Monday, September 2, 2013

Lún sụp tại dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM



Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu lộc - Thị Nghè) giai đoạn 1 mới khánh thành hơn 1 năm nhưng đến nay bộc lộ nhiều khiếm khuyết và lỗi kỹ thuật, việc khắc phục chưa biết khi nào xong.

Cuối tháng 8.2013 vừa qua, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã triệu tập cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu lộc - Thị Nghè) giai đoạn 1, 2 và tình hình lún sụp trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa với sự tham dự của nhiều cơ quan ban ngành.


Dự án đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng hiện nay còn rất nhiều vấn đề về lỗi kỹ thuật chưa giải quyết xong; chỉ riêng tiền đóng phạt theo nghĩa vụ nhưng nhà thầu thoái thác không chịu nộp, có nhà thầu còn nợ đến 200-300 triệu đồng

Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT TP.HCM

Theo báo cáo, đến thời điểm này vẫn còn không ít vấn đề của dự án chưa được giải quyết, như tuyến đường Võ Thị Sáu sau khi lắp đặt cống bao Ban quản lý dự án vẫn chưa bàn giao cho đơn vị quản lý đường (Khu 1); nhiều nhà thầu tiếp tục chây ì, không thi hành nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành chính do sai phạm trong quá trình thi công....

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Ban quản lý dự án phối hợp với Thanh tra Sở có biện pháp cưỡng chế thu hồi khoản tiền này đối với các nhà thầu, dứt điểm trước ngày 15.9.2013. “Dự án đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng hiện nay còn rất nhiều vấn đề về lỗi kỹ thuật chưa giải quyết xong; chỉ riêng tiền đóng phạt theo nghĩa vụ nhưng nhà thầu thoái thác không chịu nộp, có nhà thầu còn nợ đến 200-300 triệu đồng”, một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho Thanh Niên biết.

179 vị trí hở tường cừ

Một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đó là hiện đã xuất hiện nhiều vị trí bị lún sụp và hàng trăm vị trí đang có nguy cơ lún sụp dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, lưu vực dự án. Một số vị trí đã bị lún sụp nhưng chưa được khắc phục như trước số nhà 46, 37/75B Trường Sa; nhiều vị trí bị lún sụp dù nhà thầu đã khắc phục nhưng chưa khôi phục mặt đường: đối diện nhà 117 Trần Khắc Chân, phần bó vỉa, vỉa hè bị sạt lở (đối diện 334 Trường Sa)…

Báo cáo của tư vấn giám sát dự án (Công ty CDM, Mỹ) cảnh báo hiện lưu vực dự án có đến 179 vị trí bị hở tường cừ gây nguy cơ lún sụp nghiêm trọng bất kỳ lúc nào. Trong khi Thanh tra Sở GTVT cho rằng chưa thể xác định cụ thể những vị trí này. “Vì chỉ khi nào nước (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) ròng mới phát hiện được. Đó là chưa kể, mỗi vị trí có thể có nhiều lỗ hở. Chúng tôi chưa biết khi nào mới khắc phục xong”, một cán bộ Thanh tra Sở GTVT nói.
Lún sụp tại dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM Đào đường để xử lý lún sụp trên đường Trường Sa, thuộc Q.Phú Nhuận, ngày 2.9.2013 - Ảnh Diệp Đức Minh

Trước tình hình này, ông Cang đã yêu cầu Ban quản lý dự án khẩn trương rà soát, báo cáo chi tiết về các khe hở; khoảng cách tối thiểu giữa 2 tường cừ theo tiêu chuẩn; xác định vị trí, kích thước của từng khe hở; phương pháp và kế hoạch khắc phục của nhà thầu; phân định khe hở thuộc trách nhiệm của nhà thầu nào.... Ông Cang chỉ đạo chủ đầu tư cần có biện pháp chế tài nhà thầu, đồng thời có phương án sẵn sàng thay nhà thầu nếu nhà thầu chây ì, không khắc phục.

Về trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát (Công ty CDM) đã để xảy ra hàng loạt khiếm khuyết, chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát các điều khoản trong hợp đồng, xác định cụ thể trách nhiệm và có biện pháp xử lý. Ngoài ra, tại dự án, hiện nay các mối nối (giữa cống với cống, cống với hố ga, cống với giếng tách dòng) cũng bị hở. Trong tháng 9.2013, chủ đầu tư và Công ty CDM phải báo cáo kết quả kiểm tra, khắc phục.

Cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt
 
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn I có vốn đầu tư gần 300 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã góp phần thay đổi bộ mặt TP, mang lại lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Trong giai đoạn 2002 - 2012, dự án đã lắp đặt 9 km cống thu nước thải với đường kính từ 2,5m - 3m bằng công nghệ khoan ngầm kích cống thực hiện lần đầu tại VN; thay thế và kéo dài 51 km cống thoát kết hợp cấp 1 và cấp 2; 375 km cống thoát cấp 3; nạo vét, vận chuyển và đổ khoảng 1,05 triệu m3 bùn đất nhằm tăng công suất thủy lực  kênh; gia cố 18 km bờ kênh bằng tấm bản bê tông.
Giai đoạn  II của dự án đang được chuẩn bị, gồm có các hạng mục: một nhà máy xử lý nước thải; phần cống thu nước thải còn lại; hệ thống thoát nước Q.2. Đây thực ra là phần tiếp theo của dự án vì nó sẽ xử lý lượng nước thải hiện đang tạm thời đổ ra sông Sài Gòn. Kinh phí ước tính là 478 triệu USD. Ban giám đốc WB sẽ họp trong tháng 12.2013 để quyết định phê duyệt dự án.

Nguyễn Đình Mười

No comments:

Post a Comment