Cập nhật: 10:08 GMT - thứ ba, 24 tháng 9, 2013
Hai năm trước, khi đến thăm Bảo tàng
Quốc gia Malaysia ở Kualar Lumpur, tôi đã thấy nhà rông, cồng
chiêng và cột nhà mồ như ở Tây Nguyên, Việt Nam và hiểu rằng
văn minh Đông Nam Á cổ đã trải rộng thế nào ở châu Á lục địa.
Nhưng tuần qua, khi vào Bảo tàng Quốc gia
Indonesia giữa thủ đô Jakarta thì tôi khá ngạc nhiên khi thấy bốn
chiếc trống đồng Đông Sơn (Dongson kettledrum) trưng bày ở đó
trong phần về di sản văn hóa nước này.
Với các hình mặt trời và cả chim Lạc
giống hệt như ở trống ở Bảo tàng Lịch sử tại Hà Nội, trống
đồng tại Indonesia, mà họ gọi là gendang, đã được tìm thấy ở
các đảo xa ngoài Thái Bình Dương.
Một trong số đảo đó là East Nusa Tengarah (cách TPHCM 2600 km đường chim bay), nơi người ta tìm được một chiếc trống đồng năm 1828.
Một trong số đảo đó là East Nusa Tengarah (cách TPHCM 2600 km đường chim bay), nơi người ta tìm được một chiếc trống đồng năm 1828.
Nhưng ngoài ba trống đồng có hình người
chèo thuyền, chim và thú như trống ở Việt Nam, chiếc thứ tư có
hoa văn dạng khác hẳn, cho thấy một sự dịch chuyển, biến đổi
về văn hóa trống đồng.
Ngoài khu vực đồng bằng sông Hồng, hàng
trăm chiếc trống thuộc nhiều giai đoạn khác nhau đã được tìm
thấy ở Nam Trung Hoa, Lào, Thái Lan, và tất nhiên là ở các hải
đảo.
Ở đây tôi không muốn đi vào câu chuyện của
giới khảo cổ rằng trống đồng đã có ở đâu, ai làm ra...mà chỉ
muốn chia sẻ một chút cảm nghĩ về thái độ nhìn lịch sử của
người Indonesia.
Giống và khác
Giống và khác
Như câu chuyện trống đồng Indonesia cho
thấy, hiện còn rõ dấu tích của một nền văn minh bản địa đã
trải rộng từ vùng lục địa Đông Nam Á sang các hải đảo, trước
khi hai dòng văn minh lớn khác là Trung Hoa và Hồi giáo ập đến.
Tại Bảo tàng Quốc gia Indonesia, người ta
viết rõ rằng quốc gia mà nay có gần 250 triệu dân, là do người
chủng Mongoloid từ châu Á lục địa ra và các nhóm Melanesian và
Austronesian từ vùng hải đảo tới mà thành.
Sự giao lưu, hòa trộn này có trùng hợp với truyền thuyết '50 con lên rừng, 50 con xuống biển' ở Việt Nam?
Lời thuyết minh cũng nói chừng 6000 năm
trước, các nhóm từ lục địa bắt đầu thống lĩnh các đảo mà
người Indonesia gọi chung là Nusantara, lập ra các quốc gia sau
đó theo Ấn giáo và Phật giáo, trước khi đạo Hồi tràn đến.
Ở thời kỳ tiền Hồi giáo tại Indonesia hay
trước Khổng giáo ở Việt Nam, hẳn các tộc người bản địa có
trao đổi văn hóa mạnh mẽ, liên tục, nếu không nói là cùng chung
nhiều yếu tố từ ngôn ngữ, ăn mặc đến thờ cúng mà các hình
trên trống đồng chỉ là một biểu hiện còn thấy được.
Và cứ thể mà suy ra thì nhóm Việt (Kinh)
ở Việt Nam hiện nay không phải nhóm thừa kế duy nhất về văn
hóa từ đại gia đình Đông Nam Á đó.
Nhưng người Việt vì ở tuyến đầu chống
lại sức ép từ Phương Bắc, dù giữ được độc lập đã chịu ảnh
hưởng của văn hóa Hán sâu rộng hơn hẳn các dân tộc Đông Nam Á
khác và phần nào tiếp nhận cả tư duy độc tôn kiểu Hán.
Trái lại, tác động của Trung Quốc đến
các đảo Indonesia xa xôi chưa bao giờ mạnh như ở Đông Dương mà
chỉ là một trong nhiều dòng văn hóa du nhập vào đây.
Chữ Hán cũng xuất hiện trên các đồ tế
tự nhập vào Indonesia bởi người gốc Hoa nhưng sắc dân này cũng
thường bị đồng hóa vào các nhóm Phật giáo bản địa và ngôn
ngữ Hán chưa bao giờ có vị trí gì cao, theo lời giới thiệu ở
Bảo tàng Quốc gia Indonesia.
Bên cạnh dấu ấn từ Ấn Độ và thế giới
Hồi giáo luôn rất mạnh và rõ rệt, Bảo tàng này cũng ghi nhận
bốn dòng văn hóa ảnh hưởng đến nghệ thuật gốm sứ của họ:
Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan.
Điều này hẳn làm người Việt Nam cảm thấy
tự hào nhưng cũng khiến bạn tự hỏi vì sao trong cách trình
bày về lịch sử, trong người Việt luôn có xu hướng không rộng
rãi và bao dung bằng người Indonesia.
Người Việt thường thích nhấn mạnh đến sự
riêng biệt, độc tôn của mình mà làm nhẹ đi nguồn gốc chung
với nhiều dân tộc khác dù trên thực tế văn hóa chỉ lớn được
qua sự tiếp thu, hội nhập và giao lưu.
Không độc quyền
Không độc quyền
Sau khi giành độc lập, người Java đông nhất
tại Indonesia (hiện có 100 triệu) tự nguyện không chọn tiếng
Java mà chấp nhận dùng tiếng Bahasa Indonesia, gốc Mã Lai làm
ngôn ngữ quốc gia để thống nhất 300 dân tộc khác nhau trên hàng
nghìn hòn đảo.
Nhưng dù dùng chung Bahasa Indonesia, các
nhóm sắc tộc Indonesia ngày nay vẫn có quyền học tiếng mẹ đẻ
của mình ở trường đến hết tiểu học.
Còn ở Việt Nam, nước chính thức có trên
50 nhóm sắc tộc, tiếng Kinh chiếm ví trí độc tôn trong mọi
lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội và các ngôn ngữ thiểu
số có nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất trong tương lai.
Tính bao dung của Indonesia còn nổi bật lên khi nhìn vào báo chí và hệ thống chính trị.
Dù 86% dân số theo Hồi giáo, các đạo khác
Phật, Thiên Chúa giáo...có vị trí được công nhận trong hiến
pháp nước cộng hòa.
Hiện nay, đôi khi vẫn có va chạm giữa tín
đồ Hồi giáo phái Sunni và thiểu số phái Shia nhưng đây không
phải là đề tài cấm kỵ và báo chí nói đến nó liên tục.
Từ sau khi ông Suharto sụp đổ năm 1998, sau
một thời 'tập sự dân chủ', nay Indonesia đã có một nền chính
trị đa nguyên khá sôi động, và năm 2014 sẽ có kỳ bỏ phiếu khép
lại hai nhiệm kỳ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Đến Jakarta trước năm bầu cử cả quốc hội
và tổng thống nên tôi được nghe các nhà báo ở đây bàn thảo
rất nhiều về các ứng viên tiềm năng, các đảng khác nhau, về
chuyện tham nhũng, chuyện kinh tế, giao lưu khu vực và cơ hội
của Indonesia.
So với nhiều nơi khác ở châu Á, tôi thấy
các nhà báo bạn không chỉ cởi mở, trẻ trung, thạo tiếng Anh
mà còn rất quý Việt Nam.
Không ít biên tập viên, phóng viên đã từng
sang Việt Nam dự các sự kiện thể thao, chính trị ASEAN, và
trận đá bóng Cup AFF giữa Việt Nam và Thái Lan tuần rồi cũng
trở thành chủ đề bàn tán của các đồng nghiệp trong văn phòng
BBC Indonesia ở Jakarta vào sáng hôm sau.
Ngồi ăn bánh chưng chay với các bạn
Indonesia, cũng thứ bánh bằng gạo nếp, nhân đỗ xanh, quấn lá
chuối nhưng gói mỏng hơn bánh ở Việt Nam, tôi cảm được sự tương
đồng văn hóa vẫn còn từ một thời kỳ xa xưa với xứ sở và con
người ở đây.
Nhưng hai xã hội này có vẻ đang chọn hay con đường khác nhau.
Indonesia đã và đang thể hiện vai trò đàn
anh trong ASEAN, là cầu nối giữa Thế giới Hồi giáo và các
cường quốc Phương Tây và có tham vọng thành nền kinh tế lớn
thứ 7 thế giới vào năm 2030.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đóng một vai
trò quan trọng về an ninh vùng nhưng còn thiếu tham vọng ở tầm
khu vực cho xứng đáng với số dân và khao khát của giới trẻ.
Trở lại chuyện trống đồng, người Indonesia
đang tự hào rằng trên đảo Selayar của họ hiện có chiếc trống
đồng Đông Sơn, cũng thuộc loại Heger I, 'to nhất thế giới'.
Tranh cãi ai kế thừa cái gì ở thời kỳ
chưa hình thành quốc gia dân tộc, như cuộc tranh luận Việt -
Trung rằng đâu là cái nôi của trống đồng, dễ trở nên vô nghĩa
nếu ta tiếp thu tinh thần vươn ra biển xa của các chủ nhân trống
đồng hàng nghìn năm trước.
To lớn nhưng vẫn bao dung trong đa dạng là tinh thần Indonesia ngày nay.
Có thể vì thái độ với quá khứ hẹp hơn
các quốc gia hải đảo nên Việt Nam chưa thể 'lướt sóng' ngoài
đại dương được?
No comments:
Post a Comment