Monday, August 24, 2015

Mất 2,5 tỉ USD vì giá dầu giảm

THANH NIÊN
25/08/2015 05:35

Tính đến giữa tháng 8, giá trị xuất khẩu dầu thô của VN đã mất gần 2,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thế giới đang lao dốc.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, tính từ tháng 8.2013 đến 15.8.2015 - Đồ họa: Hồng Sơn

Ở thời điểm 17 giờ VN hôm qua, giá dầu thô tại Mỹ đã lao qua mốc 40 USD, xuống còn 38,95 USD/thùng.

Con số trên vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra trong một báo cáo ngày 20.8. Cụ thể, tính đến ngày 15.8, xuất khẩu dầu thô của VN đạt 5,7 triệu tấn, song giá trị thu về chỉ đạt hơn 2,56 tỉ USD. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái VN xuất 5,9 triệu tấn và thu về hơn 5 tỉ USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu dầu thô của VN đã giảm khoảng 2,5 tỉ USD. Nguyên nhân là giá dầu thô thế giới giảm mạnh.

Kích thích GDP tăng
Theo TS Bùi Trinh, nhìn một cách tổng quan giá xăng dầu giảm là thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Ông cho rằng, có một số kịch bản xảy ra đối với kinh tế VN khi giá xăng dầu giảm. Trong đó, kịch bản giá xăng dầu giảm dẫn đến giá sản xuất giảm sẽ lan tỏa mạnh hơn đến nền kinh tế so với các kịch bản khác. Giả sử, nếu giá xăng dầu giảm 20% dẫn tới chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ sản xuất đầu tiên khoảng 0,8%. Khi đó, các sản phẩm đã giảm giá được dùng làm chi phí đầu vào thì giá thành ở chu kỳ này giảm tiếp 0,3 - 0,5% và chỉ số giá sản xuất cả năm có thể giảm 1,1 -1,3%. Trường hợp này, GDP sẽ tăng khoảng 2,2%.
Tổng thu ngân sách thâm hụt
Tính đến nay, giá dầu thô của Mỹ đã có 8 tuần giá giảm liên tiếp, được coi là chuỗi tuần giảm giá dài nhất kể từ năm 1986 đến nay. Giá dầu thế giới đã trượt xuống dưới mức 40 USD/thùng và theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục giảm dưới mức 35 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là dự báo không mấy sáng sủa và kim ngạch xuất khẩu dầu thô VN khó đạt kế hoạch, thậm chí sẽ mất một khoản lớn ngoại tệ từ nay đến cuối năm.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT từng tính toán cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD, VN thất thu đến 1.000 tỉ đồng. Như vậy, với tình hình hiện tại, theo chuyên gia kinh tế tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, rổ xuất khẩu dầu thô của VN không chỉ dừng lại ở mức thất thu nghìn tỉ nói trên mà có thể cao hơn nhiều. “Giá dầu thô đang tiến đến mốc 35 USD/thùng là áp lực lớn đối với mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2015 của chúng ta. Bởi không chỉ giảm giá trị xuất khẩu mà ngân sách quốc gia cũng ảnh hưởng bởi giảm các nguồn thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ... khi giá xăng dầu nhập giảm”, TS Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng giá dầu thô giảm đang tăng áp lực cân đối ngân sách nhà nước. TS Phong phân tích, xuất khẩu dầu thô 7 tháng đầu năm chỉ đạt 41,7% dự toán kế hoạch trong tổng thu cả nước năm 2015. Cộng thu qua giá xăng dầu bán lẻ, ngành dầu khí đã đóng góp hơn 42.270 tỉ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tổng thu ngân sách nhà nước ước bị thâm hụt vào khoảng 100.000 tỉ đồng.

Tận dụng lợi thế

Dầu thô đóng góp lớn trong thu ngân sách nhưng giá đang giảm mạnh, làm thế nào để "dung hòa" cả 2 nhiệm vụ: vừa thu ngân sách, vừa không bán rẻ tài nguyên quý?

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, VN cần cân nhắc khai thác chừng mực một số mỏ dầu. Nên chọn mỏ dầu có giá thành thấp, chứ nếu làm tiếp mỏ lớn, sẽ lỗ lớn. “Đó là mặt tiêu cực của việc giảm giá xăng, dầu tác động lên nền kinh tế. Còn tích cực, VN nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu, phân bón… và nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ nhu cầu sản xuất. Tất cả những mặt hàng này đều làm từ dầu lửa, nên khi giá xăng dầu giảm sẽ khiến giá đầu vào của nhiều mặt hàng giảm, qua đó lạm phát cũng giảm. Đây là cơ hội tốt để ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi cho rằng, những mặt lợi này có thể đem lại cho nền kinh tế khoảng 2 - 3% GDP”, ông Doanh tính toán.

Cũng theo ông Doanh, khi giá xăng dầu giảm sẽ khiến giá than, giá điện giảm theo. Giá than giảm có thể khiến doanh thu ngành than bị hụt, song giá điện giảm lại kích thích kinh tế phát triển. Ông Doanh nhấn mạnh: “Nền kinh tế có hưởng lợi nhiều hay không từ quá trình giảm giá xăng dầu của thế giới phụ thuộc lớn vào việc giá hàng hóa trong nước có chịu giảm tương ứng hay không. Thực tế, như đợt giảm giá mạnh xăng dầu hồi năm ngoái, giá cước vận tải và giá hàng hóa vẫn ì ạch không chịu giảm theo. Đấy là chuyện hết sức kỳ lạ, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, kinh tế VN có lợi nhiều khi giá dầu thế giới giảm mạnh với điều kiện phải vận hành thị trường giá cả sao cho thật tích cực. Không thể để chuyện giá xăng dầu giảm liên tục mà giá cước vận tải, giá hàng hóa giảm nhỏ giọt. Như vậy không thể kích thích kinh tế tăng trưởng để bù lại cho các khoản thâm hụt ngân sách từ xuất khẩu dầu thô giảm. Trong trường hợp này, VN không hưởng lợi gì mấy từ giảm giá xăng dầu của thế giới.

Giá dầu có thể xuống 32,4 USD/thùng
Giá dầu thế giới hôm qua phá đáy 40 USD/thùng, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm rưỡi qua trước những diễn biến tiêu cực của kinh tế toàn cầu. Theo AFP, giá dầu WTI giao vào tháng 10 ở New York (Mỹ) giảm xuống 38,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2.2009. Giá dầu Brent giao tháng 10 ở London (Anh) giảm xuống 43,28 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 3.2009. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một số nhà phân tích nhận định giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong nhiều tháng nữa. Nhóm phân tích Citi Research của Citigroup viết trong một bản tin rằng khả năng giá dầu giảm xuống đến mức 32,4 USD/thùng như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một “thực tế có thể nhìn thấy được”.
Theo trang Oilprice.com, giá dầu lao dốc được đánh giá sẽ có tác động đến thị trường tiền tệ ở những nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu tài nguyên như Nga, Brazil cũng như các nước ở châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á. Đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua so với USD vào hôm qua là một ví dụ. Trong khi đó, Kazakhstan vào tuần trước quyết định thả nổi đồng tiền để giảm áp lực đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào các đối tác lớn như Trung Quốc và Nga.
Công Chính


CPI tháng 8 giảm 0,07%
Tổng cục Thống kê hôm qua công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07% so với tháng 7. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 0,61% và bình quân 8 tháng đầu năm 2015 tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Sau hơn một thập niên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 mới xảy ra tình trạng giảm phát so với tháng trước. Những nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm giao thông
(-2,12%); vật liệu xây dựng (-0,45%), bưu chính viễn thông (-0,02%)... Trong khi đó, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,1%); đồ uống và thuốc lá (0,07%); may mặc, mũ nón, giày dép (0,28%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,11%); thuốc và dịch vụ y tế (0,03%); văn hóa, giải trí và du lịch (0,04%); giáo dục tăng (0,87%). Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Hà Nội tăng 0,17% còn TP.HCM giảm 0,12% so với tháng 7.
N.Trần Tâm

Nguyên Nga - Trần Tâm

>> Giá vàng giảm 400.000 đồng/lượng
>> Giá vàng tiếp tục tăng khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ
>> 'Đại chiến' sản lượng kéo giá dầu xuống đáy
>> Giá vàng tăng, Phố Wall tràn sắc xanh
>> Không thể đoán trước tương lai thị trường dầu mỏ
>> Giá dầu đã 'thổi bay' 1.300 tỉ USD

No comments:

Post a Comment