng thời hiện nay thị trường đã có nhiều nhà sản xuất tham gia hơn trước kia”. Ngoài ra, Nhà nước hiện chưa có chủ trương và những quy định cụ thể về việc cho ĐMT được nối lưới. Trong khi đó, ở các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã có những chính sách sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT. Ông Cánh thông tin: “Như ở Malaysia, theo tôi tìm hiểu, giá mua điện từ ĐMT khoảng 0,25 - 0,3 USD/KW. Việt Nam chỉ cần mua với giá 0,15 USD/KW (3.300 đồng/KW) là đủ để thị trường có thể đón nhận ĐMT, vì nước ta có lợi thế là nắng nhiều, hiệu suất khai thác ĐMT cao, chi phí nhân công rẻ. Ông Diệp Bảo Cánh đề xuất khi chưa có chính sách giá cả, thì nên cho ĐMT được nối lưới, cho được bù trừ trong sử dụng giữa ĐMT và điện lưới quốc gia. Nếu làm được điều đó, giá thành đầu tư ĐMT sẽ thấp hơn do người dùng ĐMT không cần lắp đặt hệ thống ắc quy vốn đắt tiền. |
Ứng dụng trong lĩnh vực môi trường
Mới đây, Công ty CP khoa học công nghệ Petech (TP.HCM) đã
lắp ĐMT công suất 1 KW trên tàu chở khách du lịch xem san hô ở Hòn Mun
(Khánh Hòa) nhằm cung cấp điện cho bể xử lý chất thải nhà vệ sinh trên
tàu để bảo tồn các loại san hô dưới nước. Hiện Petech còn đang lắp đặt
hệ thống ĐMT để xử lý bùn thải của Nhà máy cấp nước Yên Phụ (Hà Nội)
trên tổng diện tích khoảng 64 m2. Trước đó, Công ty Petech
cũng đã ứng dụng ĐMT cho hệ thống xử lý nước thải ở Bệnh viện Chợ Rẫy,
TP.HCM, hiện đang hoạt động tốt. |
Mai Vọng
>> Kỷ lục về hiệu suất điện mặt trời>> Biến điện mặt trời thành nhiên liệu lỏng
>> Nhà máy điện mặt trời" trên nóc nhà Bộ Công thương
>> Cơ hội và thách thức cho điện mặt trời
>> Điện mặt trời cho xã đảo
No comments:
Post a Comment