“Sao lại cứ đổ tội cho tình hình khách quan?”
►Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: “Tôi không tin khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn”...
Phó
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội thảo "Nhìn lại nửa
chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều
chỉnh chiến lược”.
“Trong gần hai năm qua, nhiều chỉ số kinh tế bước đầu ổn
định nhưng dường như vẫn bị che phủ bởi nỗi lo tăng trưởng thấp, với
những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro, chưa mấy tươi
sáng”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng ngày 23/9, với chủ đề “Nhìn lại
nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều
chỉnh chiến lược”.
Cũng theo Phó thủ tướng, Đảng và
Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy
nền kinh tế. “Với tinh thần quyết tâm cao độ, chung sức, đồng lòng,
chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua được một trong những thời kỳ khó khăn
nhất trong phát triển kinh tế đất nước từ sau đổi mới”.
Một trong
những câu hỏi mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại hội thảo là,
tại sao nền kinh tế Việt Nam lại ra khỏi khủng hoảng kinh tế chậm hơn
các nước trong khu vực?
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn
2011- 2012 tương đương với Philippines, thấp hơn Malaysia và Indonesia,
nhưng cao hơn Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, ngoại trừ Singapore,
trong giai đoạn này, tất cả các nước trên đều có tốc độ tăng trưởng cao
hơn giai đoạn trước (2008-2010) trong khi tăng trưởng của Việt Nam suy
giảm qua hai giai đoạn trên.
Tốc độ tăng trưởng trung bình của
Việt Nam bắt đầu suy giảm nhanh và liên tục từ giai đoạn cuối 2007 đến
nay, trong khi đó, tăng trưởng những nước trên đều khởi sắc hơn kể từ
2009.
“Vì sao nên nỗi?”
Nhiều thông cảm
với điều hành của Chính phủ, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói rằng việc
kiểm điểm này nên đặt trong cả giai đoạn 10 năm 2011- 2020, và cần nhìn
lại nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là kinh tế, với những con số mà “tôi
tuy “cóc ngồi đáy giếng” nhưng vẫn thấy nó khó tin, như con số nợ xấu,
nay thế này, mai đã thế khác. Nên nhìn vào thực trạng xã hội mà đánh giá
thì hơn”.
Để trả lời cho câu hỏi “vì sao nên nỗi” này, theo
nguyên Phó thủ tướng, những hạn chế bất cập trong điều hành không được
nhìn thẳng, khi Chính phủ luôn giải thích rằng nền kinh tế khó khăn, là
bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, chứ ít khi đi vào nguyên nhân chủ quan
là có sai lầm trong điều hành.
“Tôi không tin khủng hoảng kinh
tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà
những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước
ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế chúng ta. Sao lại cứ đổ
tội cho tình hình khách quan?”, ông Khoan nói và khẳng định nguyên nhân
chủ yếu là “đã để vỡ ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến nay”.
Hoàn
toàn tán thành ý kiến này của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Cao Sỹ Kiêm còn cho rằng, việc
điều hành của Chính phủ, càng vào thời điểm khó khăn, càng không kiểm
soát được tình hình, khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn sâu hơn.
Cùng với đó, cách giải quyết vẫn theo tư duy cũ, thậm chí có lúc quay về thời kỳ bao cấp với các mệnh lệnh hành chính đưa ra.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, TS. Lưu Bích Hồ cũng phàn nàn, “Chính phủ nói nhiều nhưng không làm được”.
Cho
rằng tình hình “vì sao nên nỗi”, cũng bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà
khoa học, đội ngũ tham mưu chỉ “dâng” lên Chính phủ những bức tranh
“đẹp” cho vừa lòng lãnh đạo, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam,
GS. Nguyễn Quang Thái, nhấn mạnh “muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ
này, cần phải có nhiều hơn nữa tinh thần dân chủ”.
“Thời kỳ nhạy cảm”
“Việt
Nam đang trong bối cảnh sơ kết nhiệm kỳ, với những chuyển động chính
trị, nên phải nói đây là thời kỳ rất nhạy cảm”, Phó viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành nói.
Như
muốn thay lời cho Chính phủ, ông Thành nói trong 3 năm tới, Chính phủ
quan tâm nhất là ổn định, phục hồi và tái cấu trúc. Việt Nam phải kiên
trì, nhất quán, không vì áp lực nào mà né tránh hay làm méo mó mục tiêu
đã được xác định này. Phục hồi không nên quá vội vã, mà phải ưu tiên cho
ổn định kinh tế vĩ mô.
Rõ ràng là tình hình không thể lạc quan
như đánh giá của ông Thành, khi mà không chỉ số đông chuyên gia kinh tế,
mà ngay cả Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ luôn phải
nhắc đi nhắc lại về cảnh báo: “Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội
Đại hội Đảng XI đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc
tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực”.
Ông Huệ còn nhận định rằng không ít vấn đề lớn và yếu kém của
nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng
tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đã bộc lộ ngày càng rõ.
Đại
diện cho nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, GS. Trần Thọ Đạt
cho biết qua những phân tích, thì cho thấy, nửa chặng đường của kế
hoạch 5 năm 2011- 2015 khả năng đạt được mục tiêu là mong manh. Phần lớn
những chỉ tiêu quan trọng nhất như các chỉ tiêu liên quan đến tăng
trưởng và việc làm, lạm phát và ngân sách, đều có khả năng không đạt
được mục tiêu đề ra.
Với ước thực hiện GDP của năm 2013 là tăng
5,4%, ước thực hiện của cả giai đoạn 2011- 2015 chỉ là 5,8%, trong khi
mục tiêu ban đầu đề ra cho giai đoạn này là tăng từ 7 đến 7,5% (sau được
điều chỉnh xuống còn ở mức tăng từ 6,5 đến 7%).
Lạm phát cho cả
giai đoạn ước thực hiện ở mức tăng 9,2%, cũng không đạt so với mục tiêu
đề ra là tăng từ 5 đến 7%. Việt Nam phải đánh đổi rất lớn giữa tăng
trưởng và lạm phát. Bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm
soát.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
No comments:
Post a Comment