Xung đột,
Chiến tranh, Chính trị bất ổn là đặc trưng của Châu Phi trong nhiều năm
qua. Tuy nhiên năm 2013 châu lục này vẫn vươn lên với tăng trưởng khá
cao. Đây là cơ sở cho năm 2014 có triển vọng lạc quan hơn.
Nền
kinh tế của Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc là những nhân tố chủ yếu góp phần
thúc đẩy kinh tế Châu Phi phát triển trong những năm qua. Tuy nhiên, do
khủng hoảng nợ công, kinh tế Châu Âu và Mỹ chìm ngập trong khó khăn
trong khi kinh tế Trung Quốc suy giảm, vì vậy những nhân tố bên ngoài đã
ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế Châu Phi. Do thiếu động lực bên ngoài
thúc đẩy, nhìn chung kinh tế Châu Phi năm 2013 có chiều hướng suy giảm
hơn so với những năm trước, dự kiến mức tăng trưởng chỉ đạt 4,8%, thấp
hơn mức 6% của năm trước.
Kinh tế của 47 nước Nam sa mạc Sahara là trụ cột của kinh tế châu lục này, dự kiến năm 2013 mức tăng trưởng vượt trội hơn các khu vực Trung Phi và Nam Phi, nhưng cũng chỉ đạt mức 5%, thấp hơn mức trên 6% của những năm trước và cũng thấp hơn mức 5,4% như dự kiến mục tiêu tăng trưởng ban đầu. Nhìn tổng thể, thì tăng trưởng của kinh tế Châu Phi vẫn cao hơn mức bình quân của thế giới (3%), cao hơn so với EU (âm 0,6%) và Mỹ (1,8%)
Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Châu Phi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khả quan và tương đối ổn định như trên là do các nhân tố sau:
- Một là, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn là động lực mạnh mẽ hấp dẫn các nước đầu tư, là nguồn xuất khẩu chính đẩy kinh tế đi lên. Một số con số về trữ lượng tài nguyên phong phú của châu lục này như sau: Quặng nhôm, chỉ riêng Ghinê chiếm tới 10% trữ lượng toàn thế giới, gấp hơn 10 lần trữ lượng của Trung Quốc. Trữ lượng bạch kim và palladium, chiếm tới 90% trữ lượng thế giới. Trữ lượng crôm chiếm 85% thế giới; trữ lượng mănggan chiếm 80%; trữ lượng vàng chiếm 50%. Lybi, nước thành viên OPEC có trữ lượng dầu lửa với sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày, xuất khẩu lớn thứ 3 Châu Phi, đứng thứ 8 trong tổ chức OPEC, thứ 15 trên thế giới.
Ghana lại phát hiện thêm nguồn dầu khí mới, nên trong thời gian 5 năm từ 2008 – 2013, tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức trên 8%. Nguồn tài nguyên phong phú này giúp Châu Phi khắc phục được sự tác động bất lợi của yếu tố bên ngoài để tự cứu mình vươn lên.
- Hai là, mở rộng nội nhu trở thành nội lực thúc đẩy kinh tế các nước trong châu lục tăng trưởng. Từ trước tới nay, Châu Phi chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên vật liệu để đổi lấy hàng tiêu dùng, nhưng thời gian qua, các nước đã chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến, tăng hàm lượng giá trị kỹ thuật, đồng thời mở rộng phát triển công nghiệp trong nước, tăng nguồn cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Yếu tố nội lực này đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Số liệu cho biết, trước đây tỉ lệ xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô giá rẻ chiếm tới 60%-70%, nay đã giảm xuống chỉ còn chiếm tỉ trọng 32%, còn lại đều được công nghiệp trong các nước chế biến, gia công.
Trong khi đó hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được đẩy mạnh. Tiêu dùng chiếm tới 60% GDP của Châu Phi, nên tiêu dùng tăng đã thúc đẩy kinh tế tăng, nhất là mặt hàng điện tử cao cấp. Trong 5 năm qua, riêng tiêu thụ điện thoại di động của các nước nam Sahara tăng lên 18% và đóng góp tới 60 tỉ cho kinh tế quốc dân. Số người có thu nhập trung lưu cũng tăng lên, từ đó lượng tiêu dụng cũng tăng theo. Năm 2012 số người thuộc tầng lớp trung lưu là 60 triệu, dự kiến năm 2015 tới 100 triệu, nên tiêu dùng tăng lên.
- Ba là, đẩy mạnh tốc độ nhất thể hóa trong khu vực. Châu Phi có 3 tổ chức kinh tế có uy tín và tiềm lực lớn là “Thị trường chung Đông-Nam Châu Phi”, “Thị trường chung Đông Châu Phi” và “Thị trường chung Nam Châu Phi”. Ba tổ chức này gồm 26 nước thành viên với dân số hơn 700 triệu, chiếm 57% tổng dân số Châu Phi, GDP trên 625 tỉ USD, chiếm 58% tổng GDP Châu Phi.
Tuy nhiên, do tình trạng cạnh tranh, bài xích lẫn nhau giữa ba tổ chức này đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế của cả châu lục.Tháng 2/2011, ba tổ chức này đã tiến hành gặp gỡ và thảo luận về đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa, xây dựng Khu mậu dịch tự do (FTA), thống nhất ba tổ chức thành một khối, gọi là “Chương trình nhất thể hóa ba bên””. Đây là bước ngoặt lớn và cũng là nhân tố thúc đẩy kinh tế châu lục tăng trưởng và giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Chương trình này đang khẩn trương riển khai và nó trở thành nhân tố gắn kết các nước với nhau, thúc đẩy kinh tế tăng ổn định hơn. “Thị trường chung Đông Châu Phi” đang tiến hành lập Thị trường chứng khoán vào năm 2015, trong khi đó các nước Tanzania, Uganda, Burundi và Luwanda cùng nhau xây dựng con đường sắt liên vận với đầu tư 4,7 tỉ USD. Các nước Kenya và Etiopia năm 2012 đã cùng nhau chung vốn xây dựng hành lang giao thông với tổng đầu tư tới 25 tỉ USD.
- Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và buôn bán với các nước bên ngoài, nhất là với các nước đang trỗi dậy và Trung Quốc, từ đó thu hút FDI ngày càng tăng.
Trong khi buôn bán với các nước EU gặp khó khăn thì buôn bán với các nước Nhóm BRICS cũng như với các thực thể kinh tế mới nổi lên không ngừng tăng lên. Hiện nay buôn bán Châu Phi – EU từ 40% thập kỷ 90 Thế kỷ 20 nay giảm xuống còn 20%. Trong khi đó kim ngạch buôn bán giữa Châu Phi với Nhóm BRICS năm 2012 đạt 340 tỉ USD, trong 10 năm tăng gấp hơn 10 lần. Buôn bán Châu Phi – Trung Quốc năm 2013 dự kiến đạt 200 tỉ USD.
Về thu hút FDI, năm 2013 dự kiến Châu Phi thu hút tới 56,6 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 37,7 tỉ USD của năm 2012, trong đó đầu tư của các nước Nhóm BRICS 5 năm qua tăng 20,7%, các nước phát triển giảm xuống chỉ còn 8,4%.
Năm 2013, cho dù có nhiều nhân tố bất lợi từ bên ngoài, nhưng kinh tế các nước Châu Phi vẫn vươn lên và duy trì được ổn định. Dự kiến năm 2014 kinh tế các nước Châu Phi vẫn duy trì được đà tăng trưởng hiện nay. GDP có thể đạt từ 5% tới 5,5%, các nước Khu vực Nam sa mạc Sahara có thể đạt 6%./.
Kiều Tỉnh
No comments:
Post a Comment