13/08/2015 07:37
>> Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho dân
>> Kỳ 1: Có hay không sự tồn tại của 'vùng cấm chính trị'?
>> QH thảo luận bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): 'Dân đã kiện thì tòa phải xử'
>> Đề nghị quy định quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đã nêu quan điểm như trên khi Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo luật Tiếp cận thông tin sáng 12.8.
Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị nên quy định rõ thông tin nào phải cung cấp - Ảnh: TTXVN
Dự luật lần đầu xây dựng, trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, khóa 13, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đặc biệt lưu ý điều 20 của dự luật về các trường hợp từ chối cung cấp thông tin; trong đó quy định cơ quan nhà nước có quyền không cung cấp nếu thông tin đó có thể gây tổn hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, tính mạng, sức khỏe, an toàn của con người.
“Thực tế hiện nay tài liệu tối mật, tuyệt mật, mật… nó tràn lan hết. Thậm chí thư mời họp cũng đóng dấu mật thì không biết ông trả lời thông tin cho người dân như thế nào”, ông Sơn nói. Nếu cứ giữ như vậy, theo Phó chủ tịch QH, chắc chắn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ không phải trả lời bất cứ thông tin gì. Thậm chí, quy định trên có thể khiến nhiều cơ quan thoái thác vì không biết trả lời thông tin đến mức độ nào, người dân sẽ khó tiếp cận.
Từ phân tích trên, ông Sơn đề nghị cần phải rà soát lại, dự luật đã mở phải cố gắng mở, cái gì tối mật không được cung cấp thì phải nói rõ. “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng đi chữa bệnh, người dân quan tâm đến tình hình sức khỏe của đồng chí ấy ra sao. Khi chưa có luật thì thông tin này là bí mật. Nhưng tôi nghĩ, một cán bộ đi chữa bệnh thì bình thường, có gì đâu mà phải bí mật? Càng bí mật có khi lại càng làm phức tạp thêm tình hình. Cứ hỏi và trả lời thôi chứ như vừa rồi làm gì mà lãnh đạo đi khám bệnh báo chí phải đứng từ xa chụp hình”.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thẳng thắn đánh giá, ngay khi tiếp cận dự án luật đã thấy vướng mắc, nhiều điểm chưa rõ ràng, nhiều khái niệm, thuật ngữ khó hiểu. “Thông tin phải gắn với cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và vì lợi ích của người dân. Trong khi nhu cầu lại rất đa dạng, diễn ra hằng ngày. Do đó, luật nên mở rộng và tính toán lại hướng đi”, bà Mai kiến nghị.
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá đối với việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và công dân. Tuy nhiên, hiện do quy định của pháp luật về bí mật nhà nước còn quá chung chung, chưa cụ thể và việc tổ chức thực hiện chưa tốt nên có tình trạng xác định mức độ mật chưa thống nhất. Điều này đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Tăng cường trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân
Chiều 12.8, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án luật An toàn thông tin (ATTT). Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại VN gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng. Dự luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại luật Viễn thông, luật Công nghệ thông tin, luật Giao dịch điện tử.
Liên quan đến đề xuất thống nhất giấy phép về kinh doanh ATTT, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường và cơ quan soạn thảo đã rà soát lại toàn bộ chương về kinh doanh trong lĩnh vực ATTT, gộp quy định về các loại giấy phép, giấy chứng nhận đối với các loại sản phẩm, dịch vụ thành 2 loại là giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ và giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ ATTT. Mỗi loại sản phẩm, dịch vụ có điều kiện kinh doanh phù hợp.
Trường Sơn
|
Anh Vũ
>> Kỳ 1: Có hay không sự tồn tại của 'vùng cấm chính trị'?
>> QH thảo luận bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): 'Dân đã kiện thì tòa phải xử'
>> Đề nghị quy định quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam
No comments:
Post a Comment