Friday, June 14, 2013

Vận chuyển phục vụ Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng

Gọt chân cho vừa giày 

khắc dũng   -Thứ Sáu, 14/06/2013, 15:54 (GMT+7)
 
Tuần đầu tháng 6, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã có chuyến kiểm tra hệ thống giao thông và tình hình vận tải phục vụ cho hoạt động của dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng.
 
Qua thị sát hiện trường và làm việc với BQL Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng và Cty Cổ phần Vận tải Sài Gòn (đơn vị vận chuyển alumin từ nhà máy bauxite nhôm Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng về cảng Gò Dầu, Đồng Nai), đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ đã kết luận như một lời nhắc nhở: Phải nghiêm túc thực hiện nội dung văn bản của Tổng cục Đường bộ là cần đảm bảo đúng tải trọng cho phép của xe trước khi rời nhà máy, xe nào quá tải thì phải hạ tải ngay!

NỖI LO SẬP CẦU

Ông Trần Dương Lễ - Phó GĐ BQL Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng – báo cáo với đoàn công tác: Từ đầu năm đến hết ngày 31/5, đơn vị vận tải đã thực hiện khối lượng vận chuyển hai chiều phục vụ cho Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng được 16.000 tấn alumin (từ Lâm Đồng đi Đồng Nai) cùng với hơn 80.000 tấn than và sút (từ Đồng Nai đến Lâm Đồng).

Tuyến quốc lộ 20 (Đà Lạt – TP.HCM) dự kiến có khoảng 300 xe tải vận chuyển alumin có tải trọng 40 tấn/xe qua lại mỗi ngày đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Ông Lễ cũng công nhận rằng, thời gian đầu năm đã xảy ra hiện tượng vận chuyển quá tải (trên 30 tấn), nhưng sau khi được dư luận phản ánh và đặc biệt là sau khi có văn bản chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ thì hiện tượng này đã được chấn chỉnh. Cụ thể của việc “chấn chỉnh” này là cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát trọng tải của xe trước khi xe rời khỏi nhà máy alumin, xe nào quá tải sẽ được hạ tải ngay.

Ông Hoàng Quốc Hội, Phó Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Vận tải Sài Gòn cho biết: Được sự cho phép của Bộ GTVT, ngay từ năm 2010, Cty đã nhập từ nước ngoài về Việt Nam 50 xe đầu kéo có tải trọng từ 48-52 tấn. Với loại xe này, tải trọng cho phép khi vận chuyển alumin lên đến trên 35 tấn (hàng, không tính trọng lượng mỗi xe là 14 tấn). Trong khi đó, hệ thống cầu đường trên tuyến quốc lộ 20 hoàn toàn không cho phép loại xe có trọng tải lớn đến mức trên 25 tấn được lưu hành. Ví dụ như cầu La Ngà, cây cầu huyết mạch trên tuyến lộ này, theo kết quả kiểm định của Tổng cục Đường bộ cách nay hai năm chỉ có tải trọng cho phép là 23 tấn. “Xe vận chuyển alumin trên 25 tấn lưu thông trên tuyến này thường xuyên sẽ rất có thể gây sập cầu” – một thành viên trong đoàn công tác tỏ ra lo lắng. Song, nếu chỉ vận chuyển 9 tấn alumin (cùng với trọng lượng của xe là 14 tấn) để đảm bảo an toàn cho cầu, trong khi tải trọng cho phép của xe từ 48-52 tấn, thì đây quả là một sự lãng phí vô cùng lớn.

KIỂM SOÁT CHẶT

Tuyến vận chuyển alumin từ nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) đi Gò Dầu (Đồng Nai) phải qua tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng), qua hai quốc lộ 20 và 51, qua tỉnh lộ 769 (Đồng Nai) với khoảng 20 cây cầu lớn nhỏ; trong đó, cầu có trọng tải cao nhất cũng không quá 25 tấn. Theo Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, khi nhà máy alumin Tân Rai vận hành 100% công suất thì mỗi ngày sẽ có khoảng 300 lượt xe có trọng tải 40 tấn qua lại (150 lượt đi và 150 lượt về) trên các tuyến đường này. Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ đã thống nhất với các bên liên quan nội dung: Trước mắt, Tổng cục sẽ có phương án cải tạo cầu La Ngà để nâng tải trọng; về lâu dài, cầu này sẽ được xây dựng mới.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn, các đơn vị hữu trách cùng với tỉnh Lâm Đồng cần lập ngay trạm cân kiểm soát tải trọng và bãi hạ tải để kiểm tra chặt việc vận chuyển alumin và nhiên liệu cùng với nguyên liệu phục vụ nhà máy alumin Tân Rai. Có nghĩa là cùng với việc kiểm soát chặt ngay từ khi xe chưa rời nhà máy thì trong quá trình lưu thông trên đường, xe vận tải phục vụ tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng còn được kiểm tra chặt tại trạm cân kiểm soát tải trọng (dự kiến đặt tại địa bàn TP Bảo Lộc, Lâm Đồng); và, cùng với việc xử phạt còn phải tiến hành hạ tải ngay tại chỗ (bãi hạ tải dự kiến cũng được đặt gần trạm cân).

Chắc chắn trong tương lai, tuyến đường vận chuyển bauxite từ Tân Rai (Lâm Đồng) và cả nhà máy Nhân Cơ (Đắk Nông) về Gò Dầu (Đồng Nai) phải được nâng cấp với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng theo dự kiến. Còn trong thời gian trước mắt, việc vận chuyển alumin trên các tuyến đường này vẫn cứ phải “gọt chân cho vừa giày” vậy!

No comments:

Post a Comment