Thursday, January 22, 2015

Kinh nghiệm phát triển HTX của một số nước

ĐCSVN
16:16 | 21/01/2015
(ĐCSVN) - hợp tác xã (HTX) có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các nền nông nghiệp gia đình và sự phát triển của giới nông dân trong nền kinh tế thị trường. Việt Nam đang ra sức phát triển HTX kiểu mới, do đó việc tham khảo kinh nghiệm của các nước về vấn đề này là điều cần thiết.
HTX là một tổ chức kinh tế tự chủ mang bản chất xã hội, được thành lập vì mục tiêu đáp ứng các nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội của các thành viên, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, xã hội. HTX - với những nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết, với những giá trị đầy tính nhân văn như trung thực, cởi mở, trách nhiệm với xã hội và quan tâm đến mọi người, đến cộng đồng – phát triển rộng rãi trên khắp thế giới như là những tổ chức liên kết, tự trợ giúp của người dân nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn, trở ngại mà từng cá nhân riêng lẻ không thể thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Chính bởi những đặc điểm đó mà HTX đặc biệt phát triển trong những lĩnh vực mang tính cộng đồng hay đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể kinh tế, như nông nghiệp, tín dụng, tiêu dùng, bảo hiểm, nhà ở, y tế.v.v.
 
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Mục tiêu của HTX là tối đa hoá các dịch vụ cho xã viên, đem lại lợi ích cho xã viên và cho cộng đồng, không phải tối đa hoá lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Xuân Hiên (Liên minh HTX Việt Nam), những HTX đầu tiên trên thế giới được ra đời trong thời kỳ công nghiệp hoá nhằm giúp các thành viên giảm bớt những khó khăn, bất ổn trong đời sống, chống lại sự bóc lột của giới chủ tư bản, tình trạng lạm phát, thất nghiệp. Trải qua nhiều năm phát triển, phong trào HTX ngày càng lớn mạnh và trở thành những lực lượng xã hội thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội, đặc biệt nông dân, công nhân, những người lao động ngành nghề… Cùng với những sự thay đổi của môi trường kinh tế - chính trị - xã hội của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng, HTX cũng có những bước phát triển và trở thành đối trọng quan trọng trong việc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của các quá trình toàn cầu hoá, tư nhân hoá, đô thị hoá…, góp phần thúc đẩy dân chủ, đoàn kết xã hội, sự phát triển cân bằng và bền vững ở những nơi mà HTX tồn tại.
Càng ở những nước tư bản phát triển, HTX càng phát triển và trong nhiều lĩnh vực, các HTX đã và đang chiếm những vị trí hàng đầu. Ở Canada và Nauy cứ ba người dân thì có một người là xã viên HTX; Anh chiếm 20% dân số, Singapore chiếm 50% dân số, còn ở Mỹ, cứ 10 người có 4,2 người là xã viên HTX. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, phong trào HTX thế giới tạo ra công ăn việc làm và đảm bảo cuộc sống của 3 tỷ người. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở nhiều quốc gia với việc thu hút sự tham gia của đại bộ phận nông dân, từ những người nông dân với 2,5 – 3 ha canh tác như ở Nhật, Hàn Quốc, đến các chủ trang trại với quy mô bình quân 30 - 40 ha như ở Châu Âu, Bắc Âu, và quy mô lớn nữa là ở Bắc Mỹ đều tham gia HTX.  Ở các nước này, HTX nông nghiệp đảm nhận phần lớn các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Với sự hỗ trợ của HTX, sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, nông dân cùng mua chung nguyên liệu đầu vào với giá rẻ hơn và bán nông sản với giá cao hơn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, HTX còn có trách nhiệm chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần, an sinh xã hội của nông dân và thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn.
Nhật Bản, 98% nông dân là thành viên của hơn 850 HTX nông nghiệp đa chức năng. Ở khu vực nông thôn, các HTX nông nghiệp đa chức năng đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ cung cấp hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân với khẩu hiệu “từ cái nôi cho đến nấm mồ”, như cung cấp nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị nông nghiệp, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, y tế, tổ chức các cửa hàng bán lẻ, cung cấp đồ gia dụng, xây dựng nhà tang lễ, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng v.v... Hệ thống các HTX nông nghiệp được tổ chức từ cấp cơ sở cho đến các liên hiệp HTX cấp tỉnh và liên hiệp trung ương các HTX nông nghiệp Nhật Bản, trong đó Liên minh HTX nông nghiệp Nhật Bản là tổ chức cấp cao nhất mang tính đại diện cho nông dân, cho phong trào HTX và triển khai các hoạt động chính trị, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, hướng dẫn về tổ chức và quản lý, cung cấp các hoạt động thông tin, đào tạo, kiểm toán,...
Ngoài ra, ở Nhật Bản còn có các liên đoàn HTX nông nghiệp chuyên ngành với chức năng hỗ trợ các HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế trong từng lĩnh vực hay chăm lo đến đời sống tinh thần của nông dân, như Liên đoàn cung tiêu quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ quốc gia các HTX nông nghiệp, Ngân hàng Trung ương các HTX nông – lâm – ngư nghiệp, Liên đoàn phúc lợi quốc gia các HTX nông nghiệp, Liên đoàn thông tin báo chí quốc gia các HTX nông nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ v.v... Nông dân Nhật Bản có mức thu nhập không kém người dân thành thị. Bên cạnh đó, để đảm bảo phục vụ nhu cầu đời sống, nhu cầu văn hoá, tinh thần của người dân nông thôn và xã viên, Liên minh HTX nông nghiệp Nhật bản còn có cả một hệ thống thông tin, báo chí riêng, như tờ báo hàng ngày – Tin tức nông nghiệp Nhật Bản, hệ thống chăm sóc sức khoẻ và y tế riêng với hàng trăm bệnh viện và phòng khám chữa bệnh nhỏ, hàng nghìn giường bệnh,...
Tại Hàn Quốc, phong trào HTX phát triển rất mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và nghề cá. Trên toàn lãnh thổ có khoảng 1.239 HTX nông nghiệp (bao gồm các HTX dịch vụ nông nghiệp, sản xuất cây lương thực, chăn nuôi gia súc), và hơn 88 HTX chuyên trồng cây ăn quả, hoa, rau, nhân sâm, thu hút 100% nông dân tham gia làm xã viên (2,4 triệu người). Tất cả các HTX này đều là thành viên của Liên đoàn HTX nông nghiệp Hàn Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân từ khâu lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ nông sản cho đến cung cấp các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. Hệ thống HTX nông nghiệp hiện có 4600 các chợ và cửa hàng bán nông sản trên cả nước giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với tổng doanh số đạt 37 ngày tỷ won/năm; 5.041 văn phòng, các điểm giao dịch phục vụ các hoạt động ngân hàng trên toàn quốc với 36 triệu khách hàng, chiếm 67% dân số Hàn quốc. Dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn quốc gia, các HTX nông nghiệp được xây dựng thành những trung tâm tài chính, văn hoá và phúc lợi của địa phương, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nông dân và người dân nông thôn.
Hiện nay, tại Mỹ có 3.140 HTX nông nghiệp với 2,8 triệu xã viên (chiếm đại bộ phận nông dân và các chủ trang trại chăn nuôi gia súc của nước Mỹ) tạo ra giá trị sản lượng thuần hàng năm là 111 tỷ USD, giúp quốc gia này trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp có một hệ thống tín dụng nông nghiệp rất lớn, bao gồm 101 HTX tín dụng nông nghiệp với tổng tài sản khoảng 125 tỷ USD và tổng dư nợ là 96 tỷ USD.
Tại Pháp, trong lĩnh vực nông nghiệp, trên toàn quốc có hơn 3.500 HTX với 400.000 xã viên (chiếm 90% tổng số nông dân). Các HTX nông nghiệp sản xuất hơn 95% sản phẩm rượu vang, 60% nông sản và chiếm 40% hoạt động chế biến lương thực của nước Pháp.
Là một quốc gia nông nghiệp, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan và trong việc nâng cao vị thế xã hội của người nông dân. Hiện nay, ở Thái Lan có khoảng 4.137 HTX nông nghiệp với 5.950.809 xã viên nông dân. Các HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên, trong đó tập trung chính vào 5 lĩnh vực, cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, gửi tiền tiết kiệm và ký quỹ, bán hàng tiêu dùng và cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp với mức giá hợp lý, hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động khuyến nông và dịch vụ.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, HTX là công cụ giúp người nghèo nâng cao vị thế kinh tế xã hội, là công cụ hữu hiệu trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của người nghèo, các nhóm yếu thế, là những tổ chức trách nhiệm xã hội, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ các hình thức bóc lột, tăng cường hội nhập xã hội, góp phần phát triển, lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống. Đây cũng chính là những vấn đề mà nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đang phải đối mặt.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là nhận thức như thế nào về vai trò HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và từ đó có những giải pháp thật phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công về HTX trong nông nghiệp, nông thôn ở nhiều nước như đã nêu ở trên là chứng minh sinh động rằng HTX chính là con đường thúc đẩy sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn phát triển, đấy chính là con đường mà các hộ sản xuất, hộ nông dân, hộ tiểu chủ, những đối tượng chiếm số đông nhưng lại có tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường cần lựa chọn.
Đ.H

No comments:

Post a Comment