Thursday, December 5, 2013

Ấn Độ tiến nhanh trên con đường thám hiểm vũ trụ

Tia Sáng

04:31-26/11/2013
Nguyễn Hải Hoành tổng thuật

Mangalyaan được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ
Satish Dhawan thuộc bang Andhra Pradesh ở
đông nam Ấn Độ hôm 5/11/2013.
Việc Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên được thế giới đánh giá là  bước nhảy vọt trên con đường thám hiểm vũ trụ, thể hiện tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc, đối thủ của họ. Nhưng nước này cho rằng họ không ganh đua với bất cứ ai mà chỉ ganh đua với chính mình.
 
Ngày 5/11, Ấn Độ đã phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên có tên Mangalyaan. Do tên lửa đẩy yếu, chưa đạt vận tốc vũ trụ cấp hai (11,2 km/s), tức không thoát khỏi sức hút của Trái Đất, nên Mangalyaan phải tạm ghé 20-25 ngày trên quỹ đạo e-lip gần Trái đất để tăng tốc dần qua sáu lần thao tác nâng cao quỹ đạo, cuối cùng lên tới quỹ đạo bay đi sao Hỏa. Mỗi lần tăng tốc đều phải khởi động động cơ đốt bằng nhiên liệu mang theo tàu. Quỹ đạo đầu tiên có điểm gần Trái đất (perigee) là 248,4 km và điểm xa (apogee) là 23.550 km. Ngày 7/11 nâng quỹ đạo lần đầu, perigee và apogee đã tăng lên 252 và 28.825 km; dự kiến ngày 1/12 apogee sẽ đạt 192.000 km, tàu có tốc độ đủ nhanh để bay lên sao Hỏa. Mangalyaan sẽ tới đích ngày 24/9/2014 sau 300 ngày vượt chặng đường 200 triệu km.

Thông báo cuối cùng (cho tới 23/11) của Cơ quan Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết sáng 11/11, apogee của Mangalyaan đã nâng từ 71.623 km lên 78.276 km, dự kiến ngày 12 sẽ lên tới 100.000 km. Nếu mọi việc thuận lợi, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ tư sau Nga, Mỹ, EU vươn tay tới hành tinh Đỏ.

Hãng thông tấn BBC đánh giá đây là bước nhảy vọt của Ấn Độ trên con đường thám hiểm vũ trụ. Còn báo The Guardian viết: Mangalyaan của Ấn Độ không chỉ nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa, không đơn thuần trình diễn công nghệ mà còn nhằm lặng lẽ cạnh tranh với Trung Quốc, đối thủ của họ. Nhưng ông Radhakrishnan, Giám đốc ISRO nói “Chúng tôi không ganh đua với bất cứ ai mà chỉ ganh đua với chính mình”. Năm 2008, Ấn Độ đã hoàn thành chuyến bay thứ nhất lên Mặt trăng (tàu Chandrayaan-1), đem về chứng cớ đầu tiên chứng tỏ trên đó có tồn tại nước; việc thăm dò sao Hỏa chỉ là một “tiến trình tự nhiên” tiếp theo.

Mangalyaan nặng 1.350 kg, to như chiếc ô tô con, mang theo bộ truyền cảm, máy ảnh màu, phổ kế đo bề mặt sao Hỏa và khoáng sản, máy phân tích khí quyển. Nó có sứ mệnh đo lường khí quyển sao Hỏa, tìm dấu vết khí methane nhằm chứng minh trên đó đã hoặc đang tồn tại sự sống; nghiên cứu và vẽ bản đồ bề mặt sao Hỏa, đặc trưng khoáng sản. Thời hạn hoạt động là sáu tháng.

Dự án Mangalyaan rẻ nhất thế giới – chi phí có 73 triệu USD (tương đương 1/2 giá một chiếc Boeing 787), thua xa cái giá 671 triệu USD của tàu Maven mà Mỹ phóng lên sao Hỏa hôm 18/11 mới đây. Điều thú vị là Maven to như chiếc xe bus, nặng 2.450 kg, tuy phóng sau, nhưng sẽ đến đích trước Mangalyaan hai ngày, vì tên lửa Mỹ đủ mạnh để đi thẳng lên sao Hỏa. Hơn 500 nhà khoa học Ấn Độ hoàn thành dự án trên trong thời gian khó tưởng tượng – 15 tháng. Subbiah Arunan, Giám đốc dự án, nói suốt 15 tháng ấy ông ngủ tại nơi làm việc. Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc) cho rằng Ấn Độ làm gấp rút như vậy là để kịp phóng Mangalyaan trước thời điểm Bắc Kinh dự kiến đầu tháng 12/2013 phóng vệ tinh thứ ba lên Mặt trăng.

Ấn Độ mỗi năm chi 1,1 tỷ USD cho chương trình vũ trụ (Mỹ – 17 tỷ; Trung Quốc – ước vài tỷ USD), hiện có 20 vệ tinh viễn thông, từ tháng 7/2013 bắt đầu xây dựng hệ thống GPS riêng. Việc đầu tư nghiên cứu vũ trụ trong khi nhiều người dân Ấn Độ còn đói nghèo, 40% trẻ em suy dinh dưỡng đã gây ra tranh cãi. Nhưng ISRO cho rằng việc đó là cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tế trong đời sống như cải thiện thông tin liên lạc, dự báo thời tiết, dự báo thu hoạch nông nghiệp, ngư nghiệp…

Lên sao Hỏa khó hơn lên Mặt trăng rất nhiều. Trái đất cách Mặt trăng 0,38 triệu km, nhưng cách sao Hỏa gần nhất 55 triệu km, xa nhất hơn 400 triệu km, yêu cầu tên lửa đẩy phải cực mạnh; cự ly ngắn nhất ấy cứ 25,7 tháng mới xuất hiện một lần, phải chờ hơn hai năm mới có một dịp lên sao Hỏa. Khoảng cách xa làm cho tín hiệu điều khiển từ mặt đất bị yếu và đến chậm (đi-về mất 45 phút), không thể điều khiển tức thời, vì thế con tàu cần có khả năng tự bay và tự thích ứng với môi trường biến đổi khi bị khuất Mặt trời. Cần phải có đài quan trắc lớn mới “nhìn” rõ được sao Hỏa và hệ thống đài quan trắc phải phân bố toàn cầu. Đường xa lắm trở ngại bất trắc như gặp mảnh vụn vũ trụ, bão Mặt trời v.v.. Điều kiện khí hậu trên sao Hỏa lúc khuất Mặt trời lạnh tới âm 200 độ C, hầu hết thiết bị không hoạt động được, đây là nguy hiểm lớn nhất.

Trong 53 năm qua loài người đã thám hiểm sao Hỏa 51 lần nhưng chỉ 21 lần thành công (15 lần của Mỹ); 20 năm gần đây Nga, Nhật, Anh, Trung Quốc đều thất bại, chỉ Mỹ và EU thành công. Hiện có ba vệ tinh đang bay quanh sao Hỏa (Mỹ - 2 ; EU - 1); và hai xe-robot của Mỹ đang làm việc trên thiên thể này. Các tàu thăm dò Nozomi của Nhật (phóng 1998), Yinghuo-1 của Trung Quốc (2011) đều không lên được sao Hỏa.

Một số đài báo Trung Quốc khi đưa tin phóng tàu Mangalyaan đều nhấn mạnh Ấn Độ không thể đuổi kịp Trung Quốc về công nghệ vũ trụ. Đúng là Trung Quốc từng phóng được vệ tinh, vệ tinh có người lái và tàu thăm dò Mặt trăng trước Ấn Độ; có tên lửa đẩy mạnh hơn bốn lần và tiềm lực kinh tế lớn hơn. Nhưng lần này có lẽ Trung Quốc bị Ấn Độ qua mặt.

Tháng 3/2007 Trung Quốc và Nga ký hiệp định hợp tác nghiên cứu vũ trụ, theo đó tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc Yinghuo-1 ghép vào tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt của Nga dự kiến được phóng bằng tên lửa Nga vào năm 2009, về sau Nga lui lại tới năm 2011. Phobos-Grunt nặng 13,2 tấn, mua bảo hiểm 1,2 tỷ Rúp, bảo đảm tàu có mất cũng không thiệt (dự án này trị giá 163 triệu USD). Yinghuo-1 nặng 115 kg, dài, rộng, cao 75x75x60 cm, hai cánh pin mặt trời dài gần 8 m, chở bốn thiết bị khoa học, khi lên tới quỹ đạo sao Hỏa sẽ tách khỏi Phobos-Grunt và hoạt động riêng.

Hai tàu được phóng lên ngày 9/11/2011 từ sân bay vũ trụ Baikonur, nhưng sau khi tách khỏi tên lửa đẩy Zenit-2, do động cơ chính không khởi động Phobos-Grunt đã không thể thay đổi quỹ đạo. Kết quả cả hai tàu đều không vào được quỹ đạo lên sao Hỏa, Phobos-Grunt mang theo 11 tấn nhiên liệu độc rơi xuống, cháy và vỡ vụn. Yinghuo-1 chung số phận.

Như vậy thời điểm Trung Quốc thăm dò sao Hỏa sẽ phải lui lại tới cuối năm 2013; vì năm 2013 sắp hết nên sớm nhất sẽ là đầu năm 2016. Sau khi Mỹ phóng tàu Maven, các chuyên gia Trung Quốc nói hy vọng nước này muốn vượt trước Mỹ trong lĩnh vực thăm dò môi trường trên sao Hỏa đã tan thành mây khói.

No comments:

Post a Comment