Mong Lưu Quang Vũ sớm... lạc hậu
Hơn 30 năm, câu chuyện về ngành giáo dục, về niềm tin của giới trẻ mà Lưu Quang Vũ đặt ra vẫn được bắt gặp đâu đây... Ngành sân khấu đang kỷ niệm 25 năm ngày mất của vợ chồng nhà viết
kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, vở
diễn Mùa hạ cuối cùng của ông được Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu đúng vào mùa tựu trường.
Những vấn đề Lưu Quang Vũ đặt ra, trong nhiều lĩnh vực, chưa bao giờ
cũ. Hơn 30 năm sau khi ra đời, câu chuyện về ngành giáo dục, về niềm tin
của giới trẻ đặt ra trong Mùa hạ cuối cùng vẫn được bắt gặp đâu đây qua những Đồi Ngô, thầy giáo Khoa...
Mùa hạ cuối cùng nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng
thắn. Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, phát hiện mình đã biết
trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải được
làm lại.
Ban giám hiệu đã có cuộc họp, và để đảm bảo cho danh dự của nhà
trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị đưa vào danh
sách những học sinh cá biệt. Châu thất vọng và bỏ đi. Cuối cùng, Thời -
một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi
nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp...
Một cảnh trong vở kịch Mùa hạ cuối cùng |
Qua mấy thập kỷ, cái giá của sự trung thực vẫn thường mang vị đắng
chát. Khi câu chuyện Đồi Ngô vỡ lở, nam học sinh tố giác hành vi gian
lận thi cử rơi vào khủng hoảng vì sức ép từ nhiều phía và "nếu nhà
trường không cho thi tiếp, em sẽ đi làm lơ xe". Còn cái giá của Người
đương thời Đỗ Việt Khoa là sự cô đơn, lảng tránh, không công việc, không
cơ hội, và khó có sự chia sẻ thật sự.
Trong quãng thời gian mang tính bản lề của thời học sinh, Châu đã
phải liên tục đối mặt với những lựa chọn. Chọn cách đương đầu chống lại
gian trá, sống theo niềm tin của mình; hay im lặng hưởng lợi, như cách
bố Châu thuyết phục con "Sự thật cũng có năm bảy đường", hoặc như cách
của cô giáo Thúy "luôn theo ý kiến số đông"?
Khi nghe thầy Hiển, thành trì tinh thần cuối cùng đối với Châu, thở
dài: "Lẽ phải, nhân cách, sự trung thực có lẽ chỉ là một giá trị tương
đối", sợi dây níu giữ niềm tin của cậu học trò vỡ vụn. Khoảng trống
hoang mang, khủng hoảng, vô định đón lấy, nhấn chìm cậu: "Tôi không còn
tin vào ai, vào điều gì nữa!".
Khác một chút về từ ngữ, một đại diện giới trẻ thế kỷ 21, Hoàng Đức Minh lặp lại khoảng trống ấy: Giới trẻ Việt đang bị bỏ rơi !
Đối với giới trẻ: "Khủng hoảng niềm tin bao trùm tất cả những cái khác.
Khi không có niềm tin thì mọi yếu tố khác đều khủng hoảng tất, đồng
thời khi người ta thiếu niềm tin thì cũng khó mà có thể tìm ra lối thoát
cho những khủng hoảng còn lại".
Cùng nỗi khủng hoảng niềm tin như Châu, nhưng hiện thực mà giới trẻ
ngày nay phải đối mặt có lẽ còn lộn xộn, phức tạp gấp bội. Cũng vì thế
những lựa chọn càng trở nên khó khăn, những con đường càng mung lung.
Giới trẻ thời nay vẫn được dạy những bài học đạo đức về sự trung
thực, dũng cảm, bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với cái xấu, với sai trái...
Nhưng xung quanh các em, hiện thực lại bày ra với những mảng màu hoàn
toàn đối lập.
Ngay trong môi trường giáo dục, bệnh thành tích, nạn chạy trường,
chạy lớp, mua bằng cấp... đang hiện diện nóng bỏng. Còn ngoài xã hội,
chạy việc, chạy chức, chạy quyền, những tệ nạn tham nhũng, lạm quyền...
lan tràn.
Nguy hiểm hơn nữa là xu hướng muốn che đậy, cố tình "không nghe,
không thấy, không hiểu" của không ít người có trách nhiệm. "Mũ ni che
tai", sống biết phận mình thành cách sống của "một bộ phận không nhỏ".
Còn "phần thưởng" cho những người dám dũng cảm đứng ra vạch trần
những sai trái, tiêu cực thường lại là cả tương lai mờ mịt, bị trù dập,
không nơi cậy dựa. Tiếng nói của lẽ phải có lúc bị che lấp bởi tiếng nói
của đồng tiền.
Giữa một hiện trạng ngổn ngang nhường đó, giới trẻ biết tin vào đâu,
vào ai để đứng thẳng lên sống đúng nghĩa với tuổi trẻ đầy hoài bão,
nhiệt huyết. Hay những bão tố sẽ "vùi dập" không thương tiếc khát vọng,
niềm tin sống, để rồi các em lại quay về lựa chọn hoặc an phận qua ngày
hoặc phải "đạp" lên vai kẻ khác mà sống?
Tiếng trống khai trường đã gióng lên. Một năm học nữa lại bắt đầu.
Nhiều câu chuyện, trăn trở vẫn còn đó, nhức nhối như thuở nào.
Chia sẻ về vở kịch, NSƯT Chí Trung, vị đạo diễn dựng Mùa hạ cuối cùng
"phiên bản" 2013 đã nói: "Người tốt vẫn cứ lơ ngơ giữa cuộc đời, người
xấu đã được trang bị tốt, họ trở nên rất đông và kết đoàn lại thành một
lợi ích nhóm. Bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, người tốt bị vùi
dập, cái xấu được che đậy... vẫn còn tồn tại nhan nhản trong giáo dục
hôm nay".
Và rằng: "Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị
tuyệt đối. Nếu chúng ta không biết kết đoàn lại thành tiếng chuông, nói
đúng hơn là đại chuông, thì 50 năm nữa, vở diễn vẫn mang tính thời sự".
Nghe vậy, bỗng dưng lại thầm mong Lưu Quang Vũ sớm... lạc hậu.
Hoàng Hường
No comments:
Post a Comment