Wednesday, February 11, 2015

Sắp mở toang cánh cửa thị trường


T.Thu
Thứ Bảy,  7/2/2015, 15:08 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào ngày 31-12-2015, và cùng với các hiệp định thương mại được ký kết xoay quanh mốc thời gian này hoặc vài năm sau đó, cánh cửa thị trường sẽ mở toang, đặt các doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh lớn. Các diễn giả tại một tọa đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức tại TP.HCM hôm qua, 6-2, đã đồng lên tiếng cảnh bảo về nguy cơ tụt hậu nếu các doanh nghiệp trong nước không tích cực chuẩn bị cho hội nhập.

Với sự hình thành AEC vào cuối năm 2015, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là sức ép cạnh tranh, đến ngay lập tức, và trực diện nhất. Ảnh minh hoạ: TL TBKTSG.

Cơ hội và thách thức đan xen

Tại toạ đàm “Hội nhập quốc tế - Một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ 2015” do Bộ Ngoại giao tổ chức hôm 6-2 tại TPHCM, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Vụ trưởng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam – Bộ Ngoại giao, nhắc lại việc cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào ngày 31-12-2015. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là, khi thức dậy vào buổi sáng đầu năm 2016, người dân ASEAN bỗng thấy cộng đồng được hình thành, mà trên thực tế các cam kết để thành lập cộng đồng này đã được các nước trong khu vực thực hiện theo từng giai đoạn từ lâu, nghĩa là đã có một quá trình chuẩn bị.

Chẳng hạn, về thương mại hàng hóa, nhiều người lo lắng việc thành lập AEC với việc mở cửa thị trường nội khối, hầu hết hàng hoá có thuế suất 0% sẽ tạo thách thức cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, với hiệp định hàng hoá ASEAN (gọi tắt là ATIGA), thuế suất giữa các nước ASEAN 6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia) đã về 0% từ ngày 1-1-2010. Các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) thì được kéo dài thời gian xoá bỏ hàng rào thuế nhập khẩu thêm 5 năm.

Việt Nam đã hạ hơn 80% biểu thuế ASEAN về mức 0% vào 2010, và xoá thêm 10% nữa vào năm 2015, và duy trì 7% dòng thuế và sẽ về mức 0-5% đến 2017. Trong năm 2015, doanh nghiệp sẽ thấy Việt Nam giảm thêm 10% số dòng thuế còn lại, và do đó sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ ASEAN.

Ngoài ra, các nước CLM cũng mở rộng cửa hơn cho hàng hoá ASEAN vào năm 2015, trong đó có Việt Nam. Do đó, năm 2015 cũng được xem là mốc mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất sang các nước này, thông qua việc sử dụng đầu vào sản xuất có xuất xứ từ ASEAN để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan được dần dỡ bỏ, các nước không ngăn chặn hàng nhập khẩu được bằng thuế sẽ chuyển sang tận dụng các rào cản kỹ thuật, ông Nguyễn Vũ Tú cho biết.

Về thương mại dịch vụ, theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), cuối năm 2015, ASEAN sẽ phải hoàn tất 10 gói cam kết dịch vụ (các cam kết này cao hơn các cam kết của Việt Nam khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới - WTO). Do đó, sau năm 2015, thương mại dịch vụ nội khối sẽ tăng, trong đó các mảng được chú trọng là vận tải hàng không, công nghệ thông tin, y tế, du lịch, và logistics.

ASEAN dự kiến hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) để nâng cấp AFAS và làm cơ sở cho hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ sau năm 2015.

Đầu tư, di chuyển thể nhân: không nhiều thay đổi trong 2015

Về đầu tư, hầu hết các ngành/nghề và chế độ đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư ASEAN đã được các nước ASEAN-6 mở vào năm 2010. Việt Nam mở vào năm 2013, do đó đến năm 2015, nhìn chung không có gì thay đổi về việc này đối với Việt Nam. Còn Campuchia, Lào sẽ mở cửa rộng hơn cho đầu tư từ ASEAN vào năm 2015, và với Myanmar là từ năm 2020.

Đối với các nhà đầu tư ngoài khối ASEAN, hầu hết các ngành/nghề và chế độ đối xử quốc gia đã được các nước ASEAN-6 mở vào năm 2010, Campuchia, Lào và Việt Nam mở vào năm 2015, và Myanmar mở vào năm 2020.

Hiện các nước ASEAN đang cố gắng thực hiện xoá bỏ thêm các điều khoản bảo lưu trong Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) để thu hút thêm đầu từ bên ngoài vào ASEAN.

Về di chuyển thể nhân, Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân ký năm 2012 sẽ tạo điều kiện lưu chuyển tự do của lao động có kỹ năng, với các cam kết được đánh giá là rất ấn tượng. Tuy nhiên, việc triển khai cam kết còn chậm, nên chưa có tác động đáng kể vào năm 2015.

Về vốn, việc xây dựng khuôn khổ ASEAN về hội nhập ngân hàng, kết nối thị trường chứng khoán sẽ đảm bảo sự lưu chuyển tự do hơn dòng vốn trong khu vực. Về tài chính, ASEAN đã đàm phán 6 gói tự do hoá dịch vụ tài chính, và đang xây dựng khung tự do hoá về dòng vốn.

Năm bản lề

Tuy nhiên, năm 2015 được xem là năm bản lề cho việc mở toang cánh cửa thị trường cho cạnh tranh, không chỉ từ nội khối ASEAN. Theo ông Nguyễn Vũ Tú, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2015 và sau năm 2015 là chịu sức ép phải tuân thủ các quy định cao hơn về hàng hoá, như an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính phủ Việt Nam chịu sức ép phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. 

Ngoài việc thành lập Cộng đồng ASEAN, từ nay đến năm 2020, doanh nghiệp cũng gặp sức ép lớn hơn khi dự kiến Việt Nam tiếp tục triển khai và hoàn tất đàm phán tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã có 8 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 7 hiệp định) với 57 đối tác. Toàn bộ 57 đối tác này đại diện cho 65% dân số, 95% GDP, và 84% thương mại thế giới. Ngoài ra, đến năm 2018, Việt Nam cũng hoàn tất các cam kết WTO.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, Bộ phận thường trực Ban thư ký APEC 2017 – Bộ Ngoại giao, từ nay đến giai đoạn 2020, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là sức ép cạnh tranh, đến ngay lập tức, và trực diện nhất. Các ngành mà Việt Nam vẫn bảo hộ trong thời gian qua sẽ bị cạnh tranh, như chăn nuôi, sữa, thép, ô tô, mía đường.

Do đó, theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, thách thức trong 5-10 năm tới là những yếu kém của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn bao giờ hết so với 8 năm qua tham gia WTO. Do đó, nếu không giải quyết được các yếu kém, việc này sẽ đẩy nhanh nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước. Hiện nguy cơ tụt hậu giữa Việt Nam với ASEAN-6 đã lộ rõ trong mấy năm qua, trong khi khoảng cách với CLM lại giảm đi.

Theo vị vụ trưởng này, nguyên nhân của việc tụt hậu này là do sự chủ động hội nhập và chuẩn bị của doanh nghiệp, địa phương trong mấy năm qua còn yếu kém. Trong khi đó, thời gian chuẩn bị cho áp lực cạnh tranh của Việt Nam còn quá ngắn.

“Việc thành lập Cộng đồng ASEAN đã gần 20 năm qua rồi, nhưng đến nay, chúng ta vẫn còn bàn về thuế sẽ giảm như thế nào. Doanh nghiệp phải trăn trở tại sao đến 20 năm rồi mà doanh nghiệp vẫn đang bàn về khái niệm Cộng đồng ASEAN,” bà Nguyễn Nguyệt Nga cho biết. 

Trao đổi với báo chí bên lề toạ đàm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cái khó của Việt Nam hiện nay là nhiều doanh nghiệp, người dân chưa nắm bắt được quá trình mà Việt Nam thực hiện, cũng như những cơ hội rất lớn mà Cộng đồng ASEAN đã đề ra. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân của các nước ASEAN-6 đã đầu tư phát triển kinh tế, tăng cường thương mại rất mạnh trong khối, còn doanh nghiệp Việt Nam có vẻ hướng về thị trường bên ngoài nhiều hơn ASEAN.

Xem thêm

Khoảng 80% doanh nghiệp không biết gì về AEC
Việt Nam và AEC 2015

No comments:

Post a Comment