Sunday, February 1, 2015

Bao giờ người nông dân sống được với cây lúa?



Ngọc Hùng
Thứ Tư,  28/1/2015, 20:59 (GMT+7)


(TBKTSG Online) - Câu hỏi lớn nhất được nêu ra trong buổi hội thảo lấy ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2015-2030 là bao giờ  người nông dân có thể sống được với cây lúa, hay làm cách nào để nâng cao đời sống người nông dân. Câu trả lời vẫn chưa có.

Làm sao để nông dân trồng lúa sống được từ công việc của mình là mục tiêu của đề án tái cơ cấu lần này. Ảnh: NH

Ngày 28-1, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã tổ chức buổi lấy ý kiến cho dự thảo Đề ái tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam tầm nhìn 2015-2030 với sự tham dự của các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như đại diện Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, người được giao làm chủ đề án, cho biết mục tiêu quan trọng nhất của đề án là nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích, công bằng và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó, nhưng vào thời điểm trước năm 1986 - thời điểm trước Đổi Mới - họ vẫn không làm đủ cái ăn. Sau Đổi mới, Việt Nam đã sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng và xuất khẩu mấy triệu tấn gạo mỗi năm nhưng cuộc sống người nông dân vẫn rất khó khăn. Vì thế, "điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải có một chính sách đúng để người nông dân có thể sống được với nghề nông."

Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Làm, Ủy viên thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam, cho rằng trong những năm qua, Việt Nam đã tìm mọi cách để tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Hai yếu tố này đã đạt ngưỡng của nó, vì thế để nông dân sống được, việc bây giờ là làm sao giảm được giá đầu vào cũng như nâng giá bán sau mỗi vụ.

“Nếu chúng ta không làm gì để giúp nông dân thoát khỏi hai gọng kìm này thì đừng nói gì đến thành công của việc tái cơ cấu lần này,” ông Làm nói.

Trong dự thảo đề án của mình, ông Sơn đặt mục tiêu nông dân trồng lúa có lợi nhuận ít nhất là 30%. Tuy nhiên, một số đại biểu khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo cho rằng, mục tiêu lợi nhuận 30% đã đạt được rồi nên nếu đặt ra mục tiêu này thì đâu cần đến tái cơ cấu làm gì nữa.

"Lợi nhuận 30% từ lúa, nông dân đã đạt được mà vẫn không sống được với nghề nông nên chúng ta mới tìm cách tái cơ cấu. Do đó, ý kiến 30% mức lợi nhuận theo tôi cũng cần xem lại, vì mục tiêu là làm sao cho nông dân sống được chứ không chỉ là đặt ra những con số về lợi nhuận," một đại biểu cho biết.

Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, đề án đặt mục tiêu trong vòng 15 năm (từ 2015 đến 2030) có lẽ là quá dài vì trước đây, chỉ cần Việt Nam thay đổi chính sách mà điểm nổi bật là khoán 10 thì chỉ sau vài năm Việt Nam đã đủ ăn và bắt đầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng tỏ ra băn khoăn là đề án tái cơ cấu này nếu chỉ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và thực hiện thì sẽ ít tác dụng. Lý do là vì Bộ Nông nghiệp lâu nay có thế mạnh về các giải pháp sản xuất, nâng cao chất lượng, trong khi việc kinh doanh xuất khẩu lại do Bộ Công thương quản lý. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa các bộ, mọi việc sẽ chỉ dừng lại ở ý kiến chuyên gia mà thôi.

Thương nhân xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu
Ngọc Hùng
Thứ Hai,  26/1/2015, 13:52 (GMT+7)

(TBKTSG Online) – Trong thời gian tới, thương nhân xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu tương ứng với lượng gạo xuất khẩu trước đó.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NH


Đây là một những những quy định được Bộ Công Thương đưa ra trong Quyết định mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.
Mục đích của quy định này là chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân với nông dân, gắn kết lợi ích với trách nhiệm các bên trong quan hệ liên kết.

Quyết định có hiệu lực từ 1-3-2015.

Theo quyết định, quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công Thương xác định dựa trên lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2013 của từng thương nhân.

Đối với những thương nhân xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 héc ta, từ năm thứ hai trở sẽ tăng thêm 300 héc ta mỗi năm. Thương nhân có lượng gạo xuất khẩu từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn gạo/năm, năm đầu làm 800 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 500 héc ta.

Với những thương nhân xuất khẩu từ trên 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 1.200 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 800 héc ta. Còn thương nhân xuất khẩu từ 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 2.000 héc ta và những năm sau tăng thêm 1.500 héc ta.

Trong quyết định này, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương thức xây dựng vùng nguyên liệu để thương nhân lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn, thứ hai là không xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trồng lúa. Thứ ba là xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.

Ông Hoàng Lâm, Giám đốc công ty cổ phần Hưng Lâm, An Giang, cho biết, từ nhiều tháng nay, công ty ông đang làm những thủ tục cần thiết để phát triển cánh đồng lớn. Song, điều khó khăn nhất của doanh nghiệp là để đầu tư vào đây phải có nguồn vốn ban đầu khá lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có để làm.

Tuy nhiên, theo phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng may là trong quyết định nói trên của Bộ Công Thương không làm khó cho doanh nghiệp vì đưa ra nhiều phương án cho doanh nghiệp lựa chọn. Vì thế, đối với những doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để làm cánh đồng lớn sẽ chọn phương án ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Cách này, về lý thuyết có ưu điểm là doanh nghiệp sẽ không lo bị thương lái mua hết lúa vì đã có hợp đồng mua bán với nông dân rồi.

Xem thêm
>>> TGĐ Vinafood 2: kinh doanh gạo cần đổi mới chiến lược
>>> Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc lên tới 2 triệu tấn

No comments:

Post a Comment