Wednesday, October 22, 2014

TQ sẽ dùng tàu tiếp tế mới xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?

Giáo dục Việt Nam


 
(GDVN) - Tàu tiếp tế phái sinh của lớp Đại Vận Type 904A đã có nhà chứa máy bay trực thăng, sẽ dùng cho các hoạt động bất hợp pháp ở biển đảo Việt Nam.

Tàu tiếp tế mới lớp 15.000 tấn của Trung Quốc (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 10 dẫn trang mạng "Jane's Defense Weekly" ngày 19 tháng 10 đưa tin, các hình ảnh trên mạng internet của Trung Quốc đã cho biết về 2 tàu hỗ trợ của Công ty TNHH quốc tế đóng tàu Quảng Châu, trong đó một chiếc hầu như là tàu phái sinh (phiên bản mới) của tàu vận tải tiếp tế lớp Đại Vận Type 904A.

Tàu phái sinh mới và tàu tiếp tế Phủ Tiên có sự khác biệt rõ rệt, bởi vì tàu mới trang bị đường băng và nhà chứa có thể sử dụng cho máy bay trực thăng, trong khi đó tàu tiếp tế Phủ Tiên chỉ có đường băng.

Theo bài báo, tàu cải tiến mới hầu như được chế tạo để thực hiện nhiệm vụ tương tự ở khu vực nước nông xung quanh các đảo, đá ngầm ở Biển Đông. Điều này cũng phù hợp với tình hình mở rộng (bất hợp pháp) hạ tầng cơ sở quân sự của Hải quân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa hiện nay.

Bài báo cho biết, trong 2 tàu hỗ trợ có hình ảnh trưng lên trên internet của Trung Quốc, 1 tàu là tàu tiếp tế tổng hợp lớp Phúc Trì Type 903 chiếc thứ năm. 2 chiếc trước của tàu tiếp tế tổng hợp lớp Phúc Trì đã trang bị cho Hải quân Trung Quốc vào năm 2004, đến năm 2013 còn có 2 tàu Type 903A lớn 23.000 tấn biên chế.

Những tàu tiếp tế này được ứng dụng rộng rãi hỗ trợ cho các tàu chiến Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển, loại tàu hỗ trợ này thường thực hiện nhiệm vụ bố trí lực lượng đặc biệt trong thời gian 10 tháng liên tục.

Số lượng tàu hỗ trợ tăng nhiều cho thấy Trung Quốc đang ra sức xây dựng năng lực hỗ trợ hậu cần trên biển cho các hành động tầm xa.

Tàu tiếp tế Phủ Tiên số hiệu 888 Type 904A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Chiếc thứ hai có hình ảnh trưng trên mạng internet của Trung Quốc xem ra là tàu phái sinh mới của tàu vận tải tiếp tế lớp Đại Vận Type 904A lớp 15.000 tấn. Chiếc tàu vận tải tiếp tế Đại Vận đầu tiên mang tên Phủ Tiên số hiệu 888 được biên chế vào năm 2007.

Năm 2012, truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu tiếp tế Phủ Tiên được chế tạo để vận chuyển tiếp tế (bất hợp pháp) cho các lực lượng đồn trú Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Từ năm 2009 đến năm 2012, tàu này đã hoàn thành hơn 10 lần nhiệm vụ thay phiên đóng quân và vận chuyển tiếp tế vật tư.

Hai bên thân tàu của tàu tiếp tế Phủ Tiên và tàu phái sinh đều trang bị cần trục xuống, dùng để triển khai tàu nhỏ hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển nhân viên và vật tư. Chúng hoàn toàn không phải là tàu tiếp tế hàng hải bình thường, tàu phái sinh hầu như được chế tạo dùng cho thực hiện nhiệm vụ tương tự (bất hợp pháp) ở vùng nước nông xung quanh các đảo, đá ngầm ở Biển Đông. Điều này cũng phù hợp với tình hình mở rộng (bất hợp pháp) hạ tầng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa của Hải quân Trung Quốc hiện nay.

Đầu và đuôi tàu tiếp tế Phủ Tiên trang bị 2 khẩu pháo 37 mm và 2 khẩu pháo có cỡ nòng khá nhỏ. Tàu phái sinh và tàu tiếp tế Phủ Tiên có sự khác biệt rõ rệt, bởi vì tàu mới trang bị đường băng và nhà chứa có thể sử dụng cho máy bay trực thăng, trong khi tàu Phủ Tiên chỉ có đường băng, kho chứa ở đuôi tàu phái sinh có một khẩu pháo 37 mm. 

Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Tuy tàu tiếp tế Phủ Tiên đã trang bị cho Hải quân Trung Quốc, nhưng trong một thời gian lại từng do Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc kiểm soát. Sau đó, tàu này lại do Hải quân Trung Quốc chỉ huy, kiểm soát, nguyên nhân còn chưa rõ.

Xem ra, tàu phái sinh mới sẽ trang bị cho Hải quân Trung Quốc, bởi vì có thể chở một máy bay trực thăng, cho nên có thể hơn hẳn tàu tiếp tế Phủ Tiên. Điều này cũng có thể ngầm cho thấy số lượng máy bay trực thăng triển khai trên biển trong tương lai sẽ ngày càng tăng.

Hình ảnh đầu tiên của tàu tiếp tế Type 904 chỉ là một hình chiếu đuôi tàu, khi đó mọi người suy đoán đây là tàu tiếp tế cỡ lớn lớp mới (trên 30.000 tấn), trong tương lai sẽ dùng cho các hành động hỗ trợ cụm chiến đấu tàu sân bay. Ngoài cần tiếp tế nhiên liệu hàng không, thiết bị đẩy của tàu sân bay động cơ thông thường cũng cần bổ sung nhiên liệu, đây là hạn chế của loại tàu sân bay này.

Tàu hỗ trợ của cụm chiến đấu tàu sân bay cần thiết có khả năng hỗ trợ cho tàu sân bay và tàu hộ tống của nó, tốc độ và khả năng chạy liên tục của nó cần tương đương với hành động của tàu sân bay. Vì vậy, dự kiến Trung Quốc sẽ chế tạo một loại tàu tiếp tế nhiên liệu mới cỡ lớn hơn, cho dù mãi đến khi Hải quân Trung Quốc triển khai tàu sân bay ở nước ngoài thì nhu cầu này mới xuất hiện.

Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ số hiệu 885 lớp Nam Thương, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa)

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ: TQ không thay đổi âm mưu độc chiếm Biển Đông

THEO DÂN VIỆT
 
(GDVN) - Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi.

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 21.10 về tình hình kinh tế - xã hội, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá: Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: công tác đối ngoại rất quan trọng, nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác đối ngoại. (ảnh minh họa, nguồn: internet)

Mở đầu phần thảo luận của mình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ nhận định: Thời gian qua, Chính phủ đã có điều hành quyết liệt để đối phó với những biến động của tình hình Biển Đông tác động đến đời sống KT-XH, vì thế chúng ta đã xử lý tốt vấn đề Biển Đông bằng sự kết hợp hài hòa giữa quân và dân. Thậm chí, nhiều người dân đã kiên quyết bám biển, nhiều người bị thương vẫn tiếp tục đòi ra tuyến đầu. Không những thế, trên mặt trận ngoại giao chúng ta cũng đã xử lý tốt vì nếu chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến xung đột quân sự rất lớn.

“Theo tôi, Đảng và Chính phủ chỉ đạo rất tốt, kết hợp với dư luận quốc tế đã giải quyết ổn thỏa tình hình”, Thứ trưởng Đỗ Bá Tỵ khẳng định.

Về các đối sách trong thời gian tới, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của họ là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. Điều này buộc chúng ta  phải có những chuẩn bị trước về mọi mặt thật tốt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế.

Nếu lĩnh vực ngoại giao làm tốt, lĩnh vực quốc phòng an ninh tốt thì đây chính là điều kiện tiên quyết tạo ra môi trường phát triển thuận lợi về KTXH - thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nhận định, công tác đối ngoại rất quan trọng, nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác đối ngoại. “Ta cũng có thế mạnh về công tác này, có quan hệ với nhiều nước, đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không liên kết với ai để chống lại các nước khác. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, thực hiện được việc đó là rất khó chứ không phải đơn giản: Từ sau khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau rất quyết liệt trong khi VN có một vị trí địa chính trị rất quan trọng, các nước ai cũng phải để ý đến. Cho nên lúc này ta  phải giữ vững đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giếng như Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Về sức mạnh an ninh quốc phòng, Thứ trưởng dẫn chứng: Như Triều Tiên mặc dù là nước bé nhưng ai bảo người ta yếu? Bởi họ sở hữu một khối lượng vũ khí lớn và hiện đại. Nói vậy để thấy nhất thiết một quốc gia phải có được lĩnh vực quốc phòng an ninh đủ mạnh, đủ yếu tố để răn đe các nước khác bởi trước khi người ta tấn công mình thì họ phải đánh giá khả năng quân sự, an ninh quốc phòng của mình đến đâu.

Về cuộc đấu tranh trên biển, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng sẽ còn lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai nữa nên cần nhất quán với phương châm: Quyết liệt nên phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, mềm dẻo. Bên cạnh đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự thì sẵn sàng chủ động.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình huống xấu nhất.

“Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói rồi: Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công  tác chuẩn bị sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Báo Trung Quốc: Đoàn Việt Nam sang thăm có 12 sỹ quan cấp tướng

 
(GDVN) - Báo chí TQ đã có một số bài viết phản ánh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, báo GDVN đăng tải toàn bộ nội dung để độc giả tham khảo.


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Trung Quốc (nguồn mạng Bộ Quốc phòng TQ)

Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam thăm Trung Quốc có quy mô

Các tờ báo điện tử Trung Quốc ngày 17 và 18 tháng 10 đưa tin, nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ ngày 16 - 18 tháng 10 năm 2014.

Trong đoàn có 16 quan chức cấp cao Việt Nam, trong đó có 12 người mang quân hàm cấp tướng (6 Trung tướng, 6 Thiếu tướng) và 1 người mang quân hàm Đại tá, lần lượt đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Không quân, Hải quân, Biên phòng, Thông tin và 2 Quân khu.

6 Trung tướng của đoàn đại biểu Việt Nam gồm có Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng; Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Dương Đức Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2; Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung tướng Phạm Hồng Hương, Tư lệnh Quân khu 3...

Hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 17 tháng 10, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. 

Ngày 17 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc (nguồn Tân Hoa xã)

Trong cuộc hội đàm, ông Thường Vạn Toàn cho rằng, quân đội hai nước Trung Quốc và Việt Nam sẽ tuân thủ chặt chẽ đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước, phát huy vai trò tích cực trong xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ông Lý Khắc Cường nói, hai bên Trung Quốc và Việt Nam cần nắm lấy phương hướng lớn phát triển quan hệ hai nước, xử lý thỏa đáng và quản lý, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường cần thiết và có lợi cho hợp tác song phương.

Theo ông Lý, hai bên cần hoạch định, điều phối thống nhất và tốt đẹp cục diện tổng thể hợp tác cùng có lợi, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển, trên bộ. Hy vọng Việt Nam “đi cùng một hướng” với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác thiết thực, hiệu quả. 

Trung Quốc hy vọng hai bên đi cùng một hướng

Theo Tân Hoa xã, sáng ngày 17 tháng 10 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng Trung Quốc (Bát Nhất đại lầu), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có cuộc hội đàm với ông Thường Vạn Toàn.

Trong hội đàm, ông Thường Vạn Toàn cho rằng, trong bối cảnh quan hệ Trung-Việt bắt đầu khôi phục hiện nay, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao lớn đến thăm Trung Quốc đã thể hiện ý nguyện chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Quân đội Việt Nam, hy vọng hai bên “đi cùng một hướng”, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển lành mạnh, ổn định.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc hội đàm (nguồn Tân Hoa xã)

TQ viết: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói, Đảng và Quân đội Việt Nam rất coi trọng quan hệ Việt-Trung, quý trọng tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung, thực sự hy vọng tăng cường trao đổi, hợp tác với Trung Quốc, hy vọng quân đội hai nước có thể trở thành lực lượng trụ cột bảo vệ hữu nghị Việt-Trung

Hai bên đã đạt được “Đồng thuận nguyên tắc 3 điểm” về tiếp tục phát triển quan hệ quân sự song phương:

Một là dựa trên phương châm 16 chữ “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từng bước khôi phục và thúc đẩy quan hệ quân đội hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Hai là quân đội hai nước tăng cường đoàn kết, cung cấp bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ba là tuân thủ đồng thuận quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò tích cực trong xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định. 

Quân đội hai nước sẽ thiết lập đường dây điện thoại nối thẳng bảo mật

Theo kế hoạch, trong thời gian chuyến thăm, hai bên sẽ ký tắt Bản ghi nhớ kỹ thuật về việc thiết lập đường dây điện thoại nối thẳng bảo mật giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Tham dự cuộc hội đàm lần này, về phía Trung Quốc, ngoài ông Thường Vạn Toàn, còn có Phó Tổng tham mưu trưởng Ất Hiểu Quang, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ân Phương Long, Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu Từ Phấn Lâm, Phó tư lệnh Hải quân Đỗ Cảnh Thần và Phó tư lệnh Không quân Trương Kiến Bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hội kiến với Phó chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều

Hội kiến với Phó chủ tịch nước Trung Quốc 

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 10 đưa tin, ngày 17 tháng 10, tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã hội kiến với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

Ông Lý Nguyên Triều nói, Trung Quốc và Việt Nam đều đang ở trong giai đoạn quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, hai bên cần tăng cường trao đổi chiến lược, tăng cường lòng tin chính trị, quản lý và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thúc đẩy cùng khai thác, tăng cường hợp tác thiết thực, duy trì quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói, quan hệ hai nước Việt-Trung mật thiết, có lợi ích chung rộng rãi. Quân đội Việt Nam sẵn sàng đóng góp cho thúc đẩy quan hệ hai nước, hai quân đội phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài, bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực.

Hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 10 đưa tin, ngày 18 tháng 10 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có cuộc hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long. 

Ngày 18 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hội kiến với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (nguồn Tân Hoa xã)

Ông Phạm Trường Long cho rằng, quân đội hai nước Trung-Việt có trách nhiệm quan trọng và gánh vác lịch sử trong việc bảo vệ và phát triển quan hệ hai nước, cần luôn đóng góp tích cực, “quản lý và kiểm soát tốt quân đội, không nói những lời có hại cho tình cảm nhân dân hai nước, không làm những việc ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước”.

Ông Phạm Trường Long nói: “Láng giềng là không thể dời đi, hai nước Trung-Việt chung sống hữu nghị, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng phát triển phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Dựa vào nguyên tắc chỉ đạo do lãnh đạo hai nước xác định, hai bên đã đạt được một số đồng thuận nguyên tắc về phát triển quan hệ quân sự song phương. Trung Quốc sẵn sàng cùng phía Việt Nam, đưa những đồng thuận và thành quả liên quan đi vào thực tế, thúc đẩy quan hệ hai nước, hai quân đội không ngừng cải thiện và phát triển”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói, hai nước Việt-Trung núi sông liền nhau, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa hai nước, củng cố tình hữu nghị truyền thống hai nước, hai quân đội phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Việt Nam sẵn sàng cùng phía Trung Quốc tăng cường đoàn kết, hợp tác, xử lý thỏa đáng mâu thuẫn, bất đồng, cùng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung không ngừng củng cố và phát triển. Hy vọng quân đội hai nước tích cực phát huy vai trò trên phương diện bảo vệ quan hệ song phương, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ân Phương Long, Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu Từ Phấn Lâm, Phó tư lệnh Hải quân Đỗ Cảnh Thần, Phó tư lệnh Không quân Trương Kiến Bình đã tham gia cuộc hội kiến này. 

Trước đó, ngày 16 tháng 10 năm 2014, tại Milan, Italia, bên lề hội nghị cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Tư liệu và bình luận

Mạng “Quan sát” Trung Quốc ngày 17 tháng 10 cho rằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh năm 2006 bắt đầu làm Bộ trưởng Quốc phòng, là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

Khi Việt-Trung đang đối đầu trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (Trung Quốc kéo giàn khoan 981 và đội tàu quân sự - bán quân sự khổng lồ xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam), trong thời gian Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc-ASEAN ngày 19 tháng 5, ông Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng đã hội kiến với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ở Myanmar.

Về cuộc gặp này, tờ “Quan sát” đã đăng tải những phát biểu của hai bên về vấn đề có liên quan đến giàn khoan Hải Dương Thạch Du-981. Những phát biểu của phía Trung Quốc không những không thừa nhận sai lầm, mà còn thể hiện thái độ trịch thượng trong khi đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam cũng như đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Tờ “Quan sát” cũng không đăng tải đầy đủ về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trong cuộc gặp này.

Ngoài ra, những thông tin trên báo chí Trung Quốc về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lần này cũng như cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Lý Khắc Cường (ngày 16 tháng 10 năm 2014) rõ ràng cũng không đăng tải đầy đủ các nội dung phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Việt Nam, cho thấy truyền thông Trung Quốc rõ ràng luôn tính toán thêm bớt các nội dung... 

Giàn khoan dầu khí nước sâu Hải Dương Thạch Du-981 Trung Quốc

Để có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn và toàn diện hơn về nội dung cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Lý Khắc Cường và nội dung chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, độc giả cần đọc thêm về các cuộc gặp và hội đàm này qua phản ánh chính thức của báo chí Việt Nam.

Khi đó, độc giả sẽ thấy rõ Việt Nam có lập trường rõ ràng trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng hiện nay do Trung Quốc đang có nhiều hành động bất hợp pháp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment