04:29-13/12/2013
Phương Mai |
Đường phố Beirut, phía xa là thánh đường
Hồi giáo O’Hariri
Nếu
ai đó không biết tý gì về Li-băng, rồi tự dưng một buổi sáng tỉnh giấc
giữa trung tâm thủ đô Beirut, hẳn sẽ rất khó để thuyết phục họ rằng đây
không phải là châu Âu mà là một quốc gia nằm ngay chính giữa trái tim
Trung Đông.
Đất
nước đắt đỏ, hào nhoáng, không có sa mạc nóng bỏng mà có núi cao,
không có nắng chói rát người mà có tuyết phủ trắng đầu. Những chàng
trai cô gái Beirut bước ra đường ai cũng như đang quảng cáo quần áo
hàng hiệu. Đêm xuống, thành phố ngập tràn trong tiếng nhạc. Quán bar
Sky giá hàng trăm đô la một bàn mà số khách đặt trước cả năm chưa lúc
nào giảm. Bước chân vào tiệm ăn Menza nổi tiếng nhất Beirut, tôi và bạn
bè như bị tấn công bởi những núi đồi đồ ăn liên tiếp được bưng ra,
rượu chưa nhấp môi đã được đổ đầy, đến món tráng miệng cũng được bưng
đến trên những mâm to chất ngất gần trăm miếng hoa quả. Nhịp sống ở
Beirut gấp gáp, sục sôi, đổ vàng mười đổi lấy một trận cười. Từ lúc đặt
chân đến nơi đây, tôi luôn cảm thấy có cái gì đó rất bất an trong cách
sống hưởng thụ của người Beirut, như thể những cuộc vui thâu đêm kia
đang che giấu những lo toan bộn bề không dễ dàng bày tỏ.
Mario
Mario là người Thiên Chúa giáo dòng Maronite. Anh sống cùng mẹ trong một căn hộ trang hoàng kiểu Paris, thậm chí theo như bạn bè anh nhận xét, thì còn đậm chất Paris hơn cả một ngôi nhà ở Paris. Li-băng trải qua vài chục năm thuộc địa Pháp, khi rút đi để lại một nền văn hóa đậm đặc ngấm sâu vào máu thịt của cộng đồng Thiên Chúa giáo. Trong bữa ăn ở nhà Mario, tôi khổ sở chuyển từ cách nhúm thức ăn bằng tay của người Ả rập và vắt óc lục lại những kiến thức về cách xử sự trên bàn tiệc theo phong cách châu Âu cổ điển, từ cách dùng dao, nếm rượu, đến cách để khuỷu tay. Cái kiểu sống Pháp hơn cả Pháp xịn thế này, hay nói theo kiểu văn vẻ là “sùng tín hơn cả Đức Giáo Hoàng” thế này, chắc chắn là để cố tình nhấn mạnh rằng...
“…Rằng tôi không phải là người Hồi giáo!” – Mario trả lời thẳng thắn – “Tôi thậm chí không muốn nói tiếng Ả Rập, bởi đó là ngôn ngữ của kẻ thua cuộc. Những người Hồi ở Li-băng chỉ có mỗi một việc là sinh sôi nảy nở. Hơn chục năm trước dân số hai phe còn bằng nhau, giờ thì đến 70% quốc gia là người Hồi. Họ muốn nuốt chửng chúng tôi thì có!”
Nhưng Mario thực ra đã hơi tụt hậu. Rất nhiều người Thiên Chúa Maronite ở Li-băng bây giờ đã thấy xấu hổ, không còn muốn đánh đồng danh tính với một nước từng là chủ thuộc địa của mình nữa. Họ cất công lộn ngược lại quá khứ, tìm về một nguồn gốc xịn hơn và trăm lần huy hoàng hơn: Nền văn minh Phoenicia.
Thế là tôi lóc cóc bắt xe đi Byblos.
Tôi yêu Byblos từ cái nhìn đầu tiên. Trái tim tôi tan chảy khi khe khẽ bước chân lên những lối đi nhỏ phủ bóng cây mát rượi, rụt rè ghé nhìn vào những quầy hàng bé xíu thập thò sau vòm cổng đá. Sự dịu dàng, mong manh đến dễ vỡ của Byblos khiến tôi có cảm giác như thể mình vừa mở ra chiếc hộp thần kỳ đã bị rêu phong ngàn năm lãng quên trong góc khu rừng cổ. Và khi nắp hộp được nhấc lên, không phải kim cương châu báu, mà là một thiên thần có cánh bé xíu chấp chới bay ra. Dựa lưng vào bức tường chăng mắc đầy hoa dại, bất kể một tâm hồn dù khô khan đến mấy cũng phải mềm ra, bất kể một trí óc thực tế đến mấy cũng phải băn khoăn: điều gì khiến Byblos giữ mãi được vẻ ngây thơ, điều gì khiến cho thiên thần có cánh chẳng bao giờ già, dù gần mười ngàn năm đã trôi qua và bao điều lớn lao hơn đã nhiều lần vỡ vụn?
Thật khó có thể tưởng tượng được thị trấn nhỏ xíu như một ngôi làng trong mơ này đã liên tục xôn xao tiếng người tiếng chợ suốt cả chục ngàn năm qua, chưa một lần bị ngắt quãng, chưa một lần bị tan thành tro bụi. Những thương nhân của nền văn hóa Phoenicia không những thống trị các dòng hải lý lớn trong nghề buôn bán hàng hải mà còn hiến tặng cho thế giới bộ chữ cái đầu tiên của loài người. Từ bộ chữ nguyên thủy này, hầu hết ngôn ngữ hiện đại của chúng ta vay mượn và biến tấu để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, từ người Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái, Latin, cho đến người Việt chúng ta và những dòng chữ bạn đang đọc ngay lúc này đây. Tiếng tăm của nền văn minh Phoenicia và Byblos với ngôi vị của “thành phố lâu đời nhất còn tồn tại” khiến những người Thiên Chúa giáo ở Li-băng dần dần cảm thấy một niềm tự hào không thể cưỡng nổi, một nỗi khao khát muốn được đứng cùng một thuyền và mang cùng một cái tên. Và thế là mặc dù tổ tiên vốn là dân Syria vì chạy trốn cường quyền mà dạt đến đây, nhưng để khẳng định sự khác biệt của mình với số dân Hồi giáo Ả Rập tràn lên sống ở vùng này mới chỉ được hơn ngàn năm, cộng đồng Thiên Chúa dòng Maronite ở Li-băng vẫn ngấm ngầm quyết định gắn cho mình một danh tính mới với lịch sử hẳn mười ngàn năm: Họ chính là con cháu người Phoenicia.
Gus
Gus là người Thiên Chúa giáo dòng Hy Lạp Othodox. Khi gặp tôi, anh đang lèn chặt đồ đạc vào hai chiếc vali to tướng: “Biến thôi!” – Gus kết luận – “Li-băng bé như cái kẹo, gió đụng chiều nào là đổ chiều ấy. Trung Đông đang loạn, tốt nhất là chuồn.”
Li-băng có hơn 4 triệu dân nhưng có lẽ đây là quốc gia duy nhất có số người sống ở nước ngoài nhiều hơn trong lãnh thổ. Mười bốn triệu dân Li-băng trú ngụ rải rác khắp năm châu. Họ nổi tiếng là những nhà kinh doanh thành đạt. Các hiệu ăn Li-băng hễ mở là đông khách, không đơn giản chỉ là do các món ăn của Li-băng ngon hơn hẳn và phong phú hơn hẳn các nước khác ở Trung Đông. Người Li-băng, có lẽ do lịch sử luôn khiến họ phải sống chung với kẻ thù, rất khéo léo trong xã giao, chẳng bao giờ làm mất lòng khách.
Đất nước mà Gus chuẩn bị dọn đến là Saudi. Hỏi anh sẽ làm công việc gì, Gus nhìn tôi dò xét một hồi rồi thì thào: “Buôn bán vũ khí.”
Anh ta khoe rằng mình và vợ thậm chí không cần visa cũng vào được Saudi. Bà xã Gus là tư vấn thiết kế riêng cho một cô công chúa trong gia đình hoàng tộc khổng lồ gần 7.000 vương tôn công tử của vương quốc dầu mỏ. Tháng trước, cô công chúa này có việc gấp nên gọi cho vợ Gus. Chỉ một cú điện thoại và thế là “Hấp!”, vợ Gus đã vù đi Mecca. Trong khi tôi suốt hai năm qua cả bộ hồ sơ mấy chục trang nộp vào sứ quán Saudi vẫn biệt vô âm tín.
Cộng đồng người Thiên Chúa Orthodox chỉ khoảng 8% dân số Li-băng nhưng phần lớn đều thuộc tầng lớp trung lưu với một danh sách dài các thương nhân thành đạt. Họ đóng góp nhiệt thành vào việc làm nên một điều kỳ diệu chỉ có ở Li-băng. Tuy tan tác và tơi tả bởi bao cuộc chiến tranh nhưng quốc gia bé nhỏ này vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa và nghệ thuật lớn của Trung Đông với nền báo chí được coi là cởi mở nhất trong khu vực. Những người như Gus là động cơ của cỗ máy Li-băng. Họ không tốn nhiều thời gian than trách, thậm chí không nhất thiết phải lựa chọn đúng sai. Điều quan trọng nhất là đứng dậy và tiếp tục bò lên phía trước. Như bây giờ đây, Gus đóng sập cái vali rồi gãi đầu kết luận: “Thật ra thì cũng áy náy lắm. Tôi không cho phép con trai mình chơi súng nhựa và nhận các món đồ chơi kiểu vũ khí, thế mà bây giờ lại dính vào cái công việc này. Nhưng mà tiền thì vẫn cứ là tiền thôi.”
Baraa
Baraa là người Hồi giáo dòng Sunni. Anh đang học năm cuối tại ĐH America. Tôi chưa từng thấy khuôn viên một trường đại học nào đẹp và nên thơ như ngôi trường thuộc loại danh giá nhất và lâu đời nhất Trung Đông này. ĐH America được tạo dựng bởi những nhà truyền giáo Thiên Chúa gần 150 năm trước. Như một Đà Lạt thu nhỏ, ĐH America trải dài những khuôn viên và giảng đường cổ kính trên ngọn đồi nhìn ra Địa Trung Hải xanh mướt. Cách đây không bao lâu, nơi đây cung cấp cho Liên Hợp Quốc nhiều tài năng hơn cả ĐH Harvard của Mỹ. Chen chân với hàng ngàn sinh viên tỏa ra khắp những con đường đồi phủ bóng cây rợp trời, cả ngày lẫn đêm, nhưng những người chủ thực sự nơi đây lại là những… con mèo.
“Có đến hàng trăm con ấy” – Baraa khổ sở giấu giếm lôi từ trong túi ra miếng bánh mỳ ăn trưa – “Mai mà không cẩn thận chúng nó nhảy lên giật miếng ăn của cậu còn tài hơn cả lũ khỉ nữa.”
Một mắt coi chừng lũ mèo, một mắt lướt trên điện thoại, Baraa cố hết sức để tìm thông tin nhằm giải thích thật ngắn gọn cho tôi về sự việc một thủ lĩnh Hồi giáo Sunni mới bị giết tại Akka. Tôi rất muốn Baraa ngừng tay, bởi tôi đã biết câu trả lời. Ở Trung Đông, nếu có một câu hỏi về nguyên nhân của những cuộc chiến, chắc chắn hơn một nửa lời giải đáp nằm ở mối xung đột gần 1.400 năm giữa Sunni và Shia. Hai cộng đồng Hồi giáo này chiếm tới 60% dân số Li-băng và dễ dàng hắt hơi xổ mũi theo diễn biến thời tiết ở bên ngoài lãnh thổ. Như bây giờ đây, nội chiến ở Syria đang diễn ra giữa quân của chính phủ theo dòng Shia và quân nổi dậy theo dòng Sunni. Thế là lập tức hai cộng đồng Shia-Sunni ở Li-băng cũng nhảy vào biến đất nước mình trở thành một chiến trường thứ hai. Ngày hôm qua, một thủ lĩnh Sunni của Li-băng bị quân Shia giết nhưng trong đám tang, quan tài của ông lại phấp phới lá cờ… Syria của quân nổi dậy Sunni bên nước láng giềng. Chỉ cần nhìn vào cái đám tang này thôi, một kẻ chẳng đến nỗi quá ngơ ngác như tôi cũng trở nên hoang mang: Rốt cuộc đây có còn là đất nước của họ không khi giữa Li-băng và Sunni, họ đã chọn vế thứ hai, khi niềm tin vào sự chia cắt tôn giáo còn mạnh hơn cả lòng trung thành với quê hương đất mẹ?
Amin
Vừa nhìn thấy tôi Amin đã phá lên cười.
Những tháng ngày ở Trung Đông đã dạy tôi một bài học đơn giản mà hữu dụng. Ấy là phải quẳng hết cái mớ kiến thức về văn hóa tập tục ở chỗ này chỗ nọ chỗ kia ra vỉa hè. Cuộc sống ở Trung Đông vô vàn sắc thái khác nhau cộng với cấu hình xã hội đậm tính bộ lạc khiến điều vốn được coi là lịch sự ở chỗ này chỉ mấy chục kilomet xa hơn đã trở thành một hành động thiếu văn minh. Thế nên tôi tự chế cho mình một lý thuyết giao tiếp đơn giản hơn gọi là “phương pháp cái gương”. Tức là thấy người bản xứ làm gì thì làm y như thế. Khi thấy Amin cười thì tôi cũng toét miệng cười xòe một cái. Cười “giao hàng” xong, tôi hỏi: “Thế cậu cười cái quái gì thế?” Amin chỉ vào cái quần đũng rộng thùng thình của tôi và đắc chí: “Nhìn cậu giống hệt... ông bô nhà tớ”.
Tôi đoán ngay Amin là người Druze. Đàn ông Druze giờ không mấy ai còn mặc kiểu quần truyền thống hạ đũng rộng như cái lưới bắt cá rồi túm lại ở bắp chân như thế này nữa, chỉ có mấy ông già trong làng may ra. Tôi liền hỏi liệu Amin có thể đưa tôi về thăm gia đình được không. Cậu nhăn trán hỏi lại: “Gia đình ở đâu? Nhà bố mẹ tớ ở Li-băng, đi trong ngày được; nhà bác tớ thì ở Israel; còn cả họ hàng thì ở Syria cơ.”
Tôi luôn tò mò về người Druze. Họ cùng với Alawite là những tín ngưỡng bí mật nhất của Hồi giáo cổ điển, tách ra từ gốc của Hồi giáo Shia khoảng hơn một ngàn năm trước. Sau khi Pháp và Anh đánh thắng đế chế Hồi giáo Ottoman rồi vẽ biên giới chia vùng này lại thành năm đất nước riêng biệt để cai trị, chừng hơn một triệu tín đồ Druze bỗng dưng thấy họ hàng bộ tộc của mình bị chia cắt thành ba mảnh rải rác ở khắp ba quốc gia. Tệ hơn, ba quốc gia này lại liên tục đánh nhau kịch liệt, không chỉ trong vùng tam giác ba bên mà còn với vô số các nước khác. Trong cơn binh đao, người Druze dần dần phát triển kiểu sống có một không hai, chia trái tim mình thành hai ngăn. Tức là sống ở đâu thờ vương ở đó, nhưng họ cũng tuyệt đối trung thành với người cùng tín ngưỡng, nếu bắt buộc phải đối đầu nhau trên chiến trường thì cố… né. Ở hai bên đường biên giới, người Druze cùng một dòng họ có thể mặc áo lính cho Li-băng, và chĩa súng vào người Druze mặc áo lính của Israel cũng đang lăm lăm lựu đạn.
Không ai có thể phủ nhận sự gan dạ và tinh thần mãnh hổ của những chiến binh người Druze. Sự trung thành tuyệt đối của họ với chính quyền, sự dạn dày trận mạc nhưng lại có phong cách sống không quá phát cuồng vì quyền lực khiến người Druze tuy không đông về mặt dân số nhưng luôn là một nét kỳ bí, vừa đáng trọng vừa đáng gờm trong mắt cộng đồng Hồi giáo chính thống Sunni và Shia. Hẳn nhiên, họ cho rằng người Druze không phải tín đồ Hồi giáo chân chính mà là một sự lai căng pha trộn của các tôn giáo “tạp nham”, nhất là việc cho rằng Thượng Đế có thể đầu thai vào người thường thì Druze như vậy có khác gì Thiên Chúa giáo với triết lý Jesus là hiện thân của Đấng Tối Cao? Nhưng chính niềm tin mãnh liệt vào đầu thai và hóa thân là một phần lý do tại sao người Druze có trái tim thép không mảy may run sợ trước cái chết. Dân Li-băng thường kể lại câu chuyện về một thương nhân Druze bị bắt cóc và đứng úp mặt vào tường. Đằng sau anh, kẻ tống tiền chậm rãi rút súng, lên đạn… nhưng không bóp cò, vì chính hắn mới là người phải ngã quỵ trong cuộc đọ dây thần kinh không cân sức. Khi được hỏi tại sao có thể bình thản được như vậy, thương nhân trả lời: “Thú thực, lúc đó tôi chỉ bận tưởng tượng ra cảnh bà mẹ trong cuộc đời tiếp theo của mình trông sẽ ra sao!”
Vậy là bữa trưa hôm ấy của chúng tôi ngoài hơn chục con mèo trấn giữ vòng ngoài, chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi hể hả chia sẻ với nhau rằng cuộc túm tụm ăn chung này hội tụ đại diện của những nhánh tôn giáo lớn ở Li-băng. Họ từng đánh giết nhau, rồi dù ghét nhau chết thôi vẫn luôn phải cố gắng giữ hòa khí với nhau. Tại sao?
“Vì cái lũ mèo hóa cọp này này!” – Baraa cười ngất – “Nếu mà không cố sống chung với nhau thì sẽ bị nó xơi tái ngay. Li-băng nằm cạnh ba nước lớn, Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đầu, Syria lúc nào cũng o ép ở sườn phải, sườn trái chạm biển, còn đằng sau lưng là Israel viện đủ cớ nhăm nhăm nhảy vào. Khắp Beirut thánh đường Hồi giáo và Nhà thờ Thiên Chúa san sát cạnh nhau, nhưng cậu biết không, sóng ngầm khủng khiếp lắm. Cộng thêm mấy cái nước lớn ghét nhau ở xung quanh, Li-băng như cái quả bom nổ chậm ấy. Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Trúng phóc! Cái mớ bòng bong ở Li-băng khiến bất kể ai có ham muốn được hít thở bình thường đều phải có một cái công tắc trong đầu để có thể tắt phụt đi trước khi bộ óc của chính mình phải xì khói vì quá tải. Đi giữa thủ đô Beirut, thật khó nhận biết ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thống của quốc gia. Người Thiên Chúa nói tiếng Pháp, người Hồi nửa nói tiếng Anh nửa còn lại thậm chí tiếng Ả Rập cũng bập bõm. Trong một nỗ lực cuối cùng để tránh nội chiến, hệ thống chính trị quốc gia chia chác theo thành phần tôn giáo: Tổng thống nhất định phải là người Thiên Chúa dòng Maronite, người Hồi dòng Sunni xí phần Thủ tướng, Phó Thủ Tướng không thể ai khác ngoài người Thiên Chúa dòng Hy Lạp Othodox, người phát ngôn của chính phủ chỉ có thể là người Hồi dòng Shia, và cuối cùng quân đội phải nằm trong tay người Hồi dòng Druze.
“Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpetings, and farewells him with hootings,only to welcome another with trumpetings again.Pity the nation whose sages are dumb with years and whose strong men are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments, each fragment deeming itself a nation.
[Tôi thương đất nước tôi, đầy tín ngưỡng mà chẳng có niềm tin,
Chào đón cả kẻ thù, chán chê mải mê, chỉ để rồi lại tung hô một bầy xâm lấn khác.
Vị cứu tinh vẫn còn trong nôi, mà những kẻ cầm đầu thì rặt một bầy phụ bạc,
Đất nước tả tơi, mỗi mảnh vụn hả hê tự xưng vương ở một góc trời.
- Khalil Gibran1]
Tôi đặt cuốn “The Prophet” [Nhà tiên tri] của Khalil Gibran xuống và ngoảnh sang bên giường của Francesca. Cô phóng viên tự do người Ý ngụp lặn trong đống sách cao chất ngất, đánh vật với cái báo cáo phân tích 30.000 chữ về tổ chức Hezbollah. Vừa gõ máy tích choách choách, cô vừa suýt xoa thán phục tài năng và óc tổ chức tuyệt vời của người cầm đầu Hassan Nasrallah. Nhìn một nữ thạc sĩ tóc vàng cổ đeo thánh giá mà cũng phải xao lòng trước Nasrallah, tôi lập tức tin ngay những gì mình từng nghe nói về con người này là sự thật.
Năm 2006, cả thế giới Ả Rập phát cuồng lên vì sướng khi tổ chức Hezbollah đánh bật Israel khỏi Li-băng, trả thù cho sự ấm ức và sỉ nhục mà quân đội của bao quốc gia Hồi giáo hợp vào cũng không làm được. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Shia được tất cả các sắc dân Hồi giáo hò reo xưng tụng, được coi như Che Guevara của Ả Rập, như linh thiêng giáng thế, cộng với sự duyên dáng và hài hước bẩm sinh, bao nhiêu cô gái đã trào nước mắt nguyện sẽ yêu vị trung niên râu ria rậm rịt này đến cuối đời.
Tất nhiên, phiên bản của Nasrallah ở phương Tây thì chẳng khác gì một cơn ác mộng. Hezbollah ở Li-băng thậm chí được chính thức coi là một tổ chức khủng bố do Iran bảo trợ với mục đích triệt tiêu hoàn toàn nhà nước Israel và chủ nghĩa bành trướng phương Tây. Tổ chức Hezbollah không những thiện chiến, quy củ, dựa vào chiến tranh nhân dân, mà còn mạnh hơn cả quân đội chính quy của Li-băng. Từ một nhóm du kích bạo động, Hezbollah trở thành niềm hy vọng cho một Ả Rập khao khát tìm lại những tháng ngày huy hoàng.
Đùng một cái, Nasrallah tuyên bố sẽ đưa quân Hezbollah tham chiến ở Syria.
Tôi nhớ Baraa đã khóc sướt mướt trên facebook như thế nào khi thần tượng của mình sụp đổ. Là một tín đồ Sunni nhưng anh vẫn tôn thờ một Shia Nasrallah vì ông không ngần ngại đưa cậu con trai 18 tuổi của mình ra trận chiến. Khi Hadi chết, Nasrallah thậm chí từ chối thỏa thuận với phía Israel để chuộc lại xác con mình. Bạn tôi đã ngỡ rằng Nasrallah là biểu trưng của khối đại đoàn kết Hồi giáo chống lại kẻ thù chung Israel cho đến khi ông ta hiện nguyên hình không hơn gì những thầy tu tôn giáo đói khát cường quyền và bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột Shia-Sunni. Gửi quân đến Syria để ủng hộ chính quyền nhà độc tài dòng Shia chống lại quân nổi dậy Sunni, Nasrallah đang đặt dấu chấm hết cho một niềm tự hào mong manh trong trái tim của rất nhiều người dân Ả Rập.
Ở Trung Đông, đất nước nào cũng tự cho mình là đặc biệt, là yếu tố sống còn của thế giới Hồi giáo, là nguyên nhân của âm mưu thâm độc này hay kế hoạch đen tối nọ, hay là cầu nối Á Âu, là con đường kết liên văn hóa. Bản thân mình, tôi dành vị trí này cho một quốc gia duy nhất: Li-băng. Lịch sử Li-băng là lịch sử của một mảnh đất nhỏ chưa bao giờ có chủ quyền lãnh thổ, từ sau thời đại Phoenician, người dân nơi đây lần lượt nằm dưới quyền cai trị của đế chế Babylon, đế chế Ba Tư, đế chế Hy Lạp, đế chế La Mã, rồi người Ả Rập tràn lên thống trị, rơi vào tay Hồi giáo Thổ Ottoman, thành thuộc địa của Pháp, và suốt từ khi độc lập vào năm 1943 cho đến nay chỉ có chưa đến 20 năm hòa bình với sự can thiệp của đủ hạng quyền lực: Syria, Israel, Palestine, Iran. Người Li-băng sống chung với lũ, quen với lũ đến mức đôi khi không còn xem lũ là kẻ thù nữa mà như những cơn sóng lớn đến rồi đi. Kẻ thù nào khi đến cũng được tung hoa chào đón vì được coi là bạn. Người bạn nào cũng hứa chỉ ở lại đến khi trong ngoài ổn định rồi sẽ đi. Lời hứa nào cũng bị bội ước. Lời bội ước nào cũng biến bạn thành thù. Kẻ thù nào kết cục cũng phải rút lui trong ê chề tủi nhục. Trận rút lui nào cũng lại được tiếp nối bằng một người bạn mới và một lời hứa mới…
Li-băng không những là chiến trường cho các cuộc chinh phạt lớn mà còn là nơi duy nhất còn sót lại để chúng ta có thể nhìn thấy Trung Đông đã bị Ả Rập hóa như thế nào suốt gần 1.400 năm qua, từ khi đa số dân là Thiên Chúa cho đến khi cộng đồng này trở thành thiểu số và ngày càng mỏng manh dần đi với hàng chục ngàn tín đồ rời bỏ vùng đất hằng là cái nôi của tôn giáo để dạt sang các quốc gia châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, người Thiên Chúa ở Li-băng chỉ còn 40%, giảm một nửa so với năm 1926 (81%). Trong năm qua, hầu hết những người bạn Thiên Chúa của tôi đã rời quê hương, nhập vào hàng ngũ 14 triệu người Li-băng tình nguyện lưu đày viễn xứ. Mario đã mua nhà ở Bỉ, Gus đã dứt mảnh đất của gia đình. Những kẻ ở lại cùng với non 4 triệu dân của 17 nhánh tôn giáo khác nhau tiếp tục cuộc nắm tay trong một trò chơi không rõ trắng đen, một trò chơi mà ai cũng có thể là bạn và ai cũng có thể là thù.
Vì thế, thật dễ hiểu vì sao người Li-băng né tránh cả quá khứ lẫn tương lai. Với họ, hiện tại là thời kỳ vàng son. Hiện tại là nơi để rượu tràn ly, nhạc ù tai, đồ ngon ngập bàn ăn và lăn trên đường tới những party trong những chiếc xe đắt tiền. Nghìn vàng đổi một trận cười. Có lẽ chẳng ai giỏi làm điều đó hơn người Li-băng.
—-
Năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã thực hiện một hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về Hồi giáo. Loạt bài của chị về Trung Đông được khởi đăng trên Tia Sáng từ tháng 11 và khép lại ở bài này. Độc giả có thể trao đổi với tác giả tại:
www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai
----
1 Nhà thơ tài năng của Li-băng (1883-1931), người có số lượng tác phẩm thơ xuất bản đứng thứ ba trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử.
Mario
Mario là người Thiên Chúa giáo dòng Maronite. Anh sống cùng mẹ trong một căn hộ trang hoàng kiểu Paris, thậm chí theo như bạn bè anh nhận xét, thì còn đậm chất Paris hơn cả một ngôi nhà ở Paris. Li-băng trải qua vài chục năm thuộc địa Pháp, khi rút đi để lại một nền văn hóa đậm đặc ngấm sâu vào máu thịt của cộng đồng Thiên Chúa giáo. Trong bữa ăn ở nhà Mario, tôi khổ sở chuyển từ cách nhúm thức ăn bằng tay của người Ả rập và vắt óc lục lại những kiến thức về cách xử sự trên bàn tiệc theo phong cách châu Âu cổ điển, từ cách dùng dao, nếm rượu, đến cách để khuỷu tay. Cái kiểu sống Pháp hơn cả Pháp xịn thế này, hay nói theo kiểu văn vẻ là “sùng tín hơn cả Đức Giáo Hoàng” thế này, chắc chắn là để cố tình nhấn mạnh rằng...
“…Rằng tôi không phải là người Hồi giáo!” – Mario trả lời thẳng thắn – “Tôi thậm chí không muốn nói tiếng Ả Rập, bởi đó là ngôn ngữ của kẻ thua cuộc. Những người Hồi ở Li-băng chỉ có mỗi một việc là sinh sôi nảy nở. Hơn chục năm trước dân số hai phe còn bằng nhau, giờ thì đến 70% quốc gia là người Hồi. Họ muốn nuốt chửng chúng tôi thì có!”
Nhưng Mario thực ra đã hơi tụt hậu. Rất nhiều người Thiên Chúa Maronite ở Li-băng bây giờ đã thấy xấu hổ, không còn muốn đánh đồng danh tính với một nước từng là chủ thuộc địa của mình nữa. Họ cất công lộn ngược lại quá khứ, tìm về một nguồn gốc xịn hơn và trăm lần huy hoàng hơn: Nền văn minh Phoenicia.
Thế là tôi lóc cóc bắt xe đi Byblos.
Tôi yêu Byblos từ cái nhìn đầu tiên. Trái tim tôi tan chảy khi khe khẽ bước chân lên những lối đi nhỏ phủ bóng cây mát rượi, rụt rè ghé nhìn vào những quầy hàng bé xíu thập thò sau vòm cổng đá. Sự dịu dàng, mong manh đến dễ vỡ của Byblos khiến tôi có cảm giác như thể mình vừa mở ra chiếc hộp thần kỳ đã bị rêu phong ngàn năm lãng quên trong góc khu rừng cổ. Và khi nắp hộp được nhấc lên, không phải kim cương châu báu, mà là một thiên thần có cánh bé xíu chấp chới bay ra. Dựa lưng vào bức tường chăng mắc đầy hoa dại, bất kể một tâm hồn dù khô khan đến mấy cũng phải mềm ra, bất kể một trí óc thực tế đến mấy cũng phải băn khoăn: điều gì khiến Byblos giữ mãi được vẻ ngây thơ, điều gì khiến cho thiên thần có cánh chẳng bao giờ già, dù gần mười ngàn năm đã trôi qua và bao điều lớn lao hơn đã nhiều lần vỡ vụn?
Thật khó có thể tưởng tượng được thị trấn nhỏ xíu như một ngôi làng trong mơ này đã liên tục xôn xao tiếng người tiếng chợ suốt cả chục ngàn năm qua, chưa một lần bị ngắt quãng, chưa một lần bị tan thành tro bụi. Những thương nhân của nền văn hóa Phoenicia không những thống trị các dòng hải lý lớn trong nghề buôn bán hàng hải mà còn hiến tặng cho thế giới bộ chữ cái đầu tiên của loài người. Từ bộ chữ nguyên thủy này, hầu hết ngôn ngữ hiện đại của chúng ta vay mượn và biến tấu để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, từ người Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái, Latin, cho đến người Việt chúng ta và những dòng chữ bạn đang đọc ngay lúc này đây. Tiếng tăm của nền văn minh Phoenicia và Byblos với ngôi vị của “thành phố lâu đời nhất còn tồn tại” khiến những người Thiên Chúa giáo ở Li-băng dần dần cảm thấy một niềm tự hào không thể cưỡng nổi, một nỗi khao khát muốn được đứng cùng một thuyền và mang cùng một cái tên. Và thế là mặc dù tổ tiên vốn là dân Syria vì chạy trốn cường quyền mà dạt đến đây, nhưng để khẳng định sự khác biệt của mình với số dân Hồi giáo Ả Rập tràn lên sống ở vùng này mới chỉ được hơn ngàn năm, cộng đồng Thiên Chúa dòng Maronite ở Li-băng vẫn ngấm ngầm quyết định gắn cho mình một danh tính mới với lịch sử hẳn mười ngàn năm: Họ chính là con cháu người Phoenicia.
Gus
Gus là người Thiên Chúa giáo dòng Hy Lạp Othodox. Khi gặp tôi, anh đang lèn chặt đồ đạc vào hai chiếc vali to tướng: “Biến thôi!” – Gus kết luận – “Li-băng bé như cái kẹo, gió đụng chiều nào là đổ chiều ấy. Trung Đông đang loạn, tốt nhất là chuồn.”
Li-băng có hơn 4 triệu dân nhưng có lẽ đây là quốc gia duy nhất có số người sống ở nước ngoài nhiều hơn trong lãnh thổ. Mười bốn triệu dân Li-băng trú ngụ rải rác khắp năm châu. Họ nổi tiếng là những nhà kinh doanh thành đạt. Các hiệu ăn Li-băng hễ mở là đông khách, không đơn giản chỉ là do các món ăn của Li-băng ngon hơn hẳn và phong phú hơn hẳn các nước khác ở Trung Đông. Người Li-băng, có lẽ do lịch sử luôn khiến họ phải sống chung với kẻ thù, rất khéo léo trong xã giao, chẳng bao giờ làm mất lòng khách.
Đất nước mà Gus chuẩn bị dọn đến là Saudi. Hỏi anh sẽ làm công việc gì, Gus nhìn tôi dò xét một hồi rồi thì thào: “Buôn bán vũ khí.”
Anh ta khoe rằng mình và vợ thậm chí không cần visa cũng vào được Saudi. Bà xã Gus là tư vấn thiết kế riêng cho một cô công chúa trong gia đình hoàng tộc khổng lồ gần 7.000 vương tôn công tử của vương quốc dầu mỏ. Tháng trước, cô công chúa này có việc gấp nên gọi cho vợ Gus. Chỉ một cú điện thoại và thế là “Hấp!”, vợ Gus đã vù đi Mecca. Trong khi tôi suốt hai năm qua cả bộ hồ sơ mấy chục trang nộp vào sứ quán Saudi vẫn biệt vô âm tín.
Cộng đồng người Thiên Chúa Orthodox chỉ khoảng 8% dân số Li-băng nhưng phần lớn đều thuộc tầng lớp trung lưu với một danh sách dài các thương nhân thành đạt. Họ đóng góp nhiệt thành vào việc làm nên một điều kỳ diệu chỉ có ở Li-băng. Tuy tan tác và tơi tả bởi bao cuộc chiến tranh nhưng quốc gia bé nhỏ này vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa và nghệ thuật lớn của Trung Đông với nền báo chí được coi là cởi mở nhất trong khu vực. Những người như Gus là động cơ của cỗ máy Li-băng. Họ không tốn nhiều thời gian than trách, thậm chí không nhất thiết phải lựa chọn đúng sai. Điều quan trọng nhất là đứng dậy và tiếp tục bò lên phía trước. Như bây giờ đây, Gus đóng sập cái vali rồi gãi đầu kết luận: “Thật ra thì cũng áy náy lắm. Tôi không cho phép con trai mình chơi súng nhựa và nhận các món đồ chơi kiểu vũ khí, thế mà bây giờ lại dính vào cái công việc này. Nhưng mà tiền thì vẫn cứ là tiền thôi.”
Baraa
Baraa là người Hồi giáo dòng Sunni. Anh đang học năm cuối tại ĐH America. Tôi chưa từng thấy khuôn viên một trường đại học nào đẹp và nên thơ như ngôi trường thuộc loại danh giá nhất và lâu đời nhất Trung Đông này. ĐH America được tạo dựng bởi những nhà truyền giáo Thiên Chúa gần 150 năm trước. Như một Đà Lạt thu nhỏ, ĐH America trải dài những khuôn viên và giảng đường cổ kính trên ngọn đồi nhìn ra Địa Trung Hải xanh mướt. Cách đây không bao lâu, nơi đây cung cấp cho Liên Hợp Quốc nhiều tài năng hơn cả ĐH Harvard của Mỹ. Chen chân với hàng ngàn sinh viên tỏa ra khắp những con đường đồi phủ bóng cây rợp trời, cả ngày lẫn đêm, nhưng những người chủ thực sự nơi đây lại là những… con mèo.
“Có đến hàng trăm con ấy” – Baraa khổ sở giấu giếm lôi từ trong túi ra miếng bánh mỳ ăn trưa – “Mai mà không cẩn thận chúng nó nhảy lên giật miếng ăn của cậu còn tài hơn cả lũ khỉ nữa.”
Một mắt coi chừng lũ mèo, một mắt lướt trên điện thoại, Baraa cố hết sức để tìm thông tin nhằm giải thích thật ngắn gọn cho tôi về sự việc một thủ lĩnh Hồi giáo Sunni mới bị giết tại Akka. Tôi rất muốn Baraa ngừng tay, bởi tôi đã biết câu trả lời. Ở Trung Đông, nếu có một câu hỏi về nguyên nhân của những cuộc chiến, chắc chắn hơn một nửa lời giải đáp nằm ở mối xung đột gần 1.400 năm giữa Sunni và Shia. Hai cộng đồng Hồi giáo này chiếm tới 60% dân số Li-băng và dễ dàng hắt hơi xổ mũi theo diễn biến thời tiết ở bên ngoài lãnh thổ. Như bây giờ đây, nội chiến ở Syria đang diễn ra giữa quân của chính phủ theo dòng Shia và quân nổi dậy theo dòng Sunni. Thế là lập tức hai cộng đồng Shia-Sunni ở Li-băng cũng nhảy vào biến đất nước mình trở thành một chiến trường thứ hai. Ngày hôm qua, một thủ lĩnh Sunni của Li-băng bị quân Shia giết nhưng trong đám tang, quan tài của ông lại phấp phới lá cờ… Syria của quân nổi dậy Sunni bên nước láng giềng. Chỉ cần nhìn vào cái đám tang này thôi, một kẻ chẳng đến nỗi quá ngơ ngác như tôi cũng trở nên hoang mang: Rốt cuộc đây có còn là đất nước của họ không khi giữa Li-băng và Sunni, họ đã chọn vế thứ hai, khi niềm tin vào sự chia cắt tôn giáo còn mạnh hơn cả lòng trung thành với quê hương đất mẹ?
Amin
Vừa nhìn thấy tôi Amin đã phá lên cười.
Những tháng ngày ở Trung Đông đã dạy tôi một bài học đơn giản mà hữu dụng. Ấy là phải quẳng hết cái mớ kiến thức về văn hóa tập tục ở chỗ này chỗ nọ chỗ kia ra vỉa hè. Cuộc sống ở Trung Đông vô vàn sắc thái khác nhau cộng với cấu hình xã hội đậm tính bộ lạc khiến điều vốn được coi là lịch sự ở chỗ này chỉ mấy chục kilomet xa hơn đã trở thành một hành động thiếu văn minh. Thế nên tôi tự chế cho mình một lý thuyết giao tiếp đơn giản hơn gọi là “phương pháp cái gương”. Tức là thấy người bản xứ làm gì thì làm y như thế. Khi thấy Amin cười thì tôi cũng toét miệng cười xòe một cái. Cười “giao hàng” xong, tôi hỏi: “Thế cậu cười cái quái gì thế?” Amin chỉ vào cái quần đũng rộng thùng thình của tôi và đắc chí: “Nhìn cậu giống hệt... ông bô nhà tớ”.
Tôi đoán ngay Amin là người Druze. Đàn ông Druze giờ không mấy ai còn mặc kiểu quần truyền thống hạ đũng rộng như cái lưới bắt cá rồi túm lại ở bắp chân như thế này nữa, chỉ có mấy ông già trong làng may ra. Tôi liền hỏi liệu Amin có thể đưa tôi về thăm gia đình được không. Cậu nhăn trán hỏi lại: “Gia đình ở đâu? Nhà bố mẹ tớ ở Li-băng, đi trong ngày được; nhà bác tớ thì ở Israel; còn cả họ hàng thì ở Syria cơ.”
Tôi luôn tò mò về người Druze. Họ cùng với Alawite là những tín ngưỡng bí mật nhất của Hồi giáo cổ điển, tách ra từ gốc của Hồi giáo Shia khoảng hơn một ngàn năm trước. Sau khi Pháp và Anh đánh thắng đế chế Hồi giáo Ottoman rồi vẽ biên giới chia vùng này lại thành năm đất nước riêng biệt để cai trị, chừng hơn một triệu tín đồ Druze bỗng dưng thấy họ hàng bộ tộc của mình bị chia cắt thành ba mảnh rải rác ở khắp ba quốc gia. Tệ hơn, ba quốc gia này lại liên tục đánh nhau kịch liệt, không chỉ trong vùng tam giác ba bên mà còn với vô số các nước khác. Trong cơn binh đao, người Druze dần dần phát triển kiểu sống có một không hai, chia trái tim mình thành hai ngăn. Tức là sống ở đâu thờ vương ở đó, nhưng họ cũng tuyệt đối trung thành với người cùng tín ngưỡng, nếu bắt buộc phải đối đầu nhau trên chiến trường thì cố… né. Ở hai bên đường biên giới, người Druze cùng một dòng họ có thể mặc áo lính cho Li-băng, và chĩa súng vào người Druze mặc áo lính của Israel cũng đang lăm lăm lựu đạn.
Không ai có thể phủ nhận sự gan dạ và tinh thần mãnh hổ của những chiến binh người Druze. Sự trung thành tuyệt đối của họ với chính quyền, sự dạn dày trận mạc nhưng lại có phong cách sống không quá phát cuồng vì quyền lực khiến người Druze tuy không đông về mặt dân số nhưng luôn là một nét kỳ bí, vừa đáng trọng vừa đáng gờm trong mắt cộng đồng Hồi giáo chính thống Sunni và Shia. Hẳn nhiên, họ cho rằng người Druze không phải tín đồ Hồi giáo chân chính mà là một sự lai căng pha trộn của các tôn giáo “tạp nham”, nhất là việc cho rằng Thượng Đế có thể đầu thai vào người thường thì Druze như vậy có khác gì Thiên Chúa giáo với triết lý Jesus là hiện thân của Đấng Tối Cao? Nhưng chính niềm tin mãnh liệt vào đầu thai và hóa thân là một phần lý do tại sao người Druze có trái tim thép không mảy may run sợ trước cái chết. Dân Li-băng thường kể lại câu chuyện về một thương nhân Druze bị bắt cóc và đứng úp mặt vào tường. Đằng sau anh, kẻ tống tiền chậm rãi rút súng, lên đạn… nhưng không bóp cò, vì chính hắn mới là người phải ngã quỵ trong cuộc đọ dây thần kinh không cân sức. Khi được hỏi tại sao có thể bình thản được như vậy, thương nhân trả lời: “Thú thực, lúc đó tôi chỉ bận tưởng tượng ra cảnh bà mẹ trong cuộc đời tiếp theo của mình trông sẽ ra sao!”
Vậy là bữa trưa hôm ấy của chúng tôi ngoài hơn chục con mèo trấn giữ vòng ngoài, chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi hể hả chia sẻ với nhau rằng cuộc túm tụm ăn chung này hội tụ đại diện của những nhánh tôn giáo lớn ở Li-băng. Họ từng đánh giết nhau, rồi dù ghét nhau chết thôi vẫn luôn phải cố gắng giữ hòa khí với nhau. Tại sao?
“Vì cái lũ mèo hóa cọp này này!” – Baraa cười ngất – “Nếu mà không cố sống chung với nhau thì sẽ bị nó xơi tái ngay. Li-băng nằm cạnh ba nước lớn, Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đầu, Syria lúc nào cũng o ép ở sườn phải, sườn trái chạm biển, còn đằng sau lưng là Israel viện đủ cớ nhăm nhăm nhảy vào. Khắp Beirut thánh đường Hồi giáo và Nhà thờ Thiên Chúa san sát cạnh nhau, nhưng cậu biết không, sóng ngầm khủng khiếp lắm. Cộng thêm mấy cái nước lớn ghét nhau ở xung quanh, Li-băng như cái quả bom nổ chậm ấy. Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Trúng phóc! Cái mớ bòng bong ở Li-băng khiến bất kể ai có ham muốn được hít thở bình thường đều phải có một cái công tắc trong đầu để có thể tắt phụt đi trước khi bộ óc của chính mình phải xì khói vì quá tải. Đi giữa thủ đô Beirut, thật khó nhận biết ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thống của quốc gia. Người Thiên Chúa nói tiếng Pháp, người Hồi nửa nói tiếng Anh nửa còn lại thậm chí tiếng Ả Rập cũng bập bõm. Trong một nỗ lực cuối cùng để tránh nội chiến, hệ thống chính trị quốc gia chia chác theo thành phần tôn giáo: Tổng thống nhất định phải là người Thiên Chúa dòng Maronite, người Hồi dòng Sunni xí phần Thủ tướng, Phó Thủ Tướng không thể ai khác ngoài người Thiên Chúa dòng Hy Lạp Othodox, người phát ngôn của chính phủ chỉ có thể là người Hồi dòng Shia, và cuối cùng quân đội phải nằm trong tay người Hồi dòng Druze.
“Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpetings, and farewells him with hootings,only to welcome another with trumpetings again.Pity the nation whose sages are dumb with years and whose strong men are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments, each fragment deeming itself a nation.
[Tôi thương đất nước tôi, đầy tín ngưỡng mà chẳng có niềm tin,
Chào đón cả kẻ thù, chán chê mải mê, chỉ để rồi lại tung hô một bầy xâm lấn khác.
Vị cứu tinh vẫn còn trong nôi, mà những kẻ cầm đầu thì rặt một bầy phụ bạc,
Đất nước tả tơi, mỗi mảnh vụn hả hê tự xưng vương ở một góc trời.
- Khalil Gibran1]
Tôi đặt cuốn “The Prophet” [Nhà tiên tri] của Khalil Gibran xuống và ngoảnh sang bên giường của Francesca. Cô phóng viên tự do người Ý ngụp lặn trong đống sách cao chất ngất, đánh vật với cái báo cáo phân tích 30.000 chữ về tổ chức Hezbollah. Vừa gõ máy tích choách choách, cô vừa suýt xoa thán phục tài năng và óc tổ chức tuyệt vời của người cầm đầu Hassan Nasrallah. Nhìn một nữ thạc sĩ tóc vàng cổ đeo thánh giá mà cũng phải xao lòng trước Nasrallah, tôi lập tức tin ngay những gì mình từng nghe nói về con người này là sự thật.
Năm 2006, cả thế giới Ả Rập phát cuồng lên vì sướng khi tổ chức Hezbollah đánh bật Israel khỏi Li-băng, trả thù cho sự ấm ức và sỉ nhục mà quân đội của bao quốc gia Hồi giáo hợp vào cũng không làm được. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Shia được tất cả các sắc dân Hồi giáo hò reo xưng tụng, được coi như Che Guevara của Ả Rập, như linh thiêng giáng thế, cộng với sự duyên dáng và hài hước bẩm sinh, bao nhiêu cô gái đã trào nước mắt nguyện sẽ yêu vị trung niên râu ria rậm rịt này đến cuối đời.
Tất nhiên, phiên bản của Nasrallah ở phương Tây thì chẳng khác gì một cơn ác mộng. Hezbollah ở Li-băng thậm chí được chính thức coi là một tổ chức khủng bố do Iran bảo trợ với mục đích triệt tiêu hoàn toàn nhà nước Israel và chủ nghĩa bành trướng phương Tây. Tổ chức Hezbollah không những thiện chiến, quy củ, dựa vào chiến tranh nhân dân, mà còn mạnh hơn cả quân đội chính quy của Li-băng. Từ một nhóm du kích bạo động, Hezbollah trở thành niềm hy vọng cho một Ả Rập khao khát tìm lại những tháng ngày huy hoàng.
Đùng một cái, Nasrallah tuyên bố sẽ đưa quân Hezbollah tham chiến ở Syria.
Tôi nhớ Baraa đã khóc sướt mướt trên facebook như thế nào khi thần tượng của mình sụp đổ. Là một tín đồ Sunni nhưng anh vẫn tôn thờ một Shia Nasrallah vì ông không ngần ngại đưa cậu con trai 18 tuổi của mình ra trận chiến. Khi Hadi chết, Nasrallah thậm chí từ chối thỏa thuận với phía Israel để chuộc lại xác con mình. Bạn tôi đã ngỡ rằng Nasrallah là biểu trưng của khối đại đoàn kết Hồi giáo chống lại kẻ thù chung Israel cho đến khi ông ta hiện nguyên hình không hơn gì những thầy tu tôn giáo đói khát cường quyền và bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột Shia-Sunni. Gửi quân đến Syria để ủng hộ chính quyền nhà độc tài dòng Shia chống lại quân nổi dậy Sunni, Nasrallah đang đặt dấu chấm hết cho một niềm tự hào mong manh trong trái tim của rất nhiều người dân Ả Rập.
Ở Trung Đông, đất nước nào cũng tự cho mình là đặc biệt, là yếu tố sống còn của thế giới Hồi giáo, là nguyên nhân của âm mưu thâm độc này hay kế hoạch đen tối nọ, hay là cầu nối Á Âu, là con đường kết liên văn hóa. Bản thân mình, tôi dành vị trí này cho một quốc gia duy nhất: Li-băng. Lịch sử Li-băng là lịch sử của một mảnh đất nhỏ chưa bao giờ có chủ quyền lãnh thổ, từ sau thời đại Phoenician, người dân nơi đây lần lượt nằm dưới quyền cai trị của đế chế Babylon, đế chế Ba Tư, đế chế Hy Lạp, đế chế La Mã, rồi người Ả Rập tràn lên thống trị, rơi vào tay Hồi giáo Thổ Ottoman, thành thuộc địa của Pháp, và suốt từ khi độc lập vào năm 1943 cho đến nay chỉ có chưa đến 20 năm hòa bình với sự can thiệp của đủ hạng quyền lực: Syria, Israel, Palestine, Iran. Người Li-băng sống chung với lũ, quen với lũ đến mức đôi khi không còn xem lũ là kẻ thù nữa mà như những cơn sóng lớn đến rồi đi. Kẻ thù nào khi đến cũng được tung hoa chào đón vì được coi là bạn. Người bạn nào cũng hứa chỉ ở lại đến khi trong ngoài ổn định rồi sẽ đi. Lời hứa nào cũng bị bội ước. Lời bội ước nào cũng biến bạn thành thù. Kẻ thù nào kết cục cũng phải rút lui trong ê chề tủi nhục. Trận rút lui nào cũng lại được tiếp nối bằng một người bạn mới và một lời hứa mới…
Li-băng không những là chiến trường cho các cuộc chinh phạt lớn mà còn là nơi duy nhất còn sót lại để chúng ta có thể nhìn thấy Trung Đông đã bị Ả Rập hóa như thế nào suốt gần 1.400 năm qua, từ khi đa số dân là Thiên Chúa cho đến khi cộng đồng này trở thành thiểu số và ngày càng mỏng manh dần đi với hàng chục ngàn tín đồ rời bỏ vùng đất hằng là cái nôi của tôn giáo để dạt sang các quốc gia châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, người Thiên Chúa ở Li-băng chỉ còn 40%, giảm một nửa so với năm 1926 (81%). Trong năm qua, hầu hết những người bạn Thiên Chúa của tôi đã rời quê hương, nhập vào hàng ngũ 14 triệu người Li-băng tình nguyện lưu đày viễn xứ. Mario đã mua nhà ở Bỉ, Gus đã dứt mảnh đất của gia đình. Những kẻ ở lại cùng với non 4 triệu dân của 17 nhánh tôn giáo khác nhau tiếp tục cuộc nắm tay trong một trò chơi không rõ trắng đen, một trò chơi mà ai cũng có thể là bạn và ai cũng có thể là thù.
Vì thế, thật dễ hiểu vì sao người Li-băng né tránh cả quá khứ lẫn tương lai. Với họ, hiện tại là thời kỳ vàng son. Hiện tại là nơi để rượu tràn ly, nhạc ù tai, đồ ngon ngập bàn ăn và lăn trên đường tới những party trong những chiếc xe đắt tiền. Nghìn vàng đổi một trận cười. Có lẽ chẳng ai giỏi làm điều đó hơn người Li-băng.
—-
Năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã thực hiện một hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về Hồi giáo. Loạt bài của chị về Trung Đông được khởi đăng trên Tia Sáng từ tháng 11 và khép lại ở bài này. Độc giả có thể trao đổi với tác giả tại:
www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai
----
1 Nhà thơ tài năng của Li-băng (1883-1931), người có số lượng tác phẩm thơ xuất bản đứng thứ ba trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử.
Đọc thêm:
No comments:
Post a Comment