Wednesday, December 4, 2013

Phát triển thủy điện tràn lan vượt tầm kiểm soát

Tia Sáng

09:23-04/12/2013
Lũ miền Trung, vì sao nên nỗi ?

Nguyễn Thái Nguyên

Trận lụt ở Đà Nẵng hồi đầu tháng 10/2013
Với những chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng vô tiền khoáng hậu trong mấy chục năm qua ở Tây Nguyên và miền Trung, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta đã và đang từng bước làm cho một bộ phận lớn diện tích đất ở vùng này lâm vào tình trạng “hoang mạc hóa”. Lũ lụt và khô hạn ngày càng nặng nề là điều không tránh khỏi.

Trong thời gian qua, kể từ sau siêu bão Hayan, nhất là sau trận lũ chưa từng có xảy ra ở các tỉnh miền Trung, đã có nhiều bài báo, phóng sự, các báo cáo vừa phản ảnh thực trạng khủng khiếp do trận lũ gây ra, vừa đề cập đến nhiều nguyên nhân kể cả từ phía ông trời và phía con người, mà cũng khó phân định thiên tai hay nhân họa đã gây ra thảm cảnh này nhiều hơn.

Bão và lũ đã đi qua, nhưng nỗi đau và đói nghèo còn ở lại lâu dài cùng với hàng loạt câu hỏi chưa phải đã được các cấp các ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học đưa ra những lời giải khả dĩ tạo lập được niềm tin để không chỉ khắc phục được hậu quả hôm nay mà còn có thể yên tâm khi mùa mưa bão lần sau lại đến. Yên tâm sao được khi 30% các dự án thủy điện chưa được kiểm định, 66% chưa có phương án bảo vệ, 55% chưa có phương án phòng chống lũ lụt… như báo cáo trình ra Quốc hội. Lại có 418 dự án có độ rủi ro cao, đã và sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Kon Tum đã được cấp phép xây dựng hoặc “được phép” xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật rồi chắc chắn cũng được phê duyệt hầu hết nếu không có trận lũ vừa qua.

Từ “nước không đi đâu cả” đến “nước cuốn trôi tất cả”

Vào đầu những năm 1980, mặc dù là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh, nhưng mật độ rừng che phủ của Tây Nguyên còn trên 70% và của dải đất miền Trung còn trên dưới 40%. Đây là nói độ che phủ của rừng gỗ lớn chứ không phải che phủ bởi một lớp thực bì mỏng manh, yếu ớt như hiện nay. Chúng ta đều biết, một vùng đất được che phủ bởi rừng già, rừng gỗ lớn thì với những trận mưa trên dưới 150 mm, “nước không trôi đi đâu cả”! Rừng cây ấy là một máy bơm khổng lồ mà khi trời nắng hạn, trên mỗi ha một ngày đêm, cây “bơm” từ lòng đất lên trên bề mặt 4.000m3 nước đủ ẩm cho cây và đất để mọi loài đều phát triển bình thường. Và khi trời mưa, “máy bơm” này trả lại cho lòng đất một khối lượng nước tương đương để chứa đầy hàng triệu túi nước ngầm bên trong lòng đất.

Thế nhưng, cũng bắt đầu từ thập kỷ 80, trên vùng này có cuộc nhập cư ồ ạt để “phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” mà mạnh nhất là phá rừng làm lương thực, làm nương rẫy. Chúng ta dù không chủ trương thì trên thực tế, đã có một cuộc “cách mạng” lớn về phương thức canh tác trên diện rộng: Những người nông dân đi “xây dựng các vùng kinh tế mới”, mang tập quán và truyền thống canh tác lúa nước của miền xuôi áp đặt, thay thế hệ canh tác rừng-rẫy rất bền vững qua nhiều đời ở các tỉnh Trung du và miền núi trong cả nước, mà lớn nhất là Tây Nguyên.

Cùng với quá trình di dân đó, chúng ta thành lập các nông trường và lâm trường quốc doanh. Không thể có lâm trường nào lại lấy nhiệm vụ “trồng rừng là chính” mà ngược lại, để tồn tại phải khai thác gỗ bằng các phương tiện hiện đại nên tốc độ phá rừng còn hơn cả bom đạn chiến tranh. Nông trường quốc doanh thì chủ yếu là phá rừng để trồng cà phê bởi chỉ trên nền đất ấy và tiểu khí hậu (lúc đầu) ấy mới có cà phê cho năng suất cao. Rồi dần dần chuyển đổi các nông trường thành các “tiểu điền” hoặc khoán về cho các hộ dân trồng cà phê thì tốc độ phá rừng càng mạnh hơn. Theo đó là hàng vạn giếng khoan được lắp đặt khắp nơi. Thời gian đầu chỉ ở độ sâu trên dưới 20m đã có nước tưới cho cà phê, dần dần khoan xuống 80m và bây giờ phải khoan ở độ sâu 150-200m! Tương lai rồi khoan sâu bao nhiêu? Hàng triệu túi nước ngầm khô kiệt bởi khác với cơ chế hoạt động của rừng, con người chỉ bơm nước lên bề mặt mà không làm sao trả lại nước ngầm cho đất. Đã qua rồi cái thời mưa trên dưới 150 mm “nước không đi đâu cả”, mà đã chuyển sang thời kỳ hễ mưa lớn, “nước cuốn trôi tất cả”.

Dĩ nhiên, trên địa bàn Tây Nguyên và miền Trung, không chỉ có bấy nhiêu lực lượng phá rừng mà còn rất nhiều loại “tặc” khai thác đủ loại lâm sản, khoáng sản tàn phá môi trường sinh thái một cách nghiêm trọng. Cũng cần chú ý rằng chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm “khai thác và vận chuyển gỗ lậu” hay “khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khoáng sản lậu” vì các hoạt động này không hề là công việc thủ công, nhỏ lẻ của người dân mà được tiến hành bằng những phương tiện hiện đại, chuyên nghiệp, công khai qua các chốt, các trạm đặt ở cửa rừng hay cửa khẩu. “Lậu” chỉ lộ diện khi không trót lọt, bị xử lý chứ không phải các cơ quan chức năng, thậm chí lãnh đạo ngành hay địa phương không biết.

Tôi chưa được đọc các tài liệu đánh giá về độ bào mòn của mưa lũ trên vùng đất này trong một số năm gần đây, nhưng theo Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) thì hiện nay, lượng phù sa của các con sông ở Quảng Nam đã ở mức báo động. Tại hạ lưu sông Vu Gia (Trạm quan trắc Thành Mỹ) đã đo được con số bình quân hằng năm 460.000 tấn đất cát bồi lắng, cũng có nghĩa là phía thượng nguồn đã bị bào mòn một lớp đất mặt đáng kể. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bị lún bình quân 2 cm/năm mà nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khai thác nước ngầm tràn lan, thì rất nhiều vùng ở Tây Nguyên và vùng đồi núi miền Trung hằng năm cũng đang bị “lùn” đi chừng ấy chiều cao do bị mưa lũ bào mòn.

Nói một cách khác, với những chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng vô tiền khoáng hậu trong mấy chục năm qua ở Tây Nguyên và miền Trung, bên cạnh những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế xã hội, chúng ta đã và đang từng bước làm cho một bộ phận lớn diện tích đất ở vùng này lâm vào tình trạng “hoang mạc hóa”. Lũ lụt và khô hạn ngày càng nặng nề là điều không tránh khỏi. Trên nền tảng ấy, chúng ta đã và đang xây dựng hàng trăm túi nước khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân thì dù được kiểm định kỹ càng cũng khó lường tai họa huống là đã được phát triển một cách vô tội vạ như vừa qua thì chúng ta quả là coi thường tính mạng và tài sản của người dân.

Những ưu thế chưa được tận dụng

Nói như trên không phải là không nên phát triển thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên, nhưng nếu tách riêng thủy điện ra khỏi hệ thống để thẩm tra, kiểm định thì không thể tránh khỏi những hiểm họa đối với các công trình thủy điện-thủy lợi ở vùng này, dù là nhóm A [những dự án mà Bộ Kế hoạch đầu tư phải lập hội đồng nhà nước thẩm định, và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định] hay nhóm B, C [do Bộ Công thương thẩm định] thì cũng thế thôi.

Mặt khác, đây cũng là vùng có nhiều ưu thế về năng lượng mặt trời, năng lượng gió… thì hà tất chỉ có phát triển tràn lan thủy điện mới là ưu thế chủ yếu được lựa chọn? Để có 173 MW công suất điện (lý thuyết) như dự án An Khê - Ka Nak mà phải xóa sổ hàng ngàn ha rừng ở vùng xung yếu; nhấn chìm hàng trăm ha ruộng và nương rẫy vốn là nguồn sống chủ yếu của người dân; làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, trong đó có hơn 500 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.

Dù đã tái định cư được ba năm mà hàng trăm hộ dân ở đây vẫn chưa thể ổn định cuộc sống và đang gặp muôn vàn khó khăn v.v.. thì dù các chuyên gia kỹ thuật có cam kết về độ an toàn, các chuyên gia kinh tế có nói hay ho về hiệu quả kinh tế-xã hội đi chăng nữa, rốt cuộc cũng là những lợi ích nhất thời hoặc giá trị ảo mà thôi. Liệu có đáng để con cháu chúng ta phải trả giá đắt đến như vậy?

Đầu tháng 9/2013, trước khi lũ lụt xảy ra, hơn 100 nhà khoa học và các chuyên gia về thủy lợi, thủy điện đã có cuộc hội thảo khoa học về thủy điện miền Trung tại thành phố Đà Nẵng và đưa ra lời cảnh báo: “Hiện hệ thống thủy điện đang phát triển thiếu khoa học”! Lời cảnh báo ấy chỉ nói được rằng các nhà khoa học có biết về thực trạng nguy hiểm, nhưng dường như “không liên quan” gì đến cái kết cục buồn ấy. Với tình hình phát triển thủy điện như vừa qua thì có lẽ khoảng sau năm 2020, các nhà khoa học lại phải kéo nhau về Đà Nẵng thêm một lần nữa, lần này chắc phải đông hơn, không chỉ có thủy lợi, thủy điện mà còn nhiều ngành khác để bàn thảo việc… di dời khu phố cổ Hội An. Rất có thể, vì hiện nay việc chặn dòng chảy sông Vu Gia - Thu Bồn để làm thủy điện đang hướng lũ thẳng vào thị xã Hội An.


10:25-03/12/2013
Phát triển thủy điện tràn lan vượt tầm kiểm soát

Tạ Hòa Phương*

Thủy điện Yaly (Kon Tum) mùa xả lũ
Trận lũ lụt ở Miền Trung vừa qua dẫn đến cái chết của 43 người dân, kèm theo là những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt đã được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật từng ngày có nguồn gốc sâu xa từ đâu? Tất nhiên, chúng ta hiểu đó là thiên tai, thứ mà mảnh đất Miền Trung từng phải gánh chịu từ bao đời. Nhưng nếu chúng ta không phát triển thủy điện tràn lan vượt tầm kiểm soát, thì thiên tai đâu có thể tàn phá dữ dội và kinh hoàng đến thế?
 
Sinh thời, GS. Nguyễn Đình Tứ từng có những phát biểu đánh giá về những tác động xấu tới môi trường của thủy điện, khi mà dạng điện năng này vẫn được coi là “năng lượng sạch” và các hồ chứa nước thủy điện được ca ngợi có nhiều mặt tích cực. Những dự án thủy điện lớn của Việt Nam dần dần được đưa vào thực hiện, khai thác và đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn không thể phủ nhận. Nhưng cùng với thời gian, chúng ta đã đi vượt xa cái ngưỡng cần dừng lại lúc nào không biết. Ví dụ, chỉ 2 tỉnh miền Trung là Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế cùng hai tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Đắc Nông hiện có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai. Đó thực sự là một con số đáng lo ngại. Theo quy hoạch phát triển thủy điện cả nước đến năm 2015, xét đến năm 2025, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2015 khoảng hơn 18.000 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm trên 80 tỷ KWh. Trong đó, riêng 9 hệ thống các sông: Lô - Gâm, Đà, Mã - Chu, Cả, Vu Gia, Ba, Sê San, Srepok và Đồng Nai đã được quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện có tổng công suất khả dụng 15.383 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 63,87 tỷ KWh.

Quan niệm thủy điện là loại năng lượng sạch và rẻ đến nay chắc chắn không còn đúng nữa nếu đánh giá về tổng thể, không những thế việc phát triển loại hình năng lượng này còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Trước hết để xây dựng các hồ thủy điện, những diện tích lớn đất đất đai thuộc thung lũng sông đã phải thay đổi mục đích sử dụng. Trong khi người Việt Nam từ lâu đời có đời sống gắn liền với các lưu vực và thung lũng sông. Cũng chính tại đó người nông dân đã sáng tạo nên nền văn minh lúa nước độc đáo. Sự phát triển của mạng lưới thủy điện đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình thuần nông phải rời xa thửa ruộng, mảnh vườn đã bao đời gắn bó với họ. Đó thực sự là sự đảo lộn cuộc sống. Nhìn chung các căn nhà tái định cư, những mảnh đất đền bù... khó có thể so sánh với những gì từng thiết thân mà “người lòng hồ” đã phải rời bỏ, kể từ mồ mả cha ông đến những nét văn hóa mang bản sắc riêng của một vùng quê.

Thứ hai, cùng với việc phá rừng làm thủy lợi, đa dạng sinh học không chỉ của rừng, mà còn của cả hệ thủy sinh bị phá hủy, làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Mà cân bằng sinh thái luôn là chỉ thị của phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác tự nhiên. Rừng nhiệt đới bị phá hủy, đồng nghĩa với việc một phần lá phổi của hành tinh bị hủy hoại, một lượng lớn khí carbonic (CO¬2) không được cây xanh hấp thụ, trong khi đó một lượng lớn khí mêtan (CH4) được phát thải từ dưới đáy các hồ thủy điện, góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính – nhân tố quan trọng gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Chỉ xét riêng từ góc độ này cũng đã thấy, thủy điện không còn là năng lượng sạch so với các loại hình năng lượng khác.

Thứ ba, việc đắp đập hồ thủy điện khiến cho bờ sông vùng hạ du bị phơi khô, đẩy nhanh quá trình phong hóa, làm giảm đáng kể độ bền cơ học của dải bờ. Do vậy, đến khi bị xả lũ đột ngột, bờ sông thường bị xói lở mạnh hơn rất nhiều so với khi chưa có đập thủy điện chắn phía thượng nguồn. Chính vì thế, nguy cơ sụp lở dải bờ sông, phá hủy nhà cửa của cư dân vùng hạ du là rất đáng kể.

Cuối cùng, đã có nhiều ý kiến về việc liệu các công trình thủy điện ở Miền Trung có vai trò gì không trong trận lụt kinh hoàng vừa qua? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải dựa vào nội dung của khái niệm phát triển bền vững. Chúng ta cần đặt câu hỏi, nếu không có mạng lưới thủy điện dày đặc như ở Miền Trung hiện nay thì quy mô và sức tàn phá của trận lụt trong tháng 11 vừa qua có khủng khiếp đến vậy không? Thực ra, câu trả lời không khó. Mặc dù Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói: “Đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy”, thì chúng ta có thể hiểu ngay, Phó thủ tướng đã nói về những báo cáo đơn lẻ của từng cơ sở. Mà vấn đề ở đây không phải là một phép tính cộng đơn giản thế.

Xét theo logic thông thường, lẽ ra làm hồ thủy điện là góp phần điều tiết lưu lượng nước sông, góp phần hạn chế lũ lụt và đảm bảo tốt hơn nguồn nước tưới cho đồng ruộng vùng hạ du vào mùa khô. Nhưng cách phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan như ở Miền Trung hiện nay đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, của các bộ ngành và Nhà nước.


Nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở thôn Tân An, xã Đại Lãnh ven sông Vu Gia (Quảng Nam) đầu tháng 10. Dư luận cho rằng việc thủy điện xả lũ đã làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt

Phát triển thủy điện là vấn đề lớn, không thể có cách tiếp cận vụn vặt, mà phải xét nó trên quy mô tổng thể. Mỗi nhà máy thủy điện dù lớn, dù nhỏ, trước khi được cấp phép xây dựng chắc chắn cần phải có đánh giá tác động môi trường. Quy trình vận hành hồ thủy điện cần thiết lập chuẩn mực. Ngoài ra, cần có kịch bản tình huống cho từng cấp độ xả lũ, kể cả đối với cấp độ xấu nhất là vỡ đập, thì ảnh hưởng của nó tới vùng hạ du như thế nào. Những phương án xử lý tình huống hiệu quả nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của xã hội cần được tính toán chi tiết cho những trường hợp đó. Đối với cả hệ thống thủy điện gồm hàng chục, hàng trăm nhà máy, thì buộc phải có một kịch bản tổng thể, không chỉ đơn thuần là phép cộng nữa. Phép tính tổng hợp này chắc chắn thời gian qua chưa được đặt ra ở Miền Trung. Hệ thống thủy điện chưa có quy trình điều phối tổng thể, chưa có cơ quan chỉ huy thống nhất. Chính vì thế, việc xả lũ dù đúng quy trình chăng nữa, nhưng mới dừng ở từng hồ đơn lẻ, nên vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng như trận lụt vừa qua.

Trong bài phát biểu ngày 21/11/2013 tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thực trạng yếu kém của việc quản lý thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện ở Miền Trung, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn trong mùa mưa lũ. Điều đó là chính xác. Có thể nói cho đến nay, chúng ta vẫn không có được những giải pháp hữu hiệu giải quyết nạn chặt phá rừng cũng như chưa kiểm soát, điều hành được toàn bộ hệ thống thủy điện đang phát triển tràn lan vì mục đích lợi nhuận của các doanh nghiệp là chính.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề thủy điện một cách nghiêm túc. Hiên nay ở nhiều nơi trên thế giới người ta đã cảnh báo những hiểm họa mà thủy điện có thể đưa lại và nhắc đến nhiều thảm họa đã xảy ra. Có những nước như Mỹ, Nhật v.v.. đã quyết định phá bỏ các đập thủy điện, trả lại cho các con sông diện mạo vốn có của chúng, giúp khôi phục cân bằng sinh thái và nguồn lợi kinh tế của cộng đồng cư dân trong lưu vực sông. Dự kiến đến năm 2020, nước Mỹ sẽ phá bỏ các đập thủy điện khổng lồ. Dự án phá bỏ đập thủy điện này có tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la Mỹ. Còn ở Nhật Bản, sau khi thắng cử vào tháng 9/2009, chính phủ của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 dự án xây đập thủy điện trên toàn nước Nhật, trong số đó có Dự án xây đập Yamba với chi phí dự kiến lên đến 5 tỷ đô la Mỹ và hiện tại đã hoàn tất 70% khối lượng công trình.

Trong khi đó, với nhiều mặt yếu kém về kỹ thuật và quản lý, Việt Nam đã vươn lên thành nước đứng đầu Đông Nam Á về lĩnh vực thủy điện. Điều đó thật trớ trêu, vì cái cần đứng đầu chắc chắn không phải là thủy điện!
---
* Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam

No comments:

Post a Comment