Kinh tế ›› 25/09/2013 03:00 GMT+7
Đang tụt hậu - là đánh giá đau xót nhất về nền kinh tế Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới. Vì sao lại nên nông nỗi này?
Tháng 2/2013, có ý kiến cho
rằng Bộ Tài chính có thể đứng ra bảo lãnh cho khoản nợ quốc tế tới 600
triệu USD của Tập đoàn Công nghiệp Vinashin. Đến nay, không có bất cứ
động thái hay công bố gì về việc này. Đây rõ ràng chỉ là tin đồn nhưng
trên thực tế lại có rất nhiều trường hợp tương tự diễn ra.
Hồi
tháng 4/2013, Tổng công ty Phát triển Nhà ở và đô thị (HUD) có văn bản
cầu cứu Bộ Tài chính trả nợ nước ngoài giúp, khoảng hơn 5 triệu USD cho
nhà máy xi măng sông Thao, nơi mà HUD chiếm 81% vốn chủ sở hữu. Trước
đó, đã có vài ba trường là DNNN sa lầy trong các dự án xi măng đã được
Bộ Tài chính gánh hộ khoản nợ nước ngoài.
Đến nay, chưa có xác
nhận cụ thể, Bộ Tài chính đang phải “đứng mũi chịu sào” cho bao nhiêu
những khoản nợ của nhóm “khu vực chủ đạo” - doanh nghiệp Nhà nước
(DNNN). Nhưng những câu chuyện trên có thể là ví dụ dễ thấy nhất về một
vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo
nghiên cứu của GS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế
quốc dân, nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh –
mà sau đó rất có thể lại được bảo lãnh thì nợ công của Việt Nam hiện
nay sẽ xấp xỉ tới 95% GDP. Tỷ lệ này vượt xa con số an toàn là 60% GDP
do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế công bố. Mầm mống rủi
ro nợ công chính nằm ở đây, là những khoản nợ xấu tiềm tàng trong DNNN
và có lúc buộc ngân sách đứng ra trả thay.
Năm 2012, lỗ phát sinh
của DNNN là khoảng 2.253 tỷ đồng. Năm 2013, các DNNN dự kiến tăng vốn
đầu tư lên 506.995 tỷ đồng, tương đương hơn 32%, nhưng doanh thu và lợi
nhuận đặt ra lại thấp hơn cả năm 2012. Trước đó, kinh doanh năm 2012 của
các DNNN này cũng thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh năm 2011.
Trong khi đây là khu vực đang nắm giữ tài sản chiến lược quan trọng nhất
của đất nước, hưởng nhiều ưu đãi nhất, với lợi thế kinh doanh vượt
trội.
Lo ngại hơn nữa là trong quá trình tái cấu trúc, cơ chế
quản lý lại có những biểu hiện đi thụt lùi khi việc quản lý các Tập
đoàn, Tổng công ty Nhà nước lại được giao về cho các Bộ. Thậm chí, các
Bộ còn đang cắt cử các công chức xuống làm việc tại các DN.
Không
phải ngẫu nhiên khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Liệu có
cần tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới?. Đâu là 3 giải pháp có
hiệu lực đột phá nhất giúp nền kinh tế trỗi dậy từ tình trạng khó khăn
hiện nay? Quy mô của kinh tế Nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp
Nhà nước cần thay đổi đến mức nào, duy trì đến đâu?”
Vẫn chạy theo thành tích
Câu
chuyện về DNNN chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho nền kinh tế
Việt Nam ngày càng có khoảng cách xa với các nước. Những bất ổn vĩ mô
vẫn dai dẳng kéo dài, đặc biệt trong vòng 5-6 năm trở lại đây là hệ quả
tổng thể của một mô hình tăng trưởng không hợp lý, dựa nhiều vào đầu tư,
một cơ chế quản lý mang nặng tính xin cho và thị trường nửa vời, những
bất cập trong chi tiêu công… Và trên hết, đó còn là căn bệnh tư thành
tích trong tư duy phát triển kinh tế.
Sáng 24/9, Bộ Kế hoạch đầu
tư công bố, GDP 9 tháng ước đạt 5,14%. Nhiều khả năng, mục tiêu GDP cả
năm sẽ không đạt như Quốc hội đề ra. Mới đi nửa chặng đường của kế hoạch
phát triển 5 năm 2011-2015, nhưng ước thấy đã có 7 chỉ tiêu trọng yếu
không đạt GDP, lạm phát, bội chi, giải quyết việc làm…
Sau
mỗi lần công bố GDP, nhiều chuyên gia đã “hỏi nhau”, tăng trưởng kinh
tế thực sự là bao nhiêu?. Chính ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế
Trung ương nói: “Tính GDP, tỉnh nào cũng tăng mười mấy phần trăm trong
khi cả nước có 5,5% thôi thì không biết chạy đi đâu”.
GS Nguyễn
Quang Thái cho biết: “3 năm gần nhất, cộng GDP của các tỉnh tăng 12%,
trong khi cả nước tăng có 6%, sự khác biệt này trước đó tăng gấp rưỡi,
nhưng nay là gấp đôi. Việc này các đồng chí lãnh đạo biết rồi nhưng
không sửa”.
Đến cả nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng than thở:
“Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin.” Và vì thế, ông nói
“việc điều chỉnh chỉ tiêu thì dễ nhưng không để làm gì”.
Có lẽ vì thế mà GS Trần Thọ Đạt cho rằng: “Căn bệnh thành tích đã phủ kín những khiếm khuyết của nền kinh tế”.
Theo
ông, quá trình hoạch định chính sách hiện nay vẫn không thể đối phó với
vấn đề mới của thời đại. Tư duy chiến lược phát triển của kinh tế đang
có sự không nhất quán…. Sự không rõ ràng trong tư duy phát triển kinh tế
đã dẫn tới những chính sách đa mục tiêu. Cùng đó là chính sách kinh tế
ban hành rất nhiều nhưng hiệu quả lại không đạt.
Trong khi đó,
chúng ta lại ít khi nói về cái sai của mình. Theo GS Đạt, hệ lụy của gói
kích thích kinh tế, chính sách nới lỏng thái quá đã dẫn tới giá cả gia
tăng, lãi suất, tỷ giá tăng, kéo theo sóng đầu cơ và bất ổn. Nhưng thay
vì nhìn nhận các vấn đề này là nguyên nhân sai lầm, lại thường coi đó là
khiếm khuyết của kinh tế thị trường.
Theo khuyến nghị của GS Đạt, đã đến lúc phải lựa chọn và quyết định. Đầu tiên phải đổi mới tư duy chiến lược kinh tế.
“Đây
sẽ là động lực để nền kinh tế thoát khỏi trì trệ. Tuy nhiên, cần có sự
dũng cảm và kiên trì trong lựa chọn này. Việt Nam sẽ phải hi sinh tăng
trưởng trong vài năm đầu, chấp nhận một mức tăng trưởng thấp để đạt sự
bền vững lâu dài”, ông Đạt nhấn mạnh.
Phạm Huyền
No comments:
Post a Comment