Monday, December 22, 2014

Tin tặc, vũ khí mới của Bình Nhưỡng

RFI


Tin tặc, vũ khí mới của Bình Nhưỡng

Bình Nhưỡng hiện có gần 3.000 chuyên viên trong đội quân tin học - DR

Vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures có thể chỉ là một cuộc ''thao dượt'' đối với đội quân chuyên gia tin học mà Bắc Triều Tiên đang có trong tay, một đội quân mà mục tiêu hoạt động là làm tê liệt toàn bộ hệ thống viễn thông của các đối phương.

Hãng tin Reuters trích dẫn những người Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài cho biết là bên cạnh công nghệ hạt nhân, chính quyền Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ tin học, để bù đắp cho sự thua kém của quốc gia này về mặt vũ khí quy ước. 

Theo lời ông Kim Heung-kwan, một giáo sư đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, mục tiêu tối hậu của Bình Nhưỡng trong chiến lược phát triển tin học là tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc, hai nước bị xem là luôn có âm mưu đánh chiếm Bắc Triều Tiên.

Vị giáo sư này khẳng định cuộc tấn công tin học vào Sony Pictures rất giống với các cuộc tấn công trước đây được cho là do Bắc Triều Tiên thực hiện. Đó chỉ là những cuộc thao dượt với mục đích phá hủy các cơ sở hạ tầng. 

Về phần ông Jang Se-yul, từng theo học môn khoa học tin học tại trường đại học quân sự ở Bắc Triều Tiên trước khi chạy sang Hàn Quốc tỵ nạn cách đây 6 năm, cho biết là các tin tặc Bắc Triều Tiên vẫn tập tấn công vào các hệ thống điện lực. 

Cục 121, do cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên quản lý, là một bộ phận quy tụ các chuyên gia tin học giỏi nhất nước này, với nhiệm vụ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tin học. 

Trong bảng « thành tích » của đội quân tin tặc Bắc Triều Tiên có thể kể đến các vụ tấn công tin học vào tháng 03/2013 khiến hệ thống ngân hàng và truyền hình ở Hàn Quốc bị tê liệt suốt nhiều ngày. 

Theo lời một quan chức bộ Quốc phòng Hàn Quốc, khả năng của Bình Nhưỡng gây rối loạn hoạt động của các cơ sở hạ tầng là một mối đe dọa ngày càng lớn. Các cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm định đội quân tin học của Bắc Triều Tiên hiện có khoảng ít nhất 3.000 người. 

Măc dù vẫn dành một phần lớn ngân sách hàng năm cho quốc phòng, nhưng dĩ nhiên là Bắc Triều Tiên còn thua kém Hàn Quốc rất nhiều về mặt vũ khí quy ước. Vì đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Bình Nhưỡng cũng không thể tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân. Như vậy, chỉ có phát triển vũ khí tin học là nằm trong tầm tay của Bắc Triều Tiên, vì chỉ cần đào tạo những chuyên gia thật giỏi, chứ không cần đầu tư nhiều tài chính. 

Trước một đội quân tin tặc như vậy, Hoa Kỳ có thể đối phó như thế nào ? Theo các chuyên gia, khả năng đáp trả của Washington rất hạn chế. Lý do thứ nhất là vì nền kinh tế của Bắc Triều Tiên nay đã kiệt quệ rồi, có ra thêm các biện pháp trừng phạt nền kinh tế này cũng chẳng ăn thua gì.

Thứ hai là hệ thống Internet của Bắc Triều Tiên còn rất sơ khai, có dùng tin tặc tấn công cũng vô ích. Tóm lại, Bắc Triều tấn công tin học các nước khác thì dễ, nhưng các nước khác phản công lại thì khó.


Đăng ngày 20-12-2014

Bắc Triều Tiên từ chối họp Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc

  Ngày 22/12, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp bàn về tình hình Triều Tiên - Reuters

Theo AFP, hôm qua 19/12/2014, Bắc Triều Tiên cho biết sẽ không cử đại diện tham gia cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tuần tới để bàn về tình hình nhân quyền ở nước này và đưa chế độ Bình Nhưỡng ra trước Tòa án hình sự quốc tế.

Cho dù bị Trung Quốc và Nga phản đối, thứ Hai tới, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ có cuộc họp đầu tiên thảo luận về tình hình tại Triều Tiên.

Đại diện phái đoàn Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, Kim Song tuyên bố : « Chúng tôi không thể chấp nhận cuộc họp này của Hội đồng Bảo an. Chức năng của hội đồng không phải bàn về vấn đề nhân quyền ».

Phiên họp của Hội đồng Bảo an chỉ diễn ra ít ngày sau khi Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua một nghị quyết đề nghị Hội đồng Bảo an đưa chế độ Bắc Triều Tiên ra xét xử trước Tòa án Quốc tế (CPI) vì những tội ác chống nhân loại.

Tuy nhiên, chắc chắn phiên họp thứ Hai tới cũng sẽ không đưa ra được quyết định vì Trung Quốc và Nga vẫn nhấn mạnh là vấn đề nhân quyền thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân quyền, không phải Hội đồng Bảo an LHQ.

Cho đến giờ liên quan đến Bắc Triều Tiên, cơ quan này của Liên hiệp quốc mới chỉ làm việc trên hồ sơ hạt nhân vì đó là mối đe doa với hòa bình thế giới. Việc mở rộng phạm vi sang lĩnh vực nhân quyền chỉ phát sinh sau khi một ủy ban điều tra của Liên hiệp quốc công bố bản báo cáo về tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên dựa trên nhân chứng là những người đã đào thoát khỏi chế độ Bình Nhưỡng.

Theo báo cáo, hiện Bắc Triều Tiên vẫn duy trì một hệ thống trại tù khủng khiếp giam giữ tới 120.000 người và ở trong đó thường xuyên diễn ra các cụ tra tấn, nhục hình hoặc hành quyết chóng vánh.

No comments:

Post a Comment