Sunday, August 2, 2015

Khu công nghiệp, khu kinh tế: Tinh gọn để hiệu quả hơn

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
06/05/2015-08:38:00 AM


Vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế

Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước thông qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, mỗi năm các KCN, KCX tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 20 - 25 tỷ USD, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước đã tăng lên đáng kể, từ mức 17% năm 2001 lên khoảng 30% năm 2010.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển các KCN, KKT công bố ngày 19/3/2015 cho biết, hiện cả nước có 295 KCN với tổng diện tích 84.000 héc-ta, trong đó 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60.000 héc-ta (so với năm 2013 là 62%) và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 24.000 héc-ta. Hiện nay, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 26.000 héc-ta, tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 65%. Số lượng các KKT đã thành lập trên cả nước được giữ ổn định là 15 KKT ven biển và 28 KKT cửa khẩu. Trong năm 2014, các KCN, KKT đã thu hút được 752 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 10,7 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn cho 515 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong năm 2014, cũng có 88 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn thu hồi 1 tỷ USD. Tính chung trong năm 2014, tổng số vốn FDI vào KCN, KKT đã tăng thêm 13,7 tỷ USD, chiếm 47% tổng số lượt lượt dự án và chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm trong năm 2014 của cả nước. Lũy kế đến hết năm 2014, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.573 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 85,5 tỷ USD. Vốn đầu tư đã thực hiện đạt 49 tỷ USD, bằng 57% vốn đầu tư đã đăng ký. Các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 37 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 13,5 tỷ USD. Các KKT cửa khẩu thu hút được 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 700 triệu USD. Tính riêng trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT chiếm hơn 90% tổng vốn FDI cả nước. Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT đã lên tới trên 122 tỷ USD.

Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2014, các KCN, KKT đã thu hút được 588 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 176.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 196 dự án với tổng vốn tăng thêm 20.000 tỷ đồng. Trong đó, tính lũy kế đến hết năm 2014, có 5.459 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 541.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 265.400 tỷ đồng, gần bằng 50% tổng vốn đăng ký.

Tổng vốn đầu tư trong nước vào các KKT cửa khẩu năm 2014 tăng thêm 168.000 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút 777 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký, đạt 541.800 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 163.000 tỷ đồng, bằng 30% tổng vốn đăng ký. Các KKT cửa khẩu thu hút được 500 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng có 161 dự án đầu tư bị thu hồi với tổng vốn 28.000 tỷ đồng.

Trong năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013. Tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 73,4 tỷ USD, tăng 43%, đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT xuất siêu 5,8 tỷ USD, tăng 24%, đóng góp NSNN 87.000 tỷ đồng, tăng 31%; tạo việc làm cho 2,4 triệu lao động, tăng 14,2% so với năm 2013.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Với tỷ trọng đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nộp ngân sách hay giải quyết việc làm, các KCN, KKT thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động của các KCN, KKT thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 65% diện tích. Số lượng cụm công nghiệp (CCN) hiện được đánh giá là nhiều và tản mạn. Nhiều nơi phát triển theo phong trào trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được, đơn cử như tỷ lệ có hạ tầng xử lý đảm bảo môi trường mới đạt 5%.

Hiện có 14 KCN trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong số đó, có 5 KCN đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, bao gồm KCN Quang Minh II - Hà Nội, KCN Cộng Hòa - Chí Linh và KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), KCN Kim Động (Hưng Yên), KCN Phong Phú (thành phố Hồ Chí Minh).

Trong thời gian qua, nhiều địa phương cả nước đã đua nhau xây dựng KCN, CCN… tràn lan, gây hoang hóa đất đai, lãng phí tài nguyên ngân sách và ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tình trạng nhiều KCN tại các địa phương nhưng không có nhà đầu tư, hoặc rất ít, phải tính đến chuyện giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi nhà đầu tư như: KCN Quang Minh II ở Hà Nội; KCN Cộng Hòa - Chí Linh, KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương); KCN Kim Động (Hưng Yên); KCN Phong Phú (thành phố Hồ Chí Minh)...

Một số địa phương có KCN phải thu hồi hoặc đã phải kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư như: KCN Bá Thiện (Vĩnh Phúc), KCN Cam Ranh (Khánh Hòa). Song, vẫn còn các KCN đang chờ xử lý như Long Sơn (1250 héc-ta), KCN Bắc Thường Tín (Hà Nội), KCN Đức Hòa III - Liên Thành (93 héc-ta) và KCN Đông Nam Á (396 héc - ta) ở Long An...

Việc vỡ quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích vượt quá mức cho phép đã dẫn tới việc các KCN không sử dụng hết diện tích trong khi rất nhiều người nông dân gặp khó khăn không có đất canh tác do đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng KCN. Một ví dụ tại tỉnh Tây Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã buộc phải ra quyết định xóa bỏ 10/23 (CCN) quy hoạch “treo” (tương đương 1.250 héc-ta), trả lại đất cho người dân tiếp tục canh tác nông nghiệp, sau gần chục năm, cả ngàn héc - ta đất bị bỏ hoang hóa.

Theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh có 8 CCN với tổng diện tích 1.076,8 héc - ta, song, tỉnh này đã thu hồi đất vượt diện tích cho phép của Chính phủ tới… 576,8 héc-ta. Diện tích các CCN quá rộng lớn, thế nhưng mới có 1 CCN phủ kín được… 1,3 héc-ta; còn lại đều bị “treo”, hoang hóa suốt gần 10 năm qua.

Tại khu kinh tế Mộc Bài, diện tích KCN cho phép chỉ 55 héc - ta, nhưng diện tích địa phương thu hồi 533 héc - ta, gấp gần 10 lần. Trong khi đó, diện tích đất lúa, hoa màu, cây lâu năm ở nhiều xã, ngày càng bị thu hẹp, nông dân không có đất sản xuất.

Việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài KCN, KCX còn chậm, thiếu đồng bộ và không bảo đảm gắn kết với các khu đô thị, khu dịch vụ, ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng và hiệu quả đầu tư của KCN, KCX. Bên cạnh đó, trong từng KCN còn thiếu sự phân công và liên kết phát triển, dẫn đến hiệu quả đầu tư của các dự án chưa cao. Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào các KCN cũng chưa được xây dựng một cách đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế và tiềm năng phát triển. 

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN, KCX đã và đang là vấn đề nhức nhối. Chỉ có khoảng 60% KCN xây dựng được hệ thống xử lýnước thải nhưng hiệu quả xử lý cũng không cao, đặc biệt là đối với những KCN có thời gian hoạt động lâu năm nằm cạnh các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy…

Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các KCN, KKT, trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN, KKT. Trước tiên, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập KCN, chấp hành các quy định về quy hoạch chi tiết, môi trường, đất đai tại các KCN; thực hiện tốt công tác phổ biến quy hoạch, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân thu hồi đất; xử lý nghiêm đối với những trường hợp làm trái quy hoạch.

Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để phát triển các KCN, KCX bền vững và hiệu quả, việc thành lập mới hay mở rộng các khu này cần được xem xét cẩn trọng theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, siết chặt điều kiện thành lập mới, mở rộng các KCN, trong đó chú trọng tiêu chí bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả đất đai; tính phù hợp các quy hoạch có liên quan; khả năng thu hút và lựa chọn các dự án đầu tư.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần phải quán triệt và thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX, KKT, trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN, KKT Việt Nam đến năm 2020. Đối với chính sách thu hút đầu tư, cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam. Thu hút đầu tư có chọn lọc, có định hướng theo ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương.

Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN dần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư thống nhất trên phạm vi cả nước, để phát huy tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, tập trung, ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam. Đa dạng hóa các hình thức huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, KKT.

Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN, KCX, KKT đúng tiến độ, theo quy hoạch được duyệt và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; kiên quyết xử lý các dự án hoạt động kém hiệu quả; kịp thời giải quyết các vướng mắc về sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách ưu đãi đầu tư đối với KCN, KCX, KKT; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN, KCX, KKT.

Với các giải pháp trên, các KCN, KCX, KKT sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đỗ Hoàng (Trích Thông tin Tài chính số 8 kỳ 2 tháng 4/2015) 

http://nif.mof.gov.vn/portal/pls/portal/SHARED_APP.UTILS.print_preview?p_page_url=http%3A%2F%2Fnif.mof.gov.vn%2Fportal%2Fpage%2Fportal%2Fnif%2FNewdetail&p_itemid=168594309&p_siteid=293&p_persid=44421752&p_language=vi

No comments:

Post a Comment