(30/07/2015 14:12:00)
Các nông trường quốc doanh đã được đổi mới nhiều lần, trong đó quan trọng nhất là thực hiện theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị để chuyển sang hoạt động như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty nông nghiệp sau đổi mới vẫn gặp nhiều vướng mắc từ chính sách, pháp luật.
Sau 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, dù các nông trường quốc doanh đã được chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty nông nghiệp, song vẫn được cho là bình mới, rượu cũ. Vậy vì sao mô hình hoạt động của công ty nông nghiệp chưa thay đổi nhiều so với hình thức nông trường quốc doanh trước đây?
Theo quy định hiện hành, quá trình rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất của mỗi nông trường quốc doanh phải gắn với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, đổi mới nông trường quốc doanh sang mô hình công ty nông nghiệp được thực hiện theo một trình tự chưa hợp lý. Công tác xác định nhiệm vụ của mỗi công ty nông nghiệp đang thực hiện từ dưới lên, chủ yếu để các đơn vị tự rà soát đánh giá lại nguồn lực, xây dựng phương án kinh doanh cho mình. Trong khi đó, trước khi sắp xếp, đổi mới, thì phải xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các nông trường trên toàn quốc. Từ đó, xác định công ty nông nghiệp nào sẽ chủ yếu thực hiện kinh doanh, công ty nào kết hợp giữa bảo vệ rừng với an ninh - quốc phòng, đơn vị nào thuần túy kinh doanh...
Với cách làm ngược này, để phương án kinh doanh nhanh chóng được phê duyệt, các đơn vị đã chạy theo mục tiêu kinh doanh là chính, bỏ qua các nhiệm vụ công ích và bố trí nguồn lực đất đai không hợp lý. Trong khi đó, Chính phủ không có các phương tiện kiểm chứng phương án kinh doanh này trên thực địa, mà mới xem xét trên giấy tờ. Chính quyền địa phương còn thiếu quan tâm quản lý đất đai, không thể hiện vai trò quản lý nhà nước, phó mặc cho công ty tự quản lý và sử dụng. Do đó, tại một số nơi có tình trạng chính quyền giao cho hộ di dân, tái định cư đất làm nhà ở, sản xuất đan xen trên đất của nông trường. Đặc biệt, việc cơ quan quản lý chưa quan tâm nhiều và công ty nông nghiệp cũng quản lý lỏng lẻo phần đất được giao, nên diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm hiện tăng 171ha so với trước khi sắp xếp. Trên diện tích đất doanh nghiệp giao khoán ở nhiều nơi đã hình thành những trang trại, nhà vườn, nhà nghỉ cuối tuần - khác với mục đích sử dụng đất được giao.
Hài hòa các lợi ích
Quá trình sắp xếp, đổi mới nông trường chưa thực hiện được các mục tiêu đưa ra cũng do chưa cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân sinh sống trên địa bàn. Với chính quyền địa phương, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nộp ngân sách, nộp thuế ở tỉnh, thành phố, nhưng cấp huyện, xã lại phải trực tiếp xử lý tranh chấp đất đai. Địa phương thiếu quỹ đất giao cho nông dân sản xuất, để xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, thì nhiều đơn vị có quỹ đất bỏ phí, sử dụng không hiệu quả. Với người dân sinh sống trên địa bàn, thì công ty nông nghiệp cũng không thực hiện đúng vai trò làm điểm tựa cho họ, vì nhiều nơi đã mời cá nhân, tổ chức đầu tư từ nơi khác đầu tư vào.
Do không thực sự đại diện cho chủ sở hữu vốn, thiếu cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân, không có cơ chế tạo động lực chủ động kinh doanh cho người quản lý... nên công ty nông nghiệp thường quản lý yếu kém. Tại những đơn vị này đang tồn tại một nghịch lý là không phân biệt quy mô đất đai sở hữu hay chất lượng đất canh tác, thì nhiều nơi chỉ có lợi nhuận sau thuế dưới 1 tỷ đồng. Bởi như thế, họ sẽ không bị đưa vào danh sách giải thể vì lỗ liên tục, mà cũng không phải đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Nông trường mới tính đến lợi ích của mình, không giúp nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm như Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị đưa ra.
Những doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao đến mức giấu bớt cũng không hết cũng đã tạo ra các dự án liên doanh, đầu tư phức tạp, các mô hình công ty mẹ - công ty con để mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra ngoài ngành chính. Ngoài ra, họ cũng mở rộng đầu tư ở cả vùng khó khăn không có lợi thế cạnh tranh, đầu tư ra nước ngoài, chấp nhận suất đầu tư cao và nhiều rủi ro. Núp dưới danh nghĩa đầu tư để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, doanh nghiệp sẽ đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho mình. Hay nói cách khác là họ chuyển rủi ro của doanh nghiệp sang cho Chính phủ.
Thực tế này cho thấy, Chính phủ đã đến lúc phải có sự can thiệp phù hợp vào quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, không thể để mặc doanh nghiệp, địa phương tự thực hiện như hiện nay. Quá trình thực hiện trong thời gian tới cũng phải có giải pháp phù hợp để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bởi như vậy mới có thể thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã được Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị xác định.
Theo daibieunhandan.vn
No comments:
Post a Comment