Sunday, January 18, 2015

Phát triển nông nghiệp - vấn đề còn ở phía trước

Thứ Hai, 15/12/2014 - 10:29

Ngốn hàng nghỉn tỷ đồng/năm, khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”?

Dân trí - Trước chất vấn, hiện có cả chục nghìn cán bộ khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiền đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng mà thành tựu chưa đáng kể, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân giải thích, 30-40% số tiền đó phải dùng chi thường xuyên, chỉ 60% dành cho hoạt động nghiên cứu.


Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân là người đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình quốc gia tối 15/12.

Một người nông dân chất vấn Bộ trưởng Quân: “Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 10.000 cán bộ khoa học đang trực tiếp nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiền đầu tư theo báo cáo của Bộ cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm. Tôi là nông dân nên thấy số tiền đó rất lớn. Tại sao khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp của chúng ta đến thời điểm này vẫn chưa thấy có thành tựu gì đáng kể, cảm giác như vẫn giậm chân tại chỗ? Tôi vẫn cày ruộng bằng trâu, mua giống và phân bón của nước ngoài, vẫn phải đối mặt với chuyện mất mùa, mất giá vì không có cách bảo quản sau thu hoạch hoặc không có đầu ra ổn định”.
 
Câu hỏi này cũng từng được đặt ra với Bộ trưởng KH-CN khi thực tế, lĩnh vực khoa học công nghệ luôn được dành cho khoản đầu tư bằng 2% GDP (GDP Việt Nam hiện khoảng 200 tỷ USD/năm) và nhiều ý kiến cho rằng tiền tiêu không hết, kết dư lớn.
Ngốn hàng nghỉn tỷ đồng/năm, khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”?
Bộ trưởng Nguyễn Quân “đính chính” số liệu hơn 10.000 người làm công tác khoa học công nghệ người nông dân này nêu, khẳng định đó là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT.

Về kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, Bộ trưởng KH-CN cũng “bác” con số hàng nghìn tỷ đồng nêu ra. Lý do, khoản tiền dành cho ngành bao gồm cả khoản chi thường xuyên (chiếm 30-40%) nên chỉ còn trên dưới 60% dành cho hoạt động nghiên cứu, bao gồm hoạt động cấp Bộ và cấp Nhà nước.

“Nếu tính trên 10.000 cán bộ nghiên cứu hay trên 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu của Bộ NN&PTNT thì lượng kinh phí này là rất nhỏ” – Bộ trưởng Nguyễn Quân phân trần.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quân cũng không tán thành với nhận định khoa học nông nghiệp vẫn “dậm chân”. Ông Quân phân tích: “Tuy còn nhiều bất cập trong hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhưng nếu nói ngành nông nghiệp của ta chưa phát triển gì đáng kể thì chưa thật khách quan. Bởi vì từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, hiện nay nước ta đã có thứ hạng trong xuất khẩu gạo”.

Người đứng đầu ngành KH-CN cũng dẫn nhiều con số chứng minh, một năm Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản đạt khoảng 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Nếu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không thể xuất khẩu được số lượng lớn như vậy.

Việt Nam có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp lớn như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang có 2 viện nghiên cứu. Ở phía Bắc có các đơn vị khoa học công nghệ ở Thái Bình, Nghệ An. Những đơn vị này đã làm rất tốt việc đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp và có hiệu quả lớn.

Thông tin thêm về kết quả 1 năm triển khai công nghệ bảo quản nông sản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân, chống hiện tượng được mùa mất giá, Bộ trưởng Nguyễn Quân khái quát: “thời gian 1 năm đúng là dài nhưng để làm chủ 1 công nghệ và đưa vào ứng dụng sản xuất trên quy mô công nghiệp thì cũng không phải là dài”.

Bộ trưởng KH-CN điểm lại mốc thời gian đầu năm 2013, Bộ KH-CN đã tiếp cận công nghệ CAS của Nhật Bản và công nghệ của hãng Juran (Israel) trong bảo quản thực phẩm và đã làm chủ được công nghệ CAS và đã thí nghiệm thành công trên cá ngừ, tôm sú và quả vải thiều.

Ông Quân cho biết, vụ vải vừa qua, một container vải thiều được bảo quản theo công nghệ CAS đã đến thị trường Nhật Bản và được đánh giá cao. Kết quả với cá ngừ cũng tương tự.
 
“Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư nhà máy bảo quản cá ngừ theo công nghệ CAS ở Phú Yên. Chúng tôi hy vọng việc tự sản xuất được thiết bị câu cá ngừ đại dương cùng với nhà máy sử dụng công nghệ CAS, sắp tới cá ngừ của Phú Yên và Bình Định sẽ được bán sang Nhật Bản với số lượng nhiều và chất lượng tốt hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
Sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen 

Ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã trồng khảo nghiệm 3 loại cây là bông, đỗ tương và ngô. Đối với cây ngô, đỗ tương thì có nhiều ý kiến trái chiều. Cho tới thời điểm này chưa có nghiên cứu nào cho thấy cây ngô và đỗ tương biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản và một số nước khác cho canh tác cây trồng biến đổi gen trên diện tích rất lớn. 

Tuy nhiên, lo ngại là đúng vì Việt Nam bị phụ thuộc về giống bởi chưa làm chủ công nghệ về giống đối với cây trồng biến đổi gen. Vì thế, song song với việc cho phép trồng cây trồng biến đổi gen, lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta phải nhanh chóng làm chủ được khoa học công nghệ để tự túc được giống, đồng thời vẫn phải nghiên cứu những ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người.
P.Thảo

http://dantri.com.vn/xa-hoi/ngon-hang-nghin-ty-dongnam-khoa-hoc-nong-nghiep-van-dam-chan-1008068.htm
 



Phát triển nông nghiệp - vấn đề còn ở phía trước
 
Cho đến nay, nước ta vẫn là một nước nông nghiệp theo đúng nghĩa với khoảng hơn 70% dân số gắn với nông nghiệp, nông thôn. Xét về đại cục, nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng như đã và đang xảy ra. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp nước ta trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung. Cũng có nghĩa là, nếu sản xuất nông nghiệp trì trệ, ách tắc, không phát triển và không có hiệu quả thì tình hình kinh tế - xã hội của đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chứa đựng những nguy cơ về sự bất ổn xã hội. 


Nhìn một cách tổng thể, đời sống của đại bộ phận người dân đã được cải thiện, cảnh thiếu đói triền miên như trước đây hầu như không còn nữa. Mặc dù vậy, cho đến nay nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều thiệt thòi nhất; nông dân vẫn là tầng lớp chịu nhiều khó khăn nhất. Tình trạng nông dân không còn thiết tha với những mảnh ruộng vốn đã gắn bó từ bao đời với các thế hệ trong gia đình và ở làng quê họ, là một thực tế đã và đang diễn ra, chứng tỏ rằng nghề nông đã trở nên…quá khó đối với kế sinh nhai của người nông dân, không đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội. Và, như thế vấn đề Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nếu không nói là còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề bức xúc.

Đầu tư dàn trải và chưa tương xứng

Có một thực tế là, nền nông nghiệp của nước ta trong hàng chục năm qua, ngoại trừ về thủy lợi và giao thông nông thôn có được cải thiện, hầu như chưa có những chuyển biến đáng kể nào, nhất là đối với các tỉnh miền Bắc. Sản xuất nhỏ là chủ yếu, các yếu tố cơ bản trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa chủ động được, hoặc chỉ chủ động được một phần. Chính vì vậy mà khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp nước ta còn thấp so với ngay các nước trong khu vực (chứ chưa nói các nước trên thế giới).

Nguyên nhân của thực trạng trên thì nhiều, nhưng cái chính là chúng ta thiếu một chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý và thiếu tầm nhìn xa trông rộng, cho nên sự quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong những năm qua vừa chưa tương xứng, vừa thiếu tập trung, còn dàn trải nên ít hiệu quả. Số liệu thống kê thời gian qua cho thấy, vốn đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp chưa xứng tầm, từ 13,8% năm 2000 giảm xuống còn 6,2% năm 2010 và còn 6% năm 2011; đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn có tăng, nhưng lại dàn trải, thiếu tập trung và kém hiệu quả. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp, tỷ trọng giảm từ 8% năm 2001 xuống còn dưới 1% năm 2012, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực ở nông thôn ở ta trình độ còn thấp nên các nhà đầu tư lo ngại nếu đầu tư sẽ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.    Đầu tư để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, trước hết phải chú trọng đầu tư về khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Tránh tình trạng đang diễn ra là “được mùa rớt giá, được giá lại mất mùa”. Từ nhiều năm nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn tồn tại nghịch lý ấy khiến cho sản xuất của nông dân bấp bênh, không những không đảm bảo mức lợi nhuận cần thiết, mà nhiều khi còn bị lỗ nặng do sản phẩm không thể tiêu thụ kịp thời hoặc bị sụt giá tới dưới mức giá thành sản xuất. Thực tế ấy ai cũng biết, các ngành chức năng chắc chắn cũng biết, thậm chí rất biết. Song, hết năm này qua năm khác vẫn chỉ là “biết rồi…khổ lắm…nói mãi”. Mặt hàng nông sản chủ lực là gạo, rồi một số nông sản khác như: vải, dưa hấu, hạt điều, cà phê…đều phải đối mặt với tình trạng nêu trên. Thiết nghĩ đây là một “lỗ hổng” trong việc đầu tư  khoa học công nghệ cho công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản ở nước ta. Tại sao lại không quyết tâm đầu tư một lần cho ra đời một vài cái nhà máy chế biến hoa quả với công nghệ hiện đại (nếu công nghệ ta chưa chủ động được thì mua cả một dây chuyền, một nhà máy tiên tiến của nước ngoài cũng có sao đâu) để vừa chủ động “đầu ra” cho nông dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì bán sản phẩm thô vừa giá trị thấp, vừa bị động khi tiêu thụ? Đương nhiên phải xem xét cả bài toán kinh tế để nhà máy có thể đảm nhận nhiều chức năng, vì hoa quả cũng có mùa vụ của nó. Nếu như không thể đầu tư như vậy được (vì một lý do bất khả kháng nào đó) thì cũng phải tập trung đầu tư khoa học công nghệ để làm sao chấm dứt được tình trạng bất cập kéo dài này vốn không giúp ích được gì cho nông dân ? Có lẽ đó không phải là lỗi hay là sự yếu kém của các nhà khoa học nước ta. Vấn đề là chính sách, là cơ chế đầu tư; là biết thực sự coi trọng lợi ích chính đáng và cần thiết của nông dân, nông nghiệp. Trong những yếu tố khiến gạo xuất khẩu của nước ta vừa không có giá trị cao, vừa không ổn định về thị trường, có khâu chế biến chưa đáp ứng được về công nghệ nên hạt gạo của ta không cạnh tranh được với gạo của Thái Lan; bên cạnh đó là tình trạng độc quyền dẫn đến thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp xuất gạo ở trong nước…

Còn có một thực tế nữa là nhiều mô hình sản xuất khi còn tham gia một dự án nào đó thì cho hiệu quả cao, nhưng đến khi dự án kết thúc thì mô hình cũng kết thúc luôn - một sự lãng phí rất đáng tiếc trong đầu tư. Lại cũng có những trường hợp kết quả một đề tài nghiên cứu khoa học đã được đánh giá cao sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, nhưng sau cái hội nghị, hội thảo thành công ấy, kết quả nghiên cứu lại bị cho vào ngăn kéo, trong khi thực tế cần một công nghệ hay một ứng dụng như vậy…Không thể nói điều đó tại các nhà khoa học được.

Đầu tư tập trung, có trọng điểm, đầu tư đến cùng, hoàn thành và mang lại hiệu quả trong thực tế sản xuất rồi mới tập trung đầu tư cho vấn đề khác, để tránh tình trạng lâu nay là đầu tư dàn trải - cái gì cũng có, nhưng cuối cùng lại chẳng có cái gì (do đều dở dang cả). Nếu không có ngay một chính sách khác hợp lý về đầu tư cho nông nghiệp thì hiệu quả của các mô hình chẳng những không cao mà còn gây lãng phí lớn tiền của của Nhà nước.

Để người nông dân gắn bó với ruộng đồng

Để người nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng một cách thực sự tâm huyết và yêu nghề, nhất thiết phải tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp có lãi (có thể là lợi nhuận 30% như lâu nay ta vẫn nói); phải làm sao để từ sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân phải ổn định và đi lên theo sự phát triển chung của xã hội, của đất nước; thậm chí người nông dân chịu thương chịu khó, có tính sáng tạo có thể làm giàu được trên đồng đất của mình.

Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, để có thể phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, hoặc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thì rất cần phải có vai trò của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực này, song kết quả còn rất hạn chế.  Vấn đề là doanh nghiệp chưa thấy có thuận lợi đáng kể nào cho quá trình đầu tư vào nông nghiệp, họ vẫn cảm thấy việc đầu tư vào nông nghiệp là rất mạo hiểm khi ẩn chứa quá nhiều rủi ro, khi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm… Mặt khác, công tác quy hoạch ngành nông nghiệp cần được tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững, không có tình trạng nay thế này, mai thế khác. Một vấn đề nữa không thể coi nhẹ là Nhà nước cần có chính sách và đầu tư cụ thể nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người nông dân, giúp thay đổi tư duy của họ theo hướng đổi mới, nâng cao tính hiệu quả, tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường.

 Các nhà nghiên cứu quản lý cho rằng, điều cần nhất đối với nông dân lúc này là trình độ dân trí. Bởi nếu không có trình độ dân trí, nông dân không thể cảm nhận được các giá trị văn hóa, rất khó tiếp thu đầy đủ kiến thức về khoa học, kỹ thuật công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất ngay trên thửa ruộng của mình. Họ cũng cần cả kỹ năng sống, cần có hiểu biết về kinh doanh…Về phía Nhà nước, cần có chính sách và biện pháp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân thông qua sản xuất nông nghiệp; thậm chí để nếu cố gắng, họ có thể làm giàu được trên đồng đất của mình thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…Cùng với đó, ngành nông nghiệp với vai trò điều hành, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, cần phối hợp với các ngành, các cấp để xây dựng cho được các mô hình sản xuất, chăn nuôi cho từng vùng: miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo theo hướng sản xuất hàng hóa và  nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong phát triển. Từ việc tổng kết các mô hình hiệu quả để có thể nhân rộng ra cả nước. Thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích một cách cụ thể (có thể áp dụng hình thức đặt hàng với các nhà khoa học) để các nhà khoa học đầu tư chất xám cho sản xuất nông nghiệp và có thể đưa ngay được những kết quả tốt, những công nghệ phù hợp vào sản xuất mà không gặp cản trở nào, từ việc chọn lựa, lai tạo giống cho sản xuất tới việc phổ biến ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản…

Thực hiện tốt những vấn đề đó cũng là đầu tư tập trung cho nông nghiệp với điều kiện đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không làm nửa vời theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.
 
Đặng Đình Chấn

No comments:

Post a Comment