Monday, October 13, 2014

Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

(Thứ hai, 13/10/2014 - 16:40)
 
(TN&MT) - Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính thí điểm tại Việt Nam đã giúp giảm hàng triệu tấn khí thải mỗi năm, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu,…
 
Giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề mà Việt Nam đang hướng đến. Nhiều chương trình và dự án về thích ứng đã được tập trung triển khai. Đặc biệt lĩnh vực canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính đang được phát triển trên diện rộng.
 
Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, tổng lượng phát thải ở Việt Nam là 150,9 Tg CO2 (triệu tấn), trong đó lượng phát thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp là 65,09 Tg CO2, chiếm tỷ trọng cao nhất (43,1%) của tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia; trong đó khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải chiếm tỷ trọng cao nhất (57,5%) của khu vực nông nghiệp.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã nhận định,việc xây dựng các phương án giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp có một vai trò rất quan trọng. Ngành nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn là ngành gây ra phát thải nhà kính rất lớn. Nông nghiệp chiếm 43,1% tổng lượng phát thải nhà kính quốc gia, trong đó canh tác cây lúa nước chiếm 57,3%.
 
Với sự tài trợ của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Thủy lợi Hà Nội và Sở NN&PTNT An Giang đã phối hợp triển khai dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính Việt Nam” (VLCRP) giai đoạn 1 (2010-2012) tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
 
Từ tháng 7/2012, được sự tài trợ của Cơ quan Viện trợ của Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Úc, EDF cùng các đối tác của Đại học Cần Giờ và Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang và An Giang thiết kế và triển khai giai đoạn 2 của dự án (2012-2014).
 
Mô hình canh tác lúa mới này giúp giảm sử dụng giống 50%, phân bón giảm 30%, thuốc trừ sâu giảm 30%-40%...
 
Dự án được triển khai đối với 400 nông hộ tại HTX Kênh B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và HTX Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang) với quy mô 540 ha/vụ.
 
Sau thời gian triển khai, dự án đã cho những kết quả rất khả quan, mở ra triển vọng phát triển nền nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
 
Bà Trần Thu Hà, đại diện của EDF cho biết: “Dự án đã giúp tăng năng suất lúa từ 10%-15%, tăng thu nhập cho người nông dân từ 5%-10%; đồng thời giảm 7,7 tấn khí thải/ha/năm tại An Giang và giảm 45 tấn khí thải/ha/năm tại Kiên Giang, giúp bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái”.
 
Theo bà Hà, mô hình canh tác lúa mới này còn giúp giảm sử dụng giống 50%, phân bón giảm 30%, thuốc trừ sâu giảm 30%-40%, nước giảm từ 40%-50% và giảm công lao động sử dụng từ 20%-30%.
 
Chính vì thế, mô hình canh tác đã giúp tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường (bio-rice); đồng thời tạo ra sự gắn kết mô hình “4 nhà” bao gồm cả hợp tác công - tư thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của khối kinh tế tư nhân vào mô hình dự án.
 
Nhờ những kết quả khả quan trên, mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính sẽ được xem xét để tiếp tục mở rộng tại Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm gạo uy tín, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của trong nước và xuất khẩu.
 
Nhị Giang
 

 
Cập nhật lúc 09h11' ngày 02/03/2012


Lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp mỗi năm tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Dự báo lượng khí thải đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng lên gần 30%.

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả phế phụ phầm nông nghiệp để cải thiện độ phì đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát thải khí nhà kính”. Hội thảo do Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đồng tổ chức vào hôm 29/2 tại Hà Nội.

Hoạt động nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính cao
Hoạt động nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính cao
(Ảnh chụp tại cánh đồng huyện Mê Linh -  Hà Nội)
 
Theo các nhà khoa học, việc tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học, khí sinh học…không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng động.

Tuy nhiên, việc tái sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. TS Cao Việt Hưng, Cục trồng trọt cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng phân phân bón hữu cơ tại Việt Nam là rất lớn, ước tính khoảng 13 triệu tấn/năm trong khi công suất sản xuất của các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trong nước chỉ đạt 500 nghìn tấn/năm, rất thấp so với nhu cầu. Trong khi đó chỉ tính riêng một số cây trồng chính như lúa, ngô, cà phê, mía mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm. “Với 50 triệu tấn phế phụ phẩm, nếu được xử lý theo đúng các quy định thì việc sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ là hoàn toàn có thể thực hiện được”, TS Hưng nói.

Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện trên cả nước đã có trên 500 nghìn công trình khí sinh học sản xuất ra khoảng 450 triệu m3 khí gas/năm, tiềm năng sẽ giảm khoảng 22,6 triệu tấn CO2 và tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng chất đốt/năm. Theo Th.S Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục chăn nuôi, với gần 100 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra mỗi năm nhưng việc xử lý nguồn chất thải này đến nay còn quá khiêm tốn.

Nhằm cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền nông nghiệp carbon thấp, thân thiện với môi trường, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, ngành trồng trọt giảm được 9,46 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn CO2, thủy sản giảm được 3 triệu tấn CO2 và ngành nghề nông thôn giảm được 4,78 triệu tấn CO2.
 

No comments:

Post a Comment