Sunday, August 30, 2015

Bức tranh nông thôn vẫn ảm đạm

Kinh tế Sài Gòn
Tư Giang
Thứ Tư, 26/8/2015, 15:30 (GMT+7)

Bức tranh nông thôn vẫn ảm đạm. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) - Bức tranh nông thôn Việt Nam được vẽ ra với gam màu ảm đạm và nhiều mâu thuẫn sau một nghiên cứu xã hội công phu được công bố sáng nay 26-7 tại Hà Nội.

Nghiên cứu này khảo sát 3.648 hộ gia đình ở 12 tỉnh do ba cơ quan là Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, và Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện trong năm 2014.

Doanh nghiệp 2 lao động

Báo cáo cho biết, các doanh nghiệp hộ gia đình vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ và thậm chí có xu thế giảm đi.

Tỷ lệ các doanh nghiệp hộ gia đình phi nông nghiệp ở nông thôn đã giảm nhẹ xuống 25,2% năm 2014 so với 26,4% năm 2012.

Khó khăn trong thời kỳ này đã làm nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Có thới hơn 148.000 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản trong thời gian từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2014.

Trung bình 56% doanh nghiệp hộ gia đình lấy nhà làm trụ sở. Quy mô doanh nghiệp cũng siêu nhỏ, với hầu hết các DN chỉ có khoảng 2 lao động, trong đó lao động thuê tính trung bình chưa đến 1 người.

Tỷ lệ các doanh nghiệp cho rằng tham nhũng có tác động tiêu cực làm tăng chi phí kinh doanh của họ đã tăng lên 41% năm 2014 so với 30% năm 2012.

Nghèo đói vẫn cao

Dù vậy, báo cáo cho biết có sự tiến bộ trong tỷ lệ đói nghèo, giảm xuống 13,2% năm 2014 từ mức 27,1% năm 2012, theo tiêu chí đói nghèo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai và Điện Biên có tỷ lệ nghèo cao nhất, tương ứng là 44,3% và 37,3%.

Báo cáo cho biết, thu nhập thực từ lương bình quân hàng năm cao nhất ở Hà Tây, Long An, và Phú Thọ (tương ứng là 38,2 triệu đồng, 36,7 triệu đồng, và 35,1 triệu đồng)/năm/người. Trong khi đó, Lào Cai và Lai Châu có mức thu nhập hàng năm thấp nhất là 15,9 triệu đồng và 17,2 triệu đồng/người.

Hầu hết đất đai rơi vào tay Nhà nước

Báo cáo cho biết, có tới 27% các hộ đã mất đất trong vòng điều tra năm 2014, cao hơn so với 10% của năm 2012.

Nghệ An và Hà Tây là hai tỉnh có tỷ lệ mất đất cao nhất trong nghiên cứu, với mức tương ứng là 48,6% và 48,2% năm 2014.

Có tới 98,4% các mảnh đất được trao đổi 2 năm trong chu kỳ nghiên cứu 2012-2014 là chuyển lại cho Nhà nước.

Báo cáo nhận xét, đất đai chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ và rất phân tán. Sự tham gia của người dân vào thị trường đất nông nghiệp vẫn rất hạn chế.

Đánh giá về thực trạng trên, Trưởng ban chính sách phát triển nông thôn CIEM, ông Lưu Đức Khải nói: “Các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các khu vực láng giềng có dân tộc Kinh sinh sống chủ yếu về an ninh lương thực và thu nhập”.

Ông Khải nhận xét, môi trường kinh doanh trong nông thôn còn nhiều bất cập, còn nhiều rào cản.

Xem thêm:
Nông nghiệp tiếp tục được ưu tiên vốn, nhưng...


Nông nghiệp chưa thể “lột xác” sau 30 năm đổi mới
Thùy Dung
Thứ Năm, 20/8/2015, 19:56 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thứ 2 từ trái qua) tham dự buổi hội thảo - Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được những thành quả tích cực sau 30 năm đổi mới, giúp Việt Nam từ chỗ thiếu đói trở thành một nước xuất khẩu nông sản, nhưng nền nông nghiệp đất nước vẫn còn rất lạc hậu.

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 20-8 tại Hà Nội, ông Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh rằng nông nghiệp nước ta vẫn là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, nhà khoa học và doanh nghiệp tâm huyết với ngành nông nghiệp để mổ xẻ những bất cập còn tồn tại trong ngành và đề xuất hướng giải quyết. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp hiện nay như cái cây đã hái hết trái ngon, ngọt ở dưới, chỉ còn lại những trái trên cao: khó lấy hơn và đòi hỏi hướng tiếp cận mới.

Nông nghiệp đang “kiệt sức”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, là nội dung mang tính chiến lược do nước ta hiện có 70% dân số sinh sống trong khu vực nông thôn và 80% diện tích dành cho nông nghiệp.

Qua 30 năm đổi mới, với nhiều chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 3,7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tính đến năm 2014, đóng góp của khu vực này trong nền kinh tế chiếm hơn 18% GDP, tỉ trọng lao động giảm từ 70% trong những năm 90 còn khoảng 47% hiện nay.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014. Cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, mà nòng cốt là hợp tác xã, từng bước được đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, cũng chính Phó Thủ tướng Ninh thừa nhận, nền nông nghiệp nước ta còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ manh mún là chủ yếu, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Sức cạnh tranh với khu vực và thế giới còn thấp, ứng dụng KHCN và cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn nên đời sống người dân còn khó khăn.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã “tới hạn” và có xu hướng giảm đều trong giai đoạn gần đây. Dẫn chứng bằng số liệu cụ thể, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay, nếu như giai đoạn 1995-2000, tốc độ tăng trưởng ngành này đạt bình quân 4,5%/năm, thì con số này liên tục giảm trong những giai đoạn tiếp theo và tới giai đoạn 2011-2014 chỉ còn 3,3%/năm.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, sự bùng nổ của ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu mang tính quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính mà coi nhẹ chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Do đó sản xuất không bền vững, rủi ro cao. Hơn nữa, nền nông nghiệp nước ta lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ lẫn nhau. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập còn khá ít.

Chiếc áo “chính sách” đã quá chật?

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, trong những năm qua, kinh tế hộ gia đình đã phát huy hiệu quả nhưng cũng đã “tới hạn” của việc phát triển theo chiều rộng, chủ yếu tập trung vào năng suất và số lượng sản phẩm mà không chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có mà không theo tín hiệu của thị trường.

Mặc dù chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đã được thực hiện khá lâu nhưng tới nay diện tích đất nông nghiệp vẫn rất manh mún, nhất là tại phía Bắc. Nếu như năm 1994 có 71% số hộ có ruộng đất dưới 0,5 héc ta thì sau 17 năm vẫn còn tới 60% số hộ canh tác dưới 0,5 héc ta.

“Đây là mức giảm rất chậm chạp. Điều này đã và đang hạn chế ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng như khai thác lợi thế theo quy mô,” ông Nguyễn Đình Cung nói.

Đất đai manh mún cũng là một trong những cản trở lớn để doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tác động tích cực của nhiều chính sách “cởi trói” trong nông nghiệp và nông thôn dường như đã tới hạn, thậm chí, một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn; có quá nhiều chính sách để thu hút nguồn lực vào nông nghiệp nhưng lại không phát huy được hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn được sửa đi sửa lại nhưng tới nay tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp. “Trong khi đó, nếu không có doanh nghiệp thì không thể đưa nông nghiệp thành một nền nông nghiệp CNH, HĐH được,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số lượng vốn đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2009-2013 tăng 67% so với 5 năm 2004-2008, nhưng tỉ trọng đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lại giảm dần. Đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,5% vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2003, đã giảm xuống còn 5,3% năm 2013.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, muốn sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với sản phẩm của khu vực và thế giới, cần phải có quy hoạch lại sản xuất, xác định các sản phẩm lợi thế của từng vùng, địa phương. Đồng thời, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các nông hộ thành nhóm hộ, HTX, gắn kết với doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực.

Đọc thêm:
Chờ qua đêm 30 của nông nghiệp

No comments:

Post a Comment