Monday, January 26, 2015

Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội

Thứ Sáu, 23/01/2015 - 09:01

Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội

Dân trí -Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết Việt Nam đã làm được nhiều để hội nhập, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã sánh ngang với các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với họ

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động, hơn 60% - 80% doanh nghiệp chưa hiểu gì, quan tâm gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nếu có cũng chỉ quan tâm đến trụ cột 1 - thị trường sản xuất chung của 10 nước ASEAN dự kiến thành lập năm 2015.

Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội
Dự kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào năm 2015 theo như cam kết của lãnh đạo 10 nước ASEAN

Đây là những ý kiến của cơ quan chức năng, chuyên gia kinh tế và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại buổi Tọa đàm “Hóa giải thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Cộng đồng AEC)" do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày hôm qua 22/1.

Theo Thứ trưởng Tú, Việt Nam đi từ con số không nên việc đòi hỏi các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài là rất khó. Họ cần các bệ đỡ để đủ sức chịu đựng, trong đó có việc cải thiện nhanh hệ thống chính sách, hỗ trợ hội nhập. Các doanh nghiệp và giới doanh nhân các nước ASEAN – 6 gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunay có nhiều năm được sống và “hít thở” trong nền kinh tế thị trường, còn các doanh nghiệp, giới doanh nhân của Việt Nam mới đi lên từ mấy năm trở lại đây, câu chuyện cạnh tranh có lẽ chỉ các doanh nghiệp lớn mới đủ sức.

PGS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có nhiều công trình nghiên cứu về AEC cho biết, dự kiến cuối năm 2015 AEC sẽ được thành lập và hàng loạt chính sách sẽ được thực hiện, theo tìm hiểu thì các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến 1 trong 4 trụ cột là hình thành khu vực sản xuất và thị trường chung ASEAN, trong đó có việc bãi bỏ thuế quan chung giữa các nước với nhau, còn 3 trụ cột còn lại là: hướng đến khu vực kinh tế cạnh tranh, hỗ trợ phát triển đồng đều và hội nhập kinh tế quốc tế hiện chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

PGS Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 4 nước được hưởng các ưu đãi về lộ trình cắt giảm thuế quan cũng như mở cửa thị trường so với 6 nước phát triển hơn. Ở các nước Thái Lan, Malaysia, hay Indonesia họ thực hiện cắt giảm thuế quan nhiều mặt hàng và mở cửa thị trường từ năm 2010. Chúng ta đã thực hiện bỏ thuế quan nhiều mặt hàng từ mấy năm nay còn một số mặt hàng nhạy cảm, nhạy cảm cao vẫn được bảo hộ. Thời gian gia hạn của Việt Nam đã hết và chúng ta sẽ bắt buộc phải hội nhập từ cuối năm nay đến năm 2018.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Vĩnh Sơn, chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội thừa nhận. “Theo tôi được biết có đến 80% các doanh nghiệp thờ ơ, bàng quan với AEC. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không quan tâm và không biết gì về các cơ hội và thách thức của AEC mang lại. Đa số các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chưa được trang bị các vũ khí cả về nhận thức lẫn phương pháp quản trị để đón đợi cơ hội và đối phó với thách thức của AEC mang lại”.

Các chuyên gia đồng tình Nhà nước và các bộ ngành trong những năm qua đã rất tích cực làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn về hội nhập trong Cộng đồng AEC. Tuy nhiên, so với các thông tin hướng dẫn về hội nhập trong AEC so với hội nhập vào WTO năm 2006 thì rõ ràng yếu hơn và chưa được phủ rộng rãi đến doanh nghiệp và người dân.

PGS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “AEC khác với WTO ở chỗ là chúng ta không chỉ mở cửa về thị trường thương mại - đầu tư, thuế - hải quan, mà chúng ta còn cam kết cải cách khu vực hành chính, bộ máy quản lý, tự do di chuyển các yếu tố cho sản xuất như: lao động kỹ năng, các chính sách hỗ trợ phát triển, hội nhập chung về cơ sở hạ tầng, điện, năng lượng của các nước ASEAN. Với bộ máy cồng kềnh, kỹ năng quản trị kém Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập cũng như khai thác hiệu quả thị trường hơn 600 triệu dân của 10 nước ASEAN, nơi quy mô các nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng và tiêu dùng cao”.

Theo PGS Sơn, cạnh tranh trong AEC sẽ rộng hơn, không chỉ trong nước mà cả ở 10 nước ASEAN. Đối thủ cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội khối mà còn đến từ các nền kinh tế lớn như Nhật, Trung QUốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc, ông Sơn nhấn mạnh: “ASEAN hiện ký nhiều hiệp định khu vực tự do FTA+ với nhiều đối tác ngoài khu vực nên hàng hóa từ các nước lớn vào Việt Nam cũng được những ưu đãi tương tự như hàng của các nước ASEAN. Tôi có hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cao su Đà Nẵng, họ nói khi AEC mở cửa, đối thủ họ ngại nhất là các công ty săm lốp Ấn Độ, những doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong nền kinh tế thị trường, với công nghệ cao hơn, được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chơi này”.

Trả lời về câu hỏi ngành nào sẽ chịu thua thiệt nhất khi AEC được thành lập, PGS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, ngành sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ thường dễ nhận thấy nhất bởi các mặt hàng này bao giờ cũng đi đầu trong xâm nhập thị trường. Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ hàng sản xuất tiêu dùng của Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Việc các nhà bán lẻ Thái Lan, Indonesia gần đây thâu tóm nhiều kênh bán lẻ, hãng sản xuất tiêu dùng là minh chứng cho việc xâm nhập thị trường rất bài bản và có chiến lược.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định, nếu nói về hành sản xuất tiêu dùng chúng ta cũng không quá bi quan. “Theo tôi, 10 năm trước đây hàng tiêu dùng đồ nhựa của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, hiện nay chúng ta không thấy điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cạnh tranh khá sòng phẳng với họ về cả giá cả lẫn chất lượng. Nếu về khả năng cạnh tranh, một số sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam trong đó có sữa Vinamilk không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa còn có sức cạnh tranh vượt ra tầm Đông Nam Á, hướng tới tầm Châu Á. Vì vậy, dù có khó khăn, thách thức, dù có nhiều thông tin bi quan nhưng cũng có rất nhiều thông tin tích cực và nhiều cơ hội phía trước khi nền kinh tế mở cửa”.

Nguyễn Tuyền


Thứ sáu, 09-01-2015 | 10:17:17 GMT+7

Năm 2015 sẽ mở ra một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đối với Việt Nam liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có sự kiện hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2014, khu vực ASEAN có 8 nước đầu tư FDI tại Việt Nam bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào và Campuchia với 2.507 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 53 tỷ USD (chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước).

Trong đó, Singapore đứng đầu khu vực ASEAN về đầu tư vào Việt Nam với 1.353 dự án và 32,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 53% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam).

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của Singapore tại Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Malaysia đứng thứ hai với 484 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 19% tổng số dự án và 22% tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam). Thái Lan đứng thứ ba với 371 dự án và 6,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư (chiếm 14% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam).

Các nước còn lại như Brunei, Indonesia, Philipines, Lào, Campuchia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Việt nam tương đối “khiêm tốn” trong khối Asean.
Trước thềm AEC, đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam “tăng tốc” (1)

Tỷ trọng vốn FDI của các nhà đầu tư khu vực ASEAN tại Việt Nam

Hiện nay, các nhà đầu tư Asean đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 974 dự án và tổng vốn đầu tư là 21,7 tỷ USD (chiếm 40% tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam).

Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với  với 93 dự án và tổng vốn đầu tư là 16,5 tỷ USD (chiếm 30% tổng vốn đầu tư của khối Asean tại Việt Nam). Đứng thứ ba là ngành xây dựng với  với 169 dự án và tổng vốn đầu tư là 3,1 tỷ USD (chiếm 5,9% tổng vốn đầu tư của khối Asean tại Việt Nam).

Về địa phương, đến nay, các nhà đầu tư khối Asean đã có mặt tại 55/63 tỉnh thành trên cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ nhất về thu hút dự án của khối Asean với 1.076 dự án và 14,9 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 27% tổng vốn đăng ký của khối Asean tại Việt Nam). Đứng thứ hai là Hà Nội với 400 dự án và  8,5 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 15% tổng vốn đăng ký của khối Asean tại Việt Nam). Đứng thứ ba là Bà Rịa Vũng Tàu với 67 dự án và  6,1 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11% tổng vốn đăng ký của khối Asean tại Việt Nam).

Nhìn chung, đầu tư của khối Asean vào Việt Nam đã tăng đều qua các năm nhưng chủ yếu từ một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Năm 2015 sẽ mở ra một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đối với Việt Nam liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có sự kiện hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.

Trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam sẽ tham gia AEC thì việc quảng bá và xúc tiến đầu tư trong cộng đồng các nước Asean cần đẩy mạnh hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước này vững mạnh hơn.
Nguyệt Quế
Theo Infonet
Thứ ba, 20-01-2015 | 08:16:16 GMT+7

Năm 2014 thặng dư thương mại cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu với con số kỷ lục. Trong đó, riêng khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu của cả nước năm 2014. Theo đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước năm 2014 đạt 150,19 tỷ USD; tăng 13,7% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu trong năm vừa qua.

Trong đó, riêng tháng 12/2014, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 8,19 tỷ USD; giảm hơn 10% so với tháng trước. Kết quả đạt được trong tháng 12 đã nâng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khối FDI trong cả năm 2014 lên 93,99 tỷ USD; tăng 15,6% so với năm 2013 và chiếm 62,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Số liệu thống kê chi tiết cho thấy, trong năm 2014, khối doanh nghiệp FDI có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu chính đạt kim ngạch cao trên 1 tỷ USD bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,51 tỷ USD; chiếm gần 100% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại của cả nước.

Theo sau đó là các nhóm hàng: hàng dệt may đạt 12,44 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,31 tỷ USD; giày dép các loại đạt 7,92 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,56 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,13 tỷ USD; …

Những mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của khối FDI năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2014 đạt 148,048 tỷ USD; tăng 12,1% so với năm 2013. Trong đó, khối FDI nhập khẩu 84,19 tỷ USD; tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 56,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước.

Trong năm 2014, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chính của khối FDI là hàng nguyên nhiên liệu, phụ tùng … phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của khối FDI trong năm qua là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,02 tỷ USD.

Tiếp theo là các mặt hàng khác như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13,56 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,21 tỷ USD; vải các loại 5,77 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 3,4 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày đạt 3,19 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 3,17 tỷ USD; …

Các mặt hàng nhập khẩu chính của khối FDI năm 2014 đều là nguyên nhiên liệu, phụ tùng … phục vụ nhu cầu sản xuất. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)


Như vậy, năm 2014 thặng dư thương mại cả nước đạt hơn 2 tỷ USD; ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu với con số kỷ lục. Trong đó, riêng khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu 9,8 tỷ USD; đóng góp lớn vào cán cân thương mại của cả nước năm 2014.
Thảo Anh
Theo Trí thức trẻ

No comments:

Post a Comment